Chiến tranh đã lùi xa, những nỗi đau mà nó để lại vẫn còn in hàn trong cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam. Trong đó, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải gánh chịu hậu quả nặng nề qua nhiều thế hệ. Tại tỉnh Cà Mau, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã có hành trình 20 năm đầy ý nghĩa, nỗ lực không ngừng để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, lan tỏa tình yêu thương và sự sẻ chia trong cộng đồng.
HÀNH TRÌNH 20 NĂM CỦA HỘI
Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Cà Mau luôn gặp phải những tác động xấu như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước thủy triều dâng cao gây xạt lở đất và thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản; dịch cúm ở gia cầm; các dịch bệnh lở mồm long móng, dịch heo tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi ở lợn; đặc biệt là đại dịch viêm đường hô hấp cấp (dịch bệnh Covid-19) xảy ra với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; Từ đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và hoạt động triển khai thực hiện phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” được phát huy và mang lại nhiều thành quả.
Ông Đặng Văn Mỹ, Chủ tịch Hội da cam/dioxin tỉnh Cà Mau cho biết: “Có thể khẳng định, 20 năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Cà Mau đã không ngừng phát triển, trưởng thành, hoạt động hiệu quả, lập được nhiều thành tích rất đáng tự hào. Hội thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc, mái ấm nghĩa tình của hội viên và NNCĐDC, là lực lượng nòng cốt hưởng ứng tích cực trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho các NNCĐDC/dioxin Việt Nam và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân”.
Trong suốt 20 năm qua, Hội đã vận động được hơn 135 tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm trên toàn quốc. Số tiền này đã được phân bổ để hỗ trợ hơn hàng trăm ngàn lượt nạn nhân trong toàn tỉnh, giúp họ có điều kiện sinh hoạt, chữa bệnh và cải thiện cuộc sống.
Hội đã xây dựng 659 căn nhà căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 144 căn cho các hộ gia đình có nạn nhân da cam đang sinh sống trong điều kiện khó khăn. Đặc biệt, tặng 3.139 xe lăn, xe lắc; xe đạp 5478 chiếc; 57 cây cầu giao thông nông thôn; quà tặng các loại 192.430 suất; 402,5 tấn gạo; 83 giếng nước; 10 máy bom…
Hội phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế tổ chức hơn 3.059 lượt khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho nạn nhân chất độc da cam. Nhằm tạo điều kiện cho con em nạn nhân có cơ hội học tập, Hội đã trao hơn 1.200 suất học bổng, hỗ trợ chi phí học tập và mua sắm dụng cụ học tập. Nhờ sự giúp đỡ này, nhiều em đã có cơ hội tiếp tục con đường học vấn, mở ra tương lai tươi sáng hơn.
Ngoài hỗ trợ tài chính, Hội còn triển khai các chương trình dạy nghề như chăn nuôi, may mặc, sửa chữa xe máy, trồng trọt nhằm giúp các nạn nhân có cơ hội tự tạo thu nhập. Hơn 800 người đã được đào tạo và hỗ trợ công cụ sản xuất, giúp họ có thể sống tự lập và cải thiện đời sống.
Ông Lê Hoàng Thân, ngụ tại ấp 6, xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Là một người lính từng tham gia chiến đấu vào năm 1970, ông không may bị nhiễm chất độc da cam. Hậu quả của chất độc ấy đeo bám ông suốt nhiều thập kỷ qua, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn đến người con đầu lòng và con gái út. Cuộc sống nhiều lúc tưởng như bế tắc, khó khăn chồng chất.
Ông Lê Hoàng Thân, cho biết: “Trong suốt những năm qua, nhờ có Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Cà Mau mà tôi và nhiều đồng đội, nhiều gia đình chịu ảnh hưởng bởi chất độc này đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời. Từ những phần quà, sự hỗ trợ y tế, đến việc giúp xây dựng nhà cửa, tạo điều kiện sinh kế – tất cả đều là những nghĩa cử cao đẹp mà chúng tôi không bao giờ quên”.
Ông Nguyễn Văn Trỗi, 49 tuổi, ngụ tại ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh. Ông là nạn nhân của chất độc da cam do di truyền, và con gái lớn của ông cũng không may bị ảnh hưởng bởi hậu quả này. Cuộc sống của gia đình trước đây rất khó khăn, đặc biệt là về nhà ở.
“Nhờ có sự quan tâm của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Cà Mau, gia đình tôi đã được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà mới. Chúng tôi cũng cố gắng góp thêm một phần để có được căn nhà khang trang hơn, có chỗ ăn ở ổn định. Nhờ đó, năm 2023, gia đình tôi đã mạnh dạn làm đơn xin thoát nghèo. Không chỉ có gia đình tôi mà nhiều hộ nạn nhân da cam khác cũng nhận được sự hỗ trợ thường xuyên từ Hội và địa phương, nhất là trong các dịp Tết, lễ. Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc, giúp những người chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam có cuộc sống tốt đẹp hơn”. Ông Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ.
KÊU GỌI SỰ CHUNG TAY CỦA CỘNG ĐỒNG
Những gì Hội đã làm được trong 20 năm qua là rất đáng trân trọng, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. Chúng ta- những người may mắn hơn- hãy cùng chung tay góp sức để mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những nạn nhân chất độc da cam. Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân đã trở thành phong trào xã hội rộng khắp, tạo được sự đồng cảm, sẻ chia của nhân dân trong và ngoài tỉnh, đồng hành cùng nạn nhân trên con đường đấu tranh đòi công lý. Giữ vững và phát huy tinh thần "Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, qua đó đã giảm bớt khó khăn về vật chất, xoa dịu nỗi đau tinh thần cho các nạn nhân.
Hội Thiện Nguyện "Nhẫn và Tâm" Tại TP Hồ Chí Minh với mong muốn lan tỏa yêu thương, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn, đặc biệt là các nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật và những hộ gia đình khó khăn. Trong những năm qua, Hội đã cố gắng chung tay cùng địa phương, đóng góp vào công tác an sinh xã hội thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa như hỗ trợ quà Tết, xe lăn, xây dựng nhà tình thương, cầu giao thông nông thôn...
Bà Trương Thể Dinh, Hội trưởng Hội Thiện nguyện “Nhẫn và Tâm” bày tỏ: “Chúng tôi rất vui mừng khi được chính quyền địa phương ghi nhận, vì những đóng góp tích cực trong công tác thiện nguyện. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để Hội tiếp tục hành trình giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nhìn thấy niềm vui trên gương mặt của các gia đình nạn nhân da cam khi nhận được xe lăn, và nhận quà hỗ trợ, chúng tôi càng thêm tin rằng những việc làm nhỏ bé nhưng chân thành sẽ góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn”.
Nhận được chiếc xe lăn mới, ông Nguyễn Minh Tâm (75 tuổi, ngụ xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) xúc động chia sẻ: “Từ lâu tôi chỉ quanh quẩn trong nhà vì đi lại khó khăn. Giờ có xe lăn rồi, tôi có thể tự ra sân hóng gió, thăm bà con chòm xóm, đỡ làm phiền con cháu. Tôi thật sự biết ơn tấm lòng của các nhà hảo tâm đã giúp đỡ chúng tôi.”
Nhìn lại một cách tổng quát chặng đường 20 năm qua là một trong những chặng đường phấn đấu bằng quyết tâm cao của các cấp Hội, nhiều gương cán bộ hội tận tụy, gương tiểu biểu của các nhà tài trợ, gương người nuôi dưỡng nạn nhân chịu đựng âm thầm và đầy tình thương trách nhiệm, gương nạn nhân biết tự nổ lực vượt qua bệnh tật lao động, học nghề, tự nuôi sống bản thân, hòa nhập cộng đồng đã làm lay động lòng người.
Với những thành tích đạt được, Hội vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen, Tỉnh ủy tặng Bức trướng: “Đoàn kết-Nghĩa tình-Trách nhiệm-Vì nạn nhân chất độc da cam”; nhận Cờ thi đua Dẫn đầu phong trào do Trung ương Hội tặng 4 năm 2019-2020-2022-2024;nhiều, huyện, thành Hội được tặng thưởng Bằng khen, Giấy khen của tỉnh Hội, UBND huyện, thành phố cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…
Với Phương châm “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, trong những năm tới hội tiếp tục tranh thủ sự lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của Trung ương hội; nêu cao tinh thần đoàn kết; đổi mới phương pháp hoạt động, nâng cao tính năng động, sáng tạo, tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện; phối hợp với các cơ quan liên quan vận động cộng đồng tích cực ủng hộ nguồn lực để chung tay chia sẻ nỗi đau da cam và hưởng ứng cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân.



Ảnh: Ông Đặng Văn Mỹ - Chủ tịch Hội NNCĐDC/DIOXIN tỉnh Cà Mau cùng Hội Thiện nguyện Nhẫn và Tâm thành phố Hồ Chí Minh tặng xe lăn và quà cho nạn nhân
Bài và ảnh: Hoàng Vũ