Ngày 1/6/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 651/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành đồng quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Sau 8 năm thực hiện, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã tích cực thực hiện, đạt được kết quả thiết thực.

1. Về xây dựng, ban hành các văn bản quy định liên quan đến khắc phục hậu quả CĐHH

   Hội đã ban hành các quyết định: Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho NNCĐDC; Thành lập BCĐ vụ kiện, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân; Thành lập BCĐ sơ kết Thông báo Kết luận số 292-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, trên cơ sở đó báo cáo Ban Dân vận Trung ương trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Hội ban hành Hướng dẫn số 144/HD-TWH về thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư; Kế hoạch kiểm tra, nắm tình hình thực hiện Chỉ thị 43 tại 51 tỉnh, thành phố; Kế hoạch sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 43; Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 43 gửi Ban Dân vận Trung ương.

2. Về thực hiện các nhiệm vụ, dự án, đề án

a) Kết quả vận động nguồn lực chăm sóc nạn nhân.

  Từ năm 2012 đến nay, toàn Hội đã vận động Quỹ được 2.045 tỷ 584 triệu đồng; trong đó các tổ chức, cá nhân trong nước ủng hộ 1.925 tỷ 125 triệu đồng; các tổ chức, cá nhân nước ngoài ủng hộ 120 tỷ 459 triệu đồng.

  Tiền quỹ được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân như: hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, cấp học bổng, hỗ trợ tìm việc làm, khám, chữa bệnh, hỗ trợ vốn sản xuất, trợ cấp khắc phục thiên tai. Đến nay, Hội đã có 26 trung tâm nuôi dưỡng theo 2 mô hình (17 Trung tâm nuôi dưỡng thuộc tỉnh, thành hội quản lý, 9 trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân trong Trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐTBXH các tỉnh, thành), nuôi dưỡng trên 1000 cháu. Các trung tâm nuôi dưỡng đã trở thành “mái ấm” của nạn nhân, góp phần giảm bớt khó khăn và đưa nạn nhân sớm hòa nhập cộng đồng.

   Toàn hội hiện có 11 cơ sở xông hơi giải độc, trong đó 9 cơ sở đã hoạt động là: Cơ sở thuộc Trung ương Hội, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Định. Đã xông hơi được trên 500 đợt, với trên 10.000 lượt người, góp phần cải thiện đáng kể sức khoẻ cho nạn nhân và các cựu chiến binh.

b) Về nhiệm vụ đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân

   Hội luôn kiên định, kiên trì, tiếp tục cuộc vận động đấu tranh đòi công lý phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

- Từ ngày 30/1/2004-2/3/2009, Hội tiến hành vụ kiện 37 công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hoá chất độc cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Mặc dù Toà án Mỹ từ chối thụ lý vụ kiện, nhưng vụ kiện đã giành được thắng lợi quan trọng về xã hội và nhân văn, đạt được thành công về nhiều mặt. Thông qua đấu tranh đòi công lý của NNCĐDC, góp phần hình thành phong trào mang tính quốc tế đấu tranh chống chiến tranh hoá học, đòi Mỹ bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở đó, góp phần thúc đẩy phía Hoa Kỳ có những bước đi thể hiện trách nhiệm tham gia thanh khiết các “điểm nóng” và hỗ trợ cho người khuyết tật, trong đó có NNCĐDC tại 8 tỉnh.

Hội tiếp tục phối hợp với Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế và một số luật sư Mỹ chuẩn bị tiến hành vụ kiện mới. Hội tích cực ủng hộ bà Trần Tố Nga (người Pháp, gốc Việt) khởi kiện 26 công ty hóa chất Hoa Kỳ tại Tòa Đại hình Evry, Pháp; vận động ủng hộ vụ kiện được trên 2,7 tỉ đồng và 800.000 chữ ký.

c, Về thực hiện dự án, đề án, đề tài

Hội đã phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Bệnh viện Trung ương Huế và 28 tỉnh, thành hội trong cả nước điều tra, thống kê, lập hàng nghìn hồ sơ nạn nhân thuộc nhiều đối tượng, nhiều thế hệ và hồ sơ gia đình nạn nhân đặc biệt khó khăn. Hội hợp tác với các nhà khoa học Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Nga và các nhà khoa học trong nước để đánh giá hậu quả chất độc da cam/dioxin đối với sức khỏe con người; Hợp tác với Hiệp hội vì Cuộc sống và nền Giáo dục tốt đẹp hơn (viết tắt là ABLE) Châu Á Thái Bình Dương (Mỹ) và EDRT (Australia) triển khai 2 dự án xông hơi, giải độc cho NNCĐDC; tổ chức khảo sát điều tra nạn nhân thế hệ thứ 3 (cháu) tại một số tỉnh, thành phố.

Tháng 8/2011, Hội tổ chức Hội nghị quốc tế NNCĐDC lần thứ 2, chủ đề “Vì NNCĐDC và vì tương lai nhân loại”. Tháng 8/2012, Hội chủ trì Đề tài khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chính sách đối với NNCĐDC/dioxin, đề xuất phương hướng, giải pháp chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện” trong đó nhiều kiến nghị của Đề tài được sử dụng trong hoạch định chính sách. Năm 2012, năm 2014, Trung ương Hội chỉ đạo 6 tỉnh, thành hội (Thái Bình, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Nam, Lào Cai, Bến Tre) tham gia thực hiện Dự án của Bộ Y tế “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho NNCĐDC”. Năm 2015-2020, Trung ương Hội chỉ đạo 6 tỉnh hội (Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam) tham gia thực hiện Dự án của USAID (Mỹ) về chăm sóc, phục hồi chức năng, hỗ trợ điều kiện sinh hoạt cho NNCĐDC. Tháng 8/2016, Hội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế ‘Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, thu hút hàng trăm nhà khoa học và nhà hoạt động xã hội có uy tín trên thế giới tham dự.

Năm 2018, Chủ tịch Hội ban hành Quyết định số 78/QĐ-TWH phê duyệt Đề án mô hình điểm tại Trung tâm bảo trợ xã hội của Trung ương Hội về xông hơi, giải độc cho NNCĐDC, thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chỉ đạo 11 tỉnh hội tham gia thực hiện Dự án của Bộ Y tế về “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với NNCĐDC giai đoạn 2018-2021”.

3. Một số kiến nghị, đề xuất:

Từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ, Hội kiến nghị đề xuất một số nội dung sau:

- Chính phủ tổ chức tổng điều tra số lượng NNCĐDC; và trên cơ sở số lượng cụ thể để hoạch định chính sách cho phù hợp, xây dựng tiêu chí NNCĐDC.

- Bổ sung chính sách với thế hệ thứ 3 (cháu) bị phơi nhiễm chất độc da cam (thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW năm 2015 và Chỉ thị số 14-CT/TW năm 2017 của Ban Bí thư); Có chế độ giám định đối với các trường hợp đã mắc 1 bệnh, nay mắc bệnh khác (trong 17 bệnh theo quy định); Có chế độ trợ cấp đối với người phục vụ 2 nạn nhân trở lên không tự phục vụ được; Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân của người trực tiếp tham gia chiến trường KC bị nhiễm CĐHH đồng thời là thương binh đều có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 61% (nếu cộng cả hai tỷ lệ thương tật và bệnh tật thì đối tượng bị suy giảm khả năng lao động trên 61%). Theo đó, khi đối tượng này từ trần thì thân nhân được hưởng tiền tuất.

- Có chính sách đặc thù để hỗ trợ gia đình, hoặc hỗ trợ nuôi dưỡng tập trung ở những cơ sở của Nhà nước, hoặc chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với những gia đình có nhiều nạn nhân thế hệ thứ hai, thứ ba, đặc biệt là nạn nhân không có khả năng lao động nhưng không còn người thân nương tựa.

- Tiếp tục tẩy độc đối với môi trường ở các điểm nóng (Biên Hòa, Phù Cát, A Lưới…) và tiếp tục nghiên cứu, phát hiện các điểm nóng khác; Thực hiện chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, tư vấn sinh sản đối với con người.

- Hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ về tuyên truyền hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành tại Việt Nam; thực hiện đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân; thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Khu chứng tích chiến tranh về CĐHH ở Việt Nam tại A Lưới (Thừa Thiên- Huế).

Đại tá Nguyễn Bá Bồng