Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau về chất độc da cam/Dioxin vẫn còn dai dẳng trong nhiều gia đình. Thấu hiểu nỗi đau đó, những năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam các cấp trong tỉnh (các cấp Hội) luôn quan tâm và thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho các nạn nhân, giúp họ vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.

Lãnh đạo các cấp Hội luôn quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam.
Thời gian qua, để góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam, các cấp Hội trong tỉnh xác định công tác trọng tâm là xây dựng và củng cố các tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, mạng lưới hệ thống Hội phát triển rộng khắp ở 9/9 huyện, thành phố, có 101/101 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội và 606 chi hội ở khóm, ấp với 8.415 hội viên. Từ đó, kịp thời phát hiện giải quyết chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, cũng như hoàn cảnh gia đình của các nạn nhân để đề xuất phương án giúp đỡ hiệu quả nhất.
Từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ được 48,5 tỷ đồng để xây mới 300 căn nhà tình thương, 16 cầu giao thông nông thôn; khám bệnh cho hơn 1.700 lượt nạn nhân; thăm hỏi, trợ cấp khó khăn, giúp chuộc đất, học bỗng, trao hơn 48.000 suất quà vào các ngày lễ, tết …. Ngoài ra một phần hỗ trợ sinh kế bằng cách cho mượn vốn, chăn nuôi, kinh doanh phù hợp với khả năng và điều kiện sức khỏe của nạn nhân. Những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19 nên việc hoạt động, vận động của Hội cũng bị ảnh hưởng nhưng với tinh thần tất cả vì nạn nhân da cam và bằng nhiều hình thức phù hợp, các cấp Hội đã vận động được trên 5,6 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Đặng Văn Mỹ cho biết: “Cán bộ lãnh đạo Hội từ tỉnh đến cơ sở đều trực tiếp đi vận động các nhà hảo tâm. Nhờ vậy, kết quả vận động nguồn lực cho quỹ Hội năm sau cao hơn năm trước, các hoạt động ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú. Qua tuyên truyền, vận động, ngày càng có nhiều cơ quan, đơn vị và các cá nhân giàu lòng thiện nguyện trong và ngoài tỉnh đã cùng với các cấp Hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mà đảng và nhân dân giao phó”.
Là đơn vị đồng hành với Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh hơn 10 năm nay, Hội Phụ nữ từ thiện thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ hàng chục căn nhà tình thương cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên toàn tỉnh, mỗi căn trị giá từ 40-50 triệu đồng. Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ từ thiện thành phố Hồ Chí Minh Tiêu Kim Thuận cho biết: “Thời gian qua, Hội Nạn nhân da cam tỉnh đã làm tốt việc kết nối để chúng tôi được tiếp cận với các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn đang cần được giúp đỡ. Bên cạnh đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh triển khai thực hiện xây dựng nhà tình thương đến xây cầu giao thông đều rất đúng tiến độ thời gian nên tạo được uy tín nên chúng tôi rất tin tưởng hỗ trợ những trường hợp mà Hội đề xuất”.

Hội Phụ nữ từ thiện thành phố Hồ Chí Minh trao nhà tình thương và tặng quà cho chị Nguyễn Thị Hà.
Là 1 trong những người được nhận nhà tình thương của hội Từ thiện phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2020, chị Lê Thu Hà, ngụ ấp Nhà Cũ, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi không giấu được nỗi xúc động. Bởi từ trước đến nay, chị Hà không dám mơ ước được ở trong căn nhà kiên cố, vì hoàn cảnh chị Hà vô cùng khó khăn. Do chịu ảnh hưởng chất độc da cam nên chị không lập gia đình mà sống 1 mình trong căn nhà lá đã dột nát. Hàng ngày, chị mưu sinh từ nghề bán tạp hóa cho khách đi đường. Với số tiền kiếm được, chỉ giúp chị Hà chỉ trang trải cuộc sống hàng ngày của mình. Thấy hoàn cảnh của chị Hà cần được giúp đỡ nên Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã vận động Hội phụ nữ từ thiện thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ xây dựng nhà với kinh phí 50 triệu đồng.
Đối với những nạn nhân không khó khăn về nhà ở thì được các tổ chức hội quan tâm giúp đỡ về vốn để vươn lên ổn định cuộc sống. Chị Nguyễn Ngọc Diệp ngụ ấp Lung Dừa, xã Lý Văn Lâm là người được Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Cà Mau giúp vốn, phát triển kinh tế. Di chứng chất độc da cam làm chị bị mù cả 2 mắt, tuy không nhìn thấy thế giới xung quanh nhưng chị lại rất chịu khó học hỏi để tìm kiếm cho mình 1 nghề mưu sinh, để không làm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chị Diệp một mình đi lên thành phố Hồ Chí Minh vào các chùa để tham gia các khóa học miễn phí như: đan thảm, kết hạt cườm, xoa bóp, học đàn… Sau khi lành nghề chị trở về quê, nhờ Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Cà Mau hỗ trợ vay vốn. Với hơn 50 triệu đồng, chị mở cơ sở xoa bóp theo y học cổ truyền và kết hạt cườm để bán làm quà lưu niệm tại chợ đêm. Nhiều người khuyết tật ở các huyện cũng tìm đến chị để được học nghề. Trong đó có những hoàn cảnh đáng thương được chị nhận vào làm tại cơ sở và nương tựa nhau như người thân trong gia đình. Chị Nguyễn Ngọc Diệp cho biết: “Tôi được như ngày hôm nay là nhờ vào các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam đã giúp đỡ vốn để tôi mua sắm dụng cụ để mở cơ sở xoa bóp và kết hạt cườm. Tuy thu nhập chỉ đủ trang trải cho sinh hoạt hàng ngày nhưng chúng tôi thấy rất vui vì dù mình khuyết tật nhưng vẫn có thể tự nuôi sống bản thân, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Cà Mau Đặng Văn Mỹ cho biết thêm: “Đến nay toàn tỉnh có hơn 5.800 nạn nhân da cam được hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong đó, người hoạt động kháng chiến trên 3.500 người, con đẻ gần 2.300 người và không có trường hợp hồ sơ hợp lệ tồn đọng chưa được giải quyết. Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho hội viên và gia đình hội viên; tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nạn nhân nhiễm chất độc da cam và tiếp tục rà soát các nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, xe lăn, xe lắc, học bổng, vay vốn sản xuất, tìm việc làm... để làm cơ sở vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh chung tay bù đắp lại những mất mát, thiệt thòi mà nạn nhân nhiễm chất độc da cam phải gánh chịu”.
Kim Nhiên
(Cổng thông tin điện tử tình Cà Mau)