Đây là dự luật thứ năm được Hạ nghị sĩ Barbara Lee trình ra Quốc hội để bênh vực nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đồng thời bênh vực cả các nạn nhân chất độc da cam Mỹ và đặc biệt là các nạn nhân gốc Việt Nam hiện sống ở Mỹ, là những người cho đến nay cũng chưa được đền bù cho thiệt hại do chất độc da cam gây ra cho họ trong thời gian họ ở Việt Nam.

Trước bà Babara Lee, năm 2011 Hạ nghị sĩ Bob Filner (đảng Dân chủ, bang California) cũng đã trình Quốc hội Mỹ một dự luật tương tự.

Các dự luật này yêu cầu Chính phủ Mỹ phải đẩy nhanh hơn tiến trình tẩy độc môi trường tại tất cả những nơi còn tồn dư chất độc dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, thực hiện các chương trình hỗ trợ sửa chữa, xây nhà ở và các dịch vụ y tế cho tất cả những người bị ảnh hưởng của chất độc da cam ở tất cả các khu vực bị phun rải loại chất độc này trong chiến tranh.

Hạ nghị sĩ Barbara Lee tiếp đoàn lãnh đạo VAVA tại trụ sở Quốc hội Mỹ (17/12/2015)

Cho đến nay, chưa một dự luật nào do ông Bob Filner và bà Barbara Lee đưa ra được thông qua; thậm chí chưa một dự luật nào được đưa ra thảo luận ở Hạ viện, nhưng từ khi Bob Filner đưa dự luật đầu tiên bênh vực nạn nhân chất độc da cam đến nay, Chính phủ My đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam hoàn thành tẩy độc dioxin ở điểm nóng Đà Nẵng và bắt đầu tẩy độc dioxin ở điểm nóng Biên Hòa. Chính phủ Mỹ cũng đang thực hiện các chương trình hỗ trợ cải tạo nhà ở, dịch vụ y tế cho “những người khuyết tật” ở “các tỉnh bị phun rải nặng” chất độc da cam: Giai đọan 2016-2020 ở 6 tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước với ngân sách được phê duyệt 21 triệu USD; Giai đoạn 2021-2025 ở 6 tỉnh nêu trên và 2 tỉnh Quảng Trị, Kon Tum với ngân sách được phê duyệt 65 triệu USD.

Phát biểu với Truthout nhân việc trình ra Quốc hội Mỹ Dự luật H.R..3518, Bà Barbara Lee nói: "Hoa Kỳ có trách nhiệm đạo lý trong việc bồi thường cho các nạn nhân của chiến dịch phun rải chất độc da cam”. Bà cho biết: H.R. 3518 “sẽ tăng thêm quyền lợi cho trẻ em các cựu chiến binh (Mỹ) bị phơi nhiễm chất độc da cam; đẩy mạnh nghiên cứu về chất độc da cam và ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe của những người bị phơi nhiễm; và hỗ trợ về y tế, nhà ở và xóa đói giảm nghèo cho những người Việt Nam bị ảnh hưởng do phơi nhiễm chất độc da cam cũng như con cái của họ. Bà giải thích thêm: ”H.R.3518 cũng sẽ hỗ trợ xử lý môi trường tại các khu vực bị phơi nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam và tiến hành đánh giá nhu cầu của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. ”. Cụ thể là, dự luật sẽ “cung cấp các khoản tài trợ việc đánh giá sức khỏe trên diện rộng cho những người Mỹ gốc Việt có thể đã bị phơi nhiễm chất độc da cam cũng như con cái và các thế hệ sau của họ.”

                                                                                                                            Ban Đối ngoại Trung ương Hội