Cách đây 45 năm, cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc kết thúc thắng lợi. Sau những năm dựng xây, đất nước hồi sinh và ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Thế nhưng, thời gian không phải lúc nào cũng là phương thuốc kỳ diệu xóa những đau thương mà chiến tranh để lại, có những nỗi đau vẫn hiển hiện và dai dẳng, là minh chứng cho tội ác của cuộc chiến tranh phi nghĩa từ các thế lực xâm lược. Đó là hàng ngàn người phải mang di chứng từ chất độc da cam/Dioxin quái ác mà đế quốc Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh hóa học (từ năm 1961 - 1971) trên dải đất hình chữ S. Riêng tỉnh Cà Mau, có trên 17.000 người bị nhiễm và nghi bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ.
Trong hành trình xoa dịu nỗi đau da cam, tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/Dioxin các cấp với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực chăm lo cho NNCĐDC; những cán bộ Hội tận tâm với các số phận bất hạnh; những tấm lòng nhân ái, cùng góp sức hỗ trợ NNCĐDC… Tất cả là liều thuốc tinh thần hữu hiệu để nạn nhân da cam vơi bớt đau bệnh, vươn lên chiến thắng số phận.
Bài 1: Xây nhà từ tiền trợ cấp!
Đi dọc kênh xáng Chợ Hội, trên con đường mới trải nhựa láng o, dân cư ở Ấp 2, xã Trí Phải (huyện Thới Bình) xây nhà tường san sát, dán gạch nhiều hoa văn, làm bừng sáng cả vùng quê; bà con còn trồng nhiều hoa quanh nhà, hàng rào cây xanh trước ngõ. Chúng tôi tưởng chừng trông thấy một bức tranh giữa đời thực. Ở đó có căn nhà của hộ anh Đặng Thanh Phong khang trang không kém, xây hồi năm rồi, anh dành dụm từ nguồn tiền trợ cấp cho NNCĐDC hàng tháng.
Cả nhà làm cách mạng
Gia đình anh Đặng Thanh Phong bao đời ở xứ này, luôn tiên phong từ thời chiến tranh cho đến xây dựng quê hương đổi mới. Cha của anh, ông Đặng Thành Công lúc bấy giờ là cán bộ xã, hoạt động bí mật trong rừng; sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông làm Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Trí Phải, rồi Trưởng phòng Công nghiệp huyện. Mẹ của anh, bà Ngô Thị Lan làm công tác binh vận, liên lạc. Một lòng theo cách mạng, ông bà đều là thương binh 4/4, mẫu mực, nuôi dạy con cháu thành đạt, thảo hiền.
Bà Ngô Thị Lan sinh 7 người con, đều trong thời chiến và ẩn náu trong rừng. Chiến tranh đã làm gia đình bà Lan chồng chất nỗi đau. Năm 1974, bà Lan bị bắt đi tù ở Cần Thơ, ở nhà, người con thứ ba của bà hy sinh khi đánh đồn Cầu Số 3, người con trai thứ hai đi làm đồng về bị trúng đạn chết, người con gái thứ năm bị mất một chân. Anh Phong là con thứ bảy, bị dị tật bẩm sinh, chân phải teo, đến 4 tuổi mới có thể đứng lên, chập chững bước đi. Thuở nhỏ, anh Phong được mẹ bồng bế đi làm cách mạng, từng cùng mẹ vào tù ra khám.
Bà Ngô Thị Lan tự hào kể truyền thống cách mạng của gia đình.
Làn khói khai hoang trắng xóa dội xuống phá hủy những khu rừng nhằm phát hiện và đẩy lui lực lượng vũ trang hoạt động ẩn nấp - vợ chồng bà Lan chứng kiến và không nghĩ hóa chất diệt cỏ ấy lại quái ác, độc hại như thế, không chỉ bởi khả năng gieo rắc cái chết mà nó còn để lại những di chứng cho nhiều đời sau. Và con bà, anh Đặng Thanh Phong là một trong hàng ngàn nạn nhân như thế.
Không cam chịu số phận
Chân yếu, đi lại khó khăn, song anh Đặng Thanh Phong vẫn quyết tâm học hết lớp 12, để thực hiện ước mơ trở thành thợ cơ khí. Tuy nhiên, khi địa phương làm thủ tục cho các nạn nhân da cam học nghề ở trường Bá Nghệ (nay là Trường Đại học Kỹ thuật Cao Thắng - TP. Hồ Chí Minh), anh lại không thể đi, vì hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, vì cái chân đau nhức liên miên.
Lập gia đình cùng chị Lê Thị Màu, vợ anh là người phụ nữ chịu khó, giỏi giang, thay chồng làm những công việc nặng nhọc. Nhà anh chị có 12 công vuông, nếu chỉ trông chờ vào con tôm thì không đủ lo cho 2 đứa con đang tuổi ăn học. Vậy là 2 công rẫy cách nhà chừng 3 cây số, quanh năm được anh chị phủ xanh rau màu: Bí, dưa leo, dưa hấu, rau cải… Làm lụng vất vả, song vợ chồng anh luôn chia sẻ cùng nhau, giữ hòa khí vui vẻ. Chị Màu tâm sự: “Có lúc chân ảnh nhức quá, không còn sức chịu đựng, ảnh đòi cưa bỏ, tôi xót xa nhìn chồng mà rơi nước mắt, động viên ảnh mạnh mẽ vì vợ con và vì truyền thống gia đình gầy dựng”.
Điều mọi người xung quanh nể phục là vợ chồng anh biết tiết kiệm, tính toán chi tiêu hợp lý. Hơn 20 năm nay, anh Phong đều dành số tiền trợ cấp NNCĐDC hàng tháng, mà theo anh là để làm điều gì có ý nghĩa. Chị Màu những lúc thiếu tiền lo cho con đi học, mượn đỡ rồi ráng làm trả lại, chứ không xài thâm đồng nào. Căn nhà mơ ước được xây dựng khang trang từ số tiền tích lũy bao năm, do anh Phong làm thợ chính, vợ làm cu-ly và sự tiếp sức của anh em, chòm xóm.
Căn nhà khang trang nhờ tích góp từ tiền trợ cấp hàng tháng xây nên, khiến ai nấy nể phục anh Đặng Thanh Phong.
Tuy sinh hoạt không thuận lợi, nhưng anh Phong siêng năng, nhạy bén. Những tháng ngày đi làm phụ hồ, anh Phong học lóm và trở thành thợ “tay ngang”. Mấy năm trước, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh hỗ trợ gia đình 10 triệu đồng làm vốn sản xuất, anh Phong đầu tư nuôi dê rất hiệu quả. Hàng ngày anh đi cắt cỏ, có hôm mưa gió té lên té xuống, cái chân đau nhức vẫn không chịu nghỉ.
Chân yếu, song anh Đặng Thanh Phong vẫn siêng năng lao động.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin xã Trí Phải, chia sẻ: “Những năm qua, nhiều NNCĐDC đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, những đau đớn thể chất, tinh thần, phấn đấu vươn lên bằng chính nghị lực của bản thân, để không là gánh nặng của xã hội. Nạn nhân Đặng Thanh Phong xứng đáng là tấm gương để những người đồng cảnh học hỏi, noi theo”.
Hạnh phúc mỉm cười với người giàu nghị lực như vợ chồng anh Đặng Thanh Phong. Hai đứa con gái của anh Phong, một đứa đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ở TP. Hồ Chí Minh, còn đứa đang học đại học ngành Kinh tế. Cái chân anh dạo này trở gió đau nhức, cách vài tháng lại phải đi TP. Hồ Chí Minh lấy thuốc. Thấy vợ hàng ngày cực nhọc chuyện vuông, rẫy, anh Phong tính toán trồng cây ăn trái, để có nguồn thu nhập ổn định hơn.
MỘNG THƯỜNG
(Báo ảnh Đất Mũi)