Sau đó, rất đột ngột, vào tháng 7 năm 1993 căn bệnh viêm loét đại tràng bỗng trở nên trầm trọng. Ruột của tôi đã bị viêm nặng và làm tôi vô cùng đau đớn.

Chất độc da cam trút xuống Kon Tum, mở màn chiến dịch Ranch Hand của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam - Ảnh tư liệu

Chất độc da cam trút xuống Kon Tum, mở màn chiến dịch Ranch Hand của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam - Ảnh tư liệu

Lần này, cơn đau tệ tới mức bác sĩ Scherl phải chuyển tôi vào Bệnh viện Englewood. Nhưng căn bệnh vẫn nặng hơn ngay cả khi các bác sĩ đã tiêm steroid vào tĩnh mạch của tôi.

Bệnh tật hạ gục tôi

Viêm loét đã tàn phá ruột già của tôi, từ từ nhưng rất nghiêm trọng. Tới lúc đó thì tôi đã phải đối mặt với một tình hình hết sức tồi tệ.

Chứng viêm loét đã phá hết ruột của tôi và làm tôi mất rất nhiều máu. Không còn lựa chọn nào cho bác sĩ Scherl ngoài việc giao tôi cho các chuyên gia tiêu hóa ở Bệnh viện Mount Sinai, New York.

Dù tôi chỉ ở đó trong một hai ngày nhưng họ đã tiến hành nhiều xét nghiệm và chụp phim cơ thể tôi.

Cuối cùng, tôi được chẩn đoán bị viêm toàn bộ đại tràng thể cấp, viêm đại tràng nhiễm độc kèm phình và thủng đại tràng. Trước tình thế màng bụng bị viêm, bác sĩ Joel Bauer đã phải tiến hành một cuộc phẫu thuật mà ông gọi là mở thông hồi tràng khẩn cấp.

Từ năm 1994 đến năm 1996, sau khi bị cắt bỏ phần lớn đại tràng, tôi còn phải phẫu thuật thêm bốn lần để các bác sĩ xử lý những vấn đề khác nữa.

Khi vừa hồi phục sau đợt phẫu thuật cuối cùng, vào khoảng cuối năm 1996, thì vào tháng 1 năm 1997, tôi phát hiện một cái, mà tôi nghĩ là mụn, ở cẳng chân phải. Cái mụn dần lan rộng rồi biến thành một vết loét hở mà không rõ nguyên nhân.

Ban đầu tôi nghĩ chắc do mình gãi nên nó bị nhiễm trùng - không phải là dạng nhiễm trùng thường gặp mà là dạng nhiễm trùng hoại tử, bốc mùi khó chịu, lây lan nhanh kiểu như MRSA (tụ cầu vàng kháng methicillin).

Sau hai ngày trì hoãn trong đau đớn, cuối cùng tôi phải tới gặp bác sĩ Gary Bauer và được báo là đã mắc bệnh viêm da mủ hoại thư (PG).

Phù, may quá, ít nhất là cũng không bị MRSA dù triệu chứng giống hệt. Một lần nữa, tôi lại hỏi: "Vậy bệnh viêm da mủ hoại thư là gì và sao tôi lại mắc bệnh này?".

Bác sĩ Bauer nói với tôi rằng đó là một chứng bệnh hiếm gặp - một lần nữa lại hiếm gặp - với tỉ lệ 1/100.000, gây ra các vết loét lớn lan rộng trên da và thường xuất hiện ở cẳng chân.

Khác với viêm loét đại tràng, bệnh viêm da mủ hoại thư lây lan và gây tổn hại rất nhanh. Những vết loét lan rộng của bệnh viêm da mủ hoại thư có thể có liên quan, hoặc không, tới bất kỳ chứng rối loạn hay liên quan tới một căn bệnh cụ thể nào khác, nhưng trong trường hợp của tôi, có một nguyên nhân rõ ràng.

Bác sĩ tiếp tục cho tôi biết bệnh viêm da mủ hoại thư có liên quan tới một số bệnh khác như viêm loét đại tràng, viêm đa khớp, bệnh gammopathyi, bệnh viêm mạch máu, bệnh bạch cầu và một vài bệnh khác nữa. Dĩ nhiên là suy nghĩ của tôi đang hướng tới bệnh bạch cầu và chất da cam.

Vào cuối năm 1997, bác sĩ Ronald White ở Bệnh viện Englewood đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ phần đại tràng còn lại của tôi.

Sau cuộc phẫu thuật cuối cùng vào năm 1997 đó, và với tất cả các vấn đề khác nhau liên tục ảnh hưởng lên sức khỏe, cuối cùng tôi phải quyết định nghỉ hưu sớm hơn dự định. Vì vậy vào tháng 12 năm 1999, tôi rời khỏi nhiệm sở, dù có phần miễn cưỡng.

Dù sao thì khi bước sang tuổi 65, tôi lập tức đi khám theo quy định "Chào mừng đến với Medicare". Mọi thứ diễn ra như mong đợi, và có vẻ khá đơn giản. Tuy nhiên, khi vừa về tới nhà thì tôi nhận được một cuộc điện thoại gấp gáp từ văn phòng bác sĩ gia đình của tôi.

Cô y tá nói bác sĩ Chon cần gặp tôi ngay trong ngày. Khi tôi hỏi tại sao thì cô ấy chỉ có thể nói "Hôm nay, ngay bây giờ!" mà thôi. Vậy là tôi vừa vội vã quay lại văn phòng bác sĩ vừa nghĩ về những điều tồi tệ có thể xảy ra.

Bác sĩ Chon nói rằng khi làm điện tâm đồ (EKG), họ phát hiện ra một thứ gọi là cuồng nhĩ (AFL) - một dạng bất thường trong nhịp tim của tôi. Nó giống với hiện tượng rung tâm nhĩ (AFIB) nhưng với AFL thì nhịp tim bất thường lại rất nhịp nhàng.

Cuồng nhĩ là một dạng nhịp nhanh trong tâm nhĩ, hay như bác sĩ của tôi gọi là chứng nhịp tim nhanh trên thất. Theo bác sĩ Chon thì các buồng tim phía trên của tôi đập quá nhanh dẫn đến các cơn co thắt cơ tâm nhĩ không đồng bộ với các buồng tim phía dưới, còn gọi là tâm thất, của tôi.

Bác sĩ Chon nói bình thường tim đập với 70 nhịp/phút nhưng tâm nhĩ của tôi đang đập ở mức hơn 180 nhịp/phút, và không có cách nào để phát hiện chứng cuồng động nhĩ nếu tôi không làm điện tâm đồ khi đi khám Medicare.

Ông bảo tôi thật may mắn khi không bị đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, và ông đã kê cho tôi một ít thuốc làm loãng máu.

Với hy vọng có thể hiểu được điều gì đó mà vị bác sĩ không nghĩ là quá buồn cười, tôi hỏi Chon: "Sao mà tôi lại mắc chứng bệnh tim này quá đột ngột như vậy?".

Với vẻ mặt lo lắng như thường lệ, ông nói rằng trong tất cả khả năng thì có thể bệnh viêm phế quản mãn tính (COPD) đã làm cho trái tim của tôi hoạt động bất thường.

Ông nói tiếp rằng tôi có thể chọn hoặc là cứ để thế nhưng phải uống thuốc làm loãng máu đến hết đời, hoặc có thể tiến hành một thủ thuật gọi là đốt điện (cardiac ablation).

Thủ thuật đốt điện này như vị bác sĩ mô tả là đưa một ống dài, mềm được gọi là ống thông qua tĩnh mạch hoặc động mạch chính ở bẹn rồi luồn tới tim.

Sau đó bác sĩ phẫu thuật sẽ đốt hoặc làm liệt các mô gây ra những xung điện bất thường. Sau khi tìm hiểu thêm về bệnh cuồng nhĩ, cùng với những trải nghiệm của việc dùng thuốc làm loãng máu, tôi quyết định đi đốt điện...

Người mẹ chăm sóc hai đứa con bị di chứng chất độc da cam ở Việt Nam - Ảnh: dw.com

Người mẹ chăm sóc hai đứa con bị di chứng chất độc da cam ở Việt Nam - Ảnh: dw.com

Sự tức giận

Từ khi tôi nghỉ hưu vào tháng 12 năm 1999 đến nay, chứng viêm phế quản mạn tính, bệnh cao huyết áp, các vấn đề nội tiết cùng những rắc rối về sức khỏe khác mỗi năm một tệ hơn.

Kết quả là việc uống thuốc đã trở thành một thói quen thường nhật nhằm duy trì cuộc sống chỉ còn khỏe được một nửa của tôi.

Những điều kể trên thực sự hữu dụng cho chuyến hành trình về miền ký ức của tôi. Tôi có thể tiếp tục kể cho bạn nghe nhiều chuyện nữa về khoảng thời gian tôi ở Việt Nam, cùng các vấn đề sức khỏe của tôi, nhưng tôi nghĩ bạn đã nắm được khái quát những gì diễn ra với tôi trong khoảng thời gian từ năm 1969 đến 2012.

Hơn nữa, cuốn sách này, bên cạnh những chuyện của bản thân tôi và những hồi ức của tôi về Việt Nam, còn nói về những phát hiện của tôi trong quá trình điều tra, tìm hiểu vô số các hóa chất độc hại, những bối cảnh mà trong đó tôi và rất nhiều người khác đã tiếp xúc với chúng khi còn ở Việt Nam, cùng những gian dối đầy bí mật của các bộ máy đằng sau chúng.

                                                                                           PATRICK HOGAN