Gần 50 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng khắc phục hậu quả CĐHH và đã đạt được những kết quả nhất định. Song, để khắc phục triệt để, còn rất nhiều việc phải làm và cần sự nỗ lực chung tay của các cấp các ngành và toàn xã hội. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, nâng cao nhận thức về hậu quả CĐHH của toàn xã hội, từ đó có những hoạt động khắc phục hiệu quả. Cuốn sách “120 câu hỏi đáp về chất độc da cam/dioxin” do Văn phòng Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả CĐDC do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 33) biên soạn, được coi là một trong những “cẩm nang” góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức về những vấn đề liên quan đến CĐDC/dioxin. Bởi cuốn sách đã được các nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam về y học, sinh học, hóa học, môi trường sau nhiều năm nghiên cứu, đúc kết, biên soạn công phu.,..

    Từ số ra tháng 11/2019, Tạp chí Da cam Việt Nam sẽ lần lượt đăng “120 câu hỏi đáp về chất độc da cam/dioxin”, với mong muốn, những thông tin thiết thực, cụ thể sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn bản chất chiến tranh hóa học, ảnh hưởng nghiêm trọng của CĐDC/dioxin đối với môi trường và con người Việt Nam, từ đó góp phần tuyên truyền khắc phục hậu quả trong cộng đồng, nâng cao trách nhiệm đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC.

TẠP CHÍ DA CAM VIỆT NAM

Câu 1: Chiến tranh hóa học là gì?

   Chiến tranh hóa học là sự sử dụng độc tính của các chất hóa học có chọn lọc vào mục đích chiến tranh nhằm:

- Tiêu diệt hoặc làm mất sức chiến đấu của đối phương;

- Phá hoại cơ sở đảm bảo và phát triển nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm của đối phương;

- Gây nhiễm độc cho môi trường sống của đối phương.

Câu 2: Mỹ đã tiến hành chiến tranh hóa học ở Việt Nam như thế nào?

   Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh hóa học kéo dài từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng:

- Chất độc CS dưới các dạng vũ khí khác nhau (lựu đạn, pháo, khói, thùng CS tự nổ khi chạm đất) nhằm làm mất sức chiến đấu lực lượng vũ trang của ta.

- Các phương tiện khác nhau (máy bay, xe phun, bình phun) phun rải các chất diệt cỏ, đặc biệt là chất da cam chứa dioxin, một loại chất siêu độc đối với sức khỏe con người, lên 3,06 triệu hécta lãnh thổ Nam Việt Nam (chiếm 15% tổng diện tích toàn miền) với mật độ phun rải ~ 37 kg/ha gấp 17 lần liều sử dụng trong nông nghiệp (theo hướng dẫn của Bộ Tư lệnh Lục quân Mỹ năm 1969 là 2,2 kg/ha). Với mật độ này, các chất diệt cỏ trở thành những chất phát quang, phá hoại mùa màng có tính hủy diệt.

Câu 3; Chiến dịch Ranch Hand là gì?

   Chương trình sử dụng các chất diệt cỏ của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam bắt đầu từ tháng 8 năm 1961 và kết thúc vào tháng 10 năm 1971 dưới mật danh chung là “OPERATION TRAIL DUST” (chiến dịch bụi đường mòn).

   Trong chương trình này có các chiến dịch và kế hoạch dưới các mật danh khác nhau. Trong đó trụ cột là chiến dịch phun rải các chất diệt cỏ từ trên không bằng máy bay vận tải C-123 được đặt dưới mật danh là OPERATION RANCH HAND (chiến dịch Ranch Hand).

Câu 4: Mục đích của chiến dịch Ranch Hand là gì?

    Thực hiện chương trình phun rải các chất diệt cỏ mà trụ cột là chiến dịch Ranch Hand, quân đội Mỹ nhằm 3 mụcđích như sau:

+ Phát quang để tấn công

    Với mục đích này, việc khai quang (công tác 20T) được tiến hành tập trung vào các vùng căn cứ địa của Cách mạng (như chiến khu c, chiến khu Đ ở miền Đông Nam bộ, chiến khu Dương Minh Châu ở Bắc và Đông Bắc Tây Ninh, đặc khu rừng Sác, Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh...), đường mòn Hồ Chí Minh, các khu vực biên giới với việc phát hiện từ trên không và tổ chức tấn công từ trên không bằng máy bay ném bom, đặc biệt là ném bom rải thảm bằng B-52, hay tấn công trên bộ để tiêu diệt lực lượng, phá hủy phương tiện chiến tranh, cơ sở hậu cần, các tuyến đường vận chuyền và thông tin liên lạc của ta. Để tạo thành những vùng trắng, sau khi dùng các chất diệt cỏ để khai quang, quân đội Mỹ thả tiếp bom napal để đốt trụi những khu rừng mà họ thấy cần thiết. Đây là phương thức tác chiến rất dã man, hủy hoại môi trường sống, làm cho nhiều khu rừng nhiệt đới rậm rạp của Việt Nam bị tàn phá nặng nề. Phải mất nhiều thập niên, thậm chí hàng thế kỷ mới phục hồi lại được. Không những thế, nhiệt độ cao của bom napal còn tạo nên các dioxin thứ cấp với số lượng đáng kể ở những nơi đã phun rải các chất diệt cỏ chứa 2,4-D và 2,4,5-T.

+ Phát quang để phòng vệ

    Để thực hiện mục tiêu này, việc khai quang (công tác 20P) được thực hiện ở những vành đai rậm rạp xung quanh các khu vực đóng quân, khu vực trọng yếu, cơ sở hậu cần quan trọng, trục lộ chuyển quân, bãi đổ quân của Mỹ - Ngụy nhằm phát hiện, ngăn chặn và chống phá sự xâm nhập, tấn công của quân ta.

+ Phá hoại mùa màng

    Phá hoại mùa màng (công tác 2R) tập trung ở những nơi, những khu vực mà lực lượng cách mạng kiểm soát, tổ chức sản xuất cung cấp lương thực, thực phẩm nhằm phá hoại nền kinh tế tự cung, tự cấp tại chỗ của Cách mạng miền Nam Việt Nam.

Câu 5: Có bao nhiêu loại chất độc hóa học quân đội Mỹ đã sử dụng ở Nam Việt Nam? Số lượng như thế nào?

    Trong thời gian từ tháng 8 năm 1961 đến tháng 10 năm 1971, quân đội Mỹ đã thử nghiệm và sử dụng vài chục loại chất độc hóa học khác nhau với khối lượng trên 100.000 tấn, nhưng chủ yếu là các chất: CS, da cam (Agent Orange-AO), chất trắng (Agent White), chất xanh (Agent Blue) và một lượng đáng kể các chất: tím (Agent Purple), hồng (Agent Pink) và xanh mạ (Agent Green). Các chất da cam, tím, hồng và xanh mạ là những chất chứa tạp chất dioxin.

Số lượng các chất chủ yếu được đánh giá như sau:

Câu 6: Quân đội Mỹ đã tàng trữ các chất diệt cỏ ở đâu? Hiện nay ở những nơi đó có còn các chất này không?

    Các chất diệt cỏ thường được tàng trữ ở các kho trung chuyển tại các cảng các kho và tổng kho của quân đội Mỹ-Ngụy theo phân cấp. Các bãi tàng trữ chính là ở các sân bay quân sự: Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát, Nha Trang. Các sân bay lớn vừa là nơi tàng trữ, nạp các chất diệt cỏ lên máy bay đi phun rải, vừa là nơi rửa máy bay sau phun rải như sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát.

     Hiện nay, không thấy có thông tin về sự hiện diện của các chất diệt cỏ ở những nơi trước đây đã tàng trữ các chất này, song dấu tích của chúng còn tồn lại ở một số khu vực ở các sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát và có thề ở một sổ địa điểm khác nữa.

Câu 7: Quân đội Mỹ đã sử dụng những phương tiện gì để phun rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam?

    Để sử dụng chất độc CS, quân đội Mỹ đã sử dụng các phương tiện, vũ khí khác nhau: các loại lựu đạn CS, ống phóng và quấn chất nổ vào thùng phi chứa CS.

    Đối với các chất diệt cỏ, quân đội Mỹ sử dụng các phương tiện: máy bay (vận tải, trực thăng), xe phun, bình phun, nhưng chủ yếu là máy bay vận tài C-123, vì phun rải bằng máy bay tạo được khu vực nhiễm độc rộng lớn. Mỗi phi xuất C-123 tạo được một vệt các chất diệt cỏ rộng 80 - 100 m, dài 15 - 18 km chỉ trong vòng 5-7 phút.

Câu 8: Những công ty nào đã sản xuất và cung cấp chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam?

Để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Mỹ, theo thống kê chưa đầy đủ, có tất cả 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung ứng hóa chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ và các đồng minh sử dụng trong chiến tranh Việt Nam như: Công ty hóa chất Dow, Công ty hóa chất Monsanto, Tập đoàn Hercules, Công ty hóa chất Occidental, Công ty hóa chất Thompson Hayward, Công ty hóa chất Uniroyal, Tập đoàn hóa chất Diamond Shamrock, Tập đoàn Ansul, Công ty Pharmacia, Công ty Maxus Energy, Tập đoàn Harcros, Tập đoàn Uniroyal, Công ty Diamond Alkali, Công ty hóa chất Thompson, Công ty hóa chất ABC 1-100 ...

Câu 9: Những khu vực nào bị phun rải nặng nhất ở Nam Việt Nam?

Trong thời gian chiến tranh, Mỹ - Ngụy chia Nam Việt Nam ra các vùng chiến thuật: I, II, III, IV.

Trong đó vùng chiến thuật III bị phun rải nặng nhất, đây là khu vực xung quanh Sài Gòn, đầu não của Mỹ - Ngụy. Các tỉnh và khu vực trọng điểm là: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, chiến khu D, chiến khu Dương Minh Châu, đặc khu rừng Sác, mật khu Bời Lời.

Câu 10: Chất da cam là gì?

Chất da cam là một chất lỏng màu nâu đỏ hay màu nâu, không tan trong nước, tan trong dầu diezen và các dung môi hữu cơ, có tỷ trong riêng ở 25°C là 1,28 kg/lít. Thành phần gồm 50% chất diệt cỏ 2,4 - D và 50% chất diệt cỏ 2,4,5 - T.

Để dễ nhận biết và phân biệt các loại chất độc, quân đội Mỹ dùng sơn với màu sắc khác nhau sơn thành những vạch sơn trên các phương tiện chứa các chất độc này. Thùng phi chứa hỗn hợp 2,4 – D và 2,4,5 – T được sơn vạch màu da cam, từ đây có tên gọi là chất da cam.

Tương tự như vậy là tên gọi các chất xanh, chất trắng.

Câu 11: Tại sao gọi là chất độc da cam/dioxin?

Cụm từ này được Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 đề xuất và sử dụng lần đầu tiên vào năm 1999 khi xây dựng chương trình cấp Quốc gia về nghiên cứu khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Cụm từ này được dùng để chỉ đích danh nguồn gốc dioxin ở Nam Việt Nam là chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã phun rải trên lãnh thổ Nam Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Chất da cam mà quân đội Mỹ sử dụng ở Nam Việt Nam chứa một lượng tạp chất dioxin rất cao, trung bình là 10 miligram (mg) trong 1 kg chất da cam (được gọi tắt là 10ppm).

Thùng phi chừa chất da cam

Câu 12: Nên sử dụng cụm từ chất độc da cam/dioxin hay chất độc hóa học/dioxin?

Chất độc hóa học/dioxin là cụm từ chỉ các chất độc hóa học có chứa dioxin như policlophenol và các chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam như da cam, đỏ tía (tím), hồng, xanh lá mạ...

- Chất độc da cam/dioxin là cụm từ nhấn mạnh chất da cam có hàm lượng dioxin lớn mà quân đội Mỹ sử dụng chủ yếu trong chiến tranh ở Việt Nam. Trên thế giới cũng sử dụng cụm từ Agent Orange.

- Nên dùng cụm từ chất độc da cam/dioxin như đã giải đáp.

Câu 13: Chất da cam và dioxin khác nhau ở chỗ nào?

Sự khác nhau giữa chất da cam và dioxin: Chất da cam được sản xuất công nghiệp để sử dụng, còn dioxin không được sản xuất để sử dụng, song nó lại được sinh ra trong quá trình sản xuất chất 2,4,5-T như là một loại tạp chất.

Chất da cam ở nồng độ cao là một loại độc tố đối với thực vật, còn dioxin thì không ảnh hưởng tới thực vật, nhưng lại là một tác nhân siêu độc đối với động vật và con người, về mặt các tính chất vật lí và hóa học, chất da cam và dioxin là hai loại chất hoàn toàn khác nhau.

Câu 14: Ngoài chất da cam còn các chất nào chứa dioxin?

Ngoài chất da cam, những chất khác mà quân đội Mỹ đã sử dụng ở Nam Việt Nam có chất 2,4,5-T đều có tạp chất dioxin, như các chất hồng, chất đỏ tía (còn gọi là chất tím), chất xanh lá cây...

Câu 15: Tại sao thế giới lại cấm sử dụng chất 2,4,5-T? ở Việt Nam có cấm sử dụng không?

Năm 1957, các nhà khoa học thế giới đã tìm thấy dioxin (TCDD) trong chất 2,4,5-T là thủ phạm của các vụ nhiễm độc hóa học mà trước đó chưa rõ nguyên nhân. Chất 2,4,5-T được sản xuất trong những năm 50 - 60 của thế kỉ 20 chứa trên 30 - 40 ppm, thậm chí đến 70-100 ppm chất TCDD, chất độc nhất trong các chất dioxin. Vì vậy, trong những năm 70 của thế kỷ 20, nhiều nước trên thế giới đã ngừng sản xuất và cấm sử dụng chất 2,4,5-T. Việt Nam cũng đã cấm sừ dụng chất này vào năm 1994 (theo QĐ số 711/NN-BVTV/CV ngày 11 tháng 5 năm 1994 của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm).

Câu 16: Dioxin từ đâu mà ra?

Dioxin sinh ra từ các nguồn sau đây:

a. Sản xuất các hợp chất hữu cơ chứa Clo, mà tiêu biểu là chất diệt cỏ 2,4,5-T, chất bảo quản gỗ Pentaclophenol.

b. Các quá trình cháy: Đốt các loại rác thải thành phố, rác thải y tế, rác thải công nghiệp, tái chế kim loại nhất là nhôm, đốt than, cháy rừng, lò hỏa thiêu, tai nạn hóa học... Trong đó, đốt rác thành phố chiếm tới 60 - 70%, kế tiếp là đốt rác thải y tế khoảng 12% phát thải dioxin ra môi trường.

Có thể nói chung: dioxin là sản phẩm của lửa, nó được sinh ra trong quá trình đốt cháy các chất, các vật liệu hữu cơ chứa Clo ở nhiệt độ cao.

c. Các quá trình tẩy trắng bột giấy bằng các chất oxy hóa chứa Clo.

Riêng ở Việt Nam vì nền công nghiệp chưa phát triển nên lượng dioxin có trong môi trường chủ yếu do Mỹ sử dụng trong chiến tranh.

Câu 17: Dioxin là gì?

Dioxin là tên gọi chung của hỗn hợp 75 đồng phân và đồng loại policlodibenzo - para - dioxin (PCDD) có bộ khung phân tử gồm 2 vòng benzen liên kết với nhau qua hai cầu nối oxy ở vị trí đối nhau (công thức PCDD) và 135 đồng phân và đồng loại policlodibenzofuran (C) có bộ khung phân từ là là 2 vòng benzen nói với nhau qua một cầu oxy và một liên kết đơn trực tiếp C-C, tạo ra một vòng furan giữa hai vòng benzen (công thức PCDF).

Trong các đồng phân và đồng loại của dioxin thì 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin (gọi tắt là TCDD) được coi là chất độc nhất.

Câu 18: Độ độc TEQ là gì?

Để tính độ độc chung cho các chất độc trong các nhóm dioxin, furan và PCB, độ độc của chất độc nhất TCDD được quy ước bằng 1, các chất ít độc hơn được so sánh với TCDD, có độ độc bằng phần/mười; phần/trăm; phần/nghìn so với TCDD. Những con số này được gọi là hệ số độc. Khi lấy nồng độ của các chất độc nhân với các hệ số độc ta nhận được nồng độ độc tương đương (NĐTĐ), hay độ độc tương đương của từng chất độc (ĐĐTĐ), viết tắt theo tiếng Anh là TEQ (Toxic EQuivalency). Tổng nồng độ TEQ của tất cả các chất độc là độ độc toàn phần của dioxin/furan/PCB.

Độ độc của dioxin > Độ độc của furan > PCB

Câu19: Chất độc CS là gì?

CS là một chất độc kích thích đường hô hấp trên niêm mạc mắt và da rất mạnh do hai nhà khoa học Mỹ Corson B.B và Stoughton R.W sáng chế ra. CS tinh khiết là chất bột mịn, màu trắng ngà, không tan trong nước, tan trong các dung môi hữu cơ. Chất độc CS thuộc nhóm chất làm mất sức chiến đấu, nồng độ ngưỡng kích thích đối với người là 0,5 mg/m3. Ở nồng độ cao 25.000-M 50.000 mg/m3/phút, trong hầm, trong địa đạo có thể gây tử vong đối với người. Quân đội Mỹ đã sử dụng một lượng lớn chất CS ở Nam Việt Nam trong thời gian chiến tranh (9.000 tấn). Sau chiến tranh, ở một số địa phương vẫn còn tìm thấy một số bao, thùng CS và đã được các cơ quan chuyên môn xử lý. Tùy thuộc vào dạng sử dụng mà cs có các kí hiệu khác nhau như: CS, CS1 và CS2.

Câu 20: Dioxin có phải là thành phần của chất da cam không?

Dioxin không phải là thành phần của chất da cam.

Chất da cam có chứa một lượng nhỏ dioxin là do trong quá trình sản xuất chất 2,4,5-T (chiếm 50% thành phần chất da cam) sinh ra tạp chất dioxin. Những năm 50 - 60 của thế kỉ 20, do công nghệ cũ nên trong một kg chất da cam sản xuất ra trung bình chứa 10 miligram (mg) dioxin. Vào những năm 70 và về sau, do cải tiến công nghệ sản xuất nên lượng tạp chất dioxin giảm đi đáng kể, xuống còn 0,1 mg trong một kg. 

Câu 21: Có thể nhận biết được dioxin trong chất da cam không?

Có thể nhận biết được dioxin trong chất da cam, nhưng không phải bằng mắt thường, mà phải bằng phương pháp phân tích hiện đại trong các phòng thí nghiệm có thiết bị phân tích hiện đại và đội ngũ cán bộ khoa học chuyên môn cao.

Phân tích dioxin là một công việc khó khăn, phức tạp với chi phí lớn. Việc phân tích dioxin trước năm 1995, chúng ta đều phải gửi ra nước ngoài với chi phí 1.000+1.500 USD cho một mẫu. Từ năm 1995 lại đây, trong nước đã có các phòng thí nghiệm phân tích dioxin với chi phí thấp hơn đáng kể so với gửi ra nước ngoài, chỉ khoảng từ 7+10 triệu đồng.

Khác với chất da cam được sản xuất trong công nghiệp để sử dụng, dioxin không được sản xuất trong công nghiệp để sử dụng nên không có chuyện “hàng phi dioxin” như một số người lầm tưởng. Dioxin chỉ được điều chế một lượng rất nhỏ trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu và làm chất chuẩn phân tích.

Câu 22: Dioxin có ở đâu trên thế giới?

Trên thế giới, ở đâu có sản xuất và sử dụng các chất diệt cỏ chứa Clo trong nông nghiệp, có tại nạn hóa học ở những nhà máy sản xuất các chất này, có lò đốt rác thải thành phố, rác thải công nghiệp, rác thải y tế,... là ở đó có dioxin. Song lượng dioxin thải ra môi trường ở những nơi đó thấp hơn rất nhiều lần so với lượng dioxin ở Nam Việt Nam do Mỹ phun rải. Gần 95.000 tấn chất diệt cỏ, trong đó có tới 63.000 tấn chất da cam và một số chất khác chứa 366 - 650 kg dioxin.

Câu 23: Ở Nam Việt Nam, dioxin có trong chất da cam khác gì với dioxin ở các nơi trên thế giới?

Chất da cam được quân đội Mỹ sử dụng vào mục đích chiến tranh, nên mật độ phun rải ở Nam Việt Nam trung bình là ~37 kg/ha, gấp 17 lần liều sử dụng trong nông nghiệp. Hơn nữa, chất da cam do quân đội Mỹ phun rải ở Nam Việt Nam có chứa một lượng không nhỏ đồng phân độc nhất của dioxin (TCDD). Qua nghiên cứu và phân tích cho thấy TCDD chiếm tỷ lệ rất cao:

- Trong đất và trầm tích: 96-98%

- Trong máu và sữa mẹ người bị nhiễm dioxin: 66%

- Trong mô mỡ: 80 %.

Tỷ lệ này ở các nước công nghiệp phát triển rất thấp: Trong đất: khoảng 11%, trong máu: 16%, trong sữa mẹ: 30%. Đây là một trong các chỉ số quan trọng để phân biệt dioxin từ nguồn chất da cam với dioxin từ nguồn khác.

Câu 24: Dioxin có những tính chất gì?

Dioxin là một chất rắn có các tính chất sau:

- Có nhiệt độ nóng chảy và nhiệt độ sôi cao;

- Có áp suất hơi rất thấp;

- Hầu như không tan trong nước (kị nước), tan tốt trong mỡ (ái mỡ) và các dung môi hữu cơ khác;

- Có độ bền nhiệt rất cao, chỉ bị phân hủy hoàn toàn ở nhiệt độ trên 1.200 °C;

- Không bị axit đặc cũng như kiềm đặc phân hủy;

- Có khả năng bám dính tốt trên bề mặt các vật thể.

Câu 25: Dioxin tồn tại trong môi trường dưới dạng nào?

Trong không khí: nồng độ dioxin rất thấp, nó bám vào các hạt bụi lơ lửng và di chuyển theo chiều gió, phát tán đi các nơi, nồng độ bị loãng dần.

Trong nước: vì hầu như không tan trong nước, nên nồng độ dioxin trong nước rất thấp, trong nước dioxin bám vào các hạt đất, bùn lơ lửng hay bám trên bề mặt các bộ phận thực vật như rễ bèo, rễ rau muống nước, củ sen...

Trong đất và trầm tích: dioxin bám rất chắc vào mùn hữu cơ có trong đất và trầm tích (thường gọi là bùn sông, ao, hồ, biển).

Một đặc điểm rất quan trọng của dioxin là tích tụ nhiều vào các loài động vật sống dưới nước, nhất là cá. Nồng độ dioxin trong cá có thể gấp hàng trăm nghìn lần hoặc cao hơn nữa so với nồng độ dioxin trong môi trường sống của chúng.

Câu 26: Dioxin có phải là một chất cực độc hay không?

Đúng vậy, dioxin là một loại chất cực độc, với liều lượng rất thấp cỡ 14 - 37 phần tỷ miligam trên 1 kg thể trọng trong 1 ngày (24 giờ) đã gây tác hại đối với con người. Vì vậy, năm 1998, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với hệ số an toàn bằng 10, quy định liều phơi nhiễm cho phép là 1 - 4 phần tỷ miligam trên 1 kg thể trọng trong thời gian ngày (24 giờ).

Ảnh hưởng của dioxin đối với con người phụ thuộc vào các yếu tố quan trọng sau: liều phơi nhiễm, thời gian phơi nhiễm, độ tuổi (trẻ con, bào thai là những đối tượng nhạy cảm nhất đối với dioxin), cơ địa của người bị phơi nhiễm, chế độ và khẩu phần ăn (chủ yếu là thực phẩm động vật).

Liều gây ung thư gan đối với chuột là 210 phần tỷ miligam trên 1 kg thể trọng trong 1 ngày (24 giờ).

Liều gây chết một nửa số động vật thí nghiệm (kí hiệu là LD50) đối với khỉ là 70 phần nghìn mg trên 1 kg thể trọng.

Câu 27: Dioxin tồn tại trong môi trường, con người, động vật có lâu không?

Dioxin tồn tại trong môi trường, con người và động vật rất lâu với thời gian rất khác nhau. Thời gian để suy giảm một nửa lượng dioxin bị nhiễm ban đầu (gọi là thời gian bán phân hủy, được ký hiệu là T1/2) trong các đối tượng như sau:

Câu 28: Hiện nay ở các vùng bị phun rải các chất diệt cỏ trong chiến tranh có còn dioxin không? Có đáng lo ngại không?

Mặc dù dioxin khá bền vững, nhưng do tác động của điều kiện khí hậu nhiệt đới ở nước ta (ánh sáng mặt trời, độ ẩm...), dioxin vẫn bị phân hủy dần theo thời gian. Song chủ yếu là do mưa lũ nhiều năm đã cuốn trôi dioxin có trong các chất diệt cỏ ra sông rồi ra biển, nên hiện nay hàm lượng dioxin ở những vùng bị phun rải các chất diệt cỏ còn rất thấp, dưới nồng độ nguy hiểm đối với môi trường. Do đó không còn đáng lo ngại về dioxin trong môi trường ở những vùng đó.

Câu 29: Tại sao gọi là các “điểm nóng” về dioxin? Hiện tại có bao nhiêu “điểm nóng” ở Việt Nam ?

Điểm nóng dioxin là các khu vực hoặc vùng địa lý mà đất bị nhiễm dioxin có hàm lượng vượt quá nhiều lần nồng độ cho phép trong đất hay trầm tích.

Các nghiên cứu của Bộ Quốc phòng từ năm 1993 đến 2003 cho thấy: đã phát hiện được 3 điểm nóng dioxin là các vùng đất nằm trong các sân bay: sân bay Đà Nẵng thuộc thành phố Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai và sân bay Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định. Đây là các khu vực trước đây quân đội Mỹ sử dụng làm nơi tàng trữ các chất diệt cỏ, nạp chất diệt cỏ lên máy bay để đi phun rải, rửa máy bay sau khi đi phun rải về và chứa vỏ thùng các chất diệt cỏ.

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu những năm gần đây đã bổ sung thêm số liệu cho các điểm nóng này. Điểm nóng ở sân bay Đà Nẵng có diện tích đất khoảng 6 ha và diện tích hồ sen khoảng 7 ha. Điểm nóng ở sân bay Biên Hòa có diện tích đất khoảng 4 ha và diện tích các hồ khu vực sân bay khoảng 2 ha. Điểm nóng ở sân bay Phù Cát có diện tích đất khoảng 3.000m2.

                                                                                                                        (Còn nữa)

                                                                                            (Theo Tạp chí da cam Việt Nam)