Bà ĐỖ THỊ HỒNG HÀ, Phó cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội:

Phối hợp chặt chẽ trong đề xuất và thực hiện chính sách

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2022. Trong công tác nghiên cứu xây dựng văn bản, Cục Người có công thường xuyên trao đổi, tiếp thu ý kiến đề xuất của hội về chính sách đối với người có công nói chung, trong đó có chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH). Hai cơ quan cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong quá trình chỉ đạo địa phương giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH; trong các hoạt động, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, trong tuyên truyền vận động nguồn lực chăm sóc giúp đỡ nạn nhân vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ  (27-7), Ngày Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam. Khi có những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, hai cơ quan kịp thời trao đổi, đề xuất hoặc trực tiếp về địa phương để giải quyết.

Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức hội ở các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB&XH địa phương trong việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH. Cục Người có công và Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp chặt chẽ, cử đại diện tham gia các đoàn công tác liên ngành khảo sát, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 15-5-2015 của Ban Bí thư và Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ...

HÀ ANH (ghi)

Chung tay vì nạn nhân chất độc da cam
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Quỹ Hòa bình trao xe đạp tặng học sinh nghèo và nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Nam, tháng 4-2021. Ảnh: THANH BÌNH. 

Ông NGUYỄN VĂN KHANH, Phó chủ tịch, Giám đốc Quỹ Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam:

Nâng cao hiệu quả vận động các nguồn lực 

Công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC được Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam và các cấp hội rất coi trọng. Những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm và trách nhiệm vì nạn nhân CĐDC, hầu hết các cấp hội đã vận động nguồn lực đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; đồng thời làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ trực tiếp nạn nhân, gia đình nạn nhân CĐDC gặp nhiều khó khăn. Các biện pháp, hình thức vận động nguồn lực được đa dạng hóa, linh hoạt, phù hợp, như: Xây dựng quỹ hội từ cấp cơ sở, xây dựng các dự án, mô hình sinh kế, vận dụng mọi khả năng có thể, với nhiều cách làm sáng tạo. Các cấp hội kết hợp đa dạng hóa hình thức vận động ở Trung ương và địa phương, như: Nhắn tin từ thiện “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam’’; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội doanh nhân trẻ, các đơn vị quân đội... vận động nguồn lực và tổ chức các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC một cách thiết thực, mang tính bền vững. Các cấp hội cũng giữ mối quan hệ, kêu gọi sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng và triển khai hiệu quả các dự án nuôi dưỡng, chăm sóc, xông hơi giải độc, khám, chữa bệnh nâng cao sức khỏe cho nạn nhân CĐDC.

Đến nay, Quỹ Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã vận động được hơn 2.660 tỷ đồng. Trung ương Hội và các hội thành viên đã giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân CĐDC tổng số tiền hơn 2.550 tỷ đồng, góp phần cải thiện đời sống, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe, giúp nhiều nạn nhân CĐDC và gia đình vươn lên ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

THU HẰNG (ghi)

--------------

Bà LÊ THỊ NHƯ NGUYỆT, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Lê Hiền (TP Đà Nẵng):

Tăng cường kết nối với doanh nghiệp

Công ty của tôi là doanh nghiệp gia đình, có truyền thống làm thiện nguyện từ khi ba tôi làm giám đốc (năm 1991). Năm 2013, nhờ sự kết nối của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Quảng Nam, tôi biết đến Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân CĐDC/dioxin và Trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Nam đang gặp khó khăn, cần giúp đỡ. Doanh nghiệp chỉ định hỗ trợ trung tâm vào thời điểm đó, nhưng khi tìm hiểu thực tế, tôi quyết định hỗ trợ tiền gạo nuôi các cháu ở đây trong vòng 10 năm và hỗ trợ một số hoạt động khác. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, tôi thấy để có nhiều hơn nữa nguồn hỗ trợ đối với nạn nhân CĐDC thì cần phát huy tốt vai trò kết nối của hội nạn nhân CĐDC/dioxin các địa phương. Hầu hết doanh nghiệp đều có tinh thần thiện nguyện, nếu có kết nối tốt, không chỉ các nạn  nhân CĐDC mà nhiều công việc cần sự chung tay, góp sức, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng hỗ trợ và có thể giới thiệu thêm doanh nghiệp khác để cùng tham gia.

HÀ PHƯƠNG (ghi)

--------------

Luật sư  ĐỖ VIẾT HẢI, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật hợp danh Sự thật:

Công lý cho nạn nhân chất độc da cam

Những năm qua, chúng ta đã tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC. Tôi được biết ngày 10-5-2021, Tòa Đại hình của Pháp ở thành phố Evry đã công bố “không thụ lý” các đề nghị của bà Trần Tố Nga, Việt kiều hiện đang sống ở Pháp kiện 26 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam, gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho bà Nga và các con bà. Lý lẽ tòa đưa ra là các công ty hóa chất của Mỹ “đã hành động theo lệnh và đại diện cho Nhà nước Hoa Kỳ” nên được hưởng quyền “miễn tố”. Phán quyết như thế là không xem xét yếu tố các công ty hóa chất của Mỹ đã không bị bắt buộc phải thực hiện việc sản xuất chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, mà hoàn toàn được tự do tham gia đấu thầu để được sản xuất thu lợi nhuận. Tòa cũng không xem xét yếu tố các công ty hóa chất đã biết dioxin là một chất có độ độc cao, nhưng vẫn cố ý tổng hợp hai chất diệt cỏ 2.4-D và 2.4.5-T nên đã làm tăng hàm lượng chất dioxin vốn đã có trong chất 2.4.5-T. Tôi mong rằng tòa phúc thẩm sẽ xem xét đầy đủ các yếu tố liên quan để đưa ra phán quyết yêu cầu các công ty hóa chất của Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho bà Trần Tố Nga.

HOÀNG PHONG (ghi)

 (Nguồn Quân đội nhân dân)