Trung tướng  Nguyễn Thế Lực –– Phó chủ tịch Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (đứng thứ 3 từ phải sang) trao quà cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh Cà Mau.


     Mang trong mình di chứng chất độc da cam từ người cha tham gia kháng chiến, bà Hồ Thị Thủy, ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình mắc chứng tay chân teo nhỏ, co quắp đi lại khó khăn. Khi lập gia đình, 2 trong số 3 người con của bà cũng bị nhiễm chất độc da cam từ mẹ nên các em mắc rất nhiều bệnh, không thể đi lại và giao tiếp như người bình thường. Cuộc sống khó khăn nên từ nhiều năm nay, căn nhà đã xuống cấp nhưng gia đình không có điều kiện sửa chữa. Vừa qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thới Bình đã hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam” để giúp gia đình bà Hồ Thị Thủy có mái ấm an cư, lạc nghiệp. Bà Hồ Thị Thủy cho biết: “Thời gian qua, được chính quyền địa phương chỉ dẫn tham gia vào tổ hùn vốn, tích góp được số tiền, cộng với số tiền được hỗ trợ, gia đình tôi có điều kiện xây cất căn nhà khang trang, tôi mừng dữ lắm. Giờ có chỗ che mưa, che nắng gia đình cũng không phải lo lắng khi trời mưa bão nữa”.

    Bà Nguyễn Ngọc Cẩm - vợ ông Lâm Văn Ổi, nạn nhân chất độc da cam - ở ấp Tân Thời, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau cho biết: “Chồng tôi hoạt động kháng chiến, không may nhiễm chất độc da cam nên ốm yếu triền miên, không đi làm được. Con gái tôi từ khi sinh ra đến nay cũng nằm một chỗ không biết gì. Vì vậy khó khăn của gia đình ngày thêm chồng chất. Những năm qua, nhờ được chính quyền địa phương, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin quan tâm, hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm... và giúp đỡ xây cất căn nhà đã tiếp thêm động lực để vợ chồng cố gắng vượt qua tình cảnh khó khăn hiện nay”.
 


Bà Hồ Thị Thủy, ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình (đứng giữa) được trao tặng nhà an cư, lạc nghiệp.

   Tỉnh Cà Mau hiện có 17.000 nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, có gần 5.900 nạn nhân chất độc da cam là người hoạt động kháng chiến và con đẻ của người hoạt động kháng chiến được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước. Trong những năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Cà Mau đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như vận động hỗ trợ nhà, thăm hỏi, tặng quà, cho mượn vốn sản xuất… góp phần chung tay cùng cộng đồng xoa dịu nỗi đau, giúp gia đình các nạn nhân vượt qua khó khăn bệnh tật. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các cấp hội đã vận động nguồn lực trợ giúp cho nạn nhân chất độc da cam với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng, duy trì tốt nguồn vốn trên 422 triệu đồng cho nạn nhân chất độc da cam mượn để sản xuất kinh doanh, chăn nuôi trồng trọt. Bà Lê Kim Vân, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau cho biết: “Trong những năm qua, ngoài thực hiện đúng, đủ, kịp thời, các chính sách dành cho các nạn nhân chất độc da cam, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Lý Văn Lâm còn tích cực tuyên truyền, vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ mỗi tháng 10 kg gạo cho các gia đình nạn nhân trên địa bàn. Qua đó, kịp thời nắm bắt tình hình, giúp đỡ những trường hợp khó khăn cần sự giúp đỡ”.
     Nhân kỷ niệm 58 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2019), tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như tổ chức gặp mặt thăm hỏi, tặng quà, trao tặng nhà ở và gửi thư động viên đến tận nhà cho nạn nhân chất độc da cam. Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Cà Mau Nguyễn Xuân Hùng cho biết: “Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam”; chú trọng củng cố xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đẩy mạnh các hoạt động vận động các tổ chức cá nhân ủng hộ nguồn quỹ. Chung tay thực hiện tốt các chương trình nhà ở, hỗ trợ vốn sản xuất, chữa bệnh phục hồi chức năng lao động, học bổng dạy nghề cho con cháu nạn nhân chất độc da cam theo học... Đồng thời, tăng cường các biện pháp khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin cho môi trường và con người, quyết tâm từ đây cho đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau khắc phục cơ bản hậu quả do chất độc hóa học dioxin gây ra”.
 

Trúc Đào (Cổng Thông tin điện tử Cà Mau)