Ảnh: Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/DIOXIN Việt Nam phát biểu chỉ đạo Đại hội

    Qua các đại biểu, cho tôi gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc sức khỏe các nạn nhân và gia đình nạn nhân trên địa bàn tỉnh nhà.

    Báo cáo của Ban Chấp hành Tỉnh hội trước Đại hội đã đánh giá nghiêm túc, đầy đủ kết quả đã đạt được và những hạn chế tồn tại; chỉ rõ nguyên nhân, đúc rút bốn bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua; xác định phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể và các giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ tới.

     Tôi vui mừng nhận thấy, trong nhiệm kỳ 5 năm qua, Tỉnh hội Cà Mau đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể liên quan. Chủ động xây dựng kế hoạch công tác hàng năm. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ đột xuất. Chăm lo xây dựng tổ chức hội vững mạnh, phát triển và quản lý hội viên. Chú trọng xây dựng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ; kịp thời kiện toàn đội ngũ cán bộ hội. Đặc biệt, công tác vận động, tiếp nhận nguồn lực xã hội tăng 54% so với nhiệm kỳ III là một “điểm sáng” rất đáng ghi nhận trong nhiệm kỳ qua. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ luôn đoàn kết, thống nhất, dám nghĩ dám làm. Đội ngũ cán bộ hội tâm huyết, trách nhiệm. Quan hệ giữa Hội với các sở, ban, ngành, đòan thể, các tổ chức, cá nhân các nhà hảo tâm được giữ vững và phát triển. Vị thế, uy tín của tổ chức hội ngày càng được khẳng định và nâng cao.

    Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, tôi nhiệt liệt biểu dương thành tích toàn diện của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Cà Mau trong nhiệm kỳ qua.

   Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành tỉnh Cà Mau đã có sự quan tâm đặc biệt đối với nạn nhân chất độc da cam và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hoạt động, hoàn thành tốt “nhiệm vụ chính trị - xã hội” được giao.

   Tôi bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân và bà con cô bác trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam cả vật chất và tinh thần với động cơ trong sáng và tình cảm cao đẹp.

Kính thưa Đại hội,

    Những năm tới, bên cạnh những khó khăn, thách thức, chúng ta có những thuận lợi rất cơ bản. Đó là những kinh nghiệm qúy báu chúng ta đã tích lũy được trong quá trình làm công tác hội. Đó là lợi thế của một tỉnh có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, đang vững bước đi lên trong công cuộc đổi mới. Đặc biệt là vấn đề da cam luôn được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp; sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

   Tôi đề nghị Ban Chấp hành khóa mới sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội thành Chương trình hoạt động hằng năm; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, quy chế làm việc của cơ quan Thường trực Tỉnh hội.

    Chủ động phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy và các cơ quan hữu quan tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Làm cho mọi người hiểu rõ: “ Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị”.

    Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp củng cố, kiện toàn tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cần nhấn mạnh rằng, xây dựng đội ngũ cán bộ hội tâm huyết và trách nhiệm, giữ vững sự đoàn kết, nhất trí của tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội.

    Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hậu quả chiến tranh hóa học; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khắc phục thảm họa da cam; chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam. Coi trọng công tác giáo dục, động viên nạn nhân chủ động vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng; chống biểu hiện tư tưởng công thần, kiêu ngạo. Kịp thời tri ân những tấm lòng vàng, biểu dương những cán bộ hội tiêu biểu, những nạn nhân vượt khó vươn lên.

    Phát huy vai trò của Hội trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, hướng về cơ sở, gắn bó với nạn nhân, nhất là các nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa; tạo mọi điều kiện để họ được tiếp cận và thụ hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam. Vận động hội viên tham gia đầy đủ và có trách nhiệm các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương; như cuộc vận động “Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”...

     Hết sức chú trọng công tác vận động nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, lấy đó là thước đo chủ yếu đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội. Có nhiều hình thức, biện pháp vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

     Đổi mới phương thức giúp đỡ nạn nhân theo hướng: tạo tiền đề vật chất cho nạn nhân và gia đình để họ có điều kiện tự lực tăng gia sản xuất, làm chủ cuộc sống, vượt khó vươn lên, hòa nhập cộng đồng.

    Nắm vững quan điểm “Kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”.Tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ cuộc đấu tranh buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do họ gây ra ở Việt Nam.

    Chú trọng công tác quản lý, theo dõi các nguồn ủng hộ qua Quỹ và không qua Quỹ. Sử dụng nguồn lực hiệu quả, đúng nguyên tắc. Thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các nguồn lực do các tổ chức, cá nhân ủng hộ.

Kính thưa Đại hội,

   Hơn nửa thế kỷ qua, nhân dân ta đã và đang gánh chịu một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người.

    Da cam và di chứng da cam đã cướp đi quyền được sống, được làm người của không biết bao nhiêu người Việt Nam; cướp đi quyền được làm vợ, làm mẹ của không biết bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam; cướp đi niềm vui, hạnh phúc của không biết bao nhiêu gia đình trên đất nước chúng ta.

 Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người và cộng đồng xã hội.

   Nhân dịp này, tôi trân trọng đề nghị lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành tỉnh Cà Mau tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hoạt động. Đề nghị đưa chương trình chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam vào chương trình an sinh xã hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có chính sách phù hợp đối với những người làm việc tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp.

    Tôi tin tưởng trong thời gian tới, với tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình – Trách nhiệm – Vì nạn nhân chất độc da cam”, Tỉnh hội Cà Mau tiếp tục phát triển toàn diện, vững chắc, hoạt động hiệu quả; xứng đáng là một lực lượng vận động quần chúng hiệu quả, một đội quân đấu tranh không mệt mỏi vì công lý và lẽ phải, vì quyền được sống hạnh phúc trong hòa bình của con người; thực sự là chỗ dựa vững chắc, là cầu nối tin cậy của nạn nhân chất độc da cam với cộng đồng xã hội.

Chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu và toàn thể Đại hội.

Trân trọng cảm ơn!