Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 chủ trì hội nghị.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; các thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia 701. Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền, Phó chủ tịch- Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam dự và phát biểu tại hội nghị.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực, trong những năm qua, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, trong đó có Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) trong thực hiện tốt chức năng tham với Đảng, Nhà nước ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo như: Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; ban hành 02 thông tư về chế độ, chính sách trợ cấp, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ.

Ban Chỉ đạo đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2019/NĐ-CP về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh; Thông tư số 195/2019/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 18 nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ. Tham mưu cho Chính phủ kiện toàn về tổ chức nhằm thống nhất sự chỉ đạo, điều hành từ cấp Trung ương đến địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền, Phó chủ tịch-Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Đã tổ chức khắc phục cơ bản 2 “điểm nóng” tồn lưu chất độc hóa học theo yêu cầu tại Quyết định số 651/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, đã hoàn thành việc xử lý, cô lập ở sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát và bắt đầu xử lý ở sân bay Biên Hòa, sân bay ASo (huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế); lập và tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ cho nạn nhân ở các tỉnh bị phun rải nặng chất độc hóa học. Tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện điều tra, thu gom, xử lý chất độc CS. Đến nay, đã xử lý được khoảng 260 tấn chất độc CS; khoanh vùng chống lan tỏa cho 18 điểm xử lý tập trung tại các tỉnh; xây dựng bản đồ các điểm phát hiện được tồn lưu, đã tiến hành xử lý chất độc CS trên địa bàn các tỉnh thuộc các Quân khu 4, 5, 7, 9.

Trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ và chất độc hóa học, Bộ Quốc phòng-Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 đã phối hợp với các địa phương triển khai bảo đảm nguồn vốn, vận động tài trợ quốc tế thực hiện các dự án. Khoảng 50.000 ha ở 19 tỉnh ô nhiễm bom mìn nặng đã được tổ chức rà phá trong khuôn khổ thực hiện Quyết định số 504/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, có khoảng 163.000 người hoạt động kháng chiến và hơn 73.000 con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Chất lượng cuộc sống và sức khỏe của các nạn nhân bom mìn và nạn nhân chất độc da cam/dioxin từng bước được cải thiện thông qua các chương trình, dự án, hoạt động của Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Y tế và các tổ chức có liên quan. Hiện nay, toàn quốc có hơn 100 cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn và chất độc da cam/dioxin.

Các tổ chức như: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động tặng quà, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, VAVA đã xây dựng được 26 Trung tâm nuôi dưỡng hơn 1000 trẻ là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, 11 cơ sở xông hơi giải độc.

Về phương hướng, nhiệm vụ cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Ban Chỉ đạo 701 xác định: Đẩy nhanh tốc độ rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ; Tập trung hoàn thành xử lý chất độc hóa học tại các điểm ô nhiễm nặng đã được phát hiện (tại sân bay Biên Hòa, sân bay A So, sân bay Phù Cát); tiếp tục điều tra, đánh giá hiện trạng tồn lưu chất độc hóa học ở các khu vực bị phun rải trong chiến tranh và các điểm nghi nhiễm khác; quan trắc, theo dõi môi trường tại các khu vực sau xử lý. Đẩy mạnh công tác giải quyết chế độ chính sách, hỗ trợ cho nạn nhân; tiếp tục nghiên cứu cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học, tình hình thực tiễn để bổ sung danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến chất độc hóa học.

Tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án, hoạt động hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho các nạn nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng; xây dựng các chương trình phát hiện sớm, tư vấn sinh sản, giải độc và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ tăng cường năng lực cho địa phương trong công tác trợ giúp nạn nhân bom mìn, chất độc da cam/dioxin.

Tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các đối tác trong hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học và bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam; nâng cao nhận thức của người dân để chủ động phòng tránh phơi nhiễm chất độc hóa học và tai nạn bom mìn. Tăng cường quan hệ với các đối tác quốc tế để huy động tối đa các nguồn lực, công nghệ, góp phần đẩy nhanh tốc độ xử lý bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ; tăng cường hỗ trợ nạn nhân bom mìn và chất độc da cam/dioxin.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 yêu cầu Ban Chỉ đạo 701 tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 43- CT/TW, Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương; Nghị định số 18/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, địa phương thúc đẩy mạnh mẽ công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, nhằm đạt được những mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch quốc gia để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học. Tập trung hoàn thiện các văn bản về bảo đảm chế độ, chính sách, biện pháp hỗ trợ đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con cháu có họ. Trước mắt, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định 651/QĐ-TTg (năm 2012) làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực trong nước và quốc tế để tiến tới khắc phục hoàn toàn hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh đối với con người, môi trường ở Việt Nam; tổ chức thực hiện các dự án về xử lý dioxin, dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, dự án rà phá bom mìn bảo đảm đúng tiến độ, chất, hiệu quả.

Tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề tài nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ rà phá bom mìn (Chương trình KC.BM do Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam chủ trì); Đề tài nghiên cứu làm chủ chủ công nghệ xử lý chất độc dioxin có nguồn gốc từ chiến tranh hóa học kết hợp với xử lý các chất hữu cơ khó phân hủy có nguồn gốc từ công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt (do Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường/BTL Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự chủ trì thực hiện).

Tiếp tục đẩy mạnh công tác giải quyết chế độ, chính sách và chế độ trợ giúp nạn nhân và con cháu của họ bị nhiễm chất độc hóa học; nghiên cứu cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học, tình hình thực tiễn để đấu tranh đòi quyền lợi và công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chặt chẽ về mặt pháp lý, phù hợp với pháp luật Việt Nam, Hoa Kỳ và thông lệ quốc tế./.

                                                                                                                                Tin, ảnh: Phạm Quân

                                                                                                                                     (Da cam Việt Nam)