(CMO) Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó để lại vẫn còn rất nghiêm trọng, đặc biệt là chất độc hoá học màu da cam (dioxin) tồn tại qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, không đầu hàng số phận, nhiều nạn nhân da cam thị trấn Trần Văn Thời vẫn tăng gia lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
Hộ ông Mai Văn Khoa (Khóm 5, thị trấn Trần Văn Thời) là một điển hình, trước đây tham gia cách mạng, khi chiến tranh kết thúc ông Khoa chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, sức khoẻ không còn được như trước, sản xuất kinh tế cũng giảm sút. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, ông còn thuộc hộ nghèo của địa phương.
Quyết không để cái nghèo đeo bám và ý chí vươn lên, vợ chồng ông bắt tay vào sản xuất với mô hình nấu rượu nuôi heo nái kết hợp trồng trầu và rau màu. Ông Khoa cho biết: “Vợ chồng tôi nấu rượu để hạn chế chi phí thức ăn cho heo, lấy ngắn nuôi dài, hàng ngày thu hoạch rau màu bán lấy tiền sinh hoạt, đợi thu hoạch heo”.
Với 3 công đất, trước đây trồng lúa hiệu quả không cao, ông Khoa chuyển đổi sản xuất bằng việc đưa màu xuống ruộng trồng bầu, bí, đất trống quanh nhà tận dụng trồng trầu. Nhờ kết hợp đa dạng mô hình sản xuất mà kinh tế gia đình ông ngày một vươn lên. “Thu nhập gia đình tôi chủ yếu từ nuôi heo, mỗi năm xuất bán 3 lần, trừ hết chi phí lời cũng được vài chục triệu đồng, cuộc sống không dư dả nhiều nhưng đủ sống. Năm trước vợ chồng tôi đã nộp đơn xin thoát nghèo và kinh tế ngày một ổn định", ông Khoa tâm sự
Hay hộ ông Nguyễn Hoàng Phong (Khóm 5, thị trấn Trần Văn Thời), ảnh hưởng chất độc màu da cam làm ông mất đi đôi chân, không đi lại được, mọi hoạt động bằng tay. Nhưng ông là tấm gương vượt khó vươn lên về lao động sản xuất và nuôi dạy con ăn học.
|
Kết hợp đa dạng mô hình sản xuất giúp gia đình ông Mai Văn Khoa vươn lên thoát nghèo. |
Tuy mất đi đôi chân, khó khăn trong việc di chuyển, nhưng vợ chồng ông năng động làm kinh tế, kết hợp các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập. Ông Phong cho biết, 4 năm trước nhận thấy mô hình nuôi trăn chi phí đầu tư thấp mà kỹ thuật nuôi lại đơn giản, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông quyết định đầu tư nuôi thử. Ban đầu chỉ nuôi 2 con trăn cho sinh sản, sau 1 năm trăn lớn nhanh và sinh sản rất nhiều nên quyết định mở rộng chuồng trại để phát triển mô hình.
Hiện tại, mô hình nuôi trăn của ông có đến vài chục con, do có kinh nghiệm lâu năm trong việc nuôi và nắm bắt được quy trình kỹ thuật chăm sóc nên tỷ lệ nuôi đạt khá cao. Ông Phong cho biết: “Nuôi trăn không khó nhưng phải chú trọng đến khâu vệ sinh chuồng trại và cung cấp đủ nguồn thức ăn cho trăn. Trung bình 1 con trăn trưởng thành tiêu thụ từ 4-5 kg thức ăn và thời gian mỗi lần cho ăn là 1 tuần. Hiện tại tôi chủ yếu bán trăn thịt, mỗi lần xuất bán trừ hết chi phí cũng được 30-40 triệu đồng”.
Ngoài ra, vợ chồng ông còn kết hợp nuôi heo nái để bán heo giống nhằm tăng thu nhập gia đình, kinh tế gia đình từng bước đi lên. Điều đặc biệt là vợ chồng ông phấn đấu nuôi con, hiện tại đang học năm cuối đại học. “Kinh tế gia đình tôi đã ổn định và không còn lo cái nghèo đeo bám. Và điều làm vợ chồng tôi vui mừng nhất là con tôi sắp ra trường, mong sẽ tìm được công việc ổn định trong thời gian tới", ông Phong phấn khởi.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thị trấn Trần Văn Thời Trịnh Ngọc Hân cho biết: “Mỗi năm hội đều trích nguồn quỹ hỗ trợ hội viên sản xuất cho những hộ khó khăn, với những hộ đã có điều kiện thì động viên về mặt tinh thần. Từ đó, nhiều hộ sản xuất hiệu quả, hộ ông Khoa, ông Phong là những điển hình. Sắp tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, động viên cũng như giúp đỡ những hộ khó khăn, chung tay cùng các cấp cải thiện đời sống hội viên”./.
Phương Thảo
(Báo Cà Mau)