Các đại biểu dự Hội thảo.

    Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 701 dự và phát biểu chỉ đạo. Dự hội nghị có các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; GS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y;  đại diện Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

   Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết: Dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Học viện Quân y cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, hợp tác với một số nước, tổ chức quốc tế để nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của chất da cam/dioxin đến sức khỏe con người, cũng như hỗ trợ y tế đối với nạn nhân chất da cam/dioxin. Từ năm 1996 đến năm 1999, Học viện Quân y đã tiến hành nghiên cứu về dị tật bẩm sinh tại các địa bàn dân cư xung quanh các điểm nóng dioxin tại Biên Hòa, Phù Cát, Đà Nẵng. Năm 2005, Học viện Quân y đã khảo sát 28.817 gia đình cựu chiến binh có tiền sử phơi nhiễm chất da cam. Bên cạnh đó, Học viện Quân y cũng đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của phơi nhiễm dioxin lên nồng độ các hóc-môn trong cơ thể các đối tượng đang sinh sống gần sân bay Biên Hòa thấy phơi nhiễm dioxin có xu hướng làm giảm testosteron và tăng nồng độ prolactin ở nam giới. Ngoài ra, Học viện Quân y cũng tiếp nhận công nghệ tẩy độc không đặc hiệu cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin bằng phương pháp hubbard từ Hoa Kỳ…

    Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: Chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc từ lâu, nhưng hậu quả của bom mìn, chất độc hóa học đã và đang còn ảnh hưởng đến sự an toàn, sức khỏe của nhiều người dân, đến môi trường và sự phát triển kinh tế xã hội. Đây là một trong những thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã, đang thực hiện nhiều chính sách, biện pháp thiết thực có hiệu quả trong việc khắc phục, xử lý hậu quả tồn lưu chất độc hóa học sau chiến tranh, cùng với giúp đỡ, chăm sóc các nạn nhân.

   Đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kêu gọi các quốc gia, chính phủ, các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học, các chuyên gia về y tế môi trường sinh thái trên thế giới tiếp tục chung tay hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và con người.

    Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao, trong những năm qua với sự cố gắng nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội và sự hợp tác của một số nước, tổ chức quốc tế, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, chống lan tỏa, tổ chức xử lý và đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều nạn nhân chất da cam/dioxin đã được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng  và được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công. Tại sân bay Phù Cát đã thực hiện chôn lấp, cô lập đất, trầm tích nhiễm dioxin; sân bay Đà Nẵng đã hoàn thành xử lý triệt để đất và dự kiến năm 2019 sắp tới sẽ tiến hành khởi công dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa.

    Theo số liệu của Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tính đến nay đã có 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được xem xét xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi, trong đó có 159.000 người đang được hưởng chế độ ưu đãi. Ngoài chế độ trợ cấp và phụ cấp ưu đãi hằng tháng, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học còn được bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; ưu tiên trong tuyển sinh tạo việc làm; ưu đãi trong giáo dục, đào tạo.

    Tại hội thảo, đại biểu các cơ quan, đơn vị các nhà khoa học trong nước và quốc tế Văn phòng 701; Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Học viện Quân y đã tập trung thảo luận về những nỗ lực của Việt Nam và quốc tế, những vấn đề về khoa học và công nghệ trong thực hiện khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đồng thời trao đổi thảo luận để xác định phương hướng và các giải pháp thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

    Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo 701, Trước mắt, Ban Chỉ đạo 701 đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2018 - 2020 là xử lý triệt để được khoảng 35% khối lượng đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa; tổ chức rà soát 100% số người tham kháng chiến và con cháu họ có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin.

(Báo QĐND)