Cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam, từ năm 1961 đến 1971 đã sử dụng gần 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% tổng số đó là chất độc da cam, chứa 366kg dioxin. Hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh đã gây ra thảm họa khủng khiếp đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam. 

   Bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, là nạn nhân chất độc da cam đã đệ đơn kiện tại Tòa án Evry ở Paris. Tháng 4/2014, Tòa Evry mở phiên xét xử đầu tiên. Từ năm 2014 đến năm 2020, đã có 19 phiên tòa thủ tục. Ngày 10/5/2021, Tòa Đại hình Evry có kết quả trả lời Phiên tranh tụng ngày 25/01/2021 giữa các luật sư đại diện cho bà Trần Tố Nga và các luật sư đại diện cho 14 công ty hóa chất Mỹ. Tòa không chấp nhận vụ kiện của bà Trần Tố Nga với phán quyết: "Tòa không có thẩm quyền xét xử do liên quan tới hành động của Chính phủ Mỹ".

   Thất vọng, song không nản chí, bà Trần Tố Nga tiếp tục đệ đơn kiện 14 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất, cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 7/5/2024, Tòa phúc thẩm Paris mở Phiên điều trần vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Trước thềm sự kiện này, nhiều tổ chức, đoàn thể,… đã biểu tình rầm rộ tại Paris, ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga.  Phiên điều trần tại Tòa phúc thẩm Paris diễn ra từ 09.00 đến 12.30 ngày 07/5/2024. Phía nguyên đơn (bà Trần Tố Nga) có 2 luật sư là: Bertrand Repolt và William Bourdon; trong khi đó phía bị đơn (14 công ty hóa chất Mỹ) có hơn 10 luật sư tham gia. Hai luật sư giúp bà Trần Tố Nga trong vụ kiện đã bác bỏ “quyền miễn trừ tư pháp” của các công ty hóa chất Mỹ, bằng các lập luận rằng: không thể đánh đồng vai trò của các công ty Mỹ với Nhà nước Mỹ. Thực tế các công ty hóa chất Mỹ có quyền tự chủ, tự quyết trong việc sản xuất chất diệt cỏ có chứa dioxin. Họ nhận thức được độc tính cao của sản phẩm, nhưng không hề có ý định sửa đổi các thành phần mà vẫn cung cấp cho quân đội Mỹ. Vì vậy, các công ty này phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ. Các luật sư của 14 công ty hóa chất Mỹ đã phủ nhận trách nhiệm của thân chủ; họ vẫn bám vào luận điểm cho rằng: “các công ty hóa chất chỉ thực hiện theo yêu cầu của quân đội Mỹ trong thời chiến và đôi khi họ bị Chính phủ Mỹ trưng dụng”…

Bà Trần Tố Nga và Đoàn cán bộ Vava trước thềm phiên điều trần (07/5/2024)

   Ngày 22/8/2024, Tòa phúc thẩm Paris đã đưa ra phán quyết bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga đối với các tập đoàn hóa chất Mỹ đã sản xuất, cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội nước này để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

   Bà Trần Tố Nga cho biết: "Tôi không ngạc nhiên trước phán quyết này và sẽ không buông tay mà tiếp tục theo đuổi vụ kiện". Các luật sư của bà Trần Tố Nga cũng bày tỏ quyết tâm tiếp tục đồng hành cùng bà Trần Tố Nga và khẳng định: "Cuộc chiến của chúng tôi thực hiện không kết thúc với quyết định này. Chúng tôi sẽ kháng cáo lên tòa giám đốc thẩm”.

   Nhân dân Việt Nam và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam rất tiếc về phán quyết không đúng này của Tòa phúc thẩm Paris.

   Thực tế là, mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng những hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với con người và môi trường ở Việt Nam còn rất nặng nề. Hiện nay, trên đất nước Việt Nam vẫn còn hàng triệu nạn nhân chất độc da cam; thậm chí đã ghi nhận chất độc da cam/dioxin di truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4. Nhiều gia đình nạn nhân có nguy cơ không còn duy trì được nòi giống. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều người khác đang chết dần, chết mòn, từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin.

   Trước phán quyết của Tòa Phúc thẩm Paris "Tòa không có thẩm quyền xét xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga", Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã nhấn mạnh quan điểm là: "Kiên quyết và kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ vụ kiện của bà Trần Tố Nga, hy vọng Tòa có quyết định công bằng và nhân văn hơn cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; đồng thời yêu cầu các công ty hóa chất đã sản xuất và cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam có trách nhiệm khắc phục hậu quả mà họ đã gây ra./.

Đại tá, Ths Nguyễn Mạnh Dũng