3.6. Hoạt động khoa học

Hội đã phối hợp với các cơ sở nghiên cứu và các tỉnh, thành Hội tiến hành điều tra, thống kê, lập hàng ngàn hồ sơ nạn nhân thuộc nhiều đối tượng, nhiều thế hệ và hồ sơ gia đình nạn nhân đặc biệt khó khăn, nhất là các nạn nhân thế hệ thứ 3,thứ 4. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội điều tra, khảo sát tình trạng sức khỏe và việc thực hiện chế độ chính sách đối với người bị phơi nhiễm dioxin là cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng và người thân của họ có liên quan đến phơi nhiễm CĐDC/dioxin.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm hoạt động khoa học của Hội là thu thập cơ sở dữ liệu, bằng chứng khoa học, làm cơ sở để tham mưu, tư vấn phản biện các hoạt động của Hội và hợp tác khoa học.

Hội đã hoàn thành cơ bản quy trình xông hơi giải độc ổn định tại hơn 10 cơ sở ở trong nước (trên cơ sở nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức ABLE tại Thái Bình, năm 2010). Đến nay, các cơ sở đã tổ chức xông hơi, giải độc, tăng cường sức khỏe cho hơn 10.000 lượt người đạt kết quả tốt, không xảy ra tai biến y tế.

Các hoạt động khoa học được tăng cường, phong phú tại các hội thảo, hội nghị và hợp tác quốc tế. Hội đã phối hợp với các nhà khoa học của các nước : Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Liên bang Nga...thành lập gần 20 đoàn khảo sát, tham quan, tặng quà các nạn nhân và cung cấp tư liệu tin cậy cho hàng chục ấn phẩm khoa học về các hoạt động của Hội.

Thông qua Hội đồng Tư vấn về khoa học, Hội thường xuyên có quan hệ hợp tác với 15 cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực CĐDC/dioxin trong cả nước. Đặc biệt, Hội đã xây dựng được phương án, bảng câu hỏi điều tra phù hợp với điều kiện cụ thể ở các tỉnh, thành phố, phục vụ công tác điều tra xã hội học liên quan đến nạn nhân, làm cơ sở tư vấn chính sách ở các địa phương và quốc gia (đã triển khai ở hơn 10, tỉnh thành phố).

Từ tháng 8/2012, Hội đã chủ trì triển khai Đề tài khoa học cấp nhà nước "Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin; đề xuất phương hướng, giải pháp chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện", mã số KHCN-33.9/11-15. Đề tài gồm 34 chuyên đề, nêu 6 nội dung, 7 giải pháp và 12 kiến nghị cụ thể về bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện chính sách đối với NNCĐDC. Tháng 1/2016, Đề tài đã được nghiệm thu ở cấp nhà nước. Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài đạt loại khá.

Từ năm 2016 đến nay, Viện Nghiên cứu da cam thuộc Trung ương Hội đã chủ trì nghiên cứu đề tài độc lập cấp Nhà nước, mã số: ĐTĐL. CN.16/17. Mục tiêu của Đề tài nhằm xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn của Đề án đối thoại nhân đạo về hậu quả CĐDC/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Những kết quả của hoạt động khoa học đã được sử dụng vào các mục đích: Chọn nguyên đơn đứng tên đại diện trong các vụ kiện đòi công lý cho NNCĐDC; chọn nạn nhân tiêu biểu tham gia các diễn đàn, giao lưu, hội nghị trong nước và quốc tế; làm căn cứ kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện chế độ chính sách đối với NNCĐDC; giới thiệu nạn nhân, gia đình nạn nhân để các nhà tài trợ, báo chí giúp đỡ, biểu dương…

3.7. Công tác thi đua - khen thưởng

Phong trào thi đua được tổ chức thường xuyên, có chất lượng ở các cấp Hội; thực hiện đúng quy chế thi đua. Hằng năm, Trung ương Hội cụ thể hóa các mục tiêu thi đua bằng các chỉ tiêu cụ thể, trên cơ sở đó, các hội thành viên đề ra chỉ tiêu thi đua phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, khả năng, bảo đảm tính khả thi.

Phong trào thi đua “Vì NNCĐDC Việt Nam”, do Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phát động ngày 12-2-2007 gồm 5 mục tiêu, được các cấp Hội hưởng ứng, triển khai thực hiện sâu rộng, đúng hướng, đạt hiệu quả thiết thực, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại, với phong trào thi đua trong toàn Hội và các phong trào, các cuộc vận động trong toàn quốc và của các địa phương, là nòng cốt của phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Từ phong trào thi đua “Vì NNCĐDC Việt Nam” đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến thuộc nhiều đối tượng: Tổ chức hội, cán bộ, hội viên, nạn nhân vượt khó, người chăm sóc nạn nhân; các nhà tài trợ, các cơ quan, đơn vị; cán bộ cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể…

Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã 3 lần tổ chức thành công Đại hội điển hình tiên tiến vì nạn nhân CĐDC vào các năm 2007, 2011, 2016. Năm 2021, nhân kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, Trung ương Hội tổ chức Đại hội điển hình tiên tiến vì NNCĐDC lần thứ IV.

Công tác khen thưởng được thực hiện kịp thời, gắn với kết quả các phong trào thi đua và các sự kiện, chú trọng phát hiện, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong những năm qua đã được các cấp ghi nhận, tặng nhiều phần thưởng cao quý:

Ngày 20/4/2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 11-QĐ/TW tặng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam bức trướng “Đoàn kết- Nghĩa tình- Trách nhiệm- Vì NNCĐDC”.

Ngày 31/5/2011, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 835/QĐ-CTN tặng thưởng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Huân chương Lao động hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động, chăm sóc và quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 6/7/2016, Chủ tịch nước ký Quyết định số 1383/QĐ-CTN tặng thưởng Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam Huân chương Lao động hạng Nhất. Hội còn vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của các tổ chức quốc tế, các ban, bộ ngành, địa phương trong cả nước.

Đến hết tháng 12/2020, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Thành hội Hải Phòng và tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho các tỉnh, thành hội: Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Thái Bình, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định.

4 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, gồm: Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Thành hội Đà Nẵng; ông Nguyễn Hữu Ý, Chủ tịch Thành hội Hải Phòng; ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Tỉnh hội Thái Bình; ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch Tỉnh hội Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hữu nghị cho bà Masako Sakata (quốc tịch Nhật Bản), Đạo diễn, sản xuất phim và là người sáng lập Dự án “Hạt giống hy vọng”.

4 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua", gồm: Thành hội Đà Nẵng, Tỉnh hội Bình Phước, Tỉnh hội Đồng Nai, Tỉnh hội Quảng Ninh.

Hơn 30 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, gồm các tỉnh, thành hội: Thái Bình, Đà Nẵng, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Hải Phòng (2 lần), Bà Rịa - Vũng Tàu (2 lần), Thanh Hóa, Bắc Giang, Bến Tre, Hà Tĩnh, Đồng Nai (2 lần), Ninh Bình (2 lần), Nam Định (2 lần), Quảng Ninh, Tiền Giang, Quảng Nam, Gia Lai, Vĩnh Long, Hà Giang, Hà Nam, Cà Mau (2 lần), Quảng Bình, Bắc Giang (2 lần), Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Thuận, Bạc Liêu; Tập đoàn Viễn thông Quân đội (nay là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội); Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế ANCO.

Hơn 30 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, gồm: Hai đồng chí Phó Chủ tịch Trung ương Hội: GS, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ; các đồng chí chủ tịch tỉnh, thành hội: Đại tá Nguyễn Đức Hạnh (Thái Bình), bà Nguyễn Thị Hiền (Đà Nẵng, 2 lần), Đại tá Nguyễn Hữu Ý (Hải Phòng), Bác sĩ Nguyễn Văn Nhân (Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Đồng Khánh Vinh (Bắc Giang), Đại tá Quách Thanh Miện (Ninh Bình), ông Triệu Đức Thanh (Hà Giang), bà H'Ngia (Gia Lai), bà Võ Thị Hảo (Bến Tre), Đại tá Hồ Bé (Tiền Giang), Đại tá Nguyễn Đình Lộc (Hà Tĩnh), Đại tá Nguyễn Văn Hệ (Hà Tĩnh), Đại tá Phan Thanh Long (Quảng Ngãi),; bà Lê Thị Thanh Vân (Bến Tre), bà Võ Thị Đẹp (Tây Ninh), ông Dương Đình Khải (Thanh Hóa), ông Nguyễn Anh Cả (Quảng Nam); Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ Hoàng Đức (Thái Nguyên), bà Trần Liên Kiều (Cần Thơ), ông Nguyễn Minh An (Quảng Ninh), ông Tạ Quang Chính (Ninh Bình), ông Vũ Viết Vân (Đắk Nông), bà Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), ông Phan Thanh Rạng (Vĩnh Long); ông Võ Văn Long (Phó Chủ tịch Tỉnh hội Vĩnh Long); các cá nhân đã có nhiều đóng góp trong Phong trào Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam: Bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu (Tỉnh hội Vĩnh Long); bà Lê Thị Thanh Thủy (Bà Rịa - Vũng Tàu); bà Trương Thị Nở và Lương y Nguyễn Văn Thiệu (Thái Bình), ông Dương Văn Đê (Ba Vì, Hà Nội), ông Hồ Sĩ Hải, Giám đốc Trung tâm BTXH Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Đại đức Thích Thiện Sanh (thế danh Huỳnh Văn Ngọn, Trụ trì Chùa An Phước, Bến Tre).

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Cờ thi đua cho hai tập thể: Tỉnh hội Đồng Nai, Thành hội Hải Phòng; tặng Bằng khen tập thể cho 6 tập thể: Trung ương Hội (2 lần), Tỉnh hội Vĩnh Phúc, Tỉnh hội Hậu Giang, Tỉnh hội Vĩnh Long, Tỉnh hội Ninh Bình, Tỉnh hội Hậu Giang (2 lần); tặng Bằng khen cho 8 cá nhân: ông Nguyễn Trọng Giao, Chủ tịch Tỉnh hội Hà Nam; ông Đỗ Văn Long, Chủ tịch Tỉnh hội Vĩnh Phúc; ông Phạm Văn Ngôn, Chủ tịch Tỉnh hội Hậu Giang; ông Tạ Quang Chính, Chủ tịch Tỉnh hội Ninh Bình; bà Tạ Thị Thịnh, Đại diện Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin Cộng hòa Pháp (VNED) tại miền Bắc Việt Nam; bà Trần Thị Hiền, phường An Dương, quận Lê Chân, Tp Hải Phòng; bà Khổng Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Phú Quý; bà Trần Thị Oanh Oanh, ở khu phố 5, phường Thới An, quận 12, Tp Hồ Chí Minh

Trung ương Hội tặng 55 Cờ thi đua và hơn 1.000 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân của hơn 250 lượt tỉnh, thành hội.

274 tổ chức, cá nhân, trong đó có 57 tổ chức, cá nhân nước ngoài, được Trung ương Hội trao Bằng Tri ân tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Hàng nghìn cá nhân được Trung ương Hội tặng Kỷ niệm chương "Vì nạn nhân chất độc da cam".

Hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, huyện, quận tặng Cờ thi đua, Bằng khen, Giấy khen.

Nhân kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng các phần thưởng cao qúy cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc...

IV. XOA DỊU NỖI ĐAU DA CAM - LƯƠNG TÂM VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

Hơn nửa thể kỷ qua, nhân dân Việt Nam phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra. Khắc phục hậu quả CĐHH là một vấn đề có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học. Đó không chỉ là vấn đề đối nội, mà còn là vấn đề đối ngoại tế nhị. Không chỉ xử lý một “món nợ” trong lịch sử quan hệ Việt-Mỹ, mà còn tạo ra một nhân tố tích cực cho sự phát triển quan hệ hai nước. Không chỉ giải quyết hậu quả chiến tranh hóa học, mà còn góp phần ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh hóa học, bảo vệ hòa bình thế giới.

Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam; không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, mà còn đóng góp vào sự ổn định chính trị, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường “thế trận lòng dân”, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ngày 18/12/2009 Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X ra Thông báo số 292-TB/TW, nêu rõ:“Việc giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách hiện nay. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có những biện pháp tiến hành cụ thể để giải quyết tốt nhiệm vụ này”.

Ngày 14-5-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Chỉ thị nêu rõ: “Công tác khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị…” và “Các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Thông báo số 292-TB/TW và Chỉ thị số 43-CT/TW là những văn bản rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với NNCĐDC và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam trong công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Chuyển biến rõ nét sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW là, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã nhận thức sâu sắc, quan tâm hơn đến việc giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã kịp thời cụ thể hóa thành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ thị. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo được ban hành kịp thời, tương đối đồng bộ, tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện. Nhiều chế độ, chính sách đối với nạn nhân và con đẻ của nạn nhân bị di chứng CĐDC được bổ sung, sửa đổi kịp thời.

Thông qua thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, qua đó, các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức và bạn bè quốc tế… hiểu rõ hơn thảm họa da cam/dioxin do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam được thực hiện kiên trì, kiên quyết với những hình thức và bước đi phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước; phối hợp hành động giữa đấu tranh tại Tòa và vận động, đấu tranh ngoài Tòa. Cấp ủy, chính quyền và Hội NNCĐDC/dioxin các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả vận động các nguồn lực giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.

Phát huy tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, các cấp Hội đặt lên hàng đầu công tác vận động nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân, coi đó là thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội. Các cấp hội đã vận động quỹ (gồm tiền và vật chất) tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng, sử dụng hiệu quả để đầu tư xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề; hỗ trợ vốn sản xuất, xây nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà, tặng xe lăn; khám, chữa bệnh, thăm hỏi, tặng quà NNCĐDC. Hiện nay, VAVA đang thực hiện 25 dự án ở trong nước và với bạn bè quốc tế để giúp đỡ NNCĐDC.

Phong trào “Hành động vì NNCĐDC Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động ngày 10/6/2011 tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội trong nước, quốc tế chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và xoa dịu nỗi đau da cam. Nhờ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chung tay góp sức của cộng đồng, đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều nạn nhân và gia đình có thêm động lực phấn đấu vượt qua khó khăn, bệnh tật, ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội.

VPHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, XÂY DỰNG TỔ CHỨC HỘI VỮNG MẠNH, HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam rất vẻ vang, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Những năm gần đây, Nhà nước đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế, điều chỉnh, tổ chức lại hội quần chúng; các cấp hội còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí và cơ sở vật chất cho hoạt động. Đời sống, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình của hầu hết NNCĐDC còn rất nhiều khó khăn. Tình hình kinh tế-xã hội của đất nước cơ bản ổn định và có bước phát triển, nhưng trong năm 2020 bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.

Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC là một hành trình lâu dài, nhiều gian khó, cần tiếp tục kiên trì thực hiện bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Thực tế trên đòi hỏi bản lĩnh, tinh thần năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ hội các cấp, nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị của Hội là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam.

Phát huy truyền thống, thành tích đạt được, thời gian tới, các cấp Hội cần tiếp tục quan tâm củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, làm tốt công tác tham mưu, tư vấn, phản biện xã hội, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới:

1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, gắn với đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tổng kết Phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020, phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025.

2. Phối hợp tham mưu, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân CĐDC/dioxin; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nạn nhân CĐDC; tích cực thực hiện hiệu quả các hoạt động đối ngoại, khoa học…

3. Quan tâm củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, theo tinh thần Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

4. Tiếp tục cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam phù hợp với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, tạo sức lan tỏa ở trong và ngoài nước, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho cho NNCĐDC Việt Nam.

5. Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động nguồn lực trong nước và quốc tế khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả Phong trào “Hành động vì NNCĐDC”, Phong trào thi đua “Vì NNCĐDC”; tôn vinh, biểu dương những tấm gương nạn nhân vượt khó vươn lên, các thân nhân tiêu biểu trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân; các tập thể, cá nhân có thành tích ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC và cán bộ hội tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì NNCĐDC”.

VI. TỔ CHỨC KỶ NIỆM 60 NĂM THẢM HỌA DA CAM Ở VIỆT NAM TRANG TRỌNG, THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ

Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, các cấp hội chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; về kết quả thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH, gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại để bạn bè quốc tế, trong đó có Chính phủ và nhân dân Mỹ thấy rõ hậu quả nặng nề của CĐHH do Quân đội Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam; từ đó quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ về tinh thần và vật chất trong khắc phục hậu quả về môi trường và sức khỏe con người ở Việt Nam, về hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì NNCĐDC”; chú trọng tôn vinh, biểu dương những tấm gương hội viên tiêu biểu, gương nạn nhân vượt khó vươn lên; những người mẹ, người vợ tiêu biểu trong chăm sóc nạn nhân; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm…đã quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân và có nhiều đóng góp cho công tác xây dựng Hội.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, các cấp hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội cùng cấp tổ chức thăm hỏi, tặng quà nạn nhân; chú trọng quan tâm chăm lo tới nạn nhân nặng, gia đình có nhiều nạn nhân và nạn nhân không có nơi nương tựa…. Tích cực vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đồng đội… giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân gặp khó khăn, hoạn nạn…

Tổ chức Hội thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức hội các cấp; trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp xây dựng tổ chức hội theo đúng nội dung Thông báo kết luận số 158-TB/KL ngày 2/01/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 102 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội quần chúng, tạo thuận lợi để Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao trong tình hình mới.

Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể; là một trong những trọng tâm công tác hội năm 2021; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vấn đề da cam, để tăng cường vận động nguồn lực xã hội chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Đây cũng là dịp để các cấp hội thể hiện năng lực làm tham mưu và chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động liên ngành, qua đó khẳng định và nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức hội.

VII. KHẨU HIỆU

1. Nhiệt liệt hưởng ứng Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”

2. Tích cực tham gia hoạt động kỷ niệm 60 năm Thảm hoạ da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021)

3. Nỗi đau da cam - Nỗi đau dân tộc, nỗi đau nhân loại!

4. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam!

5. Ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam!

6. Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam!