Nạn nhân chất độc da cam/dioxin được hỗ trợ nhà ở, tạo động lực phát triển vươn lên.

    Tỉnh Cà Mau là vùng căn cứ địa cách mạng, với độ che phủ rừng tự nhiên chiếm từ 80 – 90%. Tuy nhiên, từ những năm nửa cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, qua nhiều chiến dịch càn quét, quân đội Mỹ, ngụy đã rải hàng ngàn lít chất độc hóa học, hàng trăm ngàn tấn bom, đạn trên địa bàn tỉnh và đã hủy diệt nhiều thảm thực vật tại các khu rừng. Từ đó, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân cùng cán bộ, chiến sĩ cách mạng tham gia chiến đấu. Sau gần 46 năm kết thúc chiến tranh, những di chứng của chất độc hóa học vẫn còn lưu truyền qua nhiều thế hệ con, cháu của người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Qua rà soát, thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 17.000 nạn nhân bị phơi nhiễm. Trong đó, có trên 7.000 người bị dị dạng, dị tật bẩm sinh do di chứng từ chất độc hóa học dioxin gây ra. 

   Nhằm khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin đã để lại và xoa dịu nỗi đau da cam cho các nạn nhân, tỉnh Cà Mau đã tăng cường triển khai thực hiện nhiều giải pháp, đồng thời kết hợp với công tác tuyên truyền và tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao nhận thức của xã hội đối với việc chung tay chăm lo cho nạn nhân da cam hòa nhập với mọi người và có được cuộc sống ổn định. Qua đó, có nhiều hộ gia đình nhận được sự hỗ trợ về nhà ở, vốn sản xuất,… tạo động lực để các nạn nhân vươn lên phát triển.

    Ông Tạ Văn Diễn, ấp 11, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, cho biết: “Do chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học da cam/dioxin nên sức khỏe của tôi không được ổn định, từ đó gây khó khăn trong việc phát triển kinh tế gia đình. Nhờ có sự chăm lo của các cấp, các ngành, tôi được hỗ trợ 01 căn nhà ở ổn định, nhờ vậy cũng phần nào an tâm hơn để cố gắng vươn lên. Tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ từ phía các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm đã luôn quan tâm đến những người chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam như chúng tôi, bản thân của tôi cảm thấy rất vui vì điều đó và sẽ cố gắng phấn đấu để vươn lên và sống hòa nhập với mọi người”.
 



Gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh luôn nhận được sự thăm hỏi, động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất từ các cấp hội.


    Bên cạnh sự hỗ trợ về nhà ở, vốn sản xuất,… công tác chăm lo sức khỏe, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam cũng không ngừng được quan tâm và từng bước được xã hội hóa. Tại Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần, Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh cũng tổ chức hỗ trợ cho đối tượng nạn nhân chất độc da cam. Cùng với đó, thông qua các hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh kết hợp với công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Đồng thời, thu hút sự quan tâm chú ý và sự ủng hộ ngày càng nhiều của các tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh được tốt hơn.

   Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, các hoạt động chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh bị hạn chế. Ngày kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam tại Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021) tuy đã được tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện, nhưng phải tạm dừng. Tuy nhiên, để hỗ trợ khó khăn kịp thời cho các nạn nhân, nhất là trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, các huyện, thành phố đã tiến hành rà soát, thống kê các hộ gia đình nạn nhân da cam để giúp họ vươn lên. Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện, tình hình thực tế để xem xét, tiến hành tổ chức các hoạt động cho phù hợp, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

    Ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, cho biết: “Do số nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin của tỉnh chiếm số lượng nhiều và hiện tại phải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 nên đời sống của các nạn nhân da cam ngày càng khó khăn. Nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân và khắc phục hậu quả chất độc hóa học đạt hiệu quả tốt, chúng tôi đã yêu cầu các cấp hội nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, xứng đáng với vai trò đại diện cho nạn nhân chất độc da cam. Riêng đối với nạn nhân da cam không nên trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ mà phải cố gắng vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn các ngành, các cấp, đặc biệt là mạnh thường quân tiếp tục đồng hành cùng các nạn nhân chất độc da cam, không bỏ họ ở lại phía sau. Ngoài ra, ngành chức năng trong tỉnh cần tham mưu với cấp ủy Đảng, Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách nhằm cải thiện được chế độ hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội trong thời gian tới”.

                                                                                           Hồng Nhung (Cổng thông tin điện từ Cà Mau)