Kết quả các công trình khoa học trong và ngoài nước đã khẳng định

    Chất độc da cam tác dụng độc hại hệ thống di truyền, gây nên những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây ra rất nhiều dạng rối loạn của hệ thống di truyền tế bào (chuyển đổi các đoạn, gẫy/mất đoạn nhiễm sắc thể; đa nhiễu loạn nhiễm sắc thể, nhiễm sắc tử... ) và ảnh hưởng di truyền tới nhiều thế hệ sau phơi nhiễm, gây ra tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật bẩm sinh ở con và cháu những người trực tiếp bị phơi nhiễm.

Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

     Bộ Y tế đã tập hợp các nhà khoa học nổi tiếng, huy động các trung tâm nghiên cứu của cả nước và tham khảo kết quả nghiên cứu trên thế giới để xác định Danh mục bệnh tật, dị dạng dị tật bẩm sinh. Tháng 5 năm 2016, Bộ Y tế đã đưa ra bản dự thảo Danh mục với gần 200 bệnh tật, dị dạng dị tật bẩm sinh (áp dụng đối với con cháu người trực tiếp bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin), như: Liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, thoát vị não, tật không có tủy sống, teo vận động mạch phổi, thoát vị não, tật đầu nhỏ, não úng thủy bẩm sinh, thiếu/không phát triển một phần não, nứt đốt sống thắt lưng,….

Chủ trương, Chương trình hành động quốc gia đã có

- Ngày 01/6/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 651/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, xác định các mục tiêu, trong đó có “100% số người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công”;

- Chỉ thị số 43- CT/TW ngày 15/4/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, yêu cầu “Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị ảnh hưởng chất độc hóa học”;

- Chỉ thị 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, khẳng định “…thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học”;…

Khảo sát sơ bộ

a) Theo thống kê sơ bộ của hệ thống Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, năm 2011 cả nước có khoảng 71.000 các cháu thế hệ thứ 3 bị di chứng chất độc da cam, trong đó có khoảng 39.000 cháu ruột nội ngoại của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, chết gần 3.000, hiện còn 36.000 cháu (cần có khảo sát lại để có con số chính xác). Đối tượng này có ở tất cả các tỉnh, thành: tỉnh, thành ít thì có khoảng 150-210 cháu (Hà Giang 203 cháu...), phổ biến là 300-400 (Quảng Ninh 400, Hải Phòng 373, Quảng Nam 365, Hà Tĩnh 264, …), tỉnh khá nhiều có 800 đến trên 1.000 cháu (Thanh Hóa 1.491…). Các cháu được sinh khoảng từ sau năm 2.000, nhưng phổ biến khoảng 2008, do đó phần lớn các cháu ở độ tuổi khoảng từ 9- 18, một số khoảng 20 tuổi.

b) Thực tế là các cháu chịu mất mát và bị thiệt thòi rất lớn, do ông hoặc bà, hoặc cả ông và bà, bố hoặc mẹ là các nạn nhân chất độc hóa học, luôn ốm đau, bệnh tật, không có điều kiện chăm sóc các cháu;

Ở nhiều gia đình có nạn nhân thế hệ thứ 3, chính ông bà vừa là nạn nhân vừa là người trực tiếp nuôi dưỡng các cháu, do bố mẹ các cháu không còn, hoặc phát bệnh nặng, hoặc ly dị…Tất cả khổ nhọc đổ lên đầu ông bà, nay đã trên 75 tuổi.

c) Gia đình có nạn nhân chất độc hóa học thế hệ thứ 3 có nghĩa đó là các gia đình đông nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn; rất ít người còn khả năng lao động, trong khi các cháu đang độ tuổi rất cần nhiều nhu cầu.

    Vì vậy, tuổi thọ của các cháu thường ngắn, ví dụ: Tỉnh Hà Tĩnh, cuối 2016 có 384 cháu, đến nay chỉ còn 264, chết 120 cháu trong chưa đầy 1 năm.

d) Mặc dù là cháu ruột, là huyết thống của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng hiện nay chưa được đưa vào khung chính sách ưu đãi người có công theo Pháp lệnh số 04/2012/ UBTVQH 13, mà được hưởng chính sách Trợ giúp xã hội, Bảo trợ xã hội theo Luật Người khuyết tật (NKT) số 51/2010/QH12 và Nghị định 28/2012/NĐ-CP. Theo đó, trong số gần 7 triệu NKT thì chỉ một bộ phận NKT nặng và đặc biệt nặng mới có thể được hưởng. Trong số NKT được hưởng, chỉ có phần rất nhỏ các cháu là nạn nhân chất độc da cam. Mức hưởng rất thấp 180.000đ/mức chuẩn; Nghị định 136/NĐ-CP 21/10/2013 nâng mức chuẩn lên 270.000đ (mức hưởng loại nặng =1 lần mức chuẩn, loại đặc biệt nặng = 2 lần mức chuẩn hoặc hơn).

    Ngoài ra, được hưởng một số hỗ trợ khác (hỗ trợ việc làm, vay vốn, dịch vụ y tế, miễn giảm học phí, tham gia giao thông, sử dụng các công trình văn hóa…

Tại tỉnh Quảng Ninh (do tỉnh Hội Quảng Ninh cung cấp)

   Qua số liệu khảo sát năm 2013 ở 30 xã, phường có nhiều nạn nhân chất độc da cam và báo cáo của các cấp Hội, tỉnh Quảng Ninh có trên 400 cháu thế hệ thứ 3 bị di chứng bởi chất độc hóa học. Trong đó, số các cháu bị khuyết tật, dị dạng, dị tật nặng chiếm 40%, gần 35% số gia đình có thế hệ thứ 3 thuộc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Ông Đào Khắc Triều, sinh năm 1947, trú tại tổ 23, khu 7, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí. Ông tham gia chiến đấu ở khu vực Đà Nẵng từ năm 1968-1977, có 2 con bị di chứng bởi chất độc hóa học (1 bị nặng), có 2 cháu nội bị ảnh hưởng chất độc da cam (1 bị nặng);

- Ông Đoàn Văn Đương, sinh năm 1957, trú tại xã Quảng An, huyện Đầm Hà (từ năm 1974 – 1975 tham gia chiến đấu ở khu vực Tây Ninh) có 1 con bị dị dạng, dị tật nặng và có 2 cháu nội đều bị ảnh hưởng chất độc da cam (1 bị nặng);

- Ông Nguyễn Hồng Thiệu, sinh năm 1942, trú tại khu Hương Hòa, phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên (tham gia chiến đấu ở khu vực Quảng Trị từ năm 1967 – 1969) có 4/5 con bị dị tật do di chứng chất độc hóa học, có 5/6 cháu nội, ngoại bị dị tật do ảnh hưởng từ chất độc da cam;

- Ông Ngô Xuân Hẹn, sinh năm 1954, trú tại thôn Nhuệ, xã Kim Sơn, thị xã Đông Triều (tham gia chiến đấu ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ từ năm 1972 – 1975) có 3 con bị dị dạng, dị tật nặng do di chứng chất độc hóa học, có 1 cháu nội bị dị tật nặng do ảnh hưởng chất độc da cam.

Dư luận xã hội

    Chúng tôi đã trực tiếp xin ý kiến của các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của nhiều xã, huyện và tỉnh, thành về việc “có nên đưa các cháu ruột nội ngoại của người hoạt động kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc hóa học vào chính sách ưu đãi người có công không?”, 100% các đồng chí trả lời là “cần đưa vào sớm”. Đặc biệt, nhân dân sống cùng các gia đình có đông nạn nhân, nhiều thế hệ đều tha thiết mong có chế độ, chính sách thỏa đáng với các đối tượng nói trên.

    Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể nhân dân và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện.

Cần quan tâm nhiều hơn nữa

     Chúng ta cần tiếp tục quan tâm đến mọi đối tượng chính sách, đặc biệt với người có công với cách mạng, trong đó có người hoạt động kháng chiến và con cháu họ bị ảnh hưởng chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

a) Sớm đưa đối tượng cháu ruột người hoạt động kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc hóa học vào khung chính sách ưu đãi người có công, như Chỉ thị 43-CT/TW, Chỉ thị 14- CT/TW của Ban Bí thư, Quyết định 651/QĐ-TTg của Thủ tướng đã xác định.

b) Sớm tổ chức khảo sát, điều tra đối tượng các cháu. Để xác định đúng đối tượng, cần dựa vào các quy định như quy định với con đẻ, đó là:

- Có ông hoặc bà hoặc cả ông bà nội hoặc ngoại tham gia kháng chiến, hoạt động ở khu vực bị phun rải chất độc hóa học;

- Các cháu bị bệnh tật, dị dạng dị tật (như với con đẻ);

c) Chế độ, chính sách: Trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi khác: như đối với con đẻ.

- Theo Điều 27, Pháp lệnh 04: “Được hưởng trợ cấp hàng tháng, được Nhà nước mua bảo hiểm y tế, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cần thiết;

- Theo Điều 45 của Nghị định số 31/2013/ NĐ-CP về mức trợ cấp hàng tháng; phương tiện trợ giúp; trợ cấp mai táng phí…

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Thế Lực (Tạp chí da cam Việt Nam)