Chú thích ảnh

 Anh Nguyễn Văn Hùng (trái) ở xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam là nạn nhân chất độc da cam dioxin gián tiếp loại 2 (ảnh hưởng từ cha) vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình. Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN 

Chất độc da cam vừa ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên, vừa là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nặng, hiểm nghèo cho con người (ung thư da, đột biến gen, dị tật bẩm sinh, tai biến sinh sản...) và đã di truyền qua nhiều thế hệ. Chất độc da cam/dioxin đã làm khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau da cam vẫn tồn tại nặng nề, dai dẳng. Hiện nay, ngoài số nạn nhân là người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, cả nước còn khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; khoảng 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và đã có nạn nhân thế hệ thứ 4 phải gánh chịu nỗi đau này. Cùng với đó, cuộc sống của nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin rất khó khăn; phần lớn các nạn nhân không có chuyên môn, nghề nghiệp và phải sống trong nỗi đau bệnh tật, nghèo khó. Do đó, nạn nhân chất độc da cam/dioxin là những người nghèo nhất, đau khổ nhất.

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, việc quan tâm, chăm lo đến các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng nói chung, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nạn nhân chất độc da cam nói riêng, luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm. Nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả chất độc da cam đã được triển khai. Nổi bật là chính sách đối với việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin theo Thông báo số 69-TB/TW, ngày 5/7/2002 của Bộ Chính trị; một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, theo Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg, ngày 5/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ... Mỗi năm, Nhà nước đã dành ngân sách khoảng hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam.

Từ khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập (ngày 10/1/2004) và đi vào hoạt động, Hội luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao; chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách đối với nạn nhân, nỗ lực vận động nguồn lực hỗ trợ, giúp nạn nhân và gia đình vơi bớt khó khăn, vượt khó vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Huy động các nguồn lực chung tay vì nạn nhân da cam

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết: Sau hơn 17 năm xây dựng và hoạt động, đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã được thành lập ở Trung ương và tổ chức hội thành viên ở 63 tỉnh, thành phố, hơn 600 huyện, quận, thị xã, hơn 6.700 xã, phường, thị trấn với hơn 400.000 hội viên.

Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp là cầu nối tin cậy của hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam với các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội.

Chú thích ảnh

Ông Tạ Tất Điền (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) là bệnh binh nhiễm chất độc da cam bên căn nhà đang dần được hoàn thiện, trong đó có sự hỗ trợ của cấp chính quyền, đoàn thể địa phương. Ảnh: XM

Phát huy truyền thống “Đoàn kết - Nghĩa tình -Trách nhiệm- Vì nạn nhân chất độc da cam”, các cấp Hội luôn chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Đặc biệt, các cấp Hội đã làm nòng cốt thực hiện tốt phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Theo thống kê, đến nay, các cấp hội đã vận động được số tiền và hiện vật tổng trị giá hơn 2.660 tỷ đồng. Nguồn lực này đã đầu tư xây dựng gần 7.000 nhà tình nghĩa, trao gần 12.000 suất học bổng; hỗ trợ vốn, sinh kế, vốn sản xuất, trợ cấp khó khăn; khám chữa bệnh, tặng quà nhân ngày lễ tết, ngày Vì nạn nhân chất độc da cam  …với tổng số gần 3,9 triệu suất.

Bên cạnh đó, các cấp hội đã xây dựng và duy trì hoạt động của 26 Trung tâm Bảo trợ xã hội dành cho nạn nhân chất độc da cam thuộc Trung ương Hội và các tỉnh, thành phố; tổ chức giải độc, phục hồi sức khỏe cho hơn 10.000 lượt nạn nhân chất độc da cam...

“Cùng với việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, Hội luôn đồng hành và thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, yêu cầu Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất đã sản xuất chất độc da cam/dioxin, phải có trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do họ gây ra và có hình thức bồi thường thiệt hại cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Dù kết quả đấu tranh đòi công lý chưa được như mong muốn, nhưng đã tạo được tiếng vang lớn và được nhân dân thế giới quan tâm, ủng hộ; đã tác động tích cực đến thái độ và hành động của Chính phủ Mỹ đối với việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và hỗ trợ nhân đạo cho người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết.

 

Video Player is loading.

PauseUnmute

Remaining Time 7:58

Loaded: 7.01%

X

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, việc tiến hành các vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ là một nội dung của cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Vì thế, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu tổ chức các vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, yêu cầu các công ty hóa chất của Mỹ phải có hình thức bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam. Hội cũng sẽ ủng hộ những người bị nhiễm chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam kiện các công ty hóa chất của Mỹ đòi bồi thường thiệt hại, như trường hợp bà Trần Tố Nga, Việt kiều đang sống ở Pháp.

Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bằng các phương thức, biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và thông lệ quốc tế; Phối hợp đồng bộ các phương thức, các lực lượng trong nước và quốc tế, bằng cả ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, với biện pháp, bước đi phù hợp.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh; qua đó tăng cường vận động nguồn lực xã hội, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh cùng cấp tiếp tục rà soát, thẩm định hồ sơ, bảo đảm quyền lợi của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã có đủ điều kiện, nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách theo quy định; đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết tốt các vướng mắc, khiếu kiện từ cơ sở, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh công tác chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nạn nhân chất độc da cam dioxin; phấn đấu đạt được mục tiêu 100% người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị di nhiễm được hưởng chính sách ưu đãi.

Đặc biệt, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần “tương thân, tương ái”, đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam, qua đó, tăng cường vận động nguồn lực, cả trong nước và quốc tế để nâng cao hiệu quả hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Quá trình thực hiện, các cấp Hội chú trọng ưu tiên đối tượng là nạn nhân nặng, gia đình có nhiều nạn nhân, nạn nhân không có nơi nương tựa, nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa.

“Tôi tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân trong nước, bạn bè quốc tế…, nỗi đau da cam sẽ vơi dần theo năm tháng; sẽ có thêm nhiều nạn nhân chất độc da cam và gia đình từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống” Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết.

                                                                                                                                     XM-TH/Báo Tin tức