Hai bên đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác thăm hỏi, động viên, tặng quà nhân ngày lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày vì nạn nhân CĐDC hàng năm; ủng hộ, trợ giúp những nạn nhân bị bệnh tật nặng, hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học vào điều dưỡng, an dưỡng ở các trung tâm Bảo trợ xã hội của Bộ và các Sở LĐ-TBXH. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH còn tạo điều kiện cho Hội xây dựng, phát triển hệ thống Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, đào tạo nghề cho nạn nhân CĐDC; cho phép thành lập trường cao đẳng nghề để dạy nghề cho nạn nhân và con, cháu nạn nhân; hướng dẫn, hỗ trợ Hội tham gia chương trình trợ giúp xã hội như đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên các hội về chính sách trợ giúp đối tượng yếu thế, nghiệp vụ công tác xã hội, kỹ năng sống cho người khuyết tật; hỗ trợ đào tạo nghề, sinh kế cho người khuyết tật, trợ giúp đối tượng hòa nhập cộng đồng…

Với chức năng phản biện xã hội về chính sách, Hội đã tích cực tham gia góp ý xây dựng chủ trương chính sách cơ chế, những quy định của pháp luật liên quan đến người tham gia hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ cũng như chính sách đối với nạn nhân chất độc hóa học. Đây là một lĩnh vực rất đặc biệt và những người đặc biệt đó đang phải gánh chịu hậu quả do cuộc chiến tranh kéo dài để lại mà xã hội và nhân dân phải có trách nhiệm tri ân người có công, đồng thời có trách nhiệm chăm lo, bảo trợ, hỗ trợ nạn nhân CĐDC. Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH có nội dung công việc khá tương đồng, cùng mục đích và đối tượng trong nhiều hoạt động. Do đó, sự phối hợp giữa hai bên sẽ góp phần đưa chính sách đến gần hơn với cuộc sống, nhất là trên các mặt công tác để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến, con đẻ của họ và nhân dân bị nhiễm chất độc hóa học.

Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, giai đoạn 2017- 2022. Mục đích chính của hoạt động phối hợp, trước hết là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; về các chế độ chính sách đối với người bị nhiễm chất độc hóa học. Hai là, phối hợp rà soát, thống kê người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam làm cơ sở để đề xuất, tham mưu xây dựng, sửa đổi chính sách, cơ chế giải quyết những vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa họcBa là, phối hợp chăm sóc, giúp đỡ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam đang được điều dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng Người có công và nạn nhân chất độc da cam đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm Bảo trợ xã hội. Bốn là, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, giúp cho nạn nhân CĐDC có thu nhập ổn định, từng bước hòa nhập cộng đồng. Năm là, mở rộng các hoạt động đối ngoại, tăng cường vận động nguồn lực và tạo sự đồng thuận của quốc tế trong trợ giúp, khắc phục hậu quả chất độc hóa học tại Việt Nam.

Để từng bước thực hiện tốt chương trình phối hợp công tác, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan và Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam tiếp tục tham mưu để trình cấp có thẩm quyền sửa toàn diện Pháp lệnh ưu đãi Người có công phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Hai bên phối hợp tổng rà soát người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ là nạn nhân chất độc hóa học để có số liệu chính thức, làm cơ sở đề xuất chính sách cho các đối tượng chưa được hưởng chính sách trợ cấp của Nhà nước; phối hợp giải quyết 5.900 hồ sơ người có công và phấn đấu giải quyết cơ bản hồ sơ người có công tồn đọng vào năm 2020.

Trước mắt, cần thực hiện tốt một số nội dung cụ thể sau đây:

Thứ nhất, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp hoạt động giữa Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam với Bộ Lao động- TBXH trên các lĩnh vực công tác, nhất là trong nghiên cứu chế độ chính sách đối với người bị ảnh hưởng chất độc hóa học thế hệ thứ 3 (cháu của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học).

Thứ hai, nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và thân nhân của họ. Đây là quá trình khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cơ quan, nhiều cấp; không chỉ thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng thì việc triển khai các nội dung công việc mới đạt hiệu quả cao hơn; hạn chế thấp nhất những rủi ro, tiêu cực phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quá trình nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách, cần phải phát huy tốt vai trò của từng cơ quan; có sự phân công, phân cấp một cách rõ ràng, tránh chồng chéo, dựa dẫm, ỷ lại. Cần ban hành quy chế phối hợp; xác định rõ vai trò chủ trì, gắn trách nhiệm, quyền hạn với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt là phải tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ quan Lao động-TBXH với cơ quan chính sách quân đội, cơ quan y tế và các cơ quan có liên quan khác trong hoạch định chế độ chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH và thân nhân của họ.

Thứ ba, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách. Đối với đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, xây dựng, đề xuất chính sách, nhất là chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và thân nhân của họ, phải thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, để có thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách cũng như quán triệt, vận dụng một cách sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng nói chung, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và thân nhân của họ nói riêng vào thực tiễn cuộc sống. Có như vậy mới góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương “về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” và Chỉ thị 14 của Ban Bí thư Trung ương “về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng” trong thời gian tới./.

Lê Tấn Dũng

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội