Lời mở đầu

Ngày nay, các loại sách tra cứu được xuất bản nhiều để phục vụ nhu cầu ngày càng cấp thiết của bạn đọc. Ở nước ta chưa có một công trình nào tổng hợp các sự kiện về chiến tranh hoá học. Biên soạn cuốn “Chiến tranh hoá học do Mỹ- VNCH tiến hành ở Việt Nam (1961- 1975) - Biên niện sự kiện” được coi là một cuộc chiến tranh hoá học phi pháp lớn nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh hoá học từ trước đến nay, đồng thời đây cũng là một cuộc chiến tranh sinh thái đầu tiên trong lịch sử loài người. Biên niên sự kiện - sách tra cứu theo niên đại (các sự kiện được trình bày theo thứ tự thời gian (ngày, tháng, năm) là một cuốn sử rút gọn nó cho phép bạn đọc hình dung được quy mô cuộc chiến tranh hoá học này cả về không gian và thời gian, về khối lượng khổng lồ chất độc hoá học được Mỹ đem ra sử dụng cũng như hậu qủa nghiêm trọng cả trước mắt và lâu dài đối với môi trường sinh thái và sức khoẻ nhiều thế hệ người Việt Nam nói riêng, Lào và Campuchia nói chung; của binh lính Mỹ và binh lính các nước đồng minh của Mỹ (Hàn Quốc, Australia, New Zealand...) tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam; về vai trò của Tổng thống, Chính phủ Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, các vị Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, quân đội Mỹ và quân đội các nước Đồng minh của Mỹ, các Công ty hoá chất Mỹ - sản xuất và cung ứng chất diệt cỏ chiến thuật (tactical herbicides) cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; đồng thời nó đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc muốn tìm hiểu sự bất đồng quan điểm trong nội bộ Chính phủ Mỹ khi sử dụng chất diệt cỏ vào mục đích quân sự; dư luận nhân dân tiến bộ Mỹ và thế giới trong đó có nhiều nhà khoa học Mỹ nổi tiếng lên án cuộc chiến tranh hoá học tàn bạo này ở Việt Nam. Mặt khác, Biên niên sự kiện chiến tranh hoá học ở Việt Nam còn phơi bày dã tâm bưng bít, bóp méo sự thật về tính độc hại của dioxin của Không quân Mỹ, của các công ty hoá chất Mỹ, thái độ thờ ơ, vô cảm trước những hậu quả vô cùng nặng nề mà các nạn nhân chất độc hoá học/ dioxin Việt Nam đã và đang phải gánh chịu. Bạn đọc cũng được cung cấp những thông tin ngắn gọn về các công trình nghiên cứu khoa học về chất độc da cam/dioxin của các nhà khoa học nước ta và thế giới: Mỹ, Nga, New Zealand, Australia, Hàn Quốc; bạn đọc cũng được cung cấp thông tin về các hoạt động của ngành lập pháp (Quốc hội) nước ta và các nước gửi quân tham chiến với Mỹ tại Việt Nam: Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand, Australia...; về hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Mỹ trong Vấn đề tẩy độc các điểm nóng dioxin.

Vì vậy, cuốn Biên niên sự kiện chiến tranh hoá học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam - sách tra cứu theo niên đại là cuốn sách cần thiết, nó bổ sung thêm một góc độ tra cứu mới cho cho hệ thống sách tra cứu đã có góp phần làm cho hệ thống bách khoa thư trở nên hoàn chỉnh.

Mỗi sự kiện phải được thông tin rõ ràng sao cho bạn đọc bình dân nhất có thể hiểu được. Chúng tôi phải tham khảo nhiều tài liệu để đảm bảo được tính chính xác và rõ ràng của mỗi sự kiện góp phần đáp ứng đến mức tối đa yêu cầu của độc giả.

Lần đầu tiên làm cuốn sách loại này chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi rất biết ơn nếu được sự đóng góp của bạn đọc gần xa để sau đây nếu có dịp sẽ làm được những cuốn sách tốt hơn.

Soạn giả

PHẦN I: QUÁ TRÌNH DIỄN BIẾN

Ngược dòng lịch sử.

Trong những năm đầu thập niên 30, kết quả nghiên cứu hoá học nông nghiệp đã cho thấy rất nhiều hóa chất tổng hợp có thể điều chỉnh hoặc hạn chế cây cỏ phát triển. Các chất này có nhiều hứa hẹn giúp nông dân diệt cỏ rất hiệu nghiệm, nhưng nhiều người cũng đánh giá cao tiềm năng sử dụng trong quân sự. Chất diệt cỏ có hiệu lực nhất được biết đến là 2,4 - dichlorophenoxy axetíc acid (2,4-D)/Peter Schuck, 1986, Agent Orange on trial/. Mỹ đã nghiên cứu sử dụng chất diệt cỏ vào mục đích quân sự từ thập kỷ 40 của thế kỷ XX. Năm 1943, Giáo sư E. J. Kraus - chủ nhiệm khoa thực vật trường Đại học Chicago đã ký hợp đồng với quân đội Mỹ nghiên cứu tác hại của chất 2,4,5 - trichlorophenoxyaxetic axít (2,4,5-T) đối với cây lúa. Đến năm 1944, đề tài này chuyển sang Trung tâm nghiên cứu chiến tranh hoá học của quân đội Mỹ tại Fort Detrick, bang Maryland. Tại đây, người ta đã nghiên cứu trên 1.000 chất có khả năng phá huỷ cây lương thực và trên 12.000 chất có khă năng làm rụng lá, trong đó có trên 700 chất có triển vọng đem sử dụng. Cuối chiến tranh thế giới lần thứ II, Không quân Mỹ đã có kế hoạch sử dụng một số chất diệt cỏ để huỷ diệt những cánh đồng lúa rộng lớn vùng ngoại ô 6 thành phố lớn Nhật Bản: Tokyo, Iocohama, Nagôia, Oxaca, Kyoto và Kobe. Song chưa kịp sử dụng thì chiến tranh đã kết thúc.

Dự án Agile của Cơ quan Nghiên cứu nâng cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (The DoD’s Advanced Research Project Agency’s - ARPA) đã thành công trong việc phát triển chất diệt cỏ thành một vũ khí quân sự, một ý tưởng được gợi ý bởi những thành công của người Anh sử dụng 2,4,5-T để phá huỷ nguồn lương thực của quân nổi dậy ở Malaysia.

Tướng Sir Geral Templer (Anh) được ủy quyền sử dụng chất da cam tại Malaysia.

ARPA tài trợ cho những thử nghiệm về sự kết hợp và nồng độ của những chất diệt cỏ, những nghiên cứu dò tìm liều lượng sử dụng cho hệ thống phun rải để đạt mật độ mong muốn 28 lít/ha (3 gallons/acre), và những thử nghiệm về điều kiện tối ưu (cỡ hạt sương; tốc độ gió, tầm cao và tốc độ bay khi phun). ARPA cũng phát triển một hệ thống đánh giá tại thôn ấp để thu thập những dữ liệu điều tra nhằm ước lượng số người bị phơi nhiễm chất độc hoá học.

Những đặc điểm của chất diệt cỏ 2,4- D và 2,4,5-T với tư cách là vũ khí đã được phát hiện trong các công trình nghiên cứu của quân đội Hoa Kỳ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II.

Các nhà khoa học quân đội tại các phòng thí nghiệm thuộc Edgewood Arsenal đánh giá 2,3,7,8 - tetrachlorodibenzo-p-dioxin là một tác nhân chiến tranh hoá học tiềm tàng. Vào năm 1957, họ đã nghe nói có một vụ bùng nổ bệnh chloracne trong một số nhà máy hoá chất Đức có sản xuất 2,4,5 - trichlorophenol (TCB), nguyên liệu chính được sử dụng trong sản xuất 2,4,5-T và đã đọc một bài báo của Kimming và Schultz nhận diện được khối lượng nhỏ dioxin cũng có thể gây tổn thương nghề nghiệp cho công nhân./AO.9A - 64-65/.

Trong suốt thập nhiên 1950 và đầu thập niên 1960, thử nghiệm sử dụng chất diệt cỏ vào mục đích quân sự được tiến hành ở Florida, California, Indiana, Kentucky, Kansas, Montana, Maryland, Bắc Dakota, Utha, Rhode Island, Texas, Washington và New York. Hầu hết các cuộc thử nghiệm đều nhằm mục tiêu đối với cây trồng. Năm 1959, tại Trại Trống (Camp Drum, New York), 1.035 ha cây phong đường (sugar maples) và cây gỗ cứng khác đã bị phun trong một thử nghiệm khác để đánh giá hiệu quả của các chất khai quang rụng lá (defoliants). Đầu những năm 1969, các chất 2,4-D và 2,4,5-T được dùng để khai quang rụng lá, còn hợp chất chứa asen (acid cacodylic) được dùng để phá hoại mùa màng.

Ngoài ra, thử nghiệm chất diệt cỏ cũng được tiến hành ở Canada, Hàn Quốc, Puecto Rico, Ấn Độ và Thái Lan.

Trong những năm đầu thập niên 60, thế kỷ XX, Chính phủ Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc thí nghiệm nhiều loại hoá chất diệt cỏ, trong đó có 2,4-D và 2,4,5- T nhằm xác định thành phần cụ thể để đưa vào sử dụng tại Đông Nam Á. Người đầu tiên có kiến nghị đưa 2,4,5-T sử dụng tại Việt Nam là tiến sĩ J.w. Brown. Người thông qua kiến nghị của ông Brown là tiến sĩ Charles Minarik - Trưởng Ban mùa vụ (Crop Division) tại Fort Detrick./AO.9A- 6/. Việc thử nghiệm các dẫn xuất của 2,4-D và 2,4,5-T (butyleste, isobutyleste và isooctyleste) được xúc tiến hết sức khẩn trương nhằm mục đích sau:

1. Lựa chọn chất diệt cỏ (herbicides) vào mục đích quân sự, đồng nghĩa với việc lựa chọn chất diệt cây (week killer, anti-plant hay phyotoxic agents);

2. Nghiên cứu tác hại gây ra đối với từng loại cây lương thực, cây lấy gỗ;

3. Nghiên cứu mật độ (liều lượng) sử dụng (số ga lông chất diệt cỏ trên một đơn vị diện tích), thời gian rụng lá;

4. Nghiên cứu điều kiện tối ưu: nhiệt độ, độ ẩm không khí, tốc dộ gió, độ cao và tốc độ máy bay khi tiến hành phun rải chất diệt cỏ.

Năm 1959, Trung tâm nghiên cứu chiến tranh hoá học Fort Detrick tổ chức một cuộc diễn tập quy mô lớn tại Trại Trống (Fort Drum), New York trên một diện tích 4 dặm vuông. Thành công của cuộc diễn tập nhanh chóng được Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận và quyết định cho lập phương án sử dụng chất diệt cây (anti - plant) tại miền Nam Việt Nam trong khuôn khổ “Chương trình sử dụng chất diệt cỏ ở Đồng Nam Á”. Tiếp sau đó, đại tá J.w. Brown - Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu nói trên đã tiến hành 18 cuộc thực hành phun rải chất diệt cỏ tại Texas, Hawaii, Puerto Rico và Thái Lan (gần Pran Buri). Những kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, ngoài thực địa và tại chiến trường đã làm cho Tổng thống John F. Kennedy bị cuốn hút theo hướng chấp thuận khuyến nghị của các Bộ Quốc phòng và Ngoại giao - đồng soạn thảo cái gọi là Operation Hades (chiến dịch Tử thần) về sau được gọi là Operation Ranch Hand - tạm dịch là Chiến dịch “Bàn tay công nhân nông nghiệp”, hoặc “Chiến dịch Lực điền” - thực chất là Chiến dịch khai quang, phá huỷ hoa màu được ghi trong các văn thư chính thức của chính phủ VNCH.

NĂM 1960

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hoà (VNCH - chính quyền Sài Gòn cũ) đã thông báo cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng: Quân đội Việt Nam Cộng hoà đã sử dụng hoá chất vào mục đích khai quang làm rụng lá cây tại một số vùng rừng rậm nhiệt đới Nam Việt Nam từ năm 1960.

Ngày 7/6/1960.

“Công tác diệt trừ cây cỏ”

Bộ Tổng Tham mưu (QLVNCH) ban hành Chỉ thị về “Công tác diệt trừ cây cỏ”. Nội dung gồm:

1. Thể thức đề nghị nhu cầu khai quang bằng hoá chất (để phân biệt với phát quang bằng cách tỉa cành, chặt hạ cây xung quanh căn cứ hoặc ủi quang bằng máy ủi hạng nặng dọc hai bên tỉnh lộ, quốc lộ huyết mạch);

2. Hồ sơ đề nghị khai quang phải nêu rõ lý do xin khai quang, ghi rõ toạ độ mục tiêu và phóng đồ các mục tiêu đó;

3. Phụ bản tình báo;

4. Phụ bản tâm lý chiến và dân sự vụ;

5. Tờ cam kết bồi thường thiệt hại nếu có.

Thành lập Ban Phát triển khả năng tác chiến.

Cũng vào ngày này, Bộ TTM/QLVNCH ban hành quyết định thành lập Ban Phát triển khả năng tác chiến, sau này (30/12/1962) đổi thành Trung tâm Thực nghiệm và Phát triển khả năng Tác chiến - TTTN/PTKNTC (The Combat Development and Test Center for Creation of New Techniques). Trung tâm có nhiệm vụ: dự toán, tiếp nhận, quản lý, cấp phát hoá chất và một vài chủng loại phương tiện phun rải chất diệt cỏ như bình phun đeo lưng (Hand Sprayer); máy phun hoá chất Buffalo Turbine lắp đặt trên xe bọc thép, xe tải, xe hỏa hoặc tàu thuyền; máy ủi quang hạng nặng bundoser (Plow Rome) nặng 38 tấn cho các Vùng Chiến Thuật (VCT), Khu chiến thuật (KCT),Tiểu khu (TK), Quân đoàn (QĐ), Sư Đoàn (SĐ).

Buffalo Turbine lắp đặt trên xe tải phun chất diệt cỏ lên ruộng lúa

Phi vụ 8 chiếc C-123 đang hạ dần độ cao trước khi tiếp cận mục tiêu

Rome Plow đang thực hành ủi quang cây cối hai bên quốc lộ 15

Máy ủi quang Rome Plow lắp thêm máy cày

Ngày 15/8/1960

Hội nghị kế hoạch sơ bộ đã họp ngày 15/8/1960 tại Langley để bàn xin trang bị loại máy bay C.123 với sự có mặt của đại diện BTL Không quân chiến thuật (TAC), Lục quân, Hải quân và Bộ nông nghiệp Mỹ, đại uý Carl W.Marshall, sĩ quan phụ trách Biệt đội phun rải hoá chất trên không (Special Aerial spray Flight - SASF), người sau đó chỉ huy đơn vị Ranch Hand đã chủ trì buổi họp. Đại uý kiến nghị cải tiến C.123 để có thể phun rải hoá chất diệt côn trùng (insecticides) thể lỏng hay dạng hạt. /E.R. Zumwalt, Báo cáo gửi Bộ Cựu chiến binh/.

Bơm nạp chât diệt cỏ lên máy bay khai quang C-123

NĂM 1961

Trong thập niên 1950, quân đội Mỹ đã tiến hành các vụ thử nghiệm thực địa nhằm xác định tính khả thi của việc phun rải những chất diệt cỏ chiến thuật (tactical herbicides) bằng máy bay; những cuộc thí nghiệm phun rải và hoạt động của các hệ thống phun rải trên không đã đặt nền tảng cho các hệ thống phun rải được sử dụng ở Việt Nam sau này.

Năm 1961, Cơ quan các Dự án Nghiên cứu Nâng cao (The Advanced Research Projects Agency - ARPA) của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đánh giá tính khả thi của việc làm rụng lá rừng nhiệt đới ở Việt Nam và khuyến nghị rằng các công thức phù hợp phải là 2,4-D và 2,4,5-T cần được khai thác để sử dụng ngay. Dự án này đã có công trong việc phát triển chất diệt cỏ thành một vũ khí quân sự, một ý tưởng được gợi ý bởi những thành công của người Anh dùng 2,4,5-T phá hủy nguồn lương thực trong những cuộc nổi dậy ở Malaysia.

Năm 1961, tức là từ khi Mỹ mới bắt đầu triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với công thức cố vấn Mỹ cộng quân đội chính quyền Sài Gòn cũ, một số cố vấn quân sự Mỹ có “sáng kiến” sử dụng chất độc hoá học làm rụng lá cây nhằm mục đích khai quang nơi tình nghi có du kích quân Việt cộng ẩn náu.

Kế hoạch 202 (khai quang, phá huỷ hoa màu đối phưong) năm 1961

Ngày 8/1/1961

Từ ngày 8 đến 25 tháng 1 năm 1961, một Nhóm nghiên cứu và phát triển, đứng đầu là William H. Godel, Phó Cục trưởng Cục các dự án nghiên cứu nâng cao Bộ Quốc phòng (Advanced Research Projects Agency)\ thăm Nam Việt Nam để thảo luận với các quan chức Việt Nam về việc thành lập một Trung tâm nghiên cứu và phát triển hỗn hợp Việt - Mỹ. Chuyến thăm phù hợp quy định tại Điều 20 của Chương trình Tổng thống dành cho Việt Nam Cộng Hoà. (Tài liệu 56) Trong một cuộc trò chuyện với Godel và McGarr vào ngày 15, Tổng thống Diệm cho biết, trong số những công nghệ quân sự mới (New Military Technologies), rằng ông rất quan tâm đến sự phát triển của một chất làm rụng lá (defoliant) và muốn một trong những phép tăng trưởng nông nghiệp tiếp theo. (Telegram MAGCH - cs 921, ngày 16 tháng 6; Washington National Center Records, RG 330, Lansdale Files: FRC 63 A 1803).

Kết quả của chuyến thăm này là Tổng thống Diệm chỉ đạo các lực lượng vũ trang Việt Nam Cộng hoà thành lập một Trung tâm Thực nghiệm & Phát triên Khả năng Tác chiến được chỉ huy bởi một sĩ quan kỹ sư cao câp, Đại tá Trạch, người đã báo cáo với ông ta (Diệm) thông qua các Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang. Tướng McGarr đồng tình với khuyến nghị của Nhóm nghiên cứu là một tổ chức riêng biệt được thành lập trong Nhóm Tư vấn Hỗ trợ Quân sự, một Văn phòng nghiên cứu và phát triển bao gồm năm người để điều hành các hoạt động chung. Nhóm nghiên cứu cũng đã phát triển một phương châm để thành lập Trung tâm được phê duyệt bởi Tổng thông Diệm và Đại sứ Nolting. Làm việc với đại diện MAAG và các cơ quan QLVNCH, Nhóm nghiên cứu Godel cũng soạn thảo một danh mục ban đầu các vấn đề và các dự án đề nghị được xem xét bởi Trung tâm. Trong một biên bản ghi nhớ ngày 12 tháng 7 gửi Lansdale, Godel báo cáo trên nền tảng và kết quả chuyến thăm của Nhóm NC&PT. Kèm theo biên bản ghi nhớ là một bản sao cho Trung tâm và danh mục các vấn đề và các dự án được đề xuất.

MAAG: Để trợ giúp quân viễn chinh Pháp chống lại Việt Minh, tháng 9 năm 1950, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã cử một Phái bộ cố vấn Quân Sự (Military Assistance Advisory Group ) đến Việt Nam. Phái bộ này không thực hiện nhiệm vụ như là những quân nhân chiến đấu, mà là dế giảm sát việc sử dụng các trang bị quân sự viện trợ trị giá 10 triệu USD đế hỗ trợ cho Pháp trong nỗ lực của họ để chống lại lực lượng Việt Minh. Sau Hiệp định Geneva, quân Pháp rút khỏi Việt Nam. Ngày 12/2/1955, Chính phủ Mỹ quyết định các viện trợ quân sự của Mỹ sẽ chuyển trực tiếp cho Chính phủ Ngô Đình Diệm và trách nhiệm quân sự lớn sẽ được chuyển giao từ người Pháp sang cho MAAG với sự chỉ huy của Trung tướng John O’Daniel. Đến tháng 6 năm 1956, số cố vấn tại MAAG lên tới 740 người, chia làm 3 nhóm ở mỗi quốc gia: Việt - Lào- Campuchia.

Một bản báo cáo tóm tắt của Godel về cuộc viếng thăm của ông đã được gửi tới Hội thảo về Đông Nam Á tại Viện ngoại giao vào ngày 6 tháng 7 năm 1963. Godel đã thảo luận về kết quả chuyển đi của mình đến Việt - Nam với Tổ công tác Việt Nam. William Godel, một chuyên gia về kỹ thuật và thực hành chiến tranh tâm lý của BQP Hoa Kỳ. VNCH phản ứng với ý tưởng về một Trung tâm Thực nghiệm và Phát triển Khả năng Tác chiến với sự nhiệt tình cao: Đích thân Tổng thống Diệm đã tiến hành không ít hơn ba cuộc phỏng vấn cá nhân với Godel và bổ nhiệm Đại tá Trạch giữ chức Giám đốc Trung tâm. (Ông Trạch được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Tổng thống). Trong số các khí tài quân sự mới được Godel giới thiệu có hệ thống báo động có thể cảnh báo QLVNCH ở khoảng cách 25 dặm. Thí nghiệm khác, một chất làm rụng lá để phát hiện khu vực xâm nhập biên giới. Đây là một hoạt động tốn kém và kéo dài trong ba năm với hiệu quả tối đa. Godel đã nói về các chất hocmon thực vật (2,4-D và 2,4,5-T) để loại bỏ các cây sắn nuôi sống Việt Cộng trong khi hoạt động trong các khu vực miền núi phía bắc Nam Việt Nam . /Foreign Relation US, 1961-1963, Vol 1, Vietnam - Hoạt động Đối ngoại của Hoa Kỳ, 1961-1963/.

                                             (Phần tiếp theo sẽ được cập nhật vào thứ 6, ngày 28 tháng 8 năm 2020)