6. Sự phối hợp, tham gia của Chính phủ Mỹ khắc phục hậu quả CĐHH ở Việt Nam
Cùng với quan hệ song phương, sự phối hợp, hợp tác của Chính phủ Mỹ với Việt Nam khắc phục hậu quả CĐDC đã có những bước tiến đáng kể.
-Tháng 3/2000, trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen tuyên bố Mỹ sẽ hợp tác với Việt Nam nhiều hơn trong việc nghiên cứu về ảnh hưởng của chất da cam.
-Tháng 11/2000, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton, hai bên đã thỏa thuận phối hợp với nhau nghiên cứu về ảnh hưởng của CĐDC ở Việt Nam.
Sau chuyến thăm này, các nhà khoa học Mỹ chính thức được phép phối hợp với các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu về tác động của CĐHH đối với con người và môi trường của Việt Nam. Từ 2001, Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ bắt đầu tiếp nhận các nhà khoa học Việt Nam sang Hawaii đào tạo về làm sạch môi trường.
Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ B. Clinton vào tháng 11/ 2000 đã dẫn đến việc thiết lập Ủy ban Tư vấn hỗn hợp (JAC) để giám sát việc phối hợp thực hiện các chương trình nghiên cứu về CĐDC ở Việt Nam. JAC có nhiệm vụ tư vấn cho chính phủ hai nước triển khai phối hợp khắc phục hậu quả CĐDC ở Việt Nam.
Các cuộc gặp cấp cao hai nước tiếp theo đó là những mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của quan hệ phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam:
+Tháng 11/2006, Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ G.Bush, khẳng định: “Hai bên nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề nhiễm độc môi trường gần các kho chất độc chứa dioxin trước đây sẽ góp phần đáng kể vào việc tiếp tục phát triển quan hệ hai nước”.
Sau chuyến thăm của Tổng thống G. Bush, từ năm 2007 Quốc hội Mỹ bắt đầu phê duyệt ngân sách hằng năm cho Chính phủ Mỹ tham gia khắc phục hậu qủa CĐHH ở Việt Nam, trước hết là nghiên cứu tẩy độc dioxin ở 3 “điểm nóng” là các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát.
Ngày 9/8/2012, chính thức khởi công thực hiện Dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng".
+ Tuyên bố chung Việt Nam-Mỹ ngày 25/7/2013 sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã nêu: “Tổng thống Obama tái khẳng định Hoa Kỳ cam kết tăng hỗ trợ về chăm sóc y tế và các hình thức chăm sóc, trợ giúp khác cho người khuyết tật vì bất cứ nguyên nhân nào ở Việt Nam”.
+Tháng 7/2015, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có “chuyến thăm lịch sử” tới Hoa Kỳ. Hai bên đã ra Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm, nhấn mạnh: “Hợp tác nhân đạo giữa hai nước, trong đó có việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đã và đang được triển khai ngày càng tích cực. Hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo cần tiếp tục được đẩy mạnh để góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lòng tin, tăng cường hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hậu quả của cuộc chiến tranh ở Việt Nam còn hết sức nặng nề. Nhiều thế hệ người dân Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục vật lộn với những hậu quả chiến tranh khắc nghiệt”.
+ Cuộc gặp cấp cao ngày 23/5/2016 giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, sau tẩy độc ở Đà Nẵng, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tẩy độc ở Biên Hòa (Đồng Nai). Sau cuộc gặp cấp cao ngày 23/11/2017 giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump, phía Mỹ tuyên bố sẽ chi 390 triệu USD cho việc tẩy độc ở sân bay Biên Hòa.
- Về kết quả thực hiện phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam khắc phục hậu quả CĐHH: Tính đến tháng 5/2020, tổng kinh phí đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt để Chính phủ Mỹ (cụ thể là Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID) phối hợp với phía Việt Nam khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là 328 triệu USD.
+Đã hoàn thành chương trình tẩy độc ở Sân bay Đà Nẵng ( xử lý 90.000 m³ đất nhiễm độc, chi phí 104 triệu USD); bắt đầu triển khai tẩy độc ở sân bay Biên Hòa (dự kiến xử lý 500.000 m³ đất nhiễm độc, chi phí 390 triệu USD, trong 10 năm).
+Về hỗ trợ dịch vụ y tế cho người bị nhiễm CĐHH: Tính đến tháng 4/2020, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 80 triệu USD để Chính phủ Mỹ thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có NNCĐDC. Chính phủ Mỹ đang thực hiện chương trình 2016-2020 với kinh phí 21 triệu USD và đã thỏa thuận thực hiện Chương trình 2021-2025 với kinh phí 65 triệu USD cho các hoạt động trên ở 8 tỉnh bị phun rải nặng CĐHH (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Kon Tum).
Phía Hoa Kỳ cũng đã chấp nhận phối hợp với Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam để thực hiện các chương trình hỗ trợ người khuyết tật.
III. HỘI NNCĐDC/DIOXIN VIỆT NAM (VAVA) - TỔ CHỨC DUY NHẤT ĐẠI DIỆN CHO NNCĐDC VIỆT NAM
1. Hoàn cảnh ra đời
Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra những tác hại rất to lớn và lâu dài đối với đất nước ta. Đặc biệt, tác hại của CĐDC đối với sức khỏe con người có thể còn kéo dài qua nhiều thế hệ.
Giải quyết hậu quả CĐDC, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vừa là vấn đề xã hội nhân đạo đối với đồng bào ở những vùng bị ảnh hưởng CĐDC, vừa là vấn đề chính trị và ngoại giao tế nhị.
Đáp ứng yêu cầu đó, năm 1980, Ủy ban 10-80 ra đời và hoạt động đến năm 2000. Năm 1999, Ban Chỉ đạo 33 được thành lập. Trước đó, năm 1998, Quỹ Bảo trợ NNCĐDC thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đi vào hoạt động. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi phải có một tổ chức đủ sức đảm đương những nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới.
Trong bối cảnh đó, ngày 10/01/2004, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam([5])chính thức ra mắt hoạt động (Hội được thành lập theo Quyết định số 84/2003/QĐ-BNV ngày 17/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước được suy tôn làm Chủ tịch danh dự; Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Hội.
2. Những vấn đề cơ bản về Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam
Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam là tổ chức xã hội có tính chất đặc thù (Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ), là Hội của những NNCĐDC và các cá nhân tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ, tiền, vật chất để giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam, khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Hội được thành lập nhằm vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài giúp đỡ NNCĐDC hòa nhập cộng đồng xã hội; tập hợp đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; giáo dục, động viên nạn nhân vượt khó vươn lên, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống và thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của người công dân.
Hội đại diện cho các NNCĐDC trong các mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đấu tranh đòi Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả CĐHH do họ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Hội được tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách; tư vấn, phản biện và giám định xã hội các cơ chế, chính sách đối với NNCĐDC.
Hội hoạt động trong phạm vi cả nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Hội có mối quan hệ, hợp tác với hơn 60 tổ chức nhà nước, tổ chức phi chính phủ của các nước trên thế giới.
Đến nay, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã trải qua 4 kỳ Đại hội:
- Lễ ra mắt Ban Chấp hành Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam tại Lễ công bố Quyết định thành lập Hội, được tổ chức ngày 10/01/2004 tại Hà Nội. Ban Chấp hành Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam gồm 16 ủy viên. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được Ban Chấp hành Trung ương Hội bầu là Chủ tịch Hội. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được suy tôn làm Chủ tịch danh dự.
Các Phó Chủ tịch, gồm: Thiếu tướng, PGS, TS Trần Xuân Thu, nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng (Phó Chủ tịch- Tổng thư ký); Thiếu tướng Đỗ Xuân Diễn, Anh hùng Lao động, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng (Phó Chủ tịch thứ nhất); GS, TS, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại).
Từ tháng 4 đến đầu tháng 12/2008, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Đỗ Xuân Diễn làm Quyền Chủ tịch Hội.
-Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 2008 -2013) diễn ra trong hai ngày 3 và 4/12/2008 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 87 ủy viên và tiếp tục suy tôn bà Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch Danh dự của Hội. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 19 ủy viên. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được bầu làm Chủ tịch Hội. Các Phó Chủ tịch, gồm: Thiếu tướng Trần Xuân Thu (Phó Chủ tịch-Tổng thư ký); Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Đỗ Xuân Diễn; GS, BS, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; GS, TS, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Trọng Nhân. Tháng 12/2010, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ được bầu bổ sung Phó Chủ tịch Trung ương Hội. Tháng 12/2011, Trung tướng Nguyễn Thế Lực, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng được bầu bổ sung Phó Chủ tịch-Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
- Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2013-2018) diễn ra trong hai ngày 23 và 24/12/2013 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 101 ủy viên và tiếp tục suy tôn bà Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch Danh dự của Hội. Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 14 ủy viên. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh được Ban Chấp hành bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội. Các Phó Chủ tịch gồm: Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch- Tổng thư ký, Giám đốc Quỹ; GS, BS, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Phó Chủ tịch trực phía Nam); Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (kiêm Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP Hồ Chí Minh).
Trung tướng Hoàng Châu Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng tham mưu được bầu bổ sung Phó Chủ tịch (tháng 12/2014) và Phó Chủ tịch-Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ( 1/2015-12/2017). Từ tháng 12/2017, ông Nguyễn Văn Khanh được bầu bổ sung Phó Chủ tịch-Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
- Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2018-2023) diễn ra trong hai ngày 4 và 5/12/2018 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 96 ủy viên, đồng thời tiếp tục suy tôn bà Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch Danh dự của Hội. Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ Trung ương Hội gồm 17 ủy viên. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội. Các Phó chủ tịch gồm: Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Thế Lực (Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký); GS, BS, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Phó Chủ tịch trực phía Nam); Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền (từ tháng 8/2020, Trung tướng, PGS,TS Đặng Nam Điền đảm nhận Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký); Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (kiêm Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP Hồ Chí Minh); ông Nguyễn Văn Khanh (Phó Chủ tịch-Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam).
3. Một số kết quả nổi bật trong hoạt động của Hội
Trải qua 17 năm hoạt động và phát triển (10/1/2004-10/1/2021), được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội; sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân các địa phương; với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã triển khai toàn diện các mặt công tác và đạt nhiều kết quả quan trọng.
3.1. Công tác tuyên truyền
Công tác tuyên truyền luôn được các cấp Hội coi trọng và đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; động viên các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam; qua đó nâng cao vị thế, uy tín, ảnh hưởng của Hội, cả ở trong nước và quốc tế.
Tổ chức hội các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan tuyên giáo, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tiến hành công tác tuyên truyền trong nước và tuyên truyền đối ngoại bằng nhiều hình thức, giúp cho nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam, đã gây nên thảm họa da cam lớn nhất trong lịch sử nhân loại. “Nỗi đau của NNCĐDC là nỗi đau của dân tộc Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân dân tiến bộ trên thế giới”. “NNCĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ” và họ đang rất cần sự cảm thông, sẻ chia, động viên, chăm sóc, giúp đỡ của nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NNCĐDC; về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục thảm họa da cam ở Việt Nam; về cuộc đấu tranh đòi công lý của NNCĐDC; về hoạt động của các cấp hội, nhất là công tác huy động nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; những điển hình tiên tiến là cán bộ hội, nhà tài trợ, nhà hảo tâm, nạn nhân vượt khó vươn lên; về tình cảm của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đối với NNCĐDC.
Hình thức, biện pháp tuyên truyền ngày càng đa dạng, phong phú, phù hợp. Các hình thức tuyên truyền phổ biến, như: Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; họp báo, gặp mặt, trả lời phỏng vấn; tiếp khách trong nước và quốc tế; tuyên truyền qua bản tin da cam, trang web, thư ngỏ, lời kêu gọi, tuyên bố…; trang trí trụ sở hội, treo pano, khẩu hiệu nơi công cộng; chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, hoạt động thể thao; tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội thảo ở trong và ngoài nước, mít tinh, diễu hành, đồng hành, lấy chữ ký; trưng bày ảnh, hiện vật tại bảo tàng, triển lãm lưu động; xuất bản sách, văn hóa phẩm giới thiệu gương nạn nhân, hoàn cảnh nạn nhân với báo chí, nhà tài trợ; tổ chức sáng tác về chủ đề da cam; phát hành sách, phim, tập san, sách ảnh, tờ gấp…
Tạp chí Da cam Việt Nam, thuộc Trung ương Hội, gồm: Tạp chí in và Tạp chí Điện tử. Tạp chí in xuất bản định kỳ hằng tháng; từ tháng 1/2016 đến nay đã xuất bản hơn 40 vạn cuốn; phục vụ đối tượng là lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền, sở, ban ngành, địa phương, các cấp hội cơ sở, hội viên và bạn đọc trong cả nước. Tạp chí Điện tử xuất bản từ tháng 5/2019, hiện có phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh; thường xuyên có độc giả ở hơn 70 quốc gia truy cập. Việc khai thác, sử dụng tin, bài, ảnh từng bước đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc tìm hiểu về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH ở Việt Nam.
Tạp chí Da cam Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và là diễn đàn của NNCĐDC Việt Nam. Hướng tới kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Tạp chí tham mưu cho Trung ương Hội phát động Cuộc thi viết về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam” lần thứ nhất (2020-2021).
Hoạt động tuyên truyền của các cấp Hội đã phát huy hiệu quả tích cực, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC trong cuộc sống và trong đấu tranh đòi công lý; cổ vũ, động viên các nạn nhân vươn lên hòa nhập cộng đồng. Điển hình, năm 2004 và đầu năm 2005, phong trào ký tên ủng hộ VAVA và các nạn nhân kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã thu thập được hơn 12,5 triệu chữ ký và hơn 700.000 người đăng ký ký tên trên mạng internet.
3.2. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức hội
Tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin đã được thành lập ở 63/63 tỉnh, thành phố, 612 huyện, quận, 6.722 xã, phường, thị trấn với hơn 400.000 hội viên. Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được thành lập ở Trung ương, tại 40/63 tỉnh, thành phố; ở 108 quận, huyện và 539 xã, phường. Thời gian qua, thực hiện chủ trương tinh giản tổ chức, có 7 tỉnh Hội đã sáp nhập Hội NNCĐDC/dioxin vào các hội quần chúng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
Từ khi thành lập đến nay, hệ thống tổ chức hội được xây dựng và phát triển. Vượt qua khó khăn nhiều mặt, nhất là về kinh phí hoạt động và điều kiện làm việc, các cấp hội đã nỗ lực hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi của NNCĐDC, vì vậy vị thế, uy tín của Hội ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Đội ngũ cán bộ hội hầu hết được tôi luyện và trưởng thành qua kháng chiến, có uy tín xã hội. Nhiều cán bộ hội giàu nhiệt tình, tâm huyết, luôn tìm tòi sáng tạo, đổi mới phong cách làm việc, giữ mối quan hệ tốt với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức cá nhân, nhà hảo tâm..., góp phần quan trọng vào sự phát triển và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội.
Hội đã kịp thời phát hiện những bất cập trong thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC, tích cực đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách phù hợp cho các đối tượng nạn nhân.
Hội đã ký Chương trình phối hợp hoạt động với Bộ LĐ-TB&XH, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; phối hợp hoạt động trong nhiều lĩnh vực cụ thể với nhiều tổ chức khác.
3.3. Công tác tham mưu đề xuất, tư vấn, phản biện
Hội đã chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành của Trung ương tham mưu phục vụ Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương về giải quyết hậu quả CĐHH, các chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH; kịp thời phát hiện những bất cập trong thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC, tích cực đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách phù hợp với thực tế và điều kiện cho phép. Hội đã tham gia nhiều ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước ban hành các văn bản về chế độ, chính sách đối với những người làm công tác hội.
Các cơ quan Đảng, Nhà nước đánh giá cao những đề xuất, đóng góp của Hội trong các văn bản về giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC; tổ chức hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam.
3.4. Công tác vận động nguồn lực và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.
3.4.1 Công tác vận động nguồn lực
Vận động nguồn lực để chăm sóc nạn nhân là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Hội NNCĐDC/dioxin. Các cấp hội đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hình thức vận động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở trong và ngoài nước để ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân.
Từ khi thành lập Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (tháng 1-2004) đến tháng 12/2020, số tiền vận động Quỹ NNCĐDC đạt hơn 2.663 tỷ đồng, trong đó, các tổ chức, cá nhân trong nước là gần 1.745 tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân ngoài nước gần 134 tỷ 597 triệu đồng; ủng hộ trực tiếp bằng tiền và hiện vật quy ra tiền gần 784 tỷ 182 triệu đồng.
3.4.2 Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân
Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân là trách nhiệm, nghĩa tình của tổ chức hội các cấp. Hình thức chăm sóc, giúp đỡ ngày càng đa dạng, mang tính bền vững. Các hình thức được áp dụng rộng rãi gồm: Thăm hỏi, tặng quà; trợ cấp thường xuyên, đột xuất; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng các phương tiện sinh hoạt; hỗ trợ làm kinh tế, cho vay vốn sản xuất và hỗ trợ học bổng, học nghề; giúp tìm việc làm; giúp làm nhà, sửa nhà; xây dựng cơ sở bán trú, phục hồi chức năng; các cơ sở xông hơi giải độc, phục hồi sức khỏe; nuôi dưỡng thường xuyên…
Cùng với bị mắc các bệnh hiểm nghèo, mạn tính, bị dị dạng, dị tật, nạn nhân CĐDC và gia đình nạn nhân đều thuộc diện rất nghèo, trình độ học vấn hạn chế, nên việc giúp đỡ để nạn nhân có thu nhập, vượt qua đói nghèo, ổn định đời sống, vươn lên hòa nhập với cộng đồng là mục tiêu phân đấu của các cấp hội.
Từ khi thành lập Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (tháng 1-2004) đến tháng 12/2020, các cấp hội đã chi giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân tổng số tiền hơn 2.536 tỷ đồng, trong đó chi xây dựng cơ sở bán trú tại 26 địa phương (hơn 168 tỷ đồng), chi xây dựng gần 6.750 căn nhà tình nghĩa (tổng trị giá hơn 280 tỷ 159 triệu đồng), trợ cấp gần 11.900 suất học bổng; trợ cấp khó khăn, lễ tết, khám chữa bệnh, vốn sản xuất…hơn 3.860.250 suất ( tổng trị giá hơn 548 tỷ đồng); hỗ trợ trực tiếp bằng tiền và hiện vật quy ra tiền 539.095 suất (tổng trị giá hơn 537 tỷ đồng).
Ngoài trợ giúp bằng tiền, các cấp Hội đã tư vấn, hỗ trợ các gia đình nạn nhân phát triền kinh tế gia đình; thông qua các nhóm hộ cùng chia sẻ kinh nghiệm để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các hoạt động và công tác vận động giúp đỡ NNCĐDC nhân “Ngày Vì nạn nhân CĐDC /dioxin Việt Nam” 10/8 hằng năm và “Tết vì NNCĐDC” với cách thức tổ chức và phương pháp phù hợp, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, khơi dậy và phát huy tình cảm và trách nhiệm của cả cộng đồng.
Nhiều cơ sở nuôi dưỡng bán trú cho NNCĐDC được xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả, luân phiên nuôi dưỡng, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho hàng nghìn lượt người. Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC của Trung ương Hội và của các tỉnh Hội: Thái Bình, Gia Lai… từ khi thành lập đến nay đã tổ chức khám bệnh, nuôi dưỡng, tẩy độc, phục hồi chức năng… cho hàng ngàn lượt người. Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC thuộc các tỉnh, thành Hội: Đà Nẵng, Đồng Nai, Quảng Ngãi… thường xuyên nuôi dưỡng bán trú, phục hồi chức năng, dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 400 nạn nhân; luân phiên nuôi dưỡng, khám chữa bệnh cho hàng trăm lượt người.
3.5. Hoạt động đối ngoại và cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.
3.5.1 Hoạt động đối ngoại
Ngay từ khi thành lập, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã xác định hoạt động đối ngoại là một nhiệm vụ của Hội, là một bộ phận của hoạt động đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Hội đã tích cực tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại với hai nội dung: Một là, vận động các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC; Hai là, đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.
Từ khi thành lập đến nay, quan hệ đối ngoại của Hội không ngừng mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu. Ngoài việc duy trì quan hệ với bạn bè truyền thống ở các nước: Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản..., Hội đã mở rộng quan hệ với nhiều cá nhân và tổ chức nước ngoài ở khắp các châu lục như: Đức, Ba Lan, Italy, Cộng hòa Séc, Argentina, Costa Rica, Mexico, Sri-Lanka, Ấn Độ, Singapore, Malaysia...; Hội Nạn nhân Hóa học Halabja của Irắc, Hội Hỗ trợ Nạn nhân Vũ khí hóa học ở Iran, Nhóm đoàn kết ủng hộ nạn nhân Bhopal vì công lý ở Ấn Độ, Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC)...
Hằng năm, Trung ương Hội và các hội địa phương đã tiếp hàng trăm đoàn khách quốc tế và hàng trăm cá nhân đến từ 5 châu lục. Hội duy trì liên lạc thường xuyên với khoảng 30 tổ chức quốc tế ở nhiều nước trên thế giới; Tổ chức cho hơn 30 đoàn lãnh đạo Hội và nạn nhân đi nước ngoài hoạt động ở Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Panama, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ba Lan, Séc, Campuchia, Lào…; đón và tổ chức cho gần 100 đoàn khách quốc tế vào làm việc với Trung ương Hội và thăm nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hoạt động đối ngoại đã góp phần vận động được khoảng 10% số tiền ủng hộ nạn nhân CĐDC của toàn Hội, góp phần vận động các nghị sĩ Mỹ trình Quốc hội Mỹ 5 dự luật ủng hộ NNCĐDC Việt Nam, thúc đẩy các vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ ở Mỹ và ở Pháp. Hoạt động đối ngoại của Hội góp phần nâng cao uy tín của Hội cả ở trong và ngoài nước; góp phần quan trọng đưa vấn đề da cam thành một chủ đề được quan tâm trong dư luận quốc tế; tranh thủ được sự ủng hộ về tinh thần cũng như vật chất của một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để khắc phục hậu quả CĐDC.
3.5.2 Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC
Hội NNCĐDC dioxin Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.
Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam được tiến hành nhằm hai mục tiêu:
- Một lả, yêu cầu Chính phủ Mỹ phải tham gia vào công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng ở Việt Nam.
- Hai là, đòi các công ty hóa chất đã cung cấp CĐHH cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh phải bồi thường thiệt hại do CĐDC gây ra cho các nạn nhân.
* Về yêu cầu Chính phủ Mỹ tham gia khắc phục hậu quả CĐDC do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam
Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Nhà nước ta đã nêu ra vấn đề này với Chính phủ Mỹ, yêu cầu Mỹ phối hợp giải quyết hậu quả chiến tranh hóa học cùng với việc giải quyết những hậu quả chiến tranh khác như: Tù nhân chiến tranh (POW), người mất tích trong chiến tranh (MIA), bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh. Chính phủ Mỹ đã từng bước đáp ứng yêu cầu của ta trong vấn đề này như: Đã thỏa thuận phối hợp tẩy độc dioxin ỏ các “điểm nóng” tại các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát và thỏa thuận tham gia hỗ trợ “người khuyết tật do bất kể nguyên nhân gì”.
Đến nay, Chính phủ Mỹ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam hoàn thành việc tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, bắt đầu xúc tiến thực hiện dự án tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hòa và đang triển khai dự án 21 triệu USD (giai đoạn 2016-2020) hỗ trợ người khuyết tật ở 6 tỉnh bị phun rải nặng chất độc hóa học, đồng thời đã ký thỏa thuận triển khai dự án trị giá 65 triệu USD cho giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ người khuyết tật ở 8 tỉnh bị phun rải nặng CĐDC, bao gồm 6 tỉnh của giai đoạn 2016-2020 và hai tỉnh Quảng Trị, Kon Tum.
* Về việc đòi các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp CĐHH cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam phải bồi thường cho nạn nhân CĐDC:
- Vụ kiện 37 công ty hóa chất Mỹ:
Ngay sau khi thành lập (ngày 10/1/2004) Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (VAVA) và một số nguyên đơn đã gửi đơn đến Toà án quận Brooklyn, New York, Hoa Kỳ kiện 37 công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp CĐHH cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đây là vụ kiện tập thể, được tiến hành tại Mỹ, theo luật pháp Mỹ và do Toà án Mỹ xét xử, là vụ kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành tư pháp Mỹ.
Vụ kiện kéo dài hơn 5 năm, qua các cấp sơ thẩm, phúc thẩm; đến ngày 2/3/2009, Toà án Tối cao liên bang Mỹ tuyên bố không thụ lý đơn kiện của các nguyên đơn.
Mặc dù Toà án Mỹ từ chối thụ lý vụ kiện của NNCĐDC Việt Nam, nhưng vụ kiện đã giành được thắng lợi quan trọng về nhiều mặt:
Trước hết, VAVA đã vượt qua được mọi thủ đoạn ngăn cản của các công ty hoá chất đối với nội dung kiện và tư cách của VAVA đưa vụ kiện ra Tòa án Mỹ.
Hai là, vụ kiện đã vạch trần trước dư luận thế giới tội ác của Mỹ trong việc tiến hành chiến tranh hoá học dưới chiêu bài “chỉ dùng chất diệt cỏ để khai quang”.
Ba là, làm cho nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về thảm hoạ da cam ở Việt Nam; thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, dư luận quốc tế và dư luận Mỹ, hình thành phong trào mang tính quốc tế đấu tranh chống chiến tranh hoá học, ủng hộ Việt Nam đòi Mỹ bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam.
Bốn là, việc Toà án Mỹ từ chối thụ lý đơn kiện kiện không ngăn chặn được khả năng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tiếp tục tiến hành các vụ kiện khác tại Mỹ. Thời hiệu khởi kiện không bị triệt tiêu. Tư cách pháp lý của nguyên đơn Việt Nam đã được Toà án Mỹ thừa nhận. Lý do khởi kiện không bị bác bỏ. Đây là những tiền lệ tư pháp để các nguyên đơn Việt Nam có thể tiến hành đấu tranh pháp lý đến cùng tại Mỹ đề đòi công lý.
- Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ:
Sau khi Toà án Hoa Kỳ từ chối thụ lý vụ kiện của NNCĐDC Việt Nam, theo sáng kiến của Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Toà án Lương tâm Nhân dân Quốc tế về chất da cam đã được tổ chức tại Paris (Thủ đô Cộng hoà Pháp) từ ngày 16 - 17/5/2009. Dựa trên các điều luật quốc tế, Tòa khẳng định: Việc sử dụng dioxin là một tội ác chiến tranh chống loài người. Tòa phán quyết: Chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng chất dioxin mà hậu quả của nó đối với môi trường Việt Nam có thể coi là “hủy diệt môi trường”; các công ty hóa chất Mỹ là tòng phạm trong các hành động của Chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ và các công ty hoá chất cung cấp CĐDC phải bồi thường toàn bộ cho NNCĐDC và gia đình họ, phải có trách nhiệm làm sạch môi trường, tẩy sạch CĐDC khỏi các vùng đất và nước bị nhiễm độc ở Việt Nam, đặc biệt là tại các “điểm nóng” xung quanh các căn cứ quân sự trước đây của quân đội Mỹ.
- Vụ kiện của bà Trần Tố Nga- NNCĐDC.
Bà Trần Tố Nga sinh ở tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam; năm 1954 theo gia đình tập kết ra miền Bắc; năm 1965, sau khi tốt nghiệp đại học, bà trở lại miền Nam làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Trong thời gian công tác bà đã bị phơi nhiễm trực tiếp CĐHH do quân đội Mỹ phun rải, sau đó đã mắc nhiều căn bệnh, một con của bà đã chết lúc 17 tháng tuổi, một con khác bị bệnh thiếu máu do huyết tán (Thelassemia).
Ngày 14/5/2014, bà Trần Tố Nga (đang sinh sống tại Pháp) đã đệ đơn kiện 26 công ty hóa chất của Mỹ đã gây hại cho bà và gia đình bà. Bà đệ đơn kiện với tư cách là công dân Pháp, nhưng bà là NNCĐDC bị gây hại trong thời kỳ bà ở Việt Nam, vì vậy VAVA ủng hộ vụ kiện của bà.
Ngày 13/6/2014, VAVA ra Tuyên bố kêu gọi Tòa án Evry nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, thủ tục để xét xử vụ án, bênh vực quyền lợi cho NNCĐDC Trần Tố Nga.
Ngày 09/4/2015, VAVA tổ chức họp báo giới thiệu vụ kiện, công bố Thư ngỏ gửi Tòa án Thành phố Evry, các Luật sư tham gia vụ kiện, Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế, Hội đồng Hòa bình Thế giới, các lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý và dư luận quốc tế ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga, đòi các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại cho bà Nga và NNCĐDC Việt Nam. Tiếp đó, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có nhiều hoạt động, như tổ chức gặp mặt báo chí, quyên góp tiền, ký tên ủng hộ bà Trần Tố Nga, tiêu biểu là các địa phương: Sóc Trăng, Hòa Bình, Tp Hồ Chí Minh…
Ngày 16/4/2015, Tòa Đại hình Thành phố Evry triệu tập phiên đầu tiên để các luật sư bào chữa cho các công ty hóa chất Mỹ nộp kết luận của mình về đơn kiện của bà Trần Tố Nga. Từ đó đến nay, đã diễn ra nhiều phiên giải quyết thủ tục để xem xét vụ kiện. Luật sư của các công ty hóa chất Mỹ bị kiện đã dùng nhiều thủ đoạn để trì hoãn việc xét xử, tuy nhiên Tòa án thành phố Evry đã quyết định ngày 25/01/2021 là ngày xét xử vụ kiện.
* Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam được nhân dân thế giới tích cực ủng hộ:
Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam đã được các tầng lớp nhân dân thế giới tích cực ủng hộ. Hạ nghị sĩ, Trưởng Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ đã 3 lần tổ chức điều trần về vấn đề CĐDC ở Việt Nam. Hai Hạ nghị sĩ Bob Filner và Barbara Lee của Mỹ đã trình Quốc hội Mỹ 5 dự luật yêu cầu Chính phủ Mỹ phải tham gia khắc phục hậu quả CĐDC ở Việt Nam. Nhiều nghị sĩ quốc hội của Anh, Bỉ, New Zealand… đã đưa ra các kiến nghị đòi Chính phủ Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho NNCĐDC Việt Nam. Ông Len Aldis, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt đã viết thư yêu cầu tòa án Mỹ phải xét xử công bằng vụ kiện của NNCĐDC Việt Nam và yêu cầu Chính phủ Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. Hội Luật gia Dân chủ quốc tế đã tổ chức nhiều diễn đàn yêu cầu Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về thảm họa da cam ở Việt Nam. Tòa án xét xử Monsanto ở La Haye (năm 2016) khẳng định, việc Mỹ sử dụng CĐHH trong chiến tranh ở Việt Nam là một hành động tội ác.