“Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là dễ dàng, thiết thực. Từ đó, tạo nên cộng đồng số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”, đó là mục tiêu đề ra khi Cà Mau bắt đầu triển khai thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng.

Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh, Uỷ viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, huyện, thành phố đến xã/phường/thị trấn, ấp/khóm. Với lực lượng này sẽ kỳ vọng đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, để thúc đẩy chuyển đổi số, dẫn dắt người dân tiếp cận môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn”.

Với mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh quyết định thí điểm mỗi đơn vị huyện có 1 xã/phường/thị trấn thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Song, tuỳ theo đặc thù, đối với đơn vị cấp xã được chọn thí điểm thì mỗi xã có ít nhất 1 hoặc 2 tổ công nghệ số cộng đồng (đối với địa bàn có địa hình phức tạp) để hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân.

Theo dự kiến, tổ công nghệ số cộng đồng sẽ bao gồm các thành viên: trưởng ấp/khóm và sự tham gia của Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội LHPN nữ, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ số, có thể bổ sung thành viên đã được cử tham gia tổ công tác triển khai Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phiên bản 1.0). Trong đó, các thành viên tham gia phải nhiệt tình hoạt động cộng đồng, có tư duy muốn chấp nhận và thử nghiệm cái mới, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.

Dự kiến mỗi xã có ít nhất 1 hoặc 2 tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân. (Ảnh chụp tại bộ phận Một cửa xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn).

Các thành viên tổ sẽ được tiếp cận các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số; chuyển giao, hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số và các ứng dụng trên app chính quyền điện tử (CaMau-G), như phản ánh hiện trường; dịch vụ công trực tuyến; sàn thương mại điện tử; giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; lĩnh vực y tế (hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ người dân, đặt lịch khám bệnh, tư vấn từ xa); lĩnh vực giáo dục (kết nối giữa phụ huynh, học sinh và nhà trường, quản lý nhà trường, quản lý học sinh, tra cứu điểm, kết quả học tập) và các nội dung khác được phát triển trong thời gian tới.

Theo đó, tổ công nghệ số cộng đồng sẽ triển khai các nền tảng số đã được tập huấn và trực tiếp làm mẫu, hướng dẫn cho ít nhất 60% số hộ gia đình trong ấp/khóm thuộc xã/phường/thị trấn được chọn thí điểm. Sử dụng mạng Zalo hoặc mạng xã hội khác để lập nhóm gồm các cá nhân đại diện hộ gia đình trong ấp/khóm để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên. Sử dụng infographic, video clip hướng dẫn để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân.

Ngoài ra, để đảm bảo tổ hoạt động hiệu quả, với vai trò hướng dẫn, điều phối chung,  Sở TT&TT sẽ huy động sự tham gia của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ số tại địa bàn và các đơn vị có liên quan trong việc hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong ấp/khóm.

Trong đó, về chính quyền số, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua ứng dụng phản ánh hiện trường. Đối với xã hội số, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, như y tế, giáo dục… thông qua các nền tảng số.

Về kinh tế số, sẽ hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Trần Quốc Chính kỳ vọng: “Năm 2021 chỉ là thời gian trải nghiệm, năm 2022 mới chính thức đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi, cũng như lợi ích của chuyển đổi số mang lại”./.

                                                                                                                                                   Hồng Nhung