Bà Trần Tố Nga, người đã nhiều năm theo đuổi vụ kiện 14 công ty hóa chất đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, tại một sự kiện ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tại Paris (Pháp) hồi tháng 1/2021.

- Năm 2009, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ đơn kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chống lại 37 công ty hóa chất Mỹ. Ngày 10/5/2021, Tòa án Evry (ngoại ô Paris) đã bác bỏ vụ kiện lịch sử của bà Trần Tố Nga với 14 công ty hóa chất, trong đó có Monsanto & Dow Chemical đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến đòi công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam tiếp tục gặp trở ngại.

1. Cho đến thời điểm hiện nay, dioxin được xem là loại chất độc nhất mà con người biết đến. Vậy mà trong 10 năm, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam hơn 80 triệu lít các chất độc hóa học, trong đó có khoảng 60% là chất da cam, có chứa 336 kg dioxin. Số chất độc này gấp 36 triệu lần so với một liều đủ gây chết cho một triệu người!

Con số thống kê chưa đầy đủ đến nay cho thấy đã có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc dioxin và 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, có khoảng 22% số gia đình có 3 nạn nhân trở lên. Nhiều gia đình nạn nhân thuộc hộ đói và nghèo, 90% nạn nhân không có chuyên môn, nghề nghiệp. Có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân chất độc da cam; cũng có những gia đình tất cả mọi người con khi sinh ra đều tử vong vì bị nhiễm chất độc này. Hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết, hàng triệu người đang vật lộn với những căn bệnh hiểm nghèo. Nhiều căn bệnh hiểm nghèo vẫn tiếp tục xảy ra đối với thế hệ con cháu của họ. Di chứng kinh hoàng của nó đã truyền sang tới thế hệ thứ 3. Nỗi đau da cam là nỗi đau quá lớn không dễ dàng có thể xoa dịu.

Năm 1993, Hội thảo quốc tế lần thứ 2 về chất độc hóa học diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và tác hại lâu dài của nó đối với thiên nhiên và con người được tổ chức tại Hà Nội đã kết luận: “Chất độc da cam của Mỹ đã hủy diệt thiên nhiên cây cỏ; hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề; gây nên những biến đổi qua mẹ hoặc bố; gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật cho những đứa con sinh ra, gây các bệnh ung thư”. Không những gây tác hại ghê gớm đối với sức khỏe con người, chất độc da cam/dioxin còn gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sinh thái. Chất độc da cam/dioxin khó phân hủy, tồn tại lâu trong môi trường, làm cho đất, nước bị nhiễm độc nặng, cây rừng, động vật bị hủy diệt. Nhiều vùng bị nhiễm chất độc quá nặng, cho đến nay, môi trường vẫn chưa thể phục hồi. Đến nay, ước tính có khoảng 28 địa điểm vẫn còn khả năng nhiễm dioxin, gây nguy hại đến nguồn cung cấp thực phẩm của Việt Nam và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

2. Trước những hậu quả nặng nề, những nỗi đau quá lớn của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, các tổ chức, bạn bè quốc tế đã cùng chung tay xoa dịu nỗi đau này và đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin ở Việt Nam. Ngay khi Tổng thống Mỹ ra lệnh mở chiến dịch tàn bạo này đã có một số nghị sĩ Mỹ lên tiếng phản đối. Đặc biệt, những tiếng nói của lương tri đã vang lên khắp nơi trên thế giới bằng tuyên bố của hàng loạt các tổ chức, các chính phủ. Ngay từ năm 1967, Huân tước Bertrand Russel, nhà triết học và toán học nổi tiếng người Anh, đã đề nghị lập tòa án quốc tế để xét xử Johnson, Nixon và những tên tội phạm khác về tội giết người vô tội vạ bằng chất độc hóa học, hơi độc ở Việt Nam.

Khi quá trình đàm phán của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đi vào giai đoạn gay go, quyết liệt trên bàn đàm phán, Cơ quan Phát thanh và Truyền hình Pháp (ORTF) đã tổ chức một cuộc tranh biện tại Paris giữa một số nhà báo quốc tế với bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Cuộc tranh biện có chủ đề Việt Nam và đã được phát sóng vào ngày 17/11/1970 trên kênh 1 của ORTF. Tại cuộc tranh biện này, có nhà báo quốc tế đã hỏi bà Nguyễn Thị Bình về việc Mỹ vẫn sử dụng vũ khí hóa học ở miền Nam Việt Nam và “liệu chúng ta có thể gọi đó là tội ác diệt chủng đối với một dân tộc mà chính quyền Nixon đang âm mưu tước đoạt tự do?”. Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Bình đã liệt kê những tội ác khủng khiếp của việc quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học rải xuống miền Nam Việt Nam và khẳng định: “Điều này không chỉ gây hại cho cây trồng mà còn kéo theo thương vong. Tôi nghĩ, việc này không chỉ tác động tạm thời mà còn ảnh hưởng lâu dài đến đất nước chúng tôi”.

Từ lâu, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quan tâm sâu sắc đến vấn đề chất độc da cam/dioxin và có những chính sách nhằm xoa dịu nỗi đau của cộng đồng. Năm 1980, Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam được thành lập. Năm 1997, Thường vụ Bộ Chính trị đã có ý kiến về vấn đề này và chỉ đạo các biện pháp để khắc phục. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước khắc phục hậu quả, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ngày 1/3/1999, Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã được thành lập. Đặc biệt, ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã chính thức được thành lập nhằm mục đích giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho những nạn nhân chất độc dioxin/da cam cũng như đấu tranh đòi công lý cho họ. Cũng bắt đầu từ năm 2004, MTTQ Việt Nam đã quyết định lấy ngày 10/8 hàng năm là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.

Cuộc trưng bày tư liệu  Cuộc trưng bày tư liệu "Vụ kiện da cam - Một nguyên đơn - Triệu nạn nhân" tại Đường sách TPHCM từ hôm nay 8/5 đến ngày 13/5/2021.

3. Trước nỗi đau đớn của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trước sự phớt lờ của công lý, những tiếng nói của lương tri con người đã vang lên ở khắp mọi nơi. Ngày 15 và 16/5/2009, tại Paris (Pháp), Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) đã tổ chức “Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”. Ngày 4/6/2009, tại Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ diễn ra phiên điều trần lần thứ 2 với chủ đề “Hoàn thành nghĩa vụ của mình, chúng ta cần làm gì để đề cập ảnh hưởng của chất độc da cam tại Việt Nam?” với những yêu cầu trả lại công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.

Những người Mỹ có lương tri đã nhiều lần lên tiếng, trong đó có những người vừa là “tội đồ”, vừa là “nạn nhân” mà một trong những người Mỹ tiêu biểu ấy là Phó Đô đốc Elmo R. Zumwalt Jr. - Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam. Khi nhận chức vụ này vào năm 1968, ông đã cho triển khai chiến dịch rải hóa chất làm rụng lá xuống các vùng sông nước ở Việt Nam để bảo vệ hoạt động của Hải quân Mỹ. Đúng 20 năm sau, người con trai Elmo R.Zumwalt III của ông đã qua đời vì bệnh ung thư, hậu quả của phơi nhiễm chất độc da cam thời ông tham chiến tại Việt Nam. Từ năm 1994, ông Zumwalt đã trở lại Việt Nam, kết hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam với mong muốn làm một điều gì đó bù đắp lại mất mát cho các nạn nhân của ông. Khi được hỏi cảm nghĩ, đô đốc Zumwalt nói: “Để có thể vĩnh viễn xếp lại quá khứ một cách yên ả, tốt nhất là Chính phủ Mỹ phải có thiện chí hợp tác với Việt Nam, trả lại món nợ lớn lao mà các công ty hóa chất Mỹ đã gây ra. Nhân chứng sống chính là tôi đây. Tôi cũng có bổn phận góp phần bù đắp”.

60 năm sau ngày diễn ra cuộc rải hóa chất độc hại này xuống lãnh thổ Việt Nam, nỗi đau của hàng triệu nạn nhân và gia đình người Việt vẫn còn dai dẳng. Tiếng nói của lương tri đòi hỏi công lý cho các nạn nhân đau khổ đã được cất lên ở nhiều nơi, nhiều diễn đàn khác nhau, song công lý vẫn chưa được thực thi. Cuộc đấu tranh để đòi công lý cho các nạn nhân đau khổ nhất định sẽ còn tiếp diễn cho đến ngày công lý được thực thi.

                                                                                                                                                      Nguồn TTXVN