Từ lúc nào người dân Việt Nam phải gánh chịu thảm họa khủng khiếp đó? Xin thưa, bắt đầu từ ngày 10/8/1961. Trong “ngày thứ năm đen tối” đó, Mỹ đã phun rải chất kịch độc, được ngụy trang bằng tên gọi “chất diệt cỏ, khai quang”, xuống miền Nam nước ta, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học dài ngày nhất, có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

   Có thể nói, ngày 10/8/1961 là ngày ghi dấu tội ác hoành hành, sự dối trá lên ngôi, đánh dấu một chương cực kỳ bi thảm trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam. Suốt 10 năm liền (từ 1961- 1971), khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin - chất độc nhất trong các loại chất độc mà con người biết đến - đã được phun rải xuống gần ¼ diện tích miền Nam Việt Nam; làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam.

   Chiến tranh đã qua từ lâu, nhưng thảm họa da cam, nỗi đau da cam vẫn đang hiện hữu trong rất nhiều gia đình trên mọi miền đất nước, từ thành thị sầm uất đến miền quê hẻo lánh, từ địa đầu phía Bắc đến đất mũi phương Nam. Nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên; có gia đình có đến 15 nạn nhân. Nhiều gia đình cả 3 thế hệ đều là nạn nhân. Nhiều gia đình chồng mất, để lại cho vợ những đứa con điên khùng, ngớ ngẩn. Có gia đình vợ mất, để chồng trong cảnh gà trống nuôi những đứa con tật nguyền. Có gia đình nạn nhân, con gái lấy chồng bị chồng bỏ, con trai lấy vợ, vợ cắp nón ra đi, để lại cho ông bà gánh nặng nuôi bầy cháu nhỏ. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết tức tưởi; hàng trăm nghìn người đã và đang quằn quại, đau đớn tột cùng bởi bệnh tật do di chứng da cam…

   Gần 43 năm sau, ngày 25/6/2004, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 32/32 tổ chức thành viên của Mặt trận họp Hội nghị Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Hội nghị nhất trí đề nghị lấy ngày 10 tháng 8 hằng năm là Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

   Ngày 6/8/2004, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 5770-CP/VPTW thông báo ý kiến của Ban Bí thư đồng ý lấy ngày 10/ 8 hằng năm là Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

   Ngày 24/10/2009, Hội đồng Hòa bình Thế giới ra Nghị quyết lấy ngày 10 tháng 8 hằng năm là Ngày quốc tế đoàn kết với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

    Vậy là, ngày 10/8 hằng năm đã trở thành Ngày kỷ niệm thảm họa da cam ở Việt Nam, Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Ngày quốc tế đoàn kết với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

    Thấm nhuần đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, rất nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đã kề vai sát cánh với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong hành trình nhân ái vì nạn nhân chất độc da cam. Và, ngày 10/8 như là điểm hẹn của những nghĩa cử cao đẹp vì đạo nghĩa.

   Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (thứ 6 từ trái sang) trao Bằng tri ân cho những người chăm sóc nạn nhân CĐDC tiêu biểu trong cả nước tại sự kiện “Vinh danh những tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân CĐDC” do Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam tổ chức trong dịp kỷ niệm ngày 10/8 năm 2017

  Quý hóa biết bao, những tổ chức đã dành cho nạn nhân sự ủng hộ to lớn, hiệu quả như: Bộ Ngoại giao, Tập đoàn Công nghiệp và Viễn thông Quân đội, Ngân hàng TMCP Quân đội, Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Hội Cựu chiến binh Công ty Đường Quảng Ngãi, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Công ty CP Dược phẩm ECO, Công ty CP Dịch vụ Thông tin Quảng cáo An Phát, Tổ chức Mennonite Central Committee – Mỹ (MCC) tại Việt Nam, Tổ chức Viện trợ về Y tế và Khoa học cho Việt Nam, Lào và Campuchia, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức Những người Nhật Bản yêu Việt Nam, Tổ chức POURLES ENFANTS DES RIZIERES (APER PHÁP), Công ty liên doanh Vũng Tàu PARADISE, Tập đoàn Truyền thông IMC, Hội Da cam Việt Nam của Hàn Quốc (KAOVA), Quỹ D.K. Kim Hàn Quốc, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế (ANCO), Câu lạc bộ phụ nữ Quốc tế Hà Nội…

   Trân trọng biết mấy, những tấm lòng cao cả vì nạn nhân chất độc da cam, tiêu biểu như: GS, BS, TTND, AHLĐ Nguyễn Thị Ngọc Phượng; cố GS, NGND, AHLĐ Trần Văn Giàu; cố GS Võ Quý; GS, TSKH, NGND Phương Lựu (Bùi Văn Ba); Lương y Nguyễn Văn Thiệu (Thái Bình); cụ Phạm Văn Xương, bà Trần Thị Hiền (Hải Phòng); ông Nguyễn Tấn Danh (An Giang); bà Võ Thị Hảo (Bến Tre); cụ Đỗ Thế Luân, ông Cao Quang Hiệp, ông Tô Hữu Thắng, bà Trịnh Thị Liên (Hà Nội); Đại tá Lâm Quang Minh (Đà Nẵng); ông Phan Thừa Nhơn (Cà Mau); bà Đặng Thị Tầm (Đắk Nông); ông Phạm Văn Chiến (Lào Cai); bà Trương Thị Mai (Quảng Trị); ông Trương Trọng Phổ (Thanh Hóa); bà Nguyễn Thị Ánh Thu, Ni sư Thích nữ Tuyết Liên (Tiền Giang); bà Lê Thị Kim Huệ (Kiên Giang); Nhà văn, Đạo diễn Cao cấp Minh Chuyên; bà Masako Sakata (Nhật Bản); bà Maggie Brooks (Costa Rica); ông Mike Rehner, ông Jeff Slyker (Hoa Kỳ); cố Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh- Việt Len Aldis; nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế Jitendra Sharma; đồng Chủ tịch VAORC Merle Evelyn Ratner; Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế Jeanne Ellen Mier…

   15 năm qua, dịp 10/8 hằng năm đã thực sự trở thành những ngày hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, ngày hội “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Tinh thần ấy cần được cổ vũ, lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lương tâm và trách nhiệm của mỗi người đối với nạn nhân chất độc da cam, tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng và ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Lê Nam Huy

(Tạp chí da cam)