Bộ LĐ – TB&XH đang tiến hành tổng kết đánh giá toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành để nghiên cứu, xây dựng Pháp lệnh thay thế. Trong đó, xem xét việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học.

     Đây là nội dung Bộ LĐ-TB&XH trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) về chế độ cho người trong vùng bị ảnh hưởng chất độc da cam trong chiến tranh chống Mỹ.

    Đối với những người không thuộc đối tượng áp dụng của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng bởi chất độc hóa học như bị dị dạng, dị tật... nếu thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thì được hưởng các chế độ, chính sách về trợ giúp xã hội.Theo văn bản trả lời của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, người trong vùng bị ảnh hưởng chất độc hóa học da cam trong chiến tranh chống Mỹ nếu thuộc đối tượng áp dụng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì được xem xét, giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ.

     Việc giải quyết chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được thực hiện từ năm 2000, đến nay, sau gần 20 năm triển khai đã thu được kết quả nhất định. Tổng số người được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi là 312.000 người, trong đó có 232.000 người trực tiếp tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 80.000 người là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

    Ngoài chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được ưu đãi về giáo dục đào tạo, hỗ trợ nhà ở, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình...

     Hiện việc xem xét xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học vẫn đang được triển khai. Đáng chú ý, thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học.

     Quy định pháp luật hiện hành, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi mới chỉ dừng lại ở thế hệ thứ 2 của nạn nhân nhiễm chất độc hóa học.

     Theo đó, Điều 27 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định: “Các chế độ ưu đãi đối với thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bao gồm: Con đẻ bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt được hưởng trợ cấp hàng tháng…; cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được Nhà nước mua bảo hiểm y tế”.

     Cụ thể hơn, Thông tư số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH của liên Bộ Y tế - LĐ-TB&XH cũng mới chỉ hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học thì người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ. Các thế hệ kế tiếp (cháu của người hoạt động kháng chiến) chưa thuộc đối tượng trong danh sách được hưởng chế độ trợ cấp cho nạn nhân chất độc hóa học.

(Theo báo Pháp luật 24/6)