Phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng cùng sự chung tay giúp đỡ với nạn nhân CĐDC

1. Những năm qua, công tác tuyên truyền luôn được Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp chú trọng, coi đó là một mặt công tác hàng đầu, mang tính mở đường, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cơ bản thường xuyên của Hội là vận động các nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam.

Riêng trong nhiệm kỳ III (2013 - 2018), Hội đã phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đăng tải hơn 23.500 tin, bài, ảnh, phim tài liệu và phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đáng chú ý là các phim phóng sự “Cuộc chiến không đơn độc” và “Những người không đầu hàng số phận” của Thành hội Hải Phòng, “Khát vọng vươn lên và những tấm lòng nhân ái” của Tỉnh hội Bến Tre; phim tài liệu “Hồi sinh những trái tim non” của Tỉnh hội Bà Rịa - Vũng Tàu… Các cấp hội đã tổ chức hơn 4.200 cuộc tuyên truyền miệng cho hơn 62 vạn lượt người; 33 cuộc trưng bày với gần 1.800 ảnh và hiện vật; sử dụng gần 27.500 pano, khẩu hiệu; phát hành gần 22.000 tờ gấp, thư ngỏ, sách và các ấn phẩm khác. Hơn 5.000 cuộc mít tinh, gặp mặt nhân các ngày lễ lớn, Ngày vì nạn nhân CĐDC (10/8) cũng đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Trang Web của Trung ương Hội và một số tỉnh, thành hội được duy trì và phát huy hiệu quả trong tuyên truyền đối nội và tuyên truyền đối ngoại. Tạp chí Da cam Việt Nam của Trung ương Hội được phát hành định kỳ hàng tháng, mỗi số hơn 7.000 cuốn, được lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương và đông đảo cán bộ, hội viên đánh giá tốt. Nhiều tỉnh, thành hội tổ chức biên soạn và xuất bản Bản tin Da cam, làm tập san, bộ ảnh, băng đĩa, đề cương tuyên truyền: Tỉnh hội Thanh Hóa xuất bản 7 tập ảnh giới thiệu hoàn cảnh, địa chỉ những gia đình có từ 2 nạn nhân CĐDC trở lên; Tỉnh hội Quảng Bình xuất bản sách “Nỗi đau còn đó”; Huyện hội Lệ Thủy xuất bản tập thơ “Nỗi đau hơn mọi nỗi đau”; Tỉnh hội Bạc Liêu phát động cuộc thi vẽ tranh “Hậu quả của chất độc hóa học đối với môi trường và con người” và tổ chức trưng bày 46 tranh đạt giải…

Các cấp hội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn như Đại hội thi đua “Vì nạn nhân CĐDC”; các chương trình “Vinh danh những tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân CĐDC”, “Chung tay, chắp cánh xoa dịu nỗi đau da cam”, “Tết vì nạn nhân CĐDC”, “Đi bộ vì nạn nhân CĐDC”, “Vươn lên từ ký ức da cam”, “Mùa xuân của em”, “Nhịp cầu trái tim”, Triển lãm “Da cam- Lương tri và Công lý”, Tọa đàm “Công lý và trái tim”… tạo sự lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng.

Công tác tuyên truyền đối ngoại được tiến hành bằng nhiều hình thức, thông qua các cuộc làm việc với các đoàn vào, hướng dẫn khách quốc tế tìm hiểu hậu quả chiến tranh hóa học, tham quan các cơ sở nuôi dưỡng, dạy nghề, xông hơi giải độc cho nạn nhân, trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài. Lãnh đạo Trung ương Hội và một số tỉnh, thành hội tham gia nhiều sự kiện, phát biểu trên nhiều diễn đàn quốc tế; tiếp xúc, trao đổi thông tin với nhiều chính khách, nhà khoa học, luật gia, cựu chiến binh, học sinh, sinh viên các nước. Trang Web bằng tiếng Anh của Hội cập nhật thông tin khá thường xuyên, được nhiều người nước ngoài tin cậy và truy cập. Trung ương Hội và Thành hội Đà Nẵng đã có hàng trăm tin bài, phóng sự đăng tải trên các kênh thông tin quốc tế như Hãng thông tấn AP, VietNam News, Hãng truyền hình NHK, Hãng TV Asahi (Nhật Bản), CCTV (Trung Quốc), AFP (Pháp), BBC (Anh), Hãng truyền hình Thụy Điển, Tạp chí báo viết Pháp, Hãng truyền hình Kênh 2 của Pháp, Truyền hình Hồng Kông…

Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; động viên các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, ủng hộ cuộc đấu tranh công lý của nạn nhân CĐDC Việt Nam; qua đó nâng cao vị thế, uy tín, ảnh hưởng của Hội, cả trong nước và quốc tế.

2. Những năm tới, trên cơ sở nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, các cấp hội cần có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cả tuyên truyền đối nội và tuyên truyền đối ngoại. Tiếp tục tuyên truyền về thảm họa da cam ở Việt Nam; các chủ trương, quan điểm, hệ thống chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân, đặc biệt là Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; về cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong tình hình mới; về công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học trên phạm vi cả nước và ở các địa phương; về những tấm gương vượt khó vươn lên của nạn nhân và những tấm lòng vàng vì nạn nhân CĐDC; về hoạt động của hội, gương cán bộ hội tiêu biểu; những cách làm hay, hiệu quả, kinh nghiệm quý trong thực tiễn xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức hội, trong vận động nguồn lực xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân CĐDC.

Kết hợp chặt chẽ các hình thức tuyên truyền; lấy tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng là chính; coi trọng các hình thức tuyên truyền trực quan, tuyên truyền miệng; mở rộng tuyên tuyền qua facebook, zalo, messenger… Phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông tổ chức các sự kiện làm “điểm nhấn” tuyên truyền và vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, tri ân các nhà hảo tâm, biểu dương những nạn nhân vượt khó vươn lên.

Năm 2019, công tác tuyên truyền cần tập trung phổ biến, quán triệt các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, làm cho cán bộ, hội viên nhận rõ những thuận lợi, khó khăn trong tình mới, đoàn kết phấn đấu đạt và vượt 15 chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội xác định; tạo sự nhất trí cao đối với chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh giản biên chế và điều chỉnh, tổ chức lại các hội quần chúng. Chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về cung cấp thông tin, định hướng dư luận, xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động của Hội, bảo đảm Hội ổn định và phát triển.

Tích cực tham gia tuyên truyền việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với kết quả 50 năm thực hiện Di chúc của Người; 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 30 năm Ngày Quốc phòng toàn dân; tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; về các nhiệm vụ trọng tâm và kết quả triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào “Đoàn kết sáng tạo”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” vào thực tiễn cuộc sống...

Lê Cường

Trưởng ban Tuyên truyền, TƯ Hội