Trong các ảnh được lưu giữ ở Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và Tạp chí Da cam Việt Nam có tấm ảnh rừng đước bị chất dộc hóa học hủy diệt với những dòng chữ ở bên dưới “Em bé trong rừng đước Cà Mau; năm 1976”. Ảnh chụp bởi GS: Goro Nakamusa (Nhật Bản). Để tìm hiểu kỹ hơn về “Em bé trong rừng đước Cà Mau” và gia đình em - nơi có dấu chân của GS: Goro Nakamusa, tôi tiến hành thu thập thông tin để đến địa danh của tấm ảnh và tìm hiểu về “em bé” và gia đình em.

“Em bé trong rừng đước Cà Mau; năm 1976”. Ảnh chụp bởi GS: Goro Nakamusa (Nhật Bản)

   Một tình tiết trùng hợp ngẫu nhiên và khá lý thú là: trong lúc tôi chuẩn bị tìm đến vùng đất ghi dấu chân của GS: Goro Nakamusa - nơi ông đã chụp tấm ảnh trên thì Hội NNCĐDC/dioxin huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau được tiếp đón và hướng dẫn đoàn Báo chí nước ngoài (Văn phòng đại diện Báo Asahi shimbun) do bà Akiko Maekwa Suzuki Trưởng đại diện Báo tại Việt Nam và Trợ lý Báo chí Lại Thị Thanh Bình đến làm việc theo sự chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Tại buổi làm việc, đoàn cũng đề cập đến tấm ảnh do GS: Goro Nakamusa chụp; thế là động cơ tìm hiểu càng thôi thúc tôi vào cuộc.

Địa danh của tấm ảnh với GS: Goro Nakamusa (Nhật Bản) và sự ra đi vĩnh viễn của “Em bé trong rừng đước Cà Mau, năm 1976”.

   Sau những ngày liên hệ, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và một số bà con nhân dân ở Viên An, tôi biết em bé trong tấm ảnh của GS: Goro Nakamusa chụp là Nguyễn Văn Hùng, con ông Nguyễn Văn Lữ, thế là tôi “hành quân” đến với địa danh trên, đó là khu vực Cái Hoảng, ấp Sắc Cò, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau; nơi mà trong những năm 50 nhân dân đã lập “làng rừng” để làm căn cứ giúp đỡ, chở che cho lực lượng cách mạng trong đó có cố Tổng Bí thư Lê Duẩn; đây cũng là điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên biển – bến Vàm Lũng để tập kết vũ khí, đạn dược…từ miền Bắc vào và cũng là nơi máy bay Mỹ dàn hàng ngang rải chất độc hóa học làm cho rừng đước bị hủy diệt chỉ còn trơ trọi thân và gốc cây.

   Khi bước chân lên cầu thang trước nhà ông Nguyễn Văn Lữ, tôi tình cờ bắt gặp nét mặt lộ vẻ buồn rầu của ông khi đang xem tấm ảnh của ai đó. Thấy tôi, ông cất tấm ảnh vào chiếc cặp da đã sờn, rách và vui mừng tiếp tôi. Thoạt đầu tôi gọi ông là chú và xưng là cháu, nhưng sau khi chào hỏi xã giao ông cho biết ông là con cả trong gia đình (miền Nam gọi là Hai), năm nay ông 73 tuổi, vì ông chỉ lớn hơn tôi vài tuổi nên khi nghe xong tôi xin lỗi và gọi ông là anh Hai Lữ.

   Mở đầu cuộc tiếp xúc, tôi đưa ông xem tấm ảnh GS: Goro Nakamusa chụp và xin ông nói về “em bé” trong ảnh. Cầm tấm ảnh trong tay, ông bùi ngùi xúc động rồi rút ra tấm ảnh trong cặp của ông đưa tôi xem và kể: “Hồi nãy, khi chú đến tôi đang coi tấm ảnh này, người trong tấm ảnh này chính là đứa bé trong tấm ảnh chú mới đưa, lúc đó nó còn nhỏ, đó chính là Nguyễn Văn Hùng con trai tôi.

   Vợ chồng tôi sinh được 9 người con gồm: 5 trai và 4 gái, Cháu Hùng, sinh tháng 2 năm 1969, ngay từ lúc nhỏ cháu luôn tỏ ra hiếu thảo với cha, mẹ và thương yêu các em nên được cha mẹ rất quý mến. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cháu cũng khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác, cháu không được đi học mà hàng ngày lao động phụ giúp gia đình bằng việc dẫn chó đi bắt cua, bắt ốc len, vọp … trong rừng đước đã bị chất độc hóa học hủy diệt nhưng lớn lên do ảnh hưởng bởi chất độc hóa học từ vợ chồng tôi truyền lại nên năm 1990 cháu bị dị tật cụ thể là liệt tay trái và chân trái, miệng hơi méo.

Anh Nguyễn Văn Hùng khi đã lập gia đình

   Năm 2003, theo chính sách của Đảng và Nhà nước tôi và cháu được hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên hằng tháng của người bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng nó là đứa con trai xấu số nên đã từ trần năm 2008. Nói về chất độc hóa học, khi Mỹ rải xuống thì nhân dân ở đây chỉ biết máy bay phun ra chất màu trắng như sương làm cho cây chết, sau này mới biết đó là chất độc da cam/dioxin hủy diệt môi trường và sự sống của con người”.

  Nghe ông kể đến đây, tôi có chút băn khoăn là làm sao ông lại biết “em bé” trong ảnh là con ông, vì vậy tôi mạnh dạn hỏi và được ông kể “ Sở dĩ tôi biết em bé trong ảnh trên là Hùng con tôi vì cách đây khoảng gần 10 năm (tôi không nhớ rõ năm) có một đoàn du khách người nước ngoài đến đây gặp một số bà con trong ấp trong đó có tôi. Khi ấy có một người đưa ra một số ảnh trong đó có tấm ảnh trên và tự giới thiệu đây là những tấm ảnh ông chụp tại đây năm 1976, đồng thời hỏi thăm về em bé trong ảnh. Nhìn bức ảnh trên tôi không nhận ra cháu bé trong ảnh là ai, nhưng sau khi được ông chỉ vào tấm ảnh em bé đi bắt cua có con chó đi theo thì tôi vô cùng đau đớn nhận ra cháu bé đó hiện giờ không còn nữa và nó chính là Hùng con trai của tôi; trong những năm ấy Hùng thường đi bắt cua ở vàm Cái Hoảng.

Ngày trở lại Viên An của GS: Goro Nakamusa (người ngồi bên phải)

   Với sự tò mò về cuộc sống và sức khỏe của gia đình Hùng, tôi gợi ý và được ông Hai Lữ kể tiếp:

   “Năm 1987 Hùng được vợ chồng tôi cưới vợ, thời gian chung sống vợ chồng nó sinh được 3 con gồm: 1 trai và 2 gái. Thấy cha mẹ phải vất vả vì cưu mang các con, cháu nên vợ chồng Hùng xin ra ở riêng. Do bị dị tật nên kinh tế gia đình nó gặp nhiều khó khăn; mặc dù vợ chồng tôi tập trung giúp đỡ nhưng cuộc sống của vợ chồng Hùng vẫn chật vật khi các con mỗi ngày một lớn. Trước hoàn cảnh đó, tháng 6 năm 2005 khi đứa con trai duy nhất mới 17 tuổi, vợ chồng nó phải dứt ruột cho đi làm thuê trên ghe đánh cá (làm ngư phủ) ở Sông Đốc, Cà Mau để kiếm tiền phụ giúp cho cha mẹ nuôi 2 em. Thế nhưng, chỉ sau 1 tháng, một tai họa vô cùng khủng khiếp đã giáng xuống gia đình Hùng đó là đứa con trai duy nhất của vợ chồng Hùng bị chết do té xuống biển trong chuyến đi biển mà sau đó gia đình cho là chuyến đi định mệnh; thi thể không tìm thấy. Từ đó vợ chồng nó phải sống trong nỗi đau quằn quại vì khó khăn, bệnh tật và mất con; vợ chồng tôi phải nén đau thương, nén lau dòng nước mắt khi nhìn thấy con bệnh họan, tật nguyền.

   Trong lúc gia đình đang buồn rầu và gặp khó khăn chồng chất thì cuối năm 2005 tai ương lại giáng xuống, đó là Hùng bị bệnh ở bàng quang phải đi mổ. Xuất viện về, sức khỏe yếu, một phần do bệnh tật và một phần đau buồn trước cảnh đứa con trai duy nhất không còn nữa nên hằng ngày Hùng nằm quằn quại trên giường không đi được, khi ăn, uống phải có người đút. Với tình cảnh đó, năm 2006 vợ Hùng không tiếp tục chăm sóc chồng, lo cho con mà nhẫn tâm bỏ chồng, bỏ 2 con ra đi không một chút vấn vương, và từ đó vợ chồng tôi tiếp tục động viên, an ủi, chăm sóc Hùng như chăm sóc nó trong thời ấu thơ, nhưng vì căn bệnh quá nặng nên ngày 27 tháng 6 năm 2008 Hùng đã qua đời”. Nghe ông Hai Lữ kể đến đây tôi thấy thật xót thương cho hoàn cảnh của gia đình Hùng, một gia đình tuy nghèo nhưng 3 năm trước đó trong nhà luôn tràn ngập tiếng cười, tràn đầy niềm hạnh phúc nay đã “tan đàn sẻ nghé” chỉ vì chất độc hóa học do Mỹ gây ra.

Cuộc đời và nỗi đau của gia đình ông Hai Lữ, nạn nhân chất độc da cam

  Tuy sức khỏe của ông Hai Lữ không được khỏe do phải để lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường và lao động vất vả khi trở về cuộc sống đời thường nhưng khi hỏi về những năm tháng tham gia cách mạng ông tỏ vẻ như quên đi nỗi buồn và vui vẻ kể cho tôi nghe:

   “Năm 1965 tôi tham gia du kích tập trung tại địa phương, đến năm 1968 chuyển về đơn vị pháo binh thuộc huyện Duyên Hải (nay là huyện Năm Căn và Ngọc Hiển). Trong trận đánh vào Chi khu Năm Căn, khi tiến đến Vàm Ông Quyến tôi bị thương ở đùi trái; điều trị lành vết thương tôi tiếp tục tham gia với đơn vị và lập gia đình cùng bà Võ Thị Kim Anh trong hoàn cảnh hai đứa đều tham gia cách mạng. Năm 1966 bà chuyển sang lực lượng thanh niên xung phong, đơn vị hoạt động ở U Minh tỉnh Kiên Giang, nơi cũng bị Mỹ rải chất độc hóa học và là nơi xảy ra nhiều trận chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt của lực lượng ta ở đường 1C (con đường độc đạo nối với miền Đông Nam Bộ lúc bấy giờ) và đầu năm 1968 bà nghỉ công tác, còn tôi tiếp tục tham gia đến tháng 5-1975 mới ra quân về địa phương.

   Về với cuộc sống đời thường tôi sống bằng nghề giăng lưới ở bãi trên (biển Tây gần vàm rạch Sắc Cò), đến năm 1986 chuyển sang làm vuông tôm với diện tích 5,6 ha. Tuy sức khỏe càng ngày càng giảm, cuộc sống tuy có khó khăn nhưng là một cựu chiến binh, với truyền thống của quân đội, với bản lĩnh và phẩm chất của anh “Bộ đội Cụ Hồ” tôi vừa nhắc nhở gia đình, vừa vận động bà con trong ấp chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

 

Ông Nguyễn Văn Lữ, cha đẻ của anh Nguyễn Văn Hùng

   Nhìn căn nhà lá đơn sơ, sàn lót bằng ván đước, tôi hỏi về sức khỏe, cuộc sống của vợ chồng ông và được ông kể tiếp: “Do đông con và thu nhập vuông tôm thấp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Các con tôi đều lập gia đình, hiện có 3 con phải xa cha mẹ đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương. Do ảnh hưởng của chất độc hóa học nên vợ chồng tôi và con trai lớn (Hùng) đều bị nhiễm chất độc hóa học; sau khi Hùng mất, tháng 7 năm 2008 cả hai cha con tôi không được hưởng trợ cấp nữa còn vợ tôi bà đau bệnh liên miên và hiện giờ đang điều trị ở bệnh viện Đa khoa Khu vực Cái Nước, tỉnh Cà Mau”.

   Kể tới đây giọng nói của ông Hai Lữ trầm trầm, nhỏ dần không còn hồ hởi nữa và đã lộ vẻ đau buồn, có thể ông buồn trước cảnh mất con, cảnh những cơn đau bệnh đã hành hạ vợ chồng ông; vì vậy tôi không hỏi thêm gì nữa mà cảm ơn ông và chào tạm biệt để ra về.

   Chia tay ông Hai Lữ, tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động trước hoàn cảnh trớ trêu của gia đình ông, hoàn cảnh mà vợ chồng ông và đứa con trai lớn trong gia đình bị nhiễm chất độc hóa học, hoàn cảnh mà vợ ông đau bệnh liên miên đặc biệt là cảnh con mất trước cha, cháu từ giã cõi trần trước ông bà nội; cảnh mà một số người gọi là “Lá xanh rụng trước, lá vàng rụng sau”; cảnh 2 con của Hùng mồ côi cha, mất mẹ và mất anh.

   Đây là câu chuyện rất đáng thương đối với gia đình ông Hai Lữ, là nỗi đau da cam đang xảy ra hàng ngày trên đất nước ta và cũng chính do hậu quả hết sức nặng nề của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Một hoàn cảnh đáng được nhận sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội để họ không bị bỏ lại phía sau, giúp họ vươn lên trong cuộc sống./.

                                                                                                                                      Lê Xuân Thái