Thưa các đồng chí,
Năm 2019, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Hội chúng ta đã tích cực, chủ động triển khai toàn diện các mặt công tác, giữ vững được sự ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thành tích đạt được của Hội trong năm qua là sự tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó có việc Hội quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên của Hội, gắn với việc "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh" theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các phong trào, các cuộc vận động của địa phương, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh, phát động phong trào thi đua trong toàn Hội tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ II, nhiệm kỳ IV.
Công tác khen thưởng đã được bảo đảm kịp thời, khách quan, công bằng, công khai, dân chủ, đúng đối tượng, được đông đảo cán bộ, hội viên đồng tình.
Nhiều hình thức tuyên truyền về các phong trào thi đua và biểu dương người tốt, việc tốt, tuyên dương các điển hình tiên tiến đã được thực hiện khá tốt, nhất là trên Tạp chí Da cam Việt Nam.
Năm 2020, phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” cần được quan tâm thúc đẩy, làm cho nó thực sự là động lực và là biện pháp cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên đoàn kết phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, lập nhiều thành tích hướng tới kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2021).
Các cấp hội cần nắm vững 6 nội dung thi đua đã được Trung ương hội xác định trong Bảng chấm điểm thi đua, ban hành kèm theo Quyết định số 27 ngày 30/3/2018. Cụ thể như sau:
Một là, tích cực, chủ động tham mưu đề xuất với lãnh đạo Đản, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, giữ vững sự ổn định và phát triển của tổ chức hội. Nội bộ đoàn kết thống nhất. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong tổ chức các hoạt động.
Hai là, nắm chắc số lượng, hoàn cảnh gia đình, tình trạng bệnh tật của nạn nhân. Kịp thời phát hiện những sai sót, bất cập trong thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam để phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Tích cực tham gia tuyên truyền các ngày lễ lớn trong năm 2020, Gắn phong trào thi đua của Hội với các phong trào, các cuộc vận động của địa phương. Hội phải thực sự là lực lượng nòng cốt của phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Bốn là, đặt lên hàng đầu công tác vận động các nguồn lực xã hội và có nhiều hình thức chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân theo hướng tạo điều kiện cho nạn nhân tự lực cải thiện, đảm bảo đời sống, hòa nhập cộng đồng. Phấn đấu có trên 15 hội đạt 10 tỉ đồng trở lên (năm 2019 có 13 hội đạt mức vận động trên 10 tỉ đồng); không còn tỉnh hội đạt mức vận động dưới 500 triệu đồng.
Năm là, tích cực tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân và kiên trì cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam. Tiếp tục ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga cả vật chất và tinh thần.
Sáu là, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, quỹ nạn nhân chất độc da cam.
Các tỉnh Hội nhận cờ thi đua tại Hội nghị lần thứ II, nhiệm kỳ IV
Phấn đấu cuối năm 2019,có 35% tổ chức hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 40% hoàn thành tốt nhiệm vụ; không có tổ chức hội không hoàn thành nhiệm vụ.
Để thực hiện được các mục tiêu đó, chúng ta cần làm tốt một số điểm sau:
1. Nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ chí Minh về thi đua yêu nước: Thi đua là một biện pháp cực kỳ quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện mục tiêu đã đề ra. Cán bộ phải gương mẫu đi đầu trong phong trào thi đua. Phong trào thi đua phải diễn ra một cách thường xuyên, liên tục, thiết thực, hiệu quả; tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “phát mà không động”, “đầu voi đuôi chuột”.
2. Đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình, điển hình, nhân tố mới, những tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực hoạt động. Đẩy mạnh tuyên truyền, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam.
3. Đổi mới công tác khen thưởng. Công tác khen thưởng phải gắn liền với thi đua. Khen thưởng phải đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện các điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng.
Với tinh thần “Đoàn kết – Nghĩa tình – Trách nhiệm – Vì nạn nhân chất độc da cam”, toàn Hội chúng ta cùng dấy lên phong trào thi đua sôi nỗi, đều khắp, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chúc các đồng chí thành công!
Tạp chí da cam Việt Nam