Theo lời hẹn, 7 giờ kém, chúng tôi đã có mặt tại nhà anh Phong, Ấp 2, xã Trí Phải, để kịp gặp trước khi anh lên rẫy. Tuy nhiên, khi tìm đến thì cửa nhà đóng, tôi gọi điện thoại, anh Phong cho hay đã qua rẫy từ 5 giờ sáng, tranh thủ tưới rau trước giờ nắng lên, do gần đây hạn, rau thiếu nước…Thường anh Phong qua rẫy đến gần xế mới về nhà, nên chúng tôi phải tìm đến rẫy để gặp anh.

Quyết tâm chiến thắng  cái nghèo

   Tôi cùng Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Trí Phải Nguyễn Văn Toàn hỏi thăm bà con đường đến rẫy anh Phong. Khi nhắc tên anh Phong, mọi người thông tin với thái độ tích cực và ánh mắt ngưỡng mộ: “Phong cụt tuy chân yếu, đi lại khó khăn nhưng siêng năng, chịu khó hết phần thiên hạ. Sáng nào vợ chồng nó cũng chạy vỏ máy ngang qua đây, có khi về chở đầy xuồng rau, cải… Gần đây nó cất nhà tường, mọi người mới chưng hửng, công nhận nó hay và giỏi thật”.

   Tuy rẫy cách nhà chỉ hơn 3 cây số, nhưng do xe máy không tới nơi nên hàng ngày vợ chồng anh Phong phải đi bằng xuồng máy. Khi xe chúng tôi đến cách rẫy anh Phong tầm 1 cây số thì cùng đường, anh Phong chạy vỏ máy ra rước chúng tôi. Nơi đó, có căn nhà nhỏ để vợ chồng anh nghỉ ngơi, trú mưa nắng, xung quanh vợ chồng anh Phong lên liếp trồng cải, củ cải, bí, ớt… luân phiên quanh năm. Phía sau là 8 công vuông nuôi tôm - cua kết hợp. Tay xách thùng nước tưới đám ớt đang cho trái, cùng đám cải xanh sắp tới lứa thu hoạch, anh Phong bộc bạch: “Trồng 2 công rau màu vậy mà thu nhập cao và ổn định hơn 8 công vuông phía sau. Vuông thì khi trúng khi thất, nhưng rau trồng được quanh năm, sẽ bù khoản hụt thu nhập khi thất vuông, nhờ vậy mà thoát cảnh nghèo khó, vươn lên cuộc sống khá như hiện nay…”.

   Tuy làm nông nhưng anh Phong lên lịch cụ thể, bài bản cho công việc hàng ngày. Vợ chồng anh thường dậy sớm từ 3-4 giờ sáng, cùng chia sẻ việc nhà, đến 5-6 giờ có mặt tại rẫy và vuông tôm để chăm sóc hoa màu, thăm lú, đến trưa mới ăn cơm, bán tôm cua, rau cải. Khoảng 5 giờ chiều vợ chồng anh tiếp tục chạy vỏ máy sang trông coi 2 ha lúa - tôm cách nhà trên 3 cây số. Anh Phong nói vui: “Lịch hàng ngày kín mít, cất ngôi nhà khang trang chứ vợ chồng đêm ngủ ở chòi vuông nhiều hơn, làm như quen với cảnh ruộng đồng rồi”.

   Nhắc nhớ lại một thời khó khăn của gia đình anh Phong, anh Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Nhớ năm 2010, khi ấy tôi còn phụ trách công tác Ðoàn, dẫn đoàn sinh viên tình nguyện Trường Ðại học Cần Thơ về đây trong chiến dịch Mùa hè xanh, xin ở nhờ nhà anh Phong. Khi ấy, nhà anh còn lụp xụp, kinh tế khó khăn, nhưng rất quý tấm lòng của anh chị… Có gì cho nấy, nhiệt tình giúp đỡ sinh viên tình nguyện hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nay thấy kinh tế gia đình anh phát triển, ổn định, trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương; xây nhà mới trên 300 triệu đồng, vươn lên cuộc sống khá giả, thật sự rất mừng cho anh. Anh là điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, thu nhập từ 2 miếng vuông (2,8 ha) và 2 công màu trên 250 triệu đồng/năm”.

Ban đầu chỉ với 7 công đất, nhưng nhờ chí thú làm ăn, anh Phong đã mua và cố thêm tổng cộng 30 công đất, từ hộ khó khăn vươn lên hộ khá ở địa phương.

Tự hào gia đình cách mạng

  Bà Nguyễn Thị Lan, mẹ anh Phong, năm nay đã 90 tuổi nhưng trông khoẻ mạnh và minh mẫn. Theo lời kể của bà Lan, năm 14-15 tuổi bà bắt đầu tham gia cách mạng, phụ trách công tác binh vận ở địa phương. 17 tuổi, bà kết duyên với ông Ðặng Thành Công. Ông Công cũng bí mật tham gia cách mạng từ Cần Thơ chuyển về địa phương. Các con của vợ chồng bà lần lượt ra đời, lớn lên giữa chiến tranh ác liệt và cũng chính chiến tranh đã lấy đi của bà rất nhiều… Nhắc đến đây, bà Lan không kìm nén được niềm xúc động: "Ðồn giặc cách nhà tôi chỉ 500 m, tình nghi ông nhà tôi tham gia cách mạng, địch bí mật gài mìn sẵn cặp vách nhà, mục đích dụ ông ấy về nhà để giết. Ðêm ấy chồng tôi không về, mìn nổ văng trúng chết đứa con trai thứ hai (theo hẹn thì 10 ngày sau đó nó tham gia công tác hậu cần địa phương, chưa kịp đi thì chết). Con trai thứ ba tham gia Tiểu đoàn U Minh 4, hy sinh ở Tân Lộc (Bàu Thúi, Cả Nhút). Thời điểm đó tôi bị bắt tù ở Cần Thơ, con chết 3 ngày tôi mới về tới nhà tiễn con. Chiến tranh cũng đã lấy đi 1 chân của đứa con gái thứ năm, đến thằng Phong thì để lại di chứng suốt đời…".

   Bà Lan nín lặng một hồi lâu, cố gắng nén cơn xúc động, nhưng rồi chợt nhớ thêm điều gì đó, bà nói tiếp: "Hoà bình, thống nhất đất nước, vợ chồng tôi cố gắng gác lại nỗi đau riêng, bắt tay lao động sản xuất. Nói thiệt ở Ấp 2 này không ai khổ bằng gia đình tôi. Là gia đình cách mạng nằm trong tầm ngắm của địch, nên ngày độc lập, gia đình không còn chén ăn cơm, nhà bị địch phá nát, con cháu nương tựa nội, ngoại... Tất cả bắt đầu lại từ tay trắng. Sau giải phóng, ông nhà tiếp tục tham gia công tác ở địa phương, đồng thời vợ chồng tập trung lao động sản xuất trên 2 ha đất Nhà nước cấp theo chế độ, nuôi các con khôn lớn, thằng con trai thứ 4 từng là trung tá công an, nay đã về hưu, còn lại cũng có cuộc sống riêng, ổn định".

   Bà Lan bảo rằng: “Trong 7 đứa con thì thằng Phong chịu nhiều thiệt thòi nhất do bệnh tật bẩm sinh, liệt chân từ nhỏ vì di chứng chiến tranh để lại. Lớn lên, gia đình tạo điều kiện cho nó ăn học để bù đắp lại, nhưng một lần nữa nó chọn cách hy sinh, tạm gác ước mơ trở thành thợ cơ khí, thay các anh, chị gánh vác việc đồng áng, lo cho gia đình để các anh, chị em nó an tâm đi học, làm việc… Vì thế, tôi dành tình thương phần nhiều cho nó”.

   Chiến tranh lùi xa, vợ chồng bà Lan cùng các con gửi cả thanh xuân và cả những nỗi đau riêng nơi chiến trường, riêng vợ chồng bà Lan trở thành thương binh 4/4, bà Lan trở thành mẹ liệt sĩ và cả ông bà đều vinh dự nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất... Bề dày truyền thống cách mạng của gia đình là niềm tự hào của dòng họ, là nền tảng giáo dục thế hệ con cháu noi theo, sống có ích cho xã hội.

Thắp sáng ước mơ đại học cho con

   “Sức khoẻ vốn đã yếu, đến khi lập gia đình riêng nhiều việc phải lo, nó càng cố gắng thì càng hay bệnh, con cái đến tuổi ăn học, có lúc cuộc sống hết sức khó khăn… Vì đông con nên khi ra riêng, tôi chỉ cho vợ chồng thằng Phong được 7 công đất, nhưng nhờ vợ chồng nó đồng lòng, chăm chỉ làm ăn, đến nay nó đã mua và cố thêm tổng cộng 30 công đất. Nhờ vậy mà nay vợ chồng nó mới vươn lên khá, nuôi 2 con học đại học. Tôi mừng và tự hào về nó lắm...”, bà Lan với ánh mắt hạnh phúc khi kể về con trai của mình.

   Anh Phong nhớ lại một thời gian khó, ngày xưa, dù việc đi lại khó khăn nhưng anh cố gắng học hết lớp 12, dự định kế tiếp là đi học nghề cơ khí, mong muốn có cái nghề, có thu nhập nuôi sống bản thân để không là gánh nặng cho gia đình và lo cho tương lai sau này. Tuy nhiên, thời điểm ấy gia đình đơn chiếc, các anh chị có gia đình riêng, em trai còn nhỏ đang đi học, suy đi tính lại anh quyết định tạm gác ước mơ, ở nhà tiếp cha mẹ làm việc đồng áng và có người bên cha mẹ lúc tuổi già…

   Tuổi trẻ, anh Phong đã hy sinh, tạm gác ước mơ riêng, làm tròn trách nhiệm với gia đình. Khi có gia đình riêng, dù sức khoẻ hạn chế nhưng anh luôn không ngừng cố gắng làm tròn trách nhiệm người cha, trụ cột trong gia đình, quyết tâm nuôi 2 con theo đuổi ước mơ đại học. Anh Phong chia sẻ: “Tôi đã một lần lỡ hẹn với ước mơ của mình, tiếc lắm! Vì vậy, tôi không muốn các con giống như mình khi mất cơ hội vào đại học”.

    Qua điện thoại trao đổi với 2 người con gái của anh Phong, 1 đã tốt nghiệp đại học ngành Thống kê cách đây 4 năm, hiện đang công tác tại TP Hồ Chí Minh và 1 đang là sinh viên năm thứ 4 ngành Kinh tế, Trường Ðại học mở TP Hồ Chí Minh, còn vài tháng nữa là ra trường. Chị Ðặng Như Ý, con gái lớn anh Phong, chia sẻ: “Ba luôn vĩ đại trong mắt chúng tôi. Cùng với đó là sự đồng hành sẻ chia của mẹ. Rất may mắn khi chúng tôi có ba mẹ luôn hy sinh và quyết tâm giúp các con thực hiện ước mơ, cho các con tương lai tươi sáng…”.

  Khuyết tật ở chân, anh Phong luôn đau nhức, phải uống thuốc thường xuyên và điều trị liên tục, nhưng ý chí quyết tâm thoát nghèo luôn thôi thúc anh Phong cố gắng và anh đã làm được điều ấy. Anh không chỉ mạnh mẽ vươn lên chiến thắng số phận mà còn là con thuyền vững chãi đưa các con đến bến bờ tươi sáng... Bên đám rẫy xanh pha với nắng vàng óng ánh giữa trưa hè, nghĩ về thành quả hiện tại, như phần nào xoa dịu nỗi đau da cam, xoa dịu một phần sự đánh đổi, hy sinh của gia đình và của riêng cuộc đời anh./.

                                                                                                                                      Loan Phương (Báo Cà Mau)