Nỗ lực vươn lên

  Tham gia cách mạng từ năm 19 tuổi, năm 1975, ông Ngô Minh Quang (Bảy Đậu, ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng), xuất ngũ trở về quê hương mang theo hậu quả chiến tranh là nhiễm chất độc da cam, suy giảm sức khoẻ lao động trên 81%. Vợ ông là thương binh 3/4, cũng bị nhiễm chất độc da cam, suy giảm sức khoẻ lao động.

Ông Ngô Hồng Phong, Khóm 1, thị trấn Đầm Dơi (bìa phải) được hỗ trợ quà nhân ngày Vì nạn nhân da cam.

  Nỗi đau chồng chất đến cả thế hệ sau khi 2 trong số 8 người con của ông bà cũng bị nhiễm chất độc da cam. Sức khoẻ ông bà kém, lại không có đất canh tác nên cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. 

  Bằng ý chí và nghị lực của người lính, vợ chồng ông cố gắng lao động sản xuất, vươn lên trở thành hộ khá giả tại địa phương. Đến nay gia đình ông đã có 70 công đất làm vuông, nuôi tôm - cua kết hợp sò huyết, cá nâu. Ông còn cải tạo hơn 5 công đất để trồng nhiều loại rau màu, cây ăn trái như: bắp, dưa gang, nuôi cá nước ngọt. Thu nhập bình quân hàng năm trên 300 triệu đồng.
Ông Ngô Minh Quang bộc bạch: “Trước đây gia đình khó khăn lắm, lại thêm con bệnh phải điều trị tốn kém rất nhiều. Vợ chồng tôi phải nỗ lực hết sức cuộc sống mới ổn định như hiện nay”.

  Cùng chung nỗi đau da cam, ông Lâm Thanh Dũng (ấp Tân Long, xã Tân Duyệt) bị ảnh hưởng thương tật trên 41%. Gia đình ông Dũng trước đây chỉ có 10 công đất sản xuất, lại bị nhiễm phèn nên thu nhập bấp bênh. Ông Dũng phải cùng vợ làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Sau thời gian phấn đấu làm ăn, cùng với chi tiêu tiết kiệm, vợ chồng ông mua được 3 ha đất sản xuất. Mỗi năm, từ nuôi tôm - cua kết hợp, vợ chồng ông có thu nhập gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn dành 2.000 m2 đất vườn để trồng hoa màu, cây ăn trái, đào ao nuôi cá nước ngọt.

  Ông Dũng bày tỏ: “Dù bị nhiễm bệnh, nhưng được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, Nhà nước, bản thân tôi luôn ý thức vươn lên. Đồng thời, thấy những người bị nhiễm chất độc da cam như mình nhưng khó khăn, tôi cũng giúp đỡ để họ thay đổi cuộc sống”.

  Cụ thể, ông đã giúp đỡ 3 hộ gia đình vốn, cây, con giống, trị giá trên 10 triệu đồng. Đến nay, 3 gia đình này đã thoát nghèo. Ngoài ra, ông còn vận động bà con và hội viên cựu chiến binh trong xã xây dựng trên 10 km hàng rào cây xanh và 2 cổng rào an ninh trật tự, trị giá trên 30 triệu đồng.

   Với tỷ lệ thương tật trên 40%, đối mặt cuộc sống nhiều khó khăn, nhưng bà Nguyễn Thị Gương (ấp Tân Long, xã Tân Duyệt) phấn đấu làm ăn, đến nay đã có 40.000 m2 đất sản xuất, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng từ nuôi tôm cua kết hợp. Bên cạnh đó, bà còn dành 4.000 m2 đất vườn để trồng hoa màu, cây ăn trái, đào ao nuôi cá nước ngọt.

Tiếp sức cùng các nạn nhân

  Để tạo điều kiện cho các nạn nhân da cam có điều kiện vươn lên, ngoài việc giúp đỡ với nhiều hình thức, Hội Nạn nhân da cam huyện Đầm Dơi còn phối hợp vận động xây cất nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Hộ bà Lê Thị Hà (ấp Nhà Cũ, xã Quách Phẩm Bắc) vừa được nhận căn nhà với diện tích sử dụng gần 50 m2, trị giá 50 triệu đồng, do Hội Nạn nhân da cam tỉnh Cà Mau vận động doanh nghiệp hỗ trợ.

  Được biết, gia đình bà Lê Thị Hà là hộ nghèo, không đất sản xuất, cuộc sống hàng ngày chỉ phụ thuộc vào việc buôn bán nhỏ nên hết sức khó khăn. Nhận được căn nhà mới, gia đình rất phấn khởi và bày tỏ sự biết ơn đối với các cấp, các nhà hảo tâm. 

  Dịp kỷ niệm 59 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2020), Hội Nạn nhân da cam huyện đã phối hợp trao 7 suất quà của tỉnh cho các nạn nhân da cam tiêu biểu, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng. 

  Ông Ngô Hồng Phong, Khóm 1, thị trấn Đầm Dơi, bày tỏ: “Được các cấp quan tâm, hỗ trợ kịp thời khi đang khó khăn, tôi rất mừng. Bản thân là nạn nhân da cam, tôi sẽ cố gắng lao động sản xuất để vươn lên”.

  Từ đầu năm đến nay, Hội Nạn nhân da cam huyện Đầm Dơi đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ trên 478 triệu đồng (gồm tiền mặt và hiện vật) để giúp đỡ các nạn nhân da cam. Không những vậy, hội còn xây dựng 2 căn nhà cho nạn nhân da cam gặp khó khăn về nhà ở và tặng hơn 1.300 suất quà.

  “Thời gian tới, Hội Nạn nhân da cam huyện tiếp tục vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhà, tặng quà và vận động thêm nguồn vốn để các nạn nhân da cam có thêm điều kiện vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời, tiếp tục thăm hỏi, động viên các nạn nhân da cam gặp khó khăn, giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực để hoà nhập cộng đồng”, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân da cam huyện Đầm Dơi Châu Hoàng Thăng cho biết./.

                                                                                                                                                         Thành Quốc

                                                                                                                                                         (Báo Cà Mau)