Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, ngày 20/12/2021, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) /dioxin Việt Nam phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học (CĐHH) sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) và Học viện Quân y/Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế trực tuyến với chủ đề “Bệnh, tật liên quan với phơi nhiễm CĐDC/dioxin ở Việt Nam - Hiện trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả dự phòng và điều trị”. Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận của hơn 50 nhà khoa học, các chuyên gia, các thầy thuốc ở Việt Nam và quốc tế.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; PGS.TS Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Quân - Dân y; Trung tướng, PGS.TS Đặng Nam Điền, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; Thiếu tướng, GS.TS Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân y; đại diện lãnh đạo, cơ quan chức năng của các bộ, ngành: Văn phòng TW Đảng, Văn phòng Chính phủ; Ban Đối ngoại TW; Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ... Khách quốc tế làm việc tại Việt Nam có: đại diện cơ quan Đại sứ quán Nhật Bản, Hàn Quốc, Venezuela; Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA); Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOIKA); Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP); Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEP); VFP hòa bình 160; Tổ chức hỗ trợ cho người khuyết tật (VNAH); Hội Cựu chiến binh thương tật da cam Hàn Quốc…Hội thảo được tiến hành trực tuyến tại điểm cầu của 63 Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, thành phố trong cả nước; điểm cầu các hội thuộc Tổng Hội Y học Việt Nam; nhiều bệnh viện trong và ngoài quân đội.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam nêu rõ: Hội thảo hôm nay có sự tham gia của nhiều nhà khoa học y tế và cán bộ quản lý; đặc biệt là các nhà khoa học của Nhật Bản, Hoa Kỳ và Pháp đã gửi các công trình nghiên cứu đến hội thảo và tham gia hội thảo trực tuyến trên các điểm cầu. Hội thảo nhằm làm rõ hơn hậu quả nặng nề của CĐDC/dioxin; những nỗ lực to lớn của Việt Nam và cộng đồng quốc tế trong việc khắc phục hậu quả đối với môi trường, sinh thái và chữa trị bệnh, tật cho NNCĐDC; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác hại của CĐDC/dioxin đối với sức khỏe con người.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế hoan nghênh Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế đã tổ chức cuộc Hội thảo khoa học có ý nghĩa quan trọng này. Thứ trưởng nhấn mạnh: Hậu quả của CĐHH do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh hết sức nặng nề với 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, có 3 triệu là NNCĐDC. Sự thật về bệnh tật, nỗi đau của NNCĐDC ở Việt Nam đã rõ ràng, làm thế nào để góp phần cứu chữa bệnh tật, cải thiện sức khỏe cho NNCĐDC là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có các nhà khoa học. Vì thế, nhiệm vụ trọng tâm trong cuộc Hội thảo này là phát hiện và đề xuất nhiều biện pháp mới, có nhiều tiếng nói chung về khoa học ở trong nước và quốc tế về phòng ngừa và điều trị cho NNCĐDC.
Thiếu tướng GS.TS Hoàng Văn Lương báo cáo đề dẫn
Báo cáo đề dẫn của GS.TS Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân y đã khái quát toàn diện thực trạng tình hình chất độc hóa học tồn lưu tại Việt Nam; kết quả khắc phục hậu quả CĐHH trong các “điểm nóng” Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát,… và tình hình bệnh, tật liên quan với phơi nhiễm CĐDC/dioxin ở Việt Nam, một số kết quả chữa trị bệnh, tật liên quan. Phần thứ nhất của Hội thảo đề cập đến kết quả và phương hướng tổ chức tẩy độc dioxin ở môi trường để khắc phục ảnh hưởng đối với sức khỏe con người. Phần thứ hai, tập trung làm rõ thực trạng tình hình bệnh, tật liên quan với phơi nhiễm CĐDC/dioxin và giải pháp nâng cao hiệu quả điều trị, phòng ngừa.
Phần tham luận của các nhà khoa học đã đề cập toàn diện các vấn đề liên quan đến hậu quả CĐHH do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Khẳng định sự vào cuộc tích cực của ngành Y tế, nhất là vai trò tiên phong, đi đầu của đội ngũ y, bác sĩ, thầy thuốc trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã nghiên cứu, chữa trị được nhiều bệnh, tật liên quan với phơi nhiễm CĐDC/dioxin. Tham luận của Bộ Tư lệnh Hóa học đã nêu “Tổng quan kết quả và triển vọng của việc tẩy độc da cam/dioxin trong đất và trầm tích ở Việt Nam”. GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam từ đầu cầu trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh có tham luận “Điều tra cơ bản tình hình sức khỏe của NNCĐDC ở một số tỉnh miền Nam”. PGS.TS Nguyễn Bá Vượng, Học Viện Quân y với “Nghiên cứu nồng độ dioxin trong máu và cấu trúc mô gan ở người phơi nhiễm với CĐDC/dioxin tại Đà Nẵng”. PGS.TS Trần Đức Phấn với “Nghiên cứu và ứng dụng biện pháp sang lọc, chẩn đoán trước sinh, tư vấn di truyền để phòng ngừa bất thường sinh sản tại Thanh Khê (Đà Nẵng) và Biên Hòa”,...
Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học y tế Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác đã chỉ rõ cơ sở khoa học để khẳng định tác hại và hậu quả nặng nề của CĐDC/dioxin đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Nhóm nhà khoa học Mỹ có công trình nghiên cứu “Tập hợp các dữ liệu: Hướng tới hiểu rõ hơn về ô nhiễm dioxin ở Việt Nam” do bà Jean Grassman trình bày; “Các bệnh của cựu chiến binh Mỹ liên quan đến việc phơi nhiễm với CĐDC/dioxin ở Việt Nam” do bà Susan Schnall trình bày; “Báo cáo khảo sát về CĐDC ở Lào năm 2021” do bà Susan Hammond - Giám đốc điều hành Dự án War Legacies trình bày. Nhóm các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu về “Can thiệp dinh dưỡng bằng chiết xuất được làm khô từ cá ngừ (Dried Bonito Broth) nhằm cải thiện hành vi hiếu động ở trẻ em có liên quan với việc phơi nhiễm trước sinh tại Việt Nam - Nghiên cứu bước đầu” do bà Muneko Nishijo trình bày. Bà Mỹ Ánh Neilder-Nguyen ở Trung tâm nghiên cứu Saint-Antoine, Đại học Sorbonne, Pari, Pháp có đề tài nghiên cứu: “Các dấu ấn sinh học trong phơi nhiễm tetrachlorodibenzo (p) dioxin (TCDD) và khả năng điều trị ung thư liên quan đến TCDD”; GS. Mayumi Kuwwahara, Trường Đại học Tohoku Fukushi, Nhật Bản, trình bày đề tài “Nghiên cứu điều kiện sống thực tế của NNCĐDC và gia đình họ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa – giới tính, những vấn đề và kiến nghị liên quan dựa trên phỏng vấn”...
GS Đặng Duy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường có phát biểu trao đổi nhấn mạnh đến ý nghĩa to lớn cả về khoa học và xã hội của Hội thảo hôm nay. Đồng thời, đưa ra những câu hỏi kiến nghị cần tiếp tục quan tâm làm rõ: 1, Khu vực Đà Nẵng và Biên Hòa đã hết là điểm nóng chưa? người dân đã thực sự yên tâm chưa? 2, Ta có nguồn dược liệu phong phú hàng nghìn loại thực vật đã phát huy như thế nào trong chữa trị cho NNCĐDC? 3, Kết quả siêu âm thai nhi “chẩn đoán dị tật trước sinh” ? 4, Văn hóa có đóng góp gì cho tinh thần của NNCĐDC, chúng ta đã quan tâm đến vấn đề này như thế nào?
Trung tướng, PGS.TS Đặng Nam Điền công bố lời kêu gọi từ Hội thảo
PGS.TS Đặng Nam Điền đã đọc Lời kêu gọi từ Hội thảo. Trong đó nêu rõ: Cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành từ năm 1961 đến năm 1971 đã để lại hậu quả nặng nề và kéo dài cho môi trường sống và con người Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã tích cực khắc phục hậu quả, nỗ lực chăm sóc, giúp đỡ để những người bị nhiễm CĐDC/dioxin có cuộc sống được cải thiện và ổn định hơn. Tuy nhiên, nhiệm vụ khắc phục hậu quả CĐHH còn rất nặng nề. Khối lượng đất và trầm tích nhiễm độc dioxin ở các điểm nóng cần được xử lý triệt để còn rất lớn; quá trình xử lý có thể còn kéo dài. Cùng với các bệnh, tật đã được Bộ Y tế Việt Nam xác định có liên quan với phơi nhiễm CĐDC, có nhiều bằng chứng cho thấy người phơi nhiễm CĐDC ở Việt Nam có thể còn bị một số bệnh khác. Cơ chế gây bệnh của CĐDC/dioxin còn chưa được làm rõ, chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu để có phương thức điều trị phù hợp. Các biện pháp dự phòng bệnh, tật có liên quan với CĐDC đã phát huy được hiệu quả, nhưng bệnh, tật liên quan với phơi nhiễm CĐDC/dioxin vẫn còn khả năng lây lan sang thế hệ thứ ba và thế hệ thứ tư... Từ sự nhìn nhận đó, những người tham gia Hội thảo Khoa học quốc tế “Bệnh, tật liên quan với phơi nhiễm CĐDC/dioxin ở Việt Nam – Hiện trạng và giải pháp dự phòng và điều trị” kêu gọi chính phủ các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả do CĐDC/dioxin gây ra cho sức khỏe con người và môi trường ở Việt Nam. Đẩy nhanh hơn nữa việc tẩy độc môi trường ở các điểm nóng về độ tồn lưu dioxin; đầu tư nhiều hơn nữa cho việc nghiên cứu và tổ chức điều trị, phòng ngừa các bệnh, tật có liên quan với phơi nhiễm CĐDC/dioxin, giúp những người bị nhiễm CĐDC trực tiếp cũng như gián tiếp cải thiện điều kiện sức khỏe, điều kiện sống. Đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động quốc gia và hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả CĐHH trong chiến tranh. Chính phủ các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế hãy tăng cường hợp tác, phối hợp với nhân dân Việt Nam, quan tâm giúp đỡ nạn nhân cả về vật chất và tinh thần; đẩy mạnh khảo sát, điều tra và xây dựng hệ thống số hóa quản lý bệnh, tật của những người bị nhiễm và di nhiễm CĐDC/dioxin để phục vụ điều trị bệnh, tật cho các đối tượng bị phơi nhiễm. Ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam; đồng thời, lên án và ngăn chặn sử dụng vũ khí hóa học và vũ khí hủy diệt khác trên phạm vi toàn thế giới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 3 tập thể, 10 cá nhân của Học viện Quân y có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu về chất độc da cam/dioxin và bệnh tật có liên quan đến phơi nhiễm CĐDC/dioxin ở Việt Nam.
Bế mạc Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nêu rõ: Các báo cáo khoa học trong hội thảo đã phân tích và làm rõ hơn thực trạng các bệnh, tật có liên quan với phơi nhiễm CĐDC/dioxin; nghiên cứu một số bệnh khác có bằng chứng liên quan; nghiên cứu các yếu tố sinh học và yếu tố xã hội có liên quan đến bệnh tật của người bị nhiễm; đánh giá kết quả nghiên cứu và điều trị các bệnh; qua đó đưa ra một số mô hình điều trị và phòng ngừa các bệnh, tật có liên quan với phơi nhiễm CĐDC/dioxin. Với kết quả Hội thảo quốc tế này, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam mong muốn các nhà khoa học y tế trong nước và quốc tế, ngành y tế của Việt Nam tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những giải pháp thực sự hiệu quả để chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho NNCĐDC, giúp họ có cơ hội sống và hòa nhập cộng đồng.
Các đại biểu tại đầu cầu Hà Nội chụp ảnh lưu niệm
Tham luận của các nhà khoa học được tuyển chọn, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Bệnh, tật liên quan với phơi nhiễm CĐDC/dioxin ở Việt Nam – Hiện trạng và giải pháp dự phòng và điều trị”.
Trong “trạng thái bình thường mới”, Hội thảo đã chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19./.
Bài và ảnh: Mạnh Dũng - Đình Trọng