LTS - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn ảnh hưởng hết sức nặng nề đến môi trường và con người Việt Nam; hàng triệu nạn nhân chất độc da cam đã tử vong, hoặc đang phải sống trong đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới đã tích cực đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, song còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Vì thế, kiên trì và tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam không chỉ là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà là trách nhiệm và lương tâm của cả nhân loại. Hành trình này còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng chúng ta có niềm tin chiến thắng.

Tạp chí Điện tử Da cam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết “Đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam - Hành trình gian khổ và niềm tin chiến thắng” , gồm 4 kỳ của tác giả: Trần Đình – Mạnh Dũng.

Kỳ I - Bằng chứng không thể chối bỏ

Năm 1959, tận dụng thành tựu của các nghiên cứu về chất diệt cỏ (tỷ lệ tương đương 2,4-D và 2,4,5-T, trong đó dioxin là chất sinh ra trong quá trình nhiệt hóa các hỗn hợp trên), Bộ Quốc phòng Mỹ đã chủ trương phát triển chất diệt cỏ này thành một loại vũ khí quân sự và quyết định sử dụng tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Mục đích sử dụng hóa chất diệt cỏ được xác định là: 1, làm trụi lá cây để phát hiện đường giao thông, các căn cứ của quân Giải phóng. 2, phá hoại mùa màng, cắt nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ của du kích và quân Giải phóng, ngăn cản việc thành lập các căn cứ quân sự của đối phương. 3, làm trụi lá cây, tạo vành đai trắng bảo vệ các căn cứ quân sự, các đường vận chuyển và kho dự trữ của Quân đội Mỹ và đồng minh, nhằm phát hiện, ngăn chặn sự xâm nhập, tấn công của lực lượng cách mạng. Đến cuối năm 1960, Tổng thống John F. Kennedy đã chấp thuận việc sử dụng chất diệt cỏ trong “Chương trình sử dụng chất diệt cỏ ở Đông Nam Á” và nhất trí triển khai “Chiến dịch Khai quang” (Operation Ranch Hand) tại Việt Nam.

Ngày 10/8/1961, phi vụ phun rải chất độc da cam/dioxin đầu tiên chính thức được máy bay của Quân đội Mỹ tiến hành dọc theo quốc lộ 14, từ thị xã Kon Tum lên Đắk Tô. Từ đó, hằng năm mật độ các cuộc phun rải không ngừng tăng lên. Nếu như năm 1966, Quân đội Mỹ sử dụng 5 triệu lít chất độc hóa học, thì đến năm 1969 (đỉnh điểm của chiến dịch Khai quang) số lượng sử dụng đã lên đến 12,5 triệu lít, phun rải xuống khoảng 500.000 ha hoa màu và thảm thực vật ở miền Nam Việt Nam. Quy mô phun rải cũng ngày càng được mở rộng, gồm: cả rừng núi và đồng bằng; vùng biên giới Việt Nam - Lào và Campuchia; vùng Tây Nguyên; Chiến khu D; các khu rừng ngập mặn, bất kể nơi nào nghi ngờ có quân Giải phóng trú ẩn. Các loại phương tiện được sử dụng để phun rải cũng đa dạng hơn, không chỉ là các loại máy bay, như: C123, phản lực F4E, trực thăng, mà họ còn đặt máy phun rải trên ô tô, tàu hỏa...

Điều đáng lên án là, họ biết rất rõ sự nguy hiểm của các loại hóa chất này đối với cơ thể con người và môi trường, nhưng vì mục tiêu “chống cộng”, nên các quan chức Mỹ đã bất chấp và cố tình sử dụng. Nguy hiểm hơn, không chỉ dùng chất độc hóa học này để làm trụi lá cây, tàn phá các khu rừng, hủy hoại môi trường sống, mà họ còn sử dụng để giải tán các đoàn biểu tình. Nhằm che giấu hành động nguy hiểm của mình, giới cầm quyền Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã ra sức tuyên truyền lừa bịp, rằng: "Thuốc khai quang không độc hại đối với con người và môi trường, chỉ làm rụng lá cây"!.

Trước thảm họa chất độc hóa học ở Việt Nam, nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ đã biểu tình, lên án ngày càng mạnh mẽ. Hội nghị Các nhà khoa học quốc tế về chiến tranh hóa học ở Việt Nam do Liên đoàn Các nhà khoa học thế giới tổ chức ở Orsay (Pháp) năm 1970 đã ra nghị quyết yêu cầu Mỹ phải dừng ngay việc sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam, đồng thời kêu gọi dư luận quốc tế phản đối. Trước tình hình đó, Quân đội Hoa Kỳ đã phải giảm dần các cuộc phun rải. Chiếc trực thăng cuối cùng của Quân đội chính quyền Việt Nam cộng hòa phun rải được xác định là ngày 31/10/1971.

Theo thống kê, trong thời gian, từ năm 1961 đến 1971, Quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học; trong đó, 61% là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin, phun rải trên 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam. Khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm; trong đó, có trên 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam, loại chất độc này có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Hiện nay, cả nước còn hàng trăm nghìn nạn nhân chất độc da cam; ngoài số nạn nhân là người tham gia kháng chiến, trực tiếp bị phơi nhiễm chất độc hóa học, còn khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và gần 2.000 nạn nhân thế hệ thứ 4. Nhiều gia đình có từ 1- 5 người ở nhiều thế hệ khác nhau là nạn nhân chất độc da cam. Có 28 địa điểm vẫn ô nhiễm chất độc da cam/dioxin, ảnh hưởng đến nguồn nước, cung cấp thực phẩm và sức khỏe con người. Nhiều gia đình nạn nhân không còn duy trì được nòi giống; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, không được tận hưởng một giây phút hạnh phúc như người bình thường, cho dù đó chỉ là ước mơ giản dị nhất. Đã có hàng trăm nghìn nạn nhân chất độc da cam phải rời xa cõi đời ở độ tuổi còn rất trẻ, hoặc đang phải sống vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã. Cảnh ngộ chung của họ là đau khổ, bất hạnh và nghèo khó; điển hình, như: gia đình Cựu chiến binh Đỗ Đức Địu và chị Nguyễn Thị Nức (thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Vợ ông, qua 15 lần sinh đẻ thì 12 người con đã mất đi ngay sau khi mới lọt lòng hoặc tử vong sau vài tháng tuổi. Hiện nay, ông còn 3 người con thì 2 con có hình hài bị biến dạng, ngơ ngác, hằng ngày phải vật lộn với những cơn co giật. Tình cảnh đó, đã làm cho chị Nức sống lặng lẽ như một chiếc bóng vô hình, âm thầm trong đau khổ cùng cực, tuyệt vọng. Ông Phạm Văn Phúc (tổ dân phố Đọ Xá, phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), cả 4 người con sinh ra đều bị di chứng của chất độc da cam; gia đình bà Nguyễn Thị Thân, vợ của nạn nhân chất độc da cam Đặng Văn Hiền (ở xóm Vao, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội), chồng chết sớm, bà bị tai biến liệt cả hai tay nhưng vẫn phải chăm sóc 4 người con đều là nạn nhân chất độc da cam, bị dị tật, thiểu năng trí tuệ nặng, lại mang trong mình căn bệnh tâm thần, họ chỉ cao từ 1,2 đến 1,4 m, nặng chưa đến 30 kg. Bà Đào Thị Kiều, sinh năm 1952, nông dân ở Biên Hòa, khu ruộng nhà bà ngay gần sân bay Biên Hòa nên bị Quân đội Mỹ rải thuốc diệt cỏ nhiều lần, để lại hậu quả cho gia đình bà với 8 người con thì 7 người bị dị tật bẩm sinh và 5 người trong số đó đã bị chết yểu; chồng bà, năm 2004 cũng bị chết vì căn bệnh hiểm nghèo. Ông Trần Văn Trâm (ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), có 5 người con thì 4 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Gia đình ông Nguyễn Văn Cương (ở xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) có đến 3 người mắc bệnh hiểm nghèo, cuộc sống vô cùng túng quẫn, v.v.

“Em bé trong rừng đước Cà Mau”; Ảnh: GS Goro Nakamusa (Nhật Bản)

Đặc biệt, câu chuyện về hình ảnh Nguyễn Văn Hùng - “Em bé trong rừng đước Cà Mau”, được Giáo sư Goro Nakamusa (Nhật Bản) chụp năm 1976. Đó là chuyện gia đình người cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Văn Lữ (ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Hoàn cảnh của gia đình ông hết sức khó khăn, vợ chồng ông và người con trai lớn (Hùng) bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, đau yếu, bệnh tật liên miên; Nguyễn Văn Hùng đã mất năm 2008.

Chất độc da cam/dioxin không chỉ gây ra thảm họa đối với môi trường và con người Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của binh lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia đã tham chiến tại Việt Nam. Có hàng trăm nghìn lính Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hàn Quốc có 100.000 trong tổng số 300.000 người lính từng tham chiến ở Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó 20.000 người đã chết, v.v. Gần đây, trong các vụ kiện liên quan đến thuốc diệt cỏ (tương tự như hóa chất đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam), Bồi thẩm đoàn trong các phiên tòa ở California (Mỹ) đã yêu cầu Công ty hóa chất Monsanto phải đền bù cho nạn nhân ở 3 vụ kiện với hàng triệu USD.

Những bằng chứng về hậu quả nặng nề của chất độc hóa học do Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là không thể chối bỏ. Việc nhắc lại quá khứ không phải để kích động hận thù dân tộc, mà để chúng ta tiếp tục hành trình đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam và kịp thời ngăn chặn không để chiến tranh hóa học gây thảm họa cho nhân loại trong tương lai. Chúng ta có quyền đấu tranh đòi hỏi phía Mỹ, những người đã trực tiếp gây ra thảm họa da cam phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả.

(Kỳ II - Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đứng ra khởi kiện)

                                                                                                                                 Trần Đình –Mạnh Dũng