Từng bước xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam
Ngay sau khi có Chỉ thị 43-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, của cán bộ đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, xác định mục tiêu đến năm 2020 bảo đảm 100% số người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH được hưởng chế độ ưu đãi người có công theo quy định của Nhà nước; tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng, rút ngắn thời gian thẩm định và giải quyết giám định bệnh tật ở các cấp; tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; củng cố kiện toàn tổ chức hội và đội ngũ cán bộ hội các cấp…
Ảnh: Họp mặt tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Cà Mau đã triển khai tới các cấp hội và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các sở ngành, các tổ chức hội, sớm đưa Chỉ thị vào cuộc sống. Hội luôn xác định nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân làm trọng tâm nên đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt việc chăm sóc nạn nhân CĐDC trên địa bàn. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW, đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Cà Mau quan tâm hơn tới công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Tổ chức hội các cấp phát triển, phủ kín 9/9 huyện, thành phố, cấp xã 101/101 đơn vị có tổ chức Hội, 606 chi Hội ở khóm ấp với 8.415 hội viên, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân CĐDC, thực sự là điểm tựa của nạn nhân da cam. Hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu, kinh phí hỗ trợ còn nhiều bất cập…, nhưng Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2015 đến tháng 6/2020, các cấp hội trong tỉnh đã vận động được 48,5 tỷ đồng. Số tiền và hiện vật vận động được chủ yếu chăm lo đời sống vật chất cho hàng ngàn lượt NNCĐDC như: Xây 232 căn nhà = 13.686.642.000đ, sửa chữa 4 căn nhà = 80.000.000đ, quà các loại 48.635 suất = 24.121.000.000đ, cầu giao thông nông thôn 16 cây = 1.822.000.000đ, khám chữa bệnh 1.788 lượt = 467.935.000đ, thăm hỏi trợ cấp khó khăn, giúp chuộc đất, học bỗng = 376.000.000đ, xe lăn 185 chiếc = 472.500.000đ, khoan cây nước 15 cây, hỗ trợ khác = 1.263.000.000đ…Ngoài ra, còn hỗ trợ sinh kế như cho mượn vốn để chăn nuôi, sản xuất kinh doanh theo điều kiện phù hợp với khả năng và điều kiện sức khỏe của NNCĐDC/DIOXIN là 1.659.000.000đ.
Ngày 13/8/2010, UBND tỉnh ban hành Quyế định số 1286/UB-UBND về việc thành lập và công nhận Điều lệ Quỹ NNCĐDC/DIOXIN tỉnh và Quyết định số 2047/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 công nhận Hội đồng quản lý Quỹ NNCĐDC/DIOXIN nhiệm kỳ (2017-2022). Từ đó, Hội đồng quản lý Quỹ được kiện toàn và công tác vận động thuận lợi hơn, hàng năm số vận động năm sau cao hơn năm trước, việc quản ký sử dụng chặt chẻ, nề nếp theo qui định.
Ảnh: Ký tên ủng hộ đấu tranh xóa bỏ vũ khí hạt nhân
Hưởng ứng đấu tranh đòi công lý của bà Trần Tố Nga kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã sản xuất và cung cấp chất độc hóa học có chưa dioxin cho quân đội Mỹ sử dung trong chiến tranh Việt Nam. Ngày 01/7/2015, Ban chấp hành tỉnh Hội tổ chức phát động và lấy chữ ký của toàn Hội được 14.516 chữ ký để ủng hộ vụ kiện, tiếp đoàn phóng viên bái chí nước ngoài đến làm việc và thông tin về môi trường, nạn nhân bị ảnh hưởng đến CĐDC để tuyên truyền, là thành viên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội thường xuyên nắm tình hình đối ngoại của tỉnh, cung cấp thông tin tuyên truyền và vận động giúp đỡ NNCĐDC, thu thập 8.798 chữ ký, ủng hộ lời kêu gọi của nạn nhân bom nguyên tử đòi xóa bỏ vũ khí hạt nhân và thường xuyên cập nhật thông tin trên Trang thông tin điện tử thành phần của tỉnh Hội về tình hình vụ kiện có trên 205 ngàn lượt người theo dõi.
Từ sự quan tâm hỗ trợ thiết thực đó đã giúp nhiều nạn nhân và gia đình họ giảm bớt khó khăn, tự tin hòa nhập cộng đồng. Công tác tuyên truyền cũng đã tạo sự cảm thông, sẻ chia của xã hội, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Tích cực trong giải quyết hồ sơ tồn đọng, kịp thời thực hiện chế độ cho nạn nhân
Về thực hiện chính sách người có công và bảo trợ xã hội có liên quan đến NNCĐDC, đến nay (06/2020) toàn tỉnh NNCĐDC được hưởng chính sách ưu đãi nhà nước là 5.828 người. Trong đó người hoạt động kháng chiến 3.565 người, con đẻ của NHĐKC bị nhiễm CĐHH 2.263 người. Cụ thể người hoạt động kháng chiến Mức 1 là 199 người được hưởng hàng tháng 6.142.000đ/tháng. Mức 2: 369 người được hưởng hàng tháng 2.891.000đ/tháng. Mức 3: 2.052 người được hưởng hàng tháng 2.068.000đ/tháng. Mức 4: 945 người được hưởng hàng tháng 1.234.000đ/tháng. Con đẻ của NHĐKC bị nhiễm CĐHH Mức 1: 640 người hưởng hàng tháng 1.624.000đ/tháng. Mức 2: 1.623 người được hưởng 974.000đ/tháng, thân nhân người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH hưởng hàng tháng là 114 người, mức hưởng 974.000đ/tháng; người khuyết tật đặc biệt nặng được trợ cấp hàng tháng là 5.644 người. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh không còn hồ sơ hợp lệ tồn đọng. Riêng số NNCĐDC là thế hệ cháu của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH chưa có chế độ là 470 người (434 cháu, 36 chắt).
Các cấp Hội đã nắm vững các qui định chính sách có liên quan đến NNCĐDC để tư vấn, hướng dẫn giúp đỡ hội viên làm thủ tục hưởng chính sách theo qui định.
Ảnh: Thăm hỏi nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Tại buổi làm việc kiểm tra thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW tại tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Hội NNCĐDC/DIOXIN Việt Nam Nguyễn Văn Rinh đánh giá: Sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học được nâng lên. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội với các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin ngày càng thường xuyên, hiệu quả. Những kết quả đạt được của tỉnh Cà Mau là cơ bản, quan trọng, góp phần động viên, khích lệ nạn nhân và gia đình họ vượt lên khó khăn… Song, sự hỗ trợ đối với nạn nhân CĐDC trên địa bàn tỉnh vẫn thấp so với tiềm năng; nguồn lực huy động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân còn hạn chế, chưa đa dạng; đề nghị tỉnh nghiên cứu, quan tâm hỗ trợ các đối tượng nghi nhiễm CĐDC, đặc biệt là tích cực giải quyết hồ sơ tồn đọng, kịp thời thực hiện chế độ cho nạn nhân CĐDC; quan tâm đặc biệt tới chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân…
Chuyển biến rõ nét từ việc thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW tại Cà Mau là cơ bản và kết quả đạt được từ các họat động của Hội thật sự đã đem đến cho nạn nhân nhiều “cái lợi” cho thấy việc khắc phục hậu quả CĐHH đạt được hiệu quả cao khi vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền được thể hiện đúng.
Ảnh: Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau
Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 43-CT/TW trong thời gian tới, đề nghị cấp ủy, UBND tỉnh sớm có văn bản cụ thể, chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành của tỉnh và các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 43-CT/TW; đẩy mạnh tuyên truyền, đưa Chỉ thị của Đảng vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực hơn, chỉ đạo chuẩn bị điều kiện cho các hoạt động kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam tại Việt Nam. Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho các cấp hội, nhất là hội cấp cơ sở, sớm hỗ trợ kinh phí để Hội phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tổng điều tra đối tượng phơi nhiễm CĐHH trên địa bàn, làm cơ sở thực hiện chính sách hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân tốt hơn.
Đối với các cấp hội, cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân theo phương châm hướng về cơ sở và quan tâm xây dựng tổ chức hội vững mạnh; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát, nắm rõ số lượng nạn nhân và đối tượng nghi nhiễm, đặc biệt nạn nhân là trẻ em, từ đó đề xuất hỗ trợ kịp thời, giúp nạn nhân vượt qua bệnh tật, nỗi đau tinh thần và thể xác, từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng…
Tin tưởng quan điểm “Nghĩ gì về nạn nhân chất độc da cam/dioxin và vai trò của Hội NNCĐDC/DIOXIN” sẽ tìm được sự đồng thuận, sẽ có tiếng nói chung để các cấp Hội của tỉnh Cà Mau thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết qủa cao hơn nữa.
Đặng Văn Mỹ – Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/DIOXIN tỉnh Cà Mau