1. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc khắc phục thảm họa da cam của Đảng và Nhà nước:

Ngay từ năm 1976, Chính phủ đã chủ trương một chương trình tái phủ mầu xanh tại những khu vực nông thôn miền Nam từng bị quân Mỹ phun chất độc hóa học dày đặc. Chương trình đã đạt được những thành tựu quan trọng. Khu vực rừng đầm lầy ven biển, hay còn gọi là rừng đước ngậm mặn, dù bị tàn phá nặng nề, đã dần được hồi phục. Trong chương trình này, nhà khoa học Việt Nam Giáo sư Phùng Tửu Bôi sáng tạo một phương pháp tài tình để bảo vệ rừng nhiệt đới bản địa trước sự xâm lấn của các giống cây ngoại vốn cắm rễ tại đây, khi những cây ưu trội chết do bị phun chất độc hóa học. Giáo sư đã cho trồng những giống cây ngoại có giá trị thương phẩm cao để che bóng cho cây non nội địa đủ sức trực tiếp hấp thụ ánh sáng mặt trời. Đến lúc đó người dân có thể thu hoạch cây che bóng để sử dụng.

Tháng 10/1980Chính phủ thành lập Ủy ban đặc biệt (UB 10 - 80) với nhiệm vụ điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, do Giáo sư, Bác sĩ Hoàng Đình Cầu làm Chủ tịch. Trong nhiều năm, Ủy ban đã chủ trì nhiều công trình nghiên cứu khoa học, hợp tác với các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện trong nước và quốc tế như Mỹ, Pháp, Canada ... Các kết quả nghiên cứu đã được trình bayg tại 3 hội thảo khoa học, 2 hội thảo quốc tế năm 1983 và 1993, xen vào giữa là hội thảo quốc gia, năm 1986.Các công trình nghiên cứu đã được in thành tài liệu tiếng Việt, Anh, Pháp, phổ biến rộng rài trong nước và quốc tế. Kết quả điều tra của UB 10-80 đã khẳng định tác hại của chất độc da cam/dioxin là vô cùng trầm trọng, để lại hậu quả nặng nề và lâu dài đối với con người và môi trường Việt Nam.

- Ngày 16/6/1997, tại Công văn số 725-CV/VPTW, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Thường vụ Bộ Chính trị về vấn đề chất độc hóa học do Mỹ sử dụng ở Việt Nam: “Chất độc hóa học do Mỹ dùng trong chiến tranh gây ra cho nhân dân ta những hậu quả nặng nề và lâu dài. Chúng ta cần chủ động, khẩn trương nghiên cứu, đánh giá chính xác và đầy đủ những hậu quả này và có những giải pháp cơ bản, toàn diện để khắc phục”.

- Ngày 03/4/1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg tiến hành xác định nạn nhân bị hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam để có cơ sở cho việc đề xuất chủ trương và giải pháp cơ bản khắc phục hậu quả. Cuộc điều tra tiến hành trong hai năm 1998-1999 trên phạm vi cả nước. Đối tượng là những người từng công tác, chiến đấu, sinh sống ở những vùng bị rải chất độc hóa học trong chiến tranh mà bản thân hoặc con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật, mắc bệnh hiểm nghèo do hóa chất độc gây nên. Sau đó có điều tra bổ sung vào các năm 2002 và 2004.

Tháng 6/1998, nhằm huy động nguồn tài trợ trong nước và quốc tế để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 105/1998/QĐ-TTg, thành lập Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc hóa học thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

- Ngày 30/7/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa X ban hành Pháp lệnh số 6/1998/PL - UBTVQH về Người tàn tật, trong đó Điều 3, Khoản 2 nhấn mạnh: Trẻ em tàn tật do hậu quả chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh, được Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm, bảo vệ, chăm sóc

- Ngày 01/3/1999, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 33) được thành lập theo Quyết định số 33/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ của Ban là xây dựng kế hoạch hằng năm, dài hạn, chỉ đạo, quản lý và tổ chức triển khai hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học từ Trung ương đến địa phương.

- Ngày 23/2/2000, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Theo đó, người tham gia kháng chiến có 2 mức 100.000 đồng/ 01 tháng và 88.000 đồng/01 tháng; con đẻ của họ cũng có 2 mức 84.000 đồng/ 01 tháng và 48.000 đồng/ 01 tháng.

Ngày 05/7/2002, Bộ Chính trị ra Thông báo số 69-TB/TW về chủ trương giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Thông báo nêu rõ: Giải quyết hậu quả chất độc da cam (dioxin) là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất cấp bách hiện nay…Do vậy, thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết có hiệu quả vấn đề phức tạp này. Cần có chế độ, chính sách và đầu tư kinh phí phù hợp để hỗ trợ, chăm sóc, chữa trị cho các nạn nhân (là cán bộ, chiến sĩ đã tham gia kháng chiến cũng như các đối tượng khác) bị nhiễm chất độc da cam. Tăng cường vận động một số nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ…có khả năng hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc da cam, giúp đỡ các nạn nhân.

Ngày 17/12/2003, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin được thành lập theo Quyết định số 84/2003/QĐ-BNV. Ngày 10/01/2004, Hội chính thức ra mắt hoạt động, nhằm vận động nguồn lực trong nước và ngoài nước để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, động viên nạn nhân vươn lên hòa nhập cộng đồng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân, đấu tranh buộc Mỹ phải thực hiện tham gia khắc phục thảm họa da cam ở Việt Nam do họ gây nên.

- Ngày 05/2/2004Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 16/2004/QĐ-TTg về trợ giúp đối với hộ gia đình có từ 2 người trở lên không tự phục vụ được do hậu quả chất độc hóa học.

- Ngày 27/4 /2004, Kế hoạch hành động giai đoạn 2004 - 2010 khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã được phê duyệt tại Quyết định số 67/2004/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Ngày 05/7/2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hạu quả của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

- Ngày 16/5/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2005/ NĐ-CP về Điều lệ Bảo hiểm y tế, quy định trẻ em bị dị dạng di tật do hậu quả chất độc hóa học là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học/ dioxin đang hưởng trợ cấp hàng tháng thuộc diện đối tượng thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc.

Ngày 23/5/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 65/2005/QĐ-TTg về chính sách trợ giúp đối với trẻ em tàn tật, dị dạng do bị hậu quả chất độc hóa học/ dioxin.

- Ngày 29/6/2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 về ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động là đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh này đánh dấu bước phát triển mới trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến bị hậu quả chất độc hóa học/ dioxin. Điều 2 của Pháp lệnh xác định 11 đối tượng là người có công với cách mạng, trong đó đối tượng thứ 8 là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Ngày 26/5/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH ngày 29/6/2005.

Ngày 26/7/2006, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 07/2006/TT- BLĐTBXH hướng dẫn về việc lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công.

Ngày 21/11/2006, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch số 17/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT, hướng dẫn chế độ chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạng.

Ngày 02/3/2007, để phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2007/NĐ-CP quyết định tăng mức phụ cấp ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị hậu quả chất độc hóa học (so với mức phụ cấp quy định tại Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ban hành ngày 23/2/2000).

Ngày 13/4/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.

Ngày 25/11/2007, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ra Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn bổ sung thực hiện ưu đãi người có công với cách mạng.

Ngày 28/2/2008, Bộ Y tế ra Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ban hành danh mục bệnh tật do chất da cam/dioxin.

Ngày 07/4/2009, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH về sửa đổi, bổ sung Mục VII, Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 về hướng dẫn lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công.

- Ngày 18/12/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo kết luận số 292- TB/TW về việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; tổ chức hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Thông báo nêu rõ: "Việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách hiện nay. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có những biện pháp cụ thể để giải quyết tốt nhiệm vụ này"; "Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là một tổ chức xã hội đặc thù, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội được Đảng, Nhà nước giao".

- Ngày 27/2/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2010/NĐ-CP về chính sách trợ giúp bảo trợ xã hội (bổ sung, sửa đổi Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007).

- Ngày 06/4/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2010/NĐ-CP, theo đó, mức trợ cấp chính của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gần bằng mức trợ cấp của bệnh binh.

- Ngày 14/5/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2010/NĐ-CP quy định về việc miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 -2011 đến 2014 - 2015.

- Ngày 18/8/2010, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010.

Ngày 15/11/2010, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT- BGD ĐT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 -2011 đến 2014 – 2015 (liên quan đến học sinh là nạn nhân chất độc da cam).

Ngày 06/01/2011, Ban Bí Thư Trung ương ra Thông báo số 409/TB/TW về tổ chức 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, nhấn mạnh là dịp đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc hơn tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại bới chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra đối với môi trường và sức khỏe con người.

Ngày 30/6/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2011/NĐ-CP quy định mức trợ cấp đối với người có công với cách mạng.

Ngày 09/4/2012, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra Công văn số 1040/BLĐTBXH-NCC hướng dẫn giải quyết chế độ đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Ngày 28/5/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2012/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

- Ngày 01/6/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 651/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Mục tiêu cụ thể của kế hoạch có 6 điểm cần lưu ý:

+ 100 % người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công;

+ Các hộ gia định nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp đời sống và bảo hiểm y tế, trong đó có 100% hộ gia đình có từ 2 người tàn tật trở lên.

+ Xây dựng chương trình và kế hoạch kiểm tra sức khỏe và bệnh tật của những nạn nhân chất độc hóa học tại các vùng còn ô nhiễm nặng chất da cam/ dioxin;

+ Hoàn thiện chính sách và chế độ trợ giúp cho nạn nhân chất độc hóa học;

+ Trợ cấp và bảo hiểm y tế cho gia đình nạn nhân chất độc hóa học hoàn cảnh khó khăn và nhiều người bệnh nặng;

+ Ban hành qui trình xác định nạn nhân chất độc hóa học và tiêu chí bệnh tật do chất độc hóa học. Tổng điều tra nạn nhân trong toàn quốc;

Đến 26/10/2016, đã có 8 bộ, ngành, 49 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học giai đoạn 2016 - 2020 về Trung ương. Các báo cáo đã được xây dựng trên cơ sở bám sát mục tiêu nội dung, nhiệm vụ đề ra trong Quyết định số 651 ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

- Ngày 16/7/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH-13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh này cơ bản khắc phục được những bất hợp lý sơ với trước đây, tạo được sự phấn khởi chung trong đối tượng và nhân dân. Điều 26 của Pháp lệnh xác định: "Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được cơ quan có thẩm quyền công nhận đã tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8/1961 đến ngày 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học và do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp sau đây:

a, Mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên;

b, Vô sinh;

c, Sinh con dị dạng, dị tật”..

- Ngày 09/4/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Ngày 15/5/2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thủ tục hồ sơ thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Ngày 14/02/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2015/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp đối với người có công với cách mạng, mức chuẩn là 1.318.000 đồng; có hiệu lực từ ngày 01/4/2015; các khoản trợ cấp, phụ cấp được thực hiện từ ngày 01/01/2015.

Theo Nghị định trên, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học mắc bệnh suy giảm khả năng lao động 81% trở lên hưởng trợ cấp 3.005.000 đồng/ 01 tháng, phụ cấp 661.000 đồng/01 tháng; người có bệnh tật đặc biệt nặng phụ cấp 1.318.000 đồng/ 01 tháng; trợ cấp người phục vụ 1.318.000 đồng/01 tháng; đối với đối tượng chỉ ghi mức 1, chỉ được hưởng trợ cấp 3.005.000 đồng /01 tháng; suy giảm khả năng lao động từ 61 % đến 80% hưởng 2.346.000 đồng/ tháng; suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% hưởng 1.673.000 đồng/ 01 tháng; suy giảm khả năng lao động từ 21% đến 40 % hưởng 1.001.000 đồng/01 tháng;

- Ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Chỉ thị chỉ rõ: "Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị". Nội dung cơ bản của Chỉ thị :

+ Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam;

+ Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thực hiện đầy đủ chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam;

+ Tiếp tục vận động, đấu tranh phù hợp với đường lối, chủ tương đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam;

+ Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới hiểu rõ thảm họa chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động giúp đỡ nạn nhân và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam;

+ Củng cố, kiện toàn tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực hiện Chỉ thị 43 ngày 02/8/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 2608/BTTTT-TTCS có nội dung cơ bản như sau:

- Nói về nhiệm vụ của các cơ quan thông tấn, báo chí;

- Nói về nhiệm vụ của các sở thông tin và truyền thông:

* Chủ động phối hợp với hội nạn nhân trên địa bàn chỉ đạo công tác tuyên truyền;

* Phối hợp với Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp hướng dẫn lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở xây dựng kế hoạch hoạt động tuyên truyền miệng theo chuyên đề hoặc lắp ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong các buổi sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, đơn vị, tổ dân phố, khu dân cư...

* Chỉ đạo phòng văn hóa thông tin cấp huyện tham mưu giúp ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền các hoạt động tham gia chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân trên địa bàn.

2. Về hoạt động nghiên cứu khoa học

Từ năm 2000 đến năm 2010, 30 đề tài cấp nhà nước (10 đề tài về y tế, 13 đề tài về môi trường, 7 đề tài về chính sách xã hội) đã được triển khai nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu, các dự án khảo sát điều tra đánh giá ô nhiễm chất độc da cam/dioxin ở các vùng bị phun rải nhiều trong chiến tranh, ở các căn cứ quân sự cũ, nơi tập kết, lưu giữ, pha chế, đổ thải chất độc hóa học cũng được triển khai và đạt được nhiều kết quả.

Từ năm 2010 đến năm 2015, 12 đề tài (6 đề tài về chăm sóc y tế, sức khỏe; 4 đề tài về độc học, môi trường; 2 đề tài về khoa học xã hội và nhân văn) trong Chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm cấp nhà nước đã cơ bản hoàn thành mục tiêu, nội dung đề ra.

Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị góp phần khẳng định tác hại của chất độc da cam/dioxin đối với con người như: Điều tra dịch tễ học trên 47.000 cựu chiến binh và con cháu của họ; Xác định cơ cấu bệnh tật và dị tật bẩm sinh ở những cựu chiến binh đã tiếp xúc với chất độc da cam/dioxin và con cháu của họ; Biến đổi máu và miễn dịch ở những người phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin; Biến đổi gen ở những người phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin; Nghiên cứu các biến đổi về mặt di truyền, miễn dịch, sinh hóa, huyết học và tồn lưu dioxin trên các đối tượng có nguy cơ cao; Xây dựng mô hình tư vấn di truyền cho các gia đình chịu ảnh hưởng chất độc hóa học trong chiến tranh; Dự án phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Thu dung, chẩn đoán và điều trị nạn nhân chất độc da cam/dioxin; Ứng dụng chế phẩm peptit điều hòa sinh học, hỗ trợ điều trị cho những người tiền sử tiếp xúc với chất độc da cam /dioxin...

3. Công tác tẩy độc, khắc phục ô nhiễm môi trường:

Tác hại ô nhiễm môi trường trên mặt đất do chất độc da cam tại các vùng phun rải trong chiến tranh sau hơn 40 năm về cơ bản đã bị mưa, nắng rửa trôi, phân hủy cơ bản. Tuy nhiên, ô nhiễm tại các khu căn cứ cũ của Mỹ và đồng minh, nơi tập trung, pha chế, đổ thải, chôn lấp, tiêu hủy chất độc da cam vẫn còn rất nặng nề, chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây tác hại đến môi trường, sinh thái và con người.

Theo nghiên cứu của công ty Hatfield Consultants, West Vancouver Canada (2004-2009), tại Nam Việt nam, sau chiến tranh còn khoảng 28 "điểm nóng" có nguy cơ tiểm ẩn gây tác hại đến môi trường, sinh thái và con người; trong đó, ba "điểm nóng" đã được khẳng định là sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và sân bay Phù Cát ( Bình Định).

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo hoạt động khoa học và nỗ lực hợp tác nghiên cứu tẩy độc, khắc phục ô nhiễm chất độc da cam /dioxin tại các "điểm nóng". Kết quả cụ thể như sau:

- Ở sân bay Đà Nẵng: Tháng 8/2012 Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam khởi động Dự án tẩy độc triệt để các khu vực ô nhiễm chất độc da cam /dioxin trong sân bay bằng công nghệ giải hấp phân hủy nhiệt của Mỹ. Tổng kinh phí dự toán ban đầu của phía Mỹ là 43 triệu USD, phía Việt Nam là 30 tỷ VNĐ. Do phát sinh khối lượng đất, trầm tích cần xử lý và nhiều nguyên nhân kỹ thuật khác, USAID đã đề nghị Chính phủ Hoa kỳ tăng kinh phí đầu tư lên khoảng trên 80 triệu USD. Cuối năm 2015, Dự án đã hoàn thành giai đoạn I, xử lý triệt để khoảng 45.000m3 đất, bùn ô nhiễm. Đây là công trình đầu tiên trên thế giới được triển khai với quy mô lớn nhất, mức độ ô nhiễm nặng nhất và thời gian dài nhất. Mặc dù còn chậm tiến độ và có một số khó khăn phát sinh về trong phối hợp tổ chức thực hiện, kiểm soát ô nhiễm, nhưng Dự án đã khẳng định được nguyên lý xử lý được triệt để ô nhiễm dioxin xuống dưới ngưỡng cho phép. Giai đoạn II sẽ được tiếp tục thực hiện xử lý khoảng trên 50.000m3 bùn, đất ô nhiễm. Theo kế hoạch dự kiến Dự án sẽ hoàn thành vào 3/2018.

Ở sân bay Phù Cát (Bình Định): Trên cơ sở kết quả khảo, sát đánh giá mức độ ô nhiễm và quy hoạch sử dụng đất trong sân bay, căn cứ vào điều kiện thực tế, năm 2012, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học đã phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu Quốc tế (GEF) thông qua Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã hỗ trợ trên 5 triệu USD cho Việt Nam sử dụng công nghệ chôn lấp cô lập trên 7.500m3 đất ô nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 1.000ppt theo tiêu chuẩn quy định của Việt Nam và Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (USEPA). Công trình đã xây dựng Hệ thống quan trắc nước ngầm, nước mặt và không khí cho thấy nồng độ các chất thải ô nhiễm trong các khu vực dưới ngưỡng cho phép, không còn nguy cơ tác hại đến môi trường, sinh thái và con người. Theo tính toán, cộng đồng dân cư trong khu vực được bảo vệ khoảng trên 47.000 người. Tuy nhiên, về lâu dài, bãi chôn lấp này cần được bảo đảm tài chính để tiếp tục theo dõi, quan trắc đánh giá theo đúng các quy định và lập dự án xử lý triệt để hơn.

- Ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai): Theo kết quả khảo sát của các nghiên cứu khoa học, mức độ ô nhiễm chất độc da cam /dioxin tại sân bay Biên Hòa là nặng nề và phức tạp nhất. Khu vực ô nhiễm rộng, phân tán, các hồ, vùng trũng rải rác, hướng lan tỏa khó xác định. Sân bay ô nhiễm nằm ngay trong thành phố, sát cạnh sông Đồng Nai, ô nhiễm có nguy cơ phát tán rộng trong khu vực. Tổng số đất, trầm tích ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép cần phải xử lý khoảng 300.000m3, trong đó có hai khu đã được Bộ Quốc phòng xử lý bằng công nghệ chôn lấp ( khu Z1, khoảng 97.000m3 hoàn thành năm 2011 và khu Z2 theo kế hoạch đến 6/2016 sẽ hoàn thành, cô lập được khoảng gần 100.000m3 đất, bùn ô nhiễm không còn khả năng lan tỏa ô nhiễm trong khu vực). Năm 20013 - 2014, thông qua UNDP, Tổ chức GEF đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng công trình chống lan tỏa tạm thời dioxin trong khu vực liên quan đến khoảng 120.000 người dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ cao chịu tác hại của ô nhiễm. Trong cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama (tháng 7/2013), phía Mỹ đã cam kết chịu trách nhiệm đánh giá môi trường tại sân bay Biên Hòa trong năm 2016-2017 để làm cơ sở lựa chọn công nghệ và bảo đảm tài chính xử lý triệt để ô nhiễm dioxin.

4. Về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam.

Hằng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỉ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.

Hiện có gần 350.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người tàn tật, trong đó có hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm ngàn lượt người tàn tật nặng, trong đó có nạn nhân chất độc da cam được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc da cam được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.

Cả nước hiện có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng ngàn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam.

Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản di truyền tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã và đang hoạt động tích cực nhằm giảm tỉ lệ sinh con dị tật. Một số địa phương đã tiến hành điều tra tổn thương tâm lý và trợ giúp tâm lý cho nạn nhân chất độc da cam.

Nỗi đau da cam, nỗi đau xuyên thế kỷ !

Nỗi đau da cam, nỗi đau dân tộc, nỗi đau nhân loại !

Hãy chung tay xoa dịu nỗi đau da cam!

Đại tá Ngô Khắc Ký