Ngày 28/12, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021), đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng thưởng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và cá nhân Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân biểu dương cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; ghi nhận, đánh giá cao Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã nỗ lực, đoàn kết vượt qua khó khăn, làm tròn nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao; biểu dương những tấm gương cán bộ hội, người chăm sóc nạn nhân và các nạn nhân vượt khó vươn lên, hòa nhập cộng đồng.
Phó Chủ tịch nước đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động; quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình có nhiều nạn nhân chất độc da cam, người dân vùng bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với tinh thần “không để ai bị bỏ lại ở phía sau”; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam, để kịp thời đề xuất, bổ sung, sửa đổi, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam với những hình thức, bước đi phù hợp. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, nâng cao hiệu quả hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tham mưu đề xuất, huy động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam.
Nhấn mạnh thảm họa da cam nhân dân Việt Nam phải gánh chịu trong 60 năm qua không chỉ là nỗi đau của nhân dân Việt Nam, còn là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân kêu gọi các cá nhân, tổ chức quốc tế, nhân dân các nước trên thế giới tiếp tục cuộc đồng hành nhân ái, vì hòa bình, công lý, chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam và bằng mọi cách để ngăn chặn chiến tranh hóa học ở bất cứ nơi nào trên thế giới trong tương lai.
Trong diễn văn tại lễ mít tinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh chia sẻ: Từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, gây hậu quả nặng nề, lâu dài đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả chất độc da cam/dioxin, nỗi đau da cam vẫn hiện hữu và còn kéo dài. Di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4... Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới.
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập. Trải qua gần 18 năm xây dựng, hoạt động, với tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam”, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Đặc biệt, hội đã vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Đến nay, Hội đã vận động Quỹ nạn nhân chất độc da cam được hơn 3.040 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật), để chi làm nhà, hỗ trợ vốn, sinh kế; trao học bổng, xây dựng các trung tâm xông hơi giải độc, phục hồi chức năng; thăm, tặng quà cho nạn nhân, gia đình nạn nhân.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin; mong muốn các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế tiếp tục “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, ủng hộ, đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong cuộc đấu tranh đòi công lý.
Minh Huệ (TTXVN)