Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc thực hiện danh mục bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học mà Thông tư 41 liên Bộ Y tế – Lao động, Thương binh và Xã hội còn nhiều vướng mắc.

    Theo ý kiến của nhiều người thì những người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin có thể mắc rất nhiều bệnh khác nhau song trong quá trình khám, điều trị, giám định y khoa, các bệnh viện phải thực hiện nghiêm túc nội dung của Thông tư 41 liên Bộ Y tế – Lao động – Thương binh và Xã hội và các bệnh không được quy định trong danh mục của thông tư này sẽ không được xác nhận.

    Làm việc với Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, chúng tôi được biết: Từ trước đến nay, bệnh viện luôn tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân mắc các chứng bệnh về thần kinh do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nhiều người có liên quan đến chất độc hóa học dioxin, phổ biến nhất là bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh thần kinh ngoại biên cấp và bán cấp tính. Và khi các đối tượng cần bệnh án để làm thủ tục chứng nhận là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin, bệnh viện đã tạo điều kiện theo đúng quy định.

    Song vướng mắc ở chỗ khi cấp giấy ra viện (theo quy định của Thông tư 41 liên Bộ Y tế – Lao động – Thương binh và Xã hội, bệnh viện tuyến trung ương chỉ cần cấp giấy ra viện do giám đốc bệnh viện hoặc phó giám đốc ủy quyền ký) giúp bệnh nhân làm các thủ tục tiếp theo và để chẩn đoán đúng bệnh thần kinh ngoại vi (ngoại biên) cấp và bán cấp liên quan đến chất độc hóa học/dioxin thì bệnh viện phải dựa vào quyết định 1488/QĐ-BYT ngày 4-5-2012 “về việc phê duyệt tài liệu chuyên môn “hướng dẫn chẩn đoán bệnh, tật dị dạ, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin”.

    Tài liệu quy định rất rõ: Bệnh dây thần kinh ngoại vi (ngoại biên) cấp và bán cấp liên quan đến chất độc hóa học/dioxin là tình trạng bệnh lý với các triệu chứng xẩy ra từ một đến năm tuần sau phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin, trong lúc đó đa số các trường hợp phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin thì đều phải có tham gia chiến trường do Mỹ thải chất độc hóa học/dioxin trước ngày 30-4-1975 (theo quy định tại thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH); căn cứ vào các quy định trên thì việc xác định cho các đối tượng đã từng nằm viện tại bệnh viện với chẩn đoán bệnh thần kinh ngoại vi (ngoại biên) cấp và bán cấp liên quan đến chất độc hóa học/dioxin là hoàn toàn không hợp lý và không đúng với quy định của Bộ Y tế.

    Việc chẩn đoán bệnh thần kinh ngoại biên cấp và bán cấp trong các đợt bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện có thể do nguyên nhân khác (theo tài liệu chuyên môn: bệnh thần kinh ngoại vi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và có tới hơn 100 bệnh khác nhau xâm phạm hệ thống này). Để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định của pháp luật, Bệnh viện đã thành lập hội đồng chuyên và tiến hành thẩm tra một cách chặt chẽ các hồ sơ bệnh án đã từng điều trị tại bệnh viện để cấp giấy ra viện đúng theo quy định của Bộ Y tế.

    Ngoài ra, bệnh viện đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm phổ biến rộng các văn bản, tài liệu hướng dẫn của các cấp, các ngành liên quan nhằm thực hiện việc khám, giám định nghiêm túc, thực hiện đúng các quy định, thủ tục giám định và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ để khám, giám định đúng đối tượng, xác định đúng bệnh tật và mức độ bệnh tật của đối tượng được khám theo đúng quy định của pháp luật.

    Về hướng khắc phục những bất cập nêu trên, bác sĩ Dương Thanh Bình cho hay, bệnh viện sẽ tổ chức khám và khám lại cho tất cả các đối tượng có nhu cầu, nhất là những người mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính có liên quan đến chất độc da cam/dioxin tại khoa Nội thần kinh của bệnh viện vào tất cả các ngày trong tuần và miễn phí khám lại cho các đối tượng đã từng khám và điều trị tại bệnh viện.

    Người bệnh có thể trực tiếp liên hệ với thạc sĩ, bác sĩ Dương Thị Vân Hà, khoa Nội thần kinh của bệnh viện để được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục khám lại. Bệnh viện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm tiết kiệm thời gian cho người bệnh khi khám bệnh và các thủ tục khác tại bệnh viện tại bệnh viện. Những trường hợp vướng mắc khác bệnh viện sẽ trực tiếp giải quyết tại phòng tiếp dân hằng ngày của bệnh viện.

    Thực hiện chế độ chính sách cho những nạn nhân của chất độc da cam/dioxin là việc làm không thể chậm trễ bởi họ là những người khó khăn nhất trong những người khó khăn, nghèo nhất trong những người nghèo…

    Vì vậy, thiết nghĩ, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và ngành Y tế, mà đơn vị trực tiếp là các bệnh viện cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc tiếp nhận và thẩm định hồ sơ nhằm giảm bớt thủ tục, có cách làm vừa linh hoạt vừa chặt chẽ trong quá trình xác nhận, thẩm định nhưng không chậm trễ để những đối tượng nạn nhân da cam/dioxin được thụ hưởng chính sách xứng đáng với công lao của họ trong thời gian tham gia kháng chiến.

P.V (Báo Quảng Bình 12/9)