Bối cảnh lịch sử

    Sau quyết định của Thẩm phán J.Weinstein tại Tòa án sơ thẩm Brooklyn từ chối không nhận đơn của các nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, vụ kiện tiếp tục qua các cấp phúc thẩm và tối cao. Ngày 02/02/2009, Tòa án Tối cao của Mỹ cũng đã bác, không thụ lý đơn kiện với hai lý do chính: Thứ nhất, chất hóa học mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam chỉ là “chất diệt cỏ”, không có hại đối với sức khỏe của con người; thứ hai, các công ty hóa chất sản xuất cung cấp “chất diệt cỏ” cho Mỹ là việc làm theo lệnh của Chính phủ Mỹ, tòa án Mỹ không có quyền xét xử các việc làm của Chính quyền liên quan đến quân sự và ngoại giao.

    Vì công bằng xã hội, con đường đi đến công lý của nạn nhân vẫn được tiếp tục, đến nay đã bước sang năm thứ 15 (2004-2018). Cuộc trường chinh của nạn nhân chất độc da cam lúc thăng, lúc trầm trong các hoàn cảnh kinh tế, chính trị, quan hệ xã hội và đối ngoại khác nhau. Nhưng rõ ràng, dư luận xã hội trong nước và quốc tế và ngay cả chính phủ Mỹ cũng đã thừa nhận tác hại của chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là nghiêm trọng, tác động đến môi trường, sinh thái và sức khỏe con người Việt Nam.

   Việc bỏ ra hàng trăm triệu USD để tẩy rửa, tiêu hủy các tồn lưu chất độc da cam tại các “điểm nóng” ô nhiễm dioxin và trợ giúp cho người khuyết tật không phân biệt nguyên nhân ở Việt Nam đã là một phần tránh nhiệm của Chính phủ và các tổ chức, công ty Hoa Kỳ trong những năm qua. Việc làm này đã nhận được sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới cũng như được sự thừa nhận nhiều lần tại các cuộc gặp mặt cấp cao nhất của hai nước.

   Chân lý vì sự tiến bộ và công bằng xã hội dần được khẳng định. Kẻ là nguyên nhân gây tác hại phải chịu trách nhiệm và người bị hại phải được đền bù xứng đáng. Tác động của vụ kiện đã thức tỉnh lương tri loài người trong ngăn chặn việc sử dụng chất độc hóa học, vũ khí giết người hàng loạt, góp phần tích cực giải quyết hậu quả chiến tranh, như Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Chủ tịch Thượng viện Hoa kỳ đã đánh giá: “Vấn đề chất độc da cam trước kia đã làm hai nước xa cách nhau, bây giờ đã làm hai nước xích lại gần nhau hơn”.

   Xu thế xã hội phát triển trong bảo vệ quyền con người, bảo vệ môi trường ngày càng có lợi cho cuộc đấu tranh đòi công lý vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (Phụ lục: Danh mục các công trình nghiên cứu khoa học về bằng chứng tác hại chất độc da cam/dioxinkèm do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam).

Quyết tâm vì công lý cho các nạn nhân

    Sau hơn 7 năm chuẩn bị, kể từ ngày hình thành ý tưởng 7/1996, trước khi đưa ra quyết định khởi kiện vào ngày 30/01/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã xem xét một cách toàn diện, khoa học và biện chứng cho việc bảo đảm tính khả thi nhằm giải quyết các câu hỏi đặt ra: Kiện hay không kiện? Kiện ai? Ai kiện? Cơ sở pháp lý nào? Kiện ở đâu? Vấn đề tài chính?

    VAVA đã xác định: Công lý là mục tiêu đấu tranh cho công bằng xã hội, là khát vọng chung của nhân loại tiến bộ. Con đường đó đòi hỏi sự bền tâm, bền chí, không phải một sớm, một chiều mà đạt được. Có những trường hợp phải suốt cả đời người, thậm chí là nỗ lực của nhiều thế hệ nối tiếp mới có thắng lợi. Trong lịch sử nhiều vụ kiện trên thế giới đã chứng tỏ điều đó. Tin rằng, chân lý sẽ đứng về phía nạn nhân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, VAVA vẫn khẳng định quyết tâm và kiên trì đến cùng mục tiêu đấu tranh đòi công lý vì nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam.

    Mặc dù vậy, những khó khăn, thách thức đang còn rất nhiều, cần rất nhiều sự nỗ lực chung của cộng đồng. Trong đó, việc chuyển từ nhận thức và quyết tâm thành hành động cụ thể, có vai trò quyết định.

Khó khăn và thách thức

    Khó khăn, thách thức đối với VAVA trong thời gian tới còn nhiều và ở các mức độ khác nhau, nhưng điểm nổi bật là những vấn đề cơ bản sau:

- Về tài chính: Việc tiến hành vụ kiện quốc tế nói chung và tại Mỹ nói riêng là rất tốn kém. Phía nguyên đơn (nạn nhân) là những người yếu thế về tài chính, đời sống khó khăn, không có điều kiện vận động, quan hệ, đi lại. Trong khi, phía bị đơn (các công ty hóa chất Hoa Kỳ) có nhiều tiền bạc và điều kiện quan hệ cũng như các thủ thuật, kinh nghiệm ứng phó.

- Về chứng cứ minh chứng: Các tư liệu, hành động phun rải xảy ra trong chiến tranh được bảo mật (cả hai phía). Vì mục đích quân sự và chính trị, các chứng cứ khoa học và hoạt động thực tế bị công bố, tuyên truyền làm sai sự thật. Quan hệ nhân quả tác động trong lĩnh vực nghiên cứu còn nhiều bàn cãi, chưa thống nhất.

- Về thời gian, thủ tục pháp lý phức tạp và nhạy cảm: Việc lật lại các sự kiện trong quá khứ cách đây gần 60 năm, trong lúc các nhân chứng khách quan mất dần cả về số lượng, cả về năng lực, trí tuệ. Việc lưu trữ, thu thập tư liệu trong lĩnh vực này còn hạn chế, gián đoạn.

- Về quan điểm: Trong cơ chế thị trường, các quan điểm thực dụng, hữu khuynh, tiêu cực, hoài nghi cũng như xu thế phát triển của đạo đức xã hội có ảnh hưởng đến lòng tin, giảm quyết tâm đấu tranh vì công bằng xã hội cho những việc đã qua.

    Việc đánh giá, phân tích đúng, cập nhật và xử lý một cách khoa học, biện chứng các tư liệu, sự kiện sẽ là động lực giúp nạn nhân vượt qua khó khăn, thách thức trên con đường đi đến công lý trong tương lai.

Kết quả các sự kiện, vụ kiện khẳng định chân lý của nạn nhân CĐDC Việt Nam

1. Tòa án Lương tâm Quốc tế tại Paris:

   Ngay trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, dư luận quốc tế đã có những động thái pháp lý tích cực lên án việc Mỹ sử dụng chất độc hóa học do các công ty Mỹ sản xuất. Một trong những dấu ấn quan trọng là Tòa án mang tên nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Anh: Bertrand Russell tại Stockholm và Copenhagen đã đưa ra phán quyết: Chính phủ Mỹ đã phạm tội xâm lược chống lại hòa bình và diệt chủng; trong đó có tội sử dụng vũ khí hóa học, hủy hại môi trường.

    Mặc dù vụ kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam năm 2004 không đạt được kết quả mong muốn, nhưng cũng đã là sự kiện chính thức tố cáo tác hại của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, thu hút được sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế. Nhiều tổ chức và nhân sĩ đã lên tiếng kêu gọi ủng hộ nạn nhân CĐDC/dioxin dioxin Việt Nam. Ông Len Aldis, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt đã lập một trang web kêu gọi ký tên “Vì công lý”.

    Ngày 15-16/5/2009, tại Paris, Hội Luật gia Dân chủ quốc tế đã triệu tập Toà án Lương tâm quốc tế xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ để ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam. Tham dự phiên tòa có 250 người của trên 10 quốc gia. Tòa đã ra phán quyết: Chính phủ và các công ty hoá chất Hoa Kỳ đã sản xuất, cung cấp và sử dụng chất da cam gây ra tội hủy diệt sinh thái, phải bồi thường đầy đủ cho nạn nhân da cam và gia đình họ. Tòa đề nghị thành lập một Ủy ban điều tra, đánh giá tác hại, buộc Chính phủ Mỹ và các công ty hoá chất phải khắc phục môi trường, thanh lọc chất ô nhiễm dioxin trong đất, nước và đặc biệt là tại “các điểm nóng”.

    Ngày 24/10/2009, tại Syria, Hội đồng Hòa bình thế giới đã ra Nghị quyết lấy ngày 10/8 hàng năm là ngày Quốc tế đoàn kết Vì nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam…

2. Vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại Pháp

    Ý thức được bệnh tình của bản thân và các con là do chất độc da cam gây ra, tháng 5/2009, bà Trần Tố Nga đã ra làm nhân chứng tại Toà án Lương tâm quốc tế ở Paris xét xử 37 công ty hoá chất Mỹ đã cung cấp chất độc hoá học cho Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tại đây, bà đã gặp ông William Bourdon thuộc Đoàn luật sư Paris, là luật sư nổi tiếng đã thắng trong nhiều lần bênh vực người dân có tranh chấp với các công ty đa quốc gia và trong các vụ kiện liên quan đến tội chống nhân loại. Luật sư William Bourdon đồng ý ủng hộ bà kiện các công ty hoá chất Mỹ đã gây hại cho bà và gia đình và hứa cùng đứng đơn với bà.

    Bà Trần Tố Nga sinh năm 1942 tại Nam bộ. Năm 1954, bà theo gia đình tập kết ra Bắc. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp Khoa hóa trường Đại học Tổng hợp, bà trở về miền Nam làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, phục vụ ở các vùng chiến sự ác liệt như Tây Ninh, Bình Dương... Trong thời gian này, bà đã bị trực tiếp nhiễm chất độc da cam do Mỹ phun rải. Bà bị nhiều bệnh, gần đây đã phải đi phẫu thuật ở ngực do bị bệnh ung thư. Con gái đầu của bà đã chết khi được 17 tháng tuổi vì bệnh tim bẩm sinh; con gái thứ hai cũng bị bệnh thiếu máu huyết tán (Alpha Thalassemia).

    Sau 2 năm chuẩn bị, ngày 14/5/2014, đơn kiện của bà Trần Tố Nga, có luật sư William Bourdon cùng đứng tên, được gửi đến Tòa Đại hình Evry của Pháp và 26 công ty hóa chất của Mỹ. Ngày 16/4/2015, Tòa Đại hình Evry triệu tập phiên đầu tiên. 19/26 công ty bị kiện đã thuê luật sư bào chữa. Đến nay, đã có 9 phiên toà triệu tập, nhưng do các luật sư của các công ty Mỹ cố tình tạo cớ để trì hoãn xét xử, kéo dài vụ án, nên cả 9 phiên đều chỉ là các phiên giải quyết thủ tục. Tuy nhiên, Tòa Evry đã thúc ép hai bên giải quyết xong các thủ tục để chuyển sang giai đoạn xét xử.

    Khác với vụ kiện tập thể của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ở Tòa án Brooklyn, New York, vụ kiện của bà Trần Tố Nga là vụ kiện cá nhân, của một công dân Pháp bị phơi nhiễm chất độc da cam trong quá trình làm việc khi còn ở Việt Nam. Vụ kiện được đưa ra tòa án Pháp, để được xét xử theo luật pháp của Pháp, không lệ thuộc vào luật pháp của Mỹ. Các luật sư Mỹ không được trực tiếp bênh vực cho các công ty Mỹ trong giai đoạn đầu (các phiên thủ tục), mà phải thông qua các luật sư Pháp.

   Vụ kiện của bà Trần Tố Nga đã có tiền lệ ở Pháp. Đó là vụ kiện của ông Paul François, một nông dân Pháp, 51 tuổi, sống ở thành phố Lyon: Ngày 27/4/2004, trong lúc sử dụng loại thuốc diệt cỏ Lasso của công ty Monsanto, ông Paul François đã hít phải khí độc phát ra từ bình thuốc và bị ngất ngay trên bờ ruộng. Sau đó ông thường xuyên bị ho, bị hôn mê, phải nhập viện 5 lần và nghỉ làm việc 9 tháng. Đến nay, hệ thần kinh, hệ miễn dịch và thận của ông vẫn bị tổn hại và ông thường xuyên bị đau nhức chân tay, đau đầu, khả năng lao động bị suy giảm 40%. Năm 2007, ông bắt đầu đệ đơn kiện công ty Monsanto. 5 năm sau, ngày 13/2/2012, Tòa sơ thẩm Lyon đã kết luận Monsanto phải chịu trách nhiệm về tình trạng nhiễm độc của Paul François và phải bồi thường thiệt hại cho ông. Monsanto đã đề nghị đưa ra tòa phúc thẩm. Ngày 10/9/2015, Tòa Phúc thẩm Lyon tuyên bố giữ nguyên quyết định sơ thẩm của Tòa Đại hình Lyon.

    Ngày 13/6/2014, Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã ra tuyên bố ủng hộ vụ kiện. Tiếp đó, ngày 9/4/2015 Trung ương Hội đã gửi thư ngỏ đến Tòa Đại hình Evry đề nghị xét xử nghiêm minh vụ kiện...

3. Tòa án Quốc tế La Hay, Hà Lan

    Ngày 18/4/2017, tại Tòa án Quốc tế La Hay, 5 thẩm phán chuyên nghiệp đã nghe và đánh giá ý kiến của trên 30 nhân chứng, luật sư và các nạn nhân. Bà Francoise Tulkens, Chủ tọa phiên tòa Quốc tế về Monsanto đã công bố: Monsanto đã sản xuất chất diệt cỏ Roundup chứa Glyphosate cũng như dioxin chứa trong chất diệt cỏ 2,4,5T chất da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã làm hàng ngàn người thiệt mạng.

    Phiên tòa đã xem xét 6 vấn đề liên quan có thể cấu thành 6 tội trạng, 4 tội trạng liên quan đến quyền con người là được sống trong môi trường trong sạch, được bảo đảm lương thực, chăm sóc sức khỏe, tự do nghiên cứu khoa học, quyền được tiếp cận công bố thông tin. Hai vấn đề liên quan được kết luận là Monsanto đã hủy hoại môi trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân Việt Nam cũng như các binh sĩ Mỹ và đồng minh tham gia chiến tranh bị phơi nhiễm chất diệt cỏ do Monsanto cung cấp.

Phiên điều trần của Tòa quốc tế Monsanto vào ngày 15/10/2016. Ảnh: Tòa Monsanto.

    Mặc dù, đây là phiên tòa công lý, đánh giá về pháp luật, chưa có giá trị ràng buộc pháp lý, nhưng Tòa cũng đã đưa ra kết luận tham vấn, cảnh báo, có thể làm bằng chứng sản phẩm chất diệt cỏ của Monsanto là vi phạm nhân quyền và hủy hoại môi trường, có thể sử dụng các luận điểm pháp lý cho các vụ kiện của nạn nhân da cam Việt Nam. Kiến nghị này cũng đã được chuyển đến Liên hợp quốc, Tòa án Hình sự Quốc tế, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc và Tập đoàn Monsanto.

    Ngày 20/4/2017, trong phiên họp báo thường kỳ, phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã hoan nghênh phán quyết của tòa àn, coi đây là một thực tế khách quan. Đề nghị Monsanto tôn trọng tham vấn của Tòa án và có hành động thiết thực, góp phần giải quyết hậu quả do CĐDC/dioxin để lại sau chiến tranh.

     Với chính sách mở cửa của Việt Nam, năm 1995 các sản phẩm của Monsanto đã có mặt tại Việt Nam. Tháng 8/2010, Monsanto chính thức thành lập chi nhánh tại Việt Nam với tên là Công ty TNHH Dekalb, cung cấp hạt giống biến đổi gen và thuốc bảo vệ thực vật hướng tới các sản phẩm công nghệ sinh học. Tuy nhiên, về khoa học và quản lý nhà nước, trên thế giới vẫn đang tồn tại hai xu thế tranh cãi chưa đến hồi kết về tác hại và lợi ích của loại cây trồng và thực phẩm biến đổi gen.

      Ngày 21/4/2017, hai nghị sĩ đảng Xã hội, thành viên Ủy ban Nông nghiệp châu Âu là Eric Andrieu và Marc Tarabella đã đề xuất thành lập Ủy ban điều tra về Tập đoàn Monsanto vì hủy hoại môi trường nhằm hình thành “Hồ sơ Monsanto”.

      Vụ kiện của các nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam tại Tòa án Mỹ không chỉ là đòi quyền lợi chính đáng riêng cho người Việt Nam, mà là cuộc đấu tranh vì công lý, phù hợp với nguyện vọng chung của nhân loại tiến bộ trong thế giới văn minh và công bằng xã hội.

        Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam không đơn độc trong cuộc đấu tranh này. Kết luận của tòa và dư luận sau phiên tòa đã củng cố, khẳng định cuộc đấu tranh này là chính nghĩa, vì quyền lợi cơ bản nhất của con người, chống lại một số thế lực lợi dụng chiêu bài bảo vệ nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước có chủ quyền.

4. Vụ kiện Monsanto tại Tòa án San Francisco, Hoa Kỳ

      Thực tế, trước vụ kiện Monsanto tại Tòa San Francisco đã có khoảng hơn 5.000 vụ kiện của nông dân, người chơi cây cảnh và những người sử dụng chất diệt cỏ kiện Monsanto về tội danh tương tự như trường hợp của ông Dewayne Johnson. Nhưng đây là lần đầu tiên tòa án Mỹ đưa ra phán quyết ấn định một số tiền phạt và bồi thường cho một nạn nhân. Các nguyên đơn cho rằng, chất diệt cỏ của Monsanto chứa chất có thể gây bệnh ung thư máu không Hodgkin/NHL (tương tự như dioxin có trong chất da cam của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam).

     Quyết định của tòa án tại San Francisco, ngày 10/8/2018 (trùng với Ngày vì nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam), đã trực tiếp xác nhận tác hại của “chất diệt cỏ” có khả năng gây ung thư và công ty Monsanto phải chịu trách nhiệm về sản phẩm gây hại này cho con người. Phán quyết này được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trên thế giới, là án lệ mở đường cho hàng ngàn các vụ kiện tương tự khác. Trong đó có các nạn nhân Việt Nam bị phơi nhiễm bởi CĐDC do công ty Monsanto cung cấp cho Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Đây là một án lệ, một công cụ sắc bén của các nạn nhân đấu tranh đòi công lý, công bằng xã hội.

      Phán quyết của Tòa án đã bác lại luận điểm của Tòa án tối cao Mỹ trước đây cho rằng “chất diệt cỏ” mà công ty Monsanto và các công ty hóa chất khác của Mỹ đã cung cấp là không có hại cho con người. Do vậy Monsanto và các công ty hóa chất khác của Mỹ đã cung cấp chất diệt cỏ cho Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm về thảm họa đã gây ra cho môi trường và con người Việt Nam.

      Sau vụ kiện năm 2004, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì thu thập các bằng chứng về tác hại của chất diệt cỏ trên con đường đấu tranh vì công lý cho các nạn nhân. Từ đó đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước công bố rõ hơn, thuyết phục hơn về tác hại của chất diệt cỏ do các công ty hóa chất cung cấp cho Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Ngay tại Mỹ, các nghị sĩ đã đưa ra 4 Dự luật yêu cầu Chính phủ phải tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam; trong đó, Monsato là một trong những công ty cung cấp chủ yếu.

      Việc Tòa thượng thẩm bang California tại San Francisco Hoa kỳ tuyên phạt 289 triệu USD do Monsato không có cảnh báo phù hợp về nguy cơ loại chất diệt cỏ (Roundup/Glyphosate) của hãng này có thể gây ung thư cho người, là phán quyết được xem xét kỹ lưỡng sau nhiều năm, với nhiều các phiên điều trần khách quan, nghiêm túc, có luận cứ khoa học (có 4 nhà khoa học tham gia), cũng như dựa trên các kết luận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

      Đánh giá kết quả, nguyên nhân thắng kiện, ông Dewayne Johson, nguyên đơn, là người bị ung thư sau hai năm (2012-2014) sử dụng sản phẩm chất diệt cỏ của Monsato đã xác nhận: Thắng lợi đạt được là do vụ kiện nhận được sự ủng hộ rất nhiều về tinh thần, những lời cầu nguyện và sự tiếp sức đến từ ngay cả những người không quen biết. Ông hài lòng về sự giúp đỡ vượt quá mong đợi đối với ông và hy vọng, kết quả bản án sẽ mang lại nhiều thuận lợi cần thiết cho các nạn nhân khác.

      Tóm lại, đây là bản án đầu tiên có pháp lý về tác hại của chất diệt cỏ được đánh giá cao, có tranh tụng, đối chất và tuyên phạt số tiền bồi thường cho một nạn nhân. Thắng lợi vụ kiện có giá trị, mở ra con đường đấu tranh pháp lý cho hàng nghìn vụ kiện tương tự khác. Đặc biệt là vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi, đã và đang được nhiều dư luận quan tâm và khích lệ, trong đó có cả dư luận tiến bộ ở Mỹ.

Tiếp tục đấu tranh vì công lý cho nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam

      Với lòng tin chân lý sẽ đứng về phía các nạn nhân, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam hoan nghênh kết quả thắng lợi của các vụ kiện liên quan đến các chất diệt cỏ chứa các tác nhân gây hại đến môi trường, sinh thái và con người. Đó là nguồn động viên, có tầm ảnh hưởng lớn, cổ vũ và tiếp sức cho vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất diệt cỏ dùng trong chiến tranh của nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, trong đó có Monsato. Đây cũng là bài học, kinh nghiệm cho Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam trên con đường đấu tranh tiếp tục đòi công lý cho các nạn nhân trong thời gian tới.

     Mong muốn các luật sư, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội và các tổ chức, dư luận tiến bộ trong và ngoài nước quan tâm, tích cực ủng hộ, giúp đỡ, dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho nạn nhân tiếp tục vững bước trên con đường đấu tranh đòi công lý, vì sự công bằng xã hội.

Đại tá, TS Trần Ngọc Tâm (Tạp chí da cam Việt Nam)