Lời dẫn: Trong những năm qua, để khắc phục hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết thực hiện chế độ chính sách đối với NNCĐDC. Tuy nhiên, cháu ruột người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH (thế hệ thứ 3) hiện nay chưa được đưa vào khung chính sách ưu đãi người có công (NCC) như chủ trương của Đảng và Nhà nước, mà được hưởng theo chế độ bảo trợ xã hội của Luật Người khuyết tật (số 51/2010/QH12 năm 2010)
.
Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thế hệ thứ 3
Trong dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi), theo kế hoạch, sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào phiên họp tháng 12/2019. Đáng lưu ý là trong bản dự thảo đó vẫn chưa có thay đổi nào về chế độ với các cháu ruột người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC, bị di chứng - bệnh tật, dị dạng, dị tật. Chúng ta biết rằng, một chu kỳ sửa đổi Pháp lệnh, thường là hơn 5 năm, nhiều cháu mất đi mà không được hưởng chế độ chính sách ưu đãi, trong khi chủ trương đã có, ít nhất là hơn 7 năm, kể từ Quyết định 651/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, xác định các mục tiêu, trong đó có “100% số người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị nhiễm CĐDC được hưởng chính sách ưu đãi người có công”.
Bằng mọi cách, chúng ta cùng kiến nghị về điều đó trước khi dự thảo Pháp lệnh được thông qua.
Thực hiện Chỉ thị số 14 - CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Quốc hội đã giao Chính phủ chủ trì soạn thảo dự án Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào phiên họp tháng 12/2019.
Từ năm 2017, thực hiện sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiến hành đánh giá, tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh, soạn thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án, tiến hành soạn thảo dự án Pháp lệnh, tổ chức lấy ý kiến và hoàn chỉnh Pháp lệnh (dự thảo), chuyển đến Bộ Tư pháp thẩm định lần cuối (ngày 08/10/2019).
Trong Tờ trình Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội gửi Chính phủ để thông qua và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, đã nêu 5 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, trong đó có 2 vấn đề về chính sách đối với NNCĐDC.
Bài viết này tập trung vào vấn đề: Có hay không “bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 bị di chứng từ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC”?
Theo Tờ trình, sau khi nghiên cứu ý kiến tham gia, Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị chưa bổ sung chính sách ưu đãi cho đối tượng này vào Pháp lệnh sửa đổi, mà tiếp tục thực hiện chế độ bảo trợ xã hội như hiện nay.
Những lý do mà Cơ quan soạn thảo nêu ra là theo tư duy cũ, không thuyết phục đối với các nạn nhân, các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin và đông đảo các tầng lớp nhân dân… Nếu không đưa đối tượng trên vào khung chính sách ưu đãi người có công là chưa thực hiện Chỉ thị số 14 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Thực chất trong văn bản của Đảng và Nhà nước yêu cầu giải quyết chính sách với con và cháu là cố gắng thực hiện chính sách ưu đãi trong 3 đời. Đưa đối tượng này vào khung bảo trợ xã hội là không đúng tuyến, không đúng hệ thống chính sách.
Vì sao phải đưa các cháu thuộc nhóm đối tượng này vào khung chính sách ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC?
1. Trước hết, từ vấn đề cơ bản của khoa học sinh học - vấn đề di truyền:
Như chúng ta đã rõ, CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam không chỉ gây hậu quả nặng nề với sức khỏe những người bị phun rải trực tiếp, mà còn di chứng đến con cháu của họ.
Khoảng 572 công trình khoa học tầm cỡ quốc gia và quốc tế trong và ngoài nước đã khẳng định: CĐDC tác động tới hệ thống di truyền, gây nên những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây ra rất nhiều dạng rối loạn của hệ thống di truyền tế bào (chuyển đổi các đoạn, gẫy/mất đoạn nhiễm sắc thể; đa nhiễu loạn nhiễm sắc thể, nhiễm sắc tử... ) và ảnh hưởng di truyền tới nhiều thế hệ sau phơi nhiễm, gây ra tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật bẩm sinh, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư ở con và cháu những người trực tiếp bị phơi nhiễm.
Mặc dù còn những “điểm mù” mà khoa học cần tiếp tục làm rõ, đó là nhiệm vụ không bao giờ ngừng của khoa học, nhưng không ai bác bỏ được quy luật sinh học cơ bản - di truyền, biến dị. Các di chứng do CĐHH gây ra, trong trường hợp cụ thể, có thể xuất hiện hoặc không xuất hiện, có thể xuất hiện cách nhau giữa các thế hệ, xuất hiện ở mức độ nặng hoặc nhẹ với từng cá thể, từng thế hệ.
2. Cháu là huyết thống rất gần. Trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ ở Việt Nam và cả nhiều nước trên thế giới, thế hệ cha mẹ - con - cháu thường gắn bó chặt chẽ với nhau trong 1 nhà, 1 gia đình. Cha mẹ - con - cháu chịu trách nhiệm, chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và cùng gánh chịu khổ đau. Ông bà nào cũng dành tình thương yêu cháu như với con đẻ của mình - nhịn cho cháu, dành dụm để lại cho cháu. Ở nước ta và nhiều nước, khi xem xét chính sách, vẫn dành một sự ưu đãi, không chỉ đối với con, mà còn đối với cháu những người đã có công với đất nước, với dân tộc. Thật ra, về huyết thống, giữa con và cháu không có vách ngăn.
Mặc dù là cháu ruột, là huyết thống của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC; mặc dù đang phải gánh chịu những đau đớn, mất mát, thiệt thòi ghê gớm do di chứng CĐDC truyền lại từ ông bà của mình bị nhiễm trong thời gian hoạt động kháng chiến, nhưng không được đưa vào khung chính sách ưu đãi NCC (ở mục thân nhân NCC) là hoàn toàn bất hợp lý.
3. Thực tế là các cháu bị thiệt thòi rất lớn, do ông hoặc bà, hoặc cả ông và bà, bố hoặc mẹ là NNCĐDC, luôn ốm đau, bệnh tật, không có điều kiện chăm sóc các cháu.
Ở nhiều gia đình nạn nhân, chính ông hoặc bà, hoặc cả ông bà vừa là nạn nhân, vừa là người trực tiếp nuôi dưỡng các cháu, do bố mẹ các cháu không còn, hoặc ly dị, hoặc phát bệnh nặng dần đến mức không tự chủ được (có trường hợp nhầm lẫn con mình với những thứ khác) … Tất cả khổ nhọc đổ lên đầu ông bà, nay đã trên 75 tuổi.
Gia đình có cháu NNCĐDC, nghĩa là gia đình đó có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ là nạn nhân, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn; rất ít người còn khả năng lao động, trong khi các cháu đang độ tuổi cần rất nhiều nhu cầu…
Vì vậy, tuổi thọ của các cháu thường ngắn. Ở tỉnh Hà Tĩnh, cuối 2016 có 384 cháu, đến cuối năm 2017 chỉ còn 264, chết 120 cháu.
4. Hiện nay cháu ruột của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC được hưởng chế độ Bảo trợ xã hội theo Luật Người khuyết tật (NKT) số 51/2010/QH12 và Nghị định 28/2012/NĐ - CP. Theo đó, trong số khoảng 7,2 triệu NKT thì chỉ một bộ phận NKT nặng và đặc biệt nặng mới có thể được hưởng. Trong số NKT được hưởng, chỉ có một phần nhỏ các cháu là NNCĐDC. Mức hưởng rất thấp (trước đây chỉ được khoảng 100 nghìn đồng/tháng); từ Nghị định 136/NĐ-CP (21/10/2013) nâng mức chuẩn lên 270.000đ (mức hưởng loại nặng = 1 lần mức chuẩn =270.000đ, loại đặc biệt nặng = 2 lần mức chuẩn = gần 600.000 đ). Ngoài ra, theo quy định các cháu được hưởng một số hỗ trợ khác (hỗ trợ việc làm, vay vốn, dịch vụ y tế, miễn giảm học phí, tham gia giao thông, sử dụng các công trình văn hóa…), nhưng do chưa có chế tài cụ thể, nên rất khó để tiếp cận các hỗ trợ này.
Xin nêu một hoàn cảnh cụ thể:
Chị Nguyễn Thị Là, sinh năm 1959 (ở xóm 21, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) có chồng là ông Hoàng Giáp Khương, nhập ngũ 1972, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế; ông Khương là NNCĐDC. Ông bà sinh được 4 người con: 2 con gái đầu bị di chứng da cam rất nặng, không tự chủ được trong sinh hoạt; con gái thứ 3 sinh năm 1983 và con trai thứ 4 sinh năm 1988 bị thiểu năng, không được khôn ngoan, chỉ học đến lớp 3- 4 rồi bỏ, cũng xây dựng gia đình, nhưng con gái bị chồng bỏ, con trai bị vợ bỏ, để lại cho ông bà 4 đứa cháu. Như vậy, gia đình bà Là có tới 7 NNCĐDC, gồm chồng, hai con, 4 cháu nội ngoại, tất cả đều chất gánh nặng lên đôi vai của bà Là.
Dòng tâm sự: “Hai cháu Hường - Hoa, là nạn nhân không tự chủ được trong sinh hoạt, quậy phá manh động cả ngày, cả đêm. Nhiều đêm các cháu quậy phá không sao ngủ được, vợ chồng tôi phải ngăn tạm gian bếp dột nát làm hai để giam giữ riêng hai cháu. Ngoài ra còn phải nuôi dạy 4 cháu nội ngoại ăn học, thật là vất vả, cơ cực vô cùng. Vợ chồng tôi thổn thức, lo âu rằng một ngày không xa nữa, chúng tôi không còn trên đời này, thì những đứa con và những đứa cháu chúng tôi sẽ sống ra sao?”.
5. Đảng, Nhà nước đã thấy rõ, chủ trương, chương trình hành động đã có.
- Ngày 01/6/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 651/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, xác định các mục tiêu, trong đó có “100% người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị nhiễm CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi NCC”;
- Chỉ thị số 43- CT/TW ngày 15/4/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, yêu cầu “Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị ảnh hưởng CĐHH”;
- Chỉ thị 14 - CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, khẳng định “…thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi CĐHH thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi CĐHH”…
6. Khảo sát sơ bộ:
Theo thống kê sơ bộ của hệ thống Hội NNCĐDC/dioxin kết hợp khảo sát do Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện, năm 2015 - 2017 cả nước có khoảng 59.000 cháu bị di chứng CĐDC, trong đó có khoảng 26.000 cháu ruột của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC (cần có khảo sát lại để có con số chính xác). Đối tượng này có ở tất cả các tỉnh, thành; tỉnh ít có khoảng 100-200 (Bình Phước 131 cháu, Đắk Lắk 110, Hà Giang 203); phổ biến là 400-500 (Quảng Ninh 400, Hải Phòng 373, Nam Định 473, Gia Lai 420); tỉnh có từ 750 đến dưới 1.000 (Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…); tỉnh nhiều nhất trên 1.200 cháu (Quảng Nam, Quảng Ngãi…). Phần lớn các cháu được sinh khoảng từ năm 1990 đến năm 2.002, ở độ tuổi từ 16 đến 28. Như vậy, số lượng các cháu thế hệ thứ 3 thuộc nhóm đối tượng này chiếm rất đông.
7. Một số đề nghị:
1. Đưa đối tượng cháu ruột người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH bị di chứng - bệnh tật, dị dạng, dị tật vào khung chính sách ưu đãi NCC, như Thông báo số 69 - TB/TW ngày 05/7/2002 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 14-CT/TW ngày 19/7/2017 và Chỉ thị số 43- CT/TW ngày 15/4/2015 của Ban Bí thư, Quyết định 651/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không đưa vào khung chính sách ưu đãi NCC là có phần chưa thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
2. Sớm tổ chức khảo sát, điều tra đối tượng các cháu ruột của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH, số cháu bị di chứng - bệnh tật, dị dạng, dị tật.
a) Tổ chức khảo sát: nên thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ; nên giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì. Ở các tỉnh, thành, nên giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành chủ trì, trực tiếp và đủ thẩm quyền giải quyết các vấn đề nảy sinh.
b) Cách xác nhận các đối tượng trên, căn cứ vào:
- Có ông hoặc bà, hoặc cả ông bà nội - ngoại tham gia kháng chiến, hoạt động ở khu vực bị phun rải;
- Bản thân các cháu bị bệnh tật, dị dạng, dị tật (theo quy định như với con đẻ);
3. Chế độ, chính sách: như con đẻ, gồm phụ cấp thường xuyên và các chế độ ưu đãi khác.
4. Đến thế hệ thứ 4 (chắt), mặc dù cũng là huyết thống, nhưng có nhiều điểm khác với thế hệ thứ 3 (cháu). Thế hệ thứ 4 (chắt), có sự can dự của nhiều mối quan hệ, nên không nhất thiết thực hiện chính sách ưu đãi như đối với cháu thế hệ thứ 3.
Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Thế Lực (Theo Tạp chí da cam Việt Nam)