Xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến - Trợ giúp nạn nhân chất độc da cam tiếp cận quyền lợi của bản thân
Nạn nhân da cam tập phục hồi chức năng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (thuộc Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam). Ảnh minh họa

Để những chính sách trợ giúp người tham gia hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học đi vào cuộc sống thì nạn nhân chất độc da cam/dioxin và người có công với cách mạng phải là những người hiểu rõ và nắm bắt được quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Vậy việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho những đối tượng này được Bộ Tư pháp triển khai như thế nào và với các đối tượng đặc thù như vậy, công tác này có điểm gì khác biệt, thưa ông?

Có thể nói rằng cho đến nay, hệ thống chính sách pháp luật dành cho đối tượng này đã tương đối đồng bộ và để cho hệ thống chính sách, pháp luật này đi vào cuộc sống thì Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị đã đồng lòng, dốc tâm vào việc tổ chức thi hành pháp luật.

Qua quan sát, chúng tôi thấy có những vấn đề rất riêng, rất đặc thù trong quá trình tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về vấn đề này. Phải khẳng định là hầu hết những người nhiễm chất độc da cam/dioxin bị ảnh hưởng rất nặng nề về cả thể chất, tinh thần. Con cháu của họ khi nhiễm chất độc hóa học này đều có những khiếm khuyết và chúng ta có thể gọi chung là người khuyết tật.

Đối với họ, khả năng tiếp cận thông tin nói chung cũng như tiếp cận với các thông tin pháp luật nói riêng là vô cùng khó khăn so với những người khác, do bị khiếm thính, khiếm thị, thậm chí là không có sự bình thường về mặt tâm thần.

Với những người khiếm thính, chúng ta phải có ngôn ngữ bằng ký hiệu. Với những người khiếm thị thì chúng ta phải có những công cụ nổi để giúp họ nghe được, hiểu được những nội dung cần truyền tải. Vì vậy, trong Luật Phổ biến pháp luật năm 2012, chúng ta đã đưa người khuyết tật nói chung và nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói riêng là đối tượng đặc thù trong các chính sách. Chúng ta chủ trương triển khai công tác phổ biến pháp luật cho những đối tượng này vì họ được coi là những đối tượng đặc thù từ cách thức tổ chức triển khai, đến phổ biến, tuyên truyền.

Giáo dục pháp luật cho họ cũng phải hết sức đặc thù và công việc này cũng đang gặp rất nhiều những trở ngại.

Ông có thể nói rõ hơn về những trở ngại đó và hướng khắc phục?

Trong những khó khăn, trở ngại, nổi lên là bản thân những trường hợp nhiễm chất độc da cam là những người khuyết tật nên việc truyền tải các thông tin pháp luật đến với họ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Mặt khác, pháp luật đã đồng bộ rồi nhưng để họ tiếp cận được các thông tin pháp luật như kỳ vọng đã rất khó, mà qua việc tiếp cận thông tin pháp luật đó họ hiểu, để họ có thể tự vận dụng, áp dụng vào việc bảo vệ quyền lợi của mình lại là một vấn đề vô cùng khó khăn.

Vấn đề xã hội hóa trong công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục các chính sách, pháp luật dành cho đối tượng nhiễm chất độc da cam hiện nay cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của Đảng, Nhà nước dành cho đối tượng này. Bởi họ đã bị hạn chế sức lao động và khả năng tiếp cận với các dịch vụ, họ lại là người khiếm thính, khiếm thị... Hỗ trợ từ phía ngân sách nhà nước cho đối tượng này về việc phổ biến giáo dục các chính sách pháp luật chắc chắn là không đủ, cần phải có sự hỗ trợ từ các cấp và từ cộng đồng xã hội.

 

Tôi cho rằng đây là một vấn đề hết sức quan trọng, chúng ta cần phải có những bước đi hết sức bài bản, có những chính sách hết sức cụ thể, rõ ràng thì lúc đấy chúng ta mới có thể huy động được nguồn lực thỏa đáng dành cho đối tượng này, trong đó có nguồn lực xã hội hóa trong việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù này.

Vậy làm thế nào để đạt hiệu quả hơn trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người có công với cách mạng, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin, để họ tiếp cận và tự bảo vệ quyền lợi của bản thân, không bị bỏ lại phía sau?

Để thúc đẩy một cách mạnh mẽ các chính sách, pháp luật dành cho người có công với cách mạng nói chung, cũng như những người có công với cách mạng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và gia đình của họ nói riêng, đi vào cuộc sống một cách sâu rộng, trước hết chúng ta phải khẳng định đối tượng chúng ta phải tuyên truyền, phổ biến, tác động, tăng cường nhận thức và trách nhiệm, trước hết chính là các cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức thực hiện. Sau đó mới là tuyên truyền, phổ biến để hướng dẫn, giúp cho các nạn nhân tiếp cận với các thông tin pháp luật. Họ tiếp cận với các quyền lợi của họ để họ làm những việc mang tính tự thân, bảo vệ quyền lợi cho họ một cách hết sức là cụ thể, thiết thực.

Trong thời gian tới, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương sẽ có những chỉ đạo các ngành, các cấp, trực tiếp là ngành Lao động - Thương binh Xã hội triển khai, phổ biến, tuyên truyền một cách sâu rộng các văn bản pháp luật mới được ban hành thời gian gần đây. Phải làm như thế nào để ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có cơ chế phối hợp liên ngành rất chặt chẽ với y tế, giáo dục, quân đội… để có sức mạnh tổng hợp, triển khai một cách bài bản, sâu rộng việc phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật dành cho người có công với cách mạng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Cái thứ ba nữa là chúng ta phải xây dựng những kỳ chương trình, đề án có tính lâu dài để đảm bảo việc tuyên truyền, phổ biến này mang tính bền vững, thường xuyên, liên tục. Bộ Tư pháp đang chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân, trong đó chúng tôi dành một phần riêng cho đối tượng đặc thù, mà cụ thể đối tượng đặc thù ở đây thì có người khuyết tật nói chung và nạn nhân chất độc da cam nói riêng.

Một giải pháp tiếp theo đó là, như tôi đã nói ban đầu, với đối tượng nạn nhân chất độc da cam thì việc thực thi chính sách nói chung, cũng như phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho họ nói riêng, cần sự chung tay, đồng lòng của cả xã hội, tức là chúng ta phải huy động nguồn lực xã hội. Như vậy, chúng ta mới có nguồn lực, chúng ta mới có điều kiện bảo đảm để triển khai thiết thực, hiệu quả các công việc này chứ không làm theo cách hình thức, khẩu hiệu, pano, áp phích.

Cuối cùng là một vấn đề mang tính kỹ thuật, đấy là chúng ta phải tạo ra những phương thức phù hợp với đối tượng đặc thù của chúng ta. Chúng ta phải đào tạo được đội ngũ có những kỹ năng đặc thù, có những kỹ năng chuyên biệt để trực tiếp làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng người khuyết tật nói chung, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Nguồn : Báo Tin tức/TTXVN