Tổng số diện tích đất đai bị ảnh hưởng hóa chất là 3,06 triệu hécta. Có gần 5 triệu người Việt Nam sống trong 25.585 thôn, ấp chịu ảnh hưởng của CĐDC. CĐDC đó còn làm cho nhiều lính Mỹ và một số nước tham chiến ở Việt Nam cũng bị nhiễm.

   Chiến tranh Việt Nam đã lùi xa hơn 40 năm nhưng hậu quả chất độc da cam (CĐDC)/dioxin vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề và lâu dài đến hệ sinh thái, môi trường và người dân Việt Nam; trong đó có hàng nghìn người đã chết, nguy hiểm hơn là hậu quả của nó còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ của người bị phơi nhiễm. Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) xác nhận dioxin là một tác nhân đe doạ nguy hiểm đối với sức khoẻ cộng đồng mà dường như không có mức độ phơi nhiễm dioxin nào được coi là an toàn.

   Hậu quả của CĐDC/dioxin là vấn đề chung của nhiều nước quan tâm, bởi không chỉ có người Việt Nam, mà chính các cựu binh Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc... cũng là nạn nhân. Để giải quyết hậu quả CĐDC, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành nhiều biện pháp, nhiều hình thức đấu tranh với Mỹ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao… đòi Mỹ phải có trách nhiệm bồi thường cho NNCĐDC ở Việt Nam. Thực tế Hoa Kỳ vẫn từ chối trách nhiệm với các trẻ khuyết tật và NNCĐDC dù Quốc hội Hoa Kỳ đã chi 3 triệu USD năm 2007 và 6 triệu USD năm 2009 [1] (Hoa Kỳ đã chi 46 triệu USD giúp đỡ những người khuyết tật Việt Nam.[2]). Mặc dù đã có những đóng góp viện trợ từ phía Hoa Kỳ nhưng thực chất hậu quả của CĐDC/dioxin vẫn còn rất nặng nề; do đó nhu cầu hỗ trợ nhân đạo là rất lớn. Vì vậy, hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân là cần thiết hơn lúc nào hết và viện trợ nhân đạo từ phía Hoa Kỳ cần tiếp tục tăng nhiều hơn nữa để phần nào làm giảm nỗi đau của những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi CĐDC/dioxin. Việc chúng ta yêu cầu Mỹ tăng viện trợ nhân đạo không phải là chúng ta đi xin tiền mà đó là trách nhiệm của Mỹ phải giải quyết hậu quả của CĐDC/dioxin đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

    Chúng ta đã biết, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995 tới nay, quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam đã phát triển không ngừng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa... Năm 2013, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đánh dấu những tiến bộ vượt bậc trong quan hệ song phương. 25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng gần 120 lần, từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018. Bên cạnh hợp tác về các mặt kinh tế và chính trị, hỗ trợ nhân đạo, hàn gắn hậu quả chiến tranh là một trong những vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

   Quan điểm của Đảng ta trong quan hệ quốc tế là “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, “thêm bạn bớt thù”. Mặc dù chiến tranh đã qua đi và còn rất nhiều những câu chuyện đau lòng khiến chúng ta vẫn “ngấn lệ”; song chúng ta tiếp cận quá khứ một cách hòa giải, toàn diện. Với đường lối đối ngoại: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, hội nhập kinh tế hiệu quả, chủ động hội nhập, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sau hơn 25 năm thiết lập quan hệ, hiện nay Hoa Kỳ đã trở thành “đối tác toàn diện” trong quan hệ với Việt Nam. Trong 9 lĩnh vực của mối quan hệ “đối tác toàn diện” mà Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký năm 2013 thì “giải quyết hậu quả chiến tranh” được đặt trong mục thứ 6. Như vậy, vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh đã trở thành một điều kiện ràng buộc đối với Hoa Kỳ.

    Để đối thoại nhân đạo về giải quyết hậu quả CĐDC/dioxin do Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đạt được hiệu quả cao, chúng ta cần tiếp cận theo cách có tầm nhìn chiến lược, có sự kiên định, giữ vững nguyên tắc nhưng mềm mỏng, linh hoạt, nhạy bén về sách lược. Đối thoại nhân đạo cần phối hợp đồng bộ các phương thức, các lực lượng cả trong nước và quốc tế; lấy cảm hóa, thuyết phục làm phương thức cơ bản. Phải nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi, phương pháp, các lực lượng tham gia, lộ trình từng bước đi, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về hoạt động sử dụng chất diệt cỏ/dioxin của quân đội Hoa kỳ, về NNCĐDC, v.v. Phối hợp chặt chẽ giữa đối thoại nhân đạo với đấu tranh pháp lý, giữa hoạt động của Đảng, Nhà nước với đối ngoại nhân dân. Đối thoại nhân đạo là phương thức cơ bản, nhưng không được xem nhẹ đấu tranh pháp lý. Pháp lý là cơ sở khoa học, lý luận để có thể cảm hóa, thuyết phục... đưa đối thoại nhân đạo đạt được kết quả ./.

 

Vũ Lệ Hằng

Viện Nghiên cứu chất độc Da cam/dioxin