Những nỗ lực đáng kể

Thời gian qua, hội quần chúng đã phát huy mạnh vai trò của mình đối với nhiều vấn đề xã hội

Có thể nói, 5 năm qua, thực hiện Kết luận số 102 của Bộ Chính trị về hội quần chúng, toàn Hội đã triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị-xã hội của đất nước ổn định, nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, tăng trưởng khá, tạo điều kiện cải thiện đời sống nhân dân, trong đó có nạn nhân CĐDC.

Đảng, Nhà nước có nhiều văn bản, chỉ thị quan tâm đến nạn nhân và tổ chức Hội: Ban Bí thư chỉ đạo sơ kết Thông báo Kết luận số 292-TB/TW, ban hành Chỉ thị số 43- CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” và Chỉ thị số 14 - CT/TW “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”, Thông báo số 217- TB/TW về kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam; cả nước triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng… Đây là cơ sở rất quan trọng để cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm, giúp nạn nhân khắc phục khó khăn, hoà nhập với cộng đồng.

Thực hiện Kết luận số 102, các cấp hội đã nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn, cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Hệ thống tổ chức hội được củng cố, mở rộng ở 100% các tỉnh, thành; trình độ, năng lực của người làm công tác hội được nâng cao; hoạt động của các cấp hội ngày càng nền nếp, hiệu quả. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Hội đã tích cực tham gia để có nhiều sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đối với nạn nhân. Trong vận động nguồn lực, các cấp hội đã thu được kết quả khá tốt, góp phần cải thiện đời sống và sức khỏe của nạn nhân. Đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân được Hội kiên trì thực hiện, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng; các hoạt động đối ngoại và hoạt động khoa học được đẩy mạnh. Hoạt động của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và Cơ quan Thường trực Trung ương Hội được duy trì nền nếp và chất lượng. Vị trí, vai trò của Hội tiếp tục được khẳng định, góp phần tích cực thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động của Hội trong 5 năm qua còn gặp không ít khó khăn. Đó là: Một số cấp hội thành lập sau Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ không được công nhận hội có tính chất đặc thù; cán bộ tham gia công tác hội không được hưởng chế độ thù lao. Gần đây, một số địa phương sáp nhập Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin với tổ chức hội quần chúng khác, do đó sự điều hành và hiệu quả hoạt động chưa cao. Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các cơ quan liên quan vẫn còn nhiều hạn chế; chế độ báo cáo, phản ánh tình hình với lãnh đạo địa phương và Trung ương Hội chưa được duy trì thường xuyên. Công tác phát triển tổ chức và hội viên ở một số cấp hội chưa đạt chỉ tiêu. Việc duy trì sinh hoạt, hoạt động ở một số hội chưa nền nếp; việc thực hiện điều lệ và quy chế làm việc, có nơi chưa bảo đảm thật sự dân chủ, tạo đồng thuận. Công tác vận động nguồn lực ở một số nơi còn hạn chế, hình thức chưa đa dạng, kết quả vận động còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng thực tế của địa phương.

Nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm được chỉ rõ:

Về chủ quan: trước hết là cán bộ làm chuyên trách công tác hội còn mỏng, một số cán bộ chủ chốt còn kiêm nhiệm, một số tuổi cao, sức khỏe yếu, một số chưa có phương pháp công tác hội phù hợp, chưa chủ động quan hệ, phối hợp với cơ quan liên quan. Công tác kiểm tra có nơi chưa chủ động, chưa phát hiện sớm các dấu hiệu sai phạm để ngăn ngừa. Chỉ đạo của Trung ương Hội có lúc chưa sâu sát, chưa kịp thời.

Về khách quan: Do nhận thức một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm và tạo điều kiện cho hội hoạt động, đặc biệt với những hội thành lập sau khi có Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Ở nhiều địa phương, cán bộ hội cấp huyện và xã chưa có chế độ thù lao hoạt động, kinh phí hỗ trợ cho hội hoạt động quá thấp hoặc không có. Việc hợp nhất Hội với một số tổ chức hội khác, có địa phương chuẩn bị chưa kỹ, nên đã ảnh hưởng đến hoạt động của Hội.

Giải pháp vượt khó

1. Tích cực, chủ động phản ánh, tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về các vấn đề liên quan đến nạn nhân CĐDC và hoạt động của Hội. Duy trì quan hệ và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương. Chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp và sự đồng tình giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức.

2. Chấp hành nghiêm Điều lệ Hội, quy chế, quy định, nền nếp làm việc; củng cố quan hệ gắn bó giữa các cấp hội. Thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo của các tỉnh, thành hội với Trung ương Hội.

3. Tiếp tục phối hợp kiểm tra và định kỳ báo cáo việc thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW, phối hợp tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị. Chú trọng tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, rút kinh nghiệm hoạt động hội cấp xã, cấp huyện. Chủ động nắm tình hình các địa phương đã sáp nhập hội với các hội quần chúng hoặc các cơ quan khác để kịp thời rút kinh nghiệm về tổ chức các hoạt động của Hội trong tình hình hiện nay.

4. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”; thực hiện chấm điểm thi đua và chấp hành nghiêm Quy chế khen thưởng (bổ sung, sửa đổi).

5. Tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội IV; xây dựng chương trình hành động cả nhiệm kỳ và kế hoạch công tác từng năm, xây dựng và ban hành các quy chế hoạt động, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội IV và tình hình thực tế của các tỉnh, thành hội. Trước mắt, Trung ương Hội và các tỉnh, thành hội cần ổn định về mọi mặt, tránh phân tán về tư tưởng, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương về hoạt động của hội quần chúng trong giai đoạn mới.

Những kiến nghị cụ thể

Từ kết quả thực hiện Kết luận số 102, các cấp hội đã thống nhất đề nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao:

Một là, đề nghị Bộ Chính trị sớm có kết luận về mô hình tổ chức hội quần chúng để thực hiện thống nhất trong cả nước; đồng thời đề nghị Quốc hội ban hành Luật về hội quần chúng và sửa đổi Pháp lệnh người có công với cách mạng cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hai là, hiện nay, cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và các cấp Hội đang thực hiện Chỉ thị số 43 - CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; đề nghị Ban Bí thư tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện (vào năm 2020), nhằm rút kinh nghiệm để thực hiện Chỉ thị được tốt hơn.

Ba là, về mô hình tổ chức của Hội, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục cho phép duy trì mô hình tổ chức như hiện nay, không sáp nhập cùng với hội quần chúng khác, với lý do sau đây:

+ Hội là một tổ chức được thành lập nhằm góp phần giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam - một vấn đề có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học.

+ Nhiệm vụ chính trị của Hội được Đảng, Nhà nước giao là chăm sóc giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nếu Hội sáp nhập vào một hội khác, nhiệm vụ đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân sẽ bị ảnh hưởng và khó thực hiện được, vì hiện nay Hội là một tổ chức độc lập đã phải giải quyết rất nhiều vấn đề trong đấu tranh đòi công lý, khi sáp nhập thì càng khó khăn hơn.

+ Hội viên của Hội gồm những người có công với cách mạng, con đẻ và cháu của họ bị ảnh hưởng chất độc da cam. Vì thế, hoạt động của Hội vừa thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” đối với những người có công với nước, vừa phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân” đối với nhân dân ở những vùng bị nhiễm chất độc hóa học.

Bốn là, đề nghị các bộ, ngành có chính sách ưu tiên cho các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu trong nước phối hợp với các nhà khoa học nước ngoài đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu, bằng chứng khoa học về tác hại của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường, sinh thái và con người, làm cơ sở cho hoạt động khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin trong cả nước.

Năm là, đề nghị Bộ Lao động - TBXH chủ trì phối hợp với Bộ Y tế xây dựng tiêu chí và tiến hành tổng điều tra xác định nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong cả nước, làm cơ sở để tiếp tục bổ sung, sửa đổi chế độ chính sách đối với nạn nhân.

Đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp… quan tâm chỉ đạo Hội đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân phù hợp với tình hình mới.

Trung tướng - PGS, TS Đặng Nam Điền

Phó Chủ tịch TW Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam