> Bài 1: Những người chiến thắng

> Bài 2: Nỗi niềm người trong cuộc

Những mảng khuyết

Với những trẻ em khuyết tật trong độ tuổi đến trường ở Cà Mau, may mắn hơn cả có lẽ là đối tượng khuyết tật vận động. Bởi ít nhất, cơ hội học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông là rộng mở.

Trở lại câu chuyện của anh Lê Chí Thắng, ngụ Khóm 2, Phường 1, TP Cà Mau, anh rất tâm đắc vấn đề giáo dục, cơ hội đến trường để thay đổi số phận cho người khuyết tật: “Nếu tôi không được học hành, khiếm khuyết thể chất như thế này thì không biết cuộc sống sẽ ra sao”.

Nhưng nhiều người không được may mắn như anh Thắng.

Bà Phạm Thị Phương Thoảng, công chức văn hoá - xã hội UBND Phường 1, TP Cà Mau, chia sẻ: “Ðịa phương cũng có nhiều trường hợp như bạn Thắng, nhưng học hành gãy gánh giữa đường, rồi từ đó cuộc sống cứ luẩn quẩn khó khăn”.

Theo bà Thoảng, trẻ khuyết tật phụ thuộc rất lớn vào sự hậu thuẫn, giúp đỡ từ gia đình, nhà trường và cộng đồng trong quá trình học tập. Nếu gia đình kinh tế không vững, không động viên quyết liệt, không vượt qua các định kiến tiêu cực, nguy cơ bỏ học là khó tránh khỏi.

Cho đến thời điểm hiện tại, Cà Mau chỉ có duy nhất Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh Cà Mau là cơ sở đào tạo theo đúng chuẩn chương trình giáo dục phổ thông (đến hết bậc THPT) cho đối tượng trẻ em khiếm thị, khiếm thính và tự kỷ. Bà Nguyễn Nga, Giám đốc đơn vị, thông tin: “Trung tâm đến nay có 50/51 nhân viên, giáo viên đạt chuẩn về trình độ, kỹ năng chuyên biệt giảng dạy cho các em. Năm học vừa rồi, chúng tôi lần đầu tiên có 5 em tốt nghiệp THPT”.

Phấn khởi là thế, nhưng bà Nga vẫn đau đáu: “Khả năng của đơn vị có hạn, trong khi đó các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh hiện nay chưa thể tiếp nhận, đào tạo những đối tượng học sinh này. Khó khăn trong cơ hội đến trường, có nghĩa là tương lai của các em cũng dần khép lại”. Bà Nga thừa nhận: “Nhà trường chỉ làm tốt được một vế là hỗ trợ phát triển, còn vấn đề hoà nhập, nhất là hướng nghiệp, đào tạo nghề thì chỉ cố gắng được chút nào hay chút ấy”.

Tương tự, ở lĩnh vực đào tạo nghề, tỉnh Cà Mau cũng chưa có cơ sở nào thiết kế được chương trình chuyên biệt cho đối tượng người học khiếm thính, khiếm thị. Người khiếm khuyết vận động, hạn chế thể chất theo học tại các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp rất hiếm hoi.

Ông Nguyễn Ðức Tiến, Phó trưởng ban Văn hoá - Xã hội, HÐND tỉnh, cho biết: “Ðào tạo nghề cho NYT tuỳ điều kiện, khả năng, nhu cầu là chủ trương của Ðảng, Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện của tỉnh nhà, chúng ta chưa làm tốt được điều này. Ðây cũng là trăn trở mà chúng tôi đang quyết liệt đề xuất, kiến nghị, tham mưu về giải pháp khắc phục”.

Cơ hội nào cho người yếu thế?

Nhắc lại chuyện anh Cao Thanh Quí truyền nghề cho một nhóm nhỏ người mù và mở được 6 cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, để thấy rằng đó chỉ là cơ hội sinh kế rất nhỏ. Vậy còn khoảng hơn 1.400 người mù (trong đó người mù nghèo, khó khăn phải sống phụ thuộc vào gia đình chiếm gần 70%) thì cuộc sống chật vật ra sao? Và thực tế, nghề xoa bóp, bấm huyệt của người mù cũng chỉ tìm được công việc tại các cơ sở do người mù mở ra.

Bà Nguyễn Nga là người rất tâm huyết với việc đào tạo nghề cho người khuyết tật, coi đó là cách cho “cần câu”, tìm “chìa khoá” mở ra tương lai cho đối tượng này. Theo bà, nghề cho người khuyết tật phải đảm bảo các điều kiện về chương trình phù hợp; nhân lực giảng dạy có kỹ năng, trình độ chuyên biệt; phải có xưởng sản xuất, trường đào tạo... Những dự định dang dở của bà Nga cũng là khoảng trống vắng hết sức tiếc nuối cho người khuyết tật Cà Mau hiện nay.

Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh Cà Mau, đội ngũ nhân viên, giáo viên luôn định hướng cho các em vấn đề hoà nhập, hướng phát triển cuộc sống trong tương lai. Bằng nỗ lực lớn, nơi đây không chỉ dạy kiến thức văn hoá, mà còn song hành việc dạy nghề, như làm xà bông, làm tinh dầu, may, sửa xe, sửa điện thoại...

Nhưng cái khó lại được đặt ra: “Học nghề là một chuyện, ra trường các em rất khó trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm. Ðể các em cạnh tranh sòng phẳng với các bạn trang lứa lành lặn trong thị trường lao động chung là điều quá khó. Ở Cà Mau không có nơi thu nhận lao động là người khuyết tật”, bà Nguyễn Nga cho biết.

Có ý kiến cho rằng, chế độ hỗ trợ NYT dù đã rất được quan tâm, song chỉ là “con cá”, chỉ giải quyết được cái tối thiểu. NYT có khả năng, điều kiện vươn lên đang thiếu và đang cần lắm “cần câu”.

Suy cho cùng, cuộc sống ai cũng cần có “cần câu” - đó là công ăn việc làm, là thu nhập. Nhưng để có “cần câu” ấy thì vai trò của học tập, của tri thức, của đào tạo nghề và cơ hội việc làm là những vấn đề mấu chốt, gốc rễ. Nhìn về những mảng khuyết của thực tế, những người trong cuộc bày tỏ: “Cái vòng luẩn quẩn của NYT Cà Mau chưa thể ngày một, ngày hai mà thay đổi được đâu”...

Hải Nguyên - Băng Thanh

Bài cuối: CHÌA KHOÁ MỞ TƯƠNG LAI