Hô hào 'không đủ bằng chứng' về chất độc da cam nhưng năm 1982 Mỹ đã sơ tán toàn bộ thị trấn Times Beach do bị ô nhiễm dioxin-TCDD.

Trực thăng quân đội Mỹ rải chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam  trong chiến tranh - Ảnh tư liệu

Trực thăng quân đội Mỹ rải chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam trong chiến tranh - Ảnh tư liệu

Không biết ai là người đầu tiên gọi loại thuốc diệt cỏ tàn bạo được dùng ở Việt Nam là 'cầu vồng', nhưng chắc chắn đó là một sự ngược ngạo về ngôn ngữ.

Cầu vồng... ác mộng

Cầu vồng luôn rực rỡ và đẹp đẽ. Cầu vồng luôn được dùng làm biểu tượng cho niềm hy vọng và một tương lai tươi sáng hơn. Cầu vồng là một hiện tượng thiên nhiên đầy màu sắc hấp dẫn - những vòm màu tuyệt đẹp xuất hiện trên bầu trời nhờ sự kết hợp của ánh nắng thanh khiết với những hạt mưa tuyệt diệu.

Nhưng các loại thuốc diệt cỏ được dùng ở Việt Nam rất khác với những điều tuyệt diệu như vậy. Chúng nên được gọi là "hoàng hôn" thì sẽ chính xác hơn.

Dù khi nhìn vào thì rất đẹp, nhưng cầu vồng không chỉ được hình thành nhờ những cơn mưa mà còn nhờ bụi nước hay bất kỳ hơi sương nào được phun từ máy bay. Tôi tin là nhiều cựu chiến binh ở trong những vùng bị phun thuốc trừ sâu đã nhìn thấy cầu vồng xuất hiện khi màn sương độc bay lơ lửng trong không khí.

Quang cảnh của một cây "cầu vồng thuốc diệt cỏ" hẳn chẳng rực rỡ gì. Dù vẫn đẹp đấy nhưng nó sẽ là báo hiệu cho sự kết thúc của một tương lai tươi sáng, và là sự khởi đầu của những cơn ác mộng.

Các loại thuốc diệt cỏ được sử dụng ở Việt Nam, cũng như chính bản thân chúng ta, đều rất độc đáo. Chúng là một tập hợp các chất hữu cơ đa diện phức tạp, mà trong đó được dùng nhiều nhất là chất độc da cam.

Sự phức tạp của chất da cam không chỉ vì các thành phần độc hại và đặc tính ô nhiễm gây chết người của nó mà còn vì nó được sản xuất từ nhiều công thức hóa học khác nhau trong suốt nhiều năm. Hơn nữa việc thiếu các số liệu thống kê cùng các thông tin liên quan đến quá trình sản xuất và sử dụng cũng làm tăng thêm sự phức tạp của các vấn đề sức khỏe mà nó gây ra sau này.

Rừng ở Việt Nam bị chất độc da cam/dioxin tàn phá - Ảnh tư liệu

Rừng ở Việt Nam bị chất độc da cam/dioxin tàn phá - Ảnh tư liệu

Sơ tán toàn bộ thị trấn bị nhiễm độc

Vào năm 1982, ngay tại Mỹ đã xảy ra sự cố ô nhiễm dioxin ở Times Beach, Missouri, mà đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ tương tự. Thị trấn nông thôn nhỏ bé này được phát hiện đã bị ô nhiễm dioxin-TCDD (một thành phần độc tính cao của chất da cam).

Sau đó, Viện Y tế quốc gia xác nhận là Times Beach có nồng độ dioxin trong lớp đất mặt ở mức từ 100 phần tỉ (ppb) tới 317 ppb, một con số rất cao. Thế là, vì lượng dioxin cao bất thường đó, vào ngày 22-2-1983, Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) đã công bố một vụ mua lại tự nguyện.

Chính phủ Mỹ đã mua lại nhà cửa, các cơ sở kinh doanh của khoảng hơn 2.000 người dân trong thị trấn. Mục đích vụ mua lại này là nhằm sơ tán toàn bộ thị trấn, và những người nộp thuế cũng ủng hộ việc này.

Tất cả các chất thuộc nhóm dioxin (gồm cả TCDD) đã bị nhiều tổ chức khoa học liệt vào danh sách các chất gây ung thư ở người. Chúng cũng được thừa nhận là gây ra nhiều tác dụng phụ đối với sức khỏe. Một số trong đó gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và tiểu đường.

Trên thực tế, người ta đã công nhận về mặt y tế rằng sự tiếp xúc lâu dài với TCDD ở mức độ thấp sẽ phá hoại hệ thần kinh, miễn dịch, sinh sản, và nội tiết của chúng ta.

Vậy nên nói ngắn gọn lại thì chúng ta đã tìm hiểu qua tất cả các nghiên cứu và báo cáo đã được thực hiện, dù còn nhiều nghiên cứu khác chưa được nhắc tới trong cuốn sách này, cùng vụ mua lại thị trấn Times Beach, được nhắc tới cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng.

Chúng ta cũng đã biết mức TCDD đo được ở Times Beach nằm trong khoảng từ 100 ppb tới 317 ppb, cao hơn nhiều so với mức an toàn thường được CDC hay EPA (Cơ quan Bảo vệ môi trường) chấp nhận trong thời điểm đó.

Nhưng không may là chúng tôi, những cựu chiến binh thực địa ở Việt Nam, và cả người dân ở Seveso (Ý), đã phải tiếp xúc với mức ô nhiễm dioxin cao hơn đáng kể so với con số đo được ở Times Beach.

Theo các tính toán nghiên cứu mới nhất thì chỉ riêng chất da cam được dùng ở Việt Nam, tính trung bình, chứa tới 13 phần triệu (ppm) dioxin-TCDD, tương đương với 13.000 ppb, tức là gấp khoảng 41 lần mức dioxin cao nhất đã đo được ở Times Beach. Mà tệ hơn nữa là có những báo cáo cho thấy hàm lượng dioxin-TCDD trong nhiều lô chất da cam lên tới 60 ppm, hay 60.000 ppb.

Một lần nữa, để bạn dễ hình dung hơn, chỉ cần 52 giọt dung dịch dioxin lấy ra từ một thùng phuy 208 lít sẽ tạo ra một nồng độ khoảng 13 ppm.

Tiến sĩ Stellman và các đồng nghiệp của bà đã ước tính, một cách thận trọng, rằng tổng lượng dioxin-TCDD trong chất da cam được rải xuống miền Nam Việt Nam là khoảng 366kg. Nhưng đáng tiếc là số liệu thống kê quan trọng này lại không bao gồm lượng TCDD và DLC (các chất giống dioxin) có trong các thuốc diệt cỏ (như chất trắng chẳng hạn), thuốc diệt côn trùng (như malathion và DDT), hay lượng dioxin sinh ra từ việc đốt phân và rác.

Độc, độc hơn, tới cực kỳ độc

Vấn đề nằm ở chỗ vào những năm 1982 - 1983 giữa lúc Chính phủ Hoa Kỳ nói với các cựu chiến binh rằng bằng chứng chưa thỏa đáng hoặc chưa đầy đủ để cho thấy sự liên quan giữa việc họ tiếp xúc với các loại hóa chất được dùng ở Việt Nam và bất kỳ căn bệnh ung thư, rối loạn hay các vấn đề sức khỏe khác, thì cũng chính là lúc chính phủ tiến hành mua lại toàn bộ Times Beach để xử lý một mức phơi nhiễm thấp hơn đáng kể, mà đó chỉ là với một loại dioxin-TCDD thôi. Những lời hô hào "không đủ bằng chứng" và việc mua lại Times Beach của họ diễn ra trong cùng một năm với việc năm người bị kết án tù vì sự cố dioxin ở Seveso.

Để bạn đọc dễ hình dung hơn, và ngược lại với cách hiểu phổ biến, dioxin không phải là một chất hóa học mà là một nhóm rất phức tạp, đan xen lẫn nhau gồm có dioxin, furan và polychlorinated biphenyls (PCB).

Tất cả các thành viên của nhóm hóa chất rộng lớn này có ít nhất là 75 hợp chất khác nhau, thường được gọi chung là polychlorinated dioxin có độc tính rất rộng, với dioxin mà chúng ta biết với tên gọi 2,3,7,8-TCDD là chất độc nguy hiểm nhất trong nhóm. Tuy nhiên, tất cả các chất trong họ polychlorinated biphenyls đều có hại cho con người ở các mức độ khác nhau, từ độc, độc hơn, tới cực kỳ độc.

Rõ ràng là không có loại dioxin nào an toàn hay vô hại. Bạn không thể tìm thấy dioxin trong trạng thái tinh khiết, và cũng không bao giờ tìm thấy nó ở dạng đơn lẻ trong môi trường. Để tăng tác động của dioxin khi nó được đưa vào môi trường, người ta đã trộn nó với vô số chất độc khác. Tất cả đều có thể tác động xấu lên sức khỏe của bất kỳ ai tiếp xúc với chúng.

Thuật ngữ dioxin, trên thực tế, là một hỗn hợp đa dạng của CDD, furan và PCB, tất cả được trộn thành vô số chất hữu cơ phức tạp, đan xen, nguy hiểm mà chúng sẽ tác động tiêu cực lên cấu trúc tế bào và sức khỏe của bất kỳ người nào không may tiếp xúc với chúng, ngay cả với một liều nhỏ - nhỏ hơn một hạt đường tinh khiết.

Bạn hãy nhớ rằng đây chỉ là một danh sách nhỏ của một số loại thuốc trừ sâu phổ biến nhất cùng các thành phần độc hại đi cùng được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Bạn có thể tìm thấy đầy đủ tất cả các loại thuốc trừ sâu được quân đội sử dụng trong Danh sách Thuốc diệt cỏ và Thuốc trừ sâu được sử dụng trong Phòng thí nghiệm Nghiên cứu y tế Chiến trường Hải quân vào năm 1968 được ban hành bởi các Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ (Naval Medical Field Research Laboratory List of Herbicides and Pesticides Used in 1968 by US Armed Forces).

Khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 60% là chất da cam, chứa 366kg dioxin do quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971 đã gây nên một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người: hơn 3 triệu ha rừng bị tàn phá nặng nề; khoảng 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc hóa học, khoảng 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam, trong đó có nhiều người thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3.

Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với cái chết, hàng trăm nghìn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh bởi chất độc da cam. Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ.

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng Việt Nam)

**********                                                               PATRICK HOGAN

Kỳ tới: Cuộc đời bệnh tật của một người lính