Trên thế giới chưa có một quốc gia nào phải gánh chịu nặng nề hậu quả của chất độc hóa học như ở Việt Nam. Từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 100 triệu lít chất độc xuống 1/4 diện tích đất - rừng miền Nam Việt Nam và khoảng 38.000 ha rừng dọc biên giới Việt-Lào, trong đó có chứa chất da cam (Agent Orang) là một đồng đẳng độc nhất trong nhóm các đồng đẳng dioxin.
Bản đồ băng dải chất độc hóa học
Tính chất đặc thù của chất độc hóa học da cam/dioxin do Mỹ rải ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh (1961 - 1971) là: độc tính gấp hàng triệu lần so với chất độc thông thường; dễ cất giấu, dễ vận chuyển đi xa; với khối lượng không cần nhiều nhưng khả năng lan truyền rộng rãi thông qua luồng gió, lượng mưa, dòng nước sông - suối; lưu lại trong trầm tích, đất bùn, ngấm chắc vào đất, đất bùn; hợp chất rất bền vững, khó phân hủy.
I- Tác hại lâu dài của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và sức khỏe của con người.
Khi môi trường yên bình - trong lành - sức khỏe con người được cường tráng; khi môi trường bị ô nhiễm - sức khỏe con người bị ảnh hưởng. Con người là một vũ trụ bé nhỏ trong một vũ trụ lớn. Đó là “Mẹ thiên nhiên”. Song nếu hành vi không có lợi đối với sự khỏe mạnh vốn có của môi trường do con người gây ra sẽ mang đến những hậu quả khôn lường đối với sinh giới trong đó có con người.
Thực vậy, trong chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng CĐDC/dioxin nhằm hủy diệt môi trường sinh thái, từ đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và cả sức khỏe của con người.
- Dẫu biết rằng sự ảnh hưởng nặng nề đối với thiên nhiên và con người Việt Nam cần phải tìm hiểu - nghiên cứu để có giải pháp khắc phục. Nhưng do chiến tranh kéo dài, nên việc nghiên cứu ảnh hưởng của CĐDC đối với môi trường và sức khỏe con người chỉ được tiến hành năm 1975. Với tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, với xã hội, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Nhà nước: Chương trình 10-80 do Bộ Y tế chủ trì triển khai từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Chương trình 33 do Bộ KH&CN, Bộ TN&MT chủ trì; Chương trình 701 do Bộ Quốc phòng chủ trì cùng với nhiều đề tài hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Liên Xô cũ - nay là Liên bang Nga (Trung tâm nhiệt đới Việt Nga) với Công ty tư vấn Halfied (Canada) với Hoa Kỳ và nhiều tổ chức quốc tế khác với 43 đề tài nghiên cứu, trong đó có 17 đề tài nhằm vào lĩnh vực môi trường - sinh thái, 17 đề tài trong lĩnh vực y tế, bệnh tật sức khỏe, 9 đề tài thuộc lĩnh vực xã hội. Trong quá trình thực hiện đề tài đều có sự hợp tác với nhiều nhà khoa học quốc tế như: Công ty Haffiel - Canada và các nhà khoa học Mỹ - Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hà Lan...
Xử lý chất độc hóa học tại Biên Hòa (Đồng Nai)
Xin nêu một số nhận xét, đánh giá của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế về ảnh hưởng của CĐDC/dioxin đối với môi trường và NNCĐDC Việt Nam:
GS Hoàng Đình Cầu (Bộ Y tế): Những hậu quả cuộc chiến tranh hóa học vẫn còn là gánh nặng đối với xã hội Việt Nam đòi hỏi một chiến lược quốc gia toàn diện thích hợp. GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhận xét: Từ năm 1965 - 1970, diện tích của miền Nam Việt Nam bị rải CĐHH da cam - một loại chất độc có tạp chất 2, 3, 7, 8 TCDD đã ảnh hưởng nặng nề giữa tỷ lệ sinh sản bị dị tật bẩm sinh và chửa trứng bởi sự phơi nhiễm chất diệt cỏ trong chiến tranh. GS Nguyễn Văn Tường (Bộ Y tế) đánh giá: để khắc phục hậu quả của chất da cam dioxin là vấn đề khó khăn và lâu dài. TS Linda Sch.wartz (Đại học Yale - Hoa Kỳ) nhận xét: nhiều nữ CCB Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã tiếp xúc với hợp chất TCDD trong chất độc da cam lớn hơn một cách không cân xứng so với những phụ nữ khác về sức khỏe và hậu quả sinh sản. Phùng Tửu Bôi, chuyên gia lâm nghiệp đánh giá: hậu quả tàn khốc của chiến dịch Ranch Hand đối với hệ sinh thái và môi trường Việt Nam vẫn còn là một gánh nặng đối với thiên nhiên và con người. TS Mart Lober (cơ quan kiểm soát môi trường Hoa Kỳ) khẳng định các hợp chất dioxin là hợp chất bền vững và khó bị phân hủy bởi cơ chế sinh học và phi sinh học, vì chúng là các hợp chất kỵ nước và có xu hướng ngấm chắc vào đất, đất bùn. TS. Jeane Steliman (Đại học Columbia - New York) nhận xét, khoảng 95% chất diệt cỏ chiến tranh đã được sử dụng ở Việt Nam từ năm 1961 - 1971 trong chiến dịch Ranch-Hand. Các giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Võ Quý, Hoàng Văn Huây, Lê Trọng Cúc, Thái Văn Trừng, Mai Đinh Yên, Nguyễn Xuân Nết, Hồ Thanh Hải, Nguyễn Xuân Quỳnh, Phan Nguyên Hồng nhận xét: Mặc dù đã có những cố gắng quyết tâm của Nhà nước, sự tận tâm của các nhà khoa học, sự hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế nhằm khắc phục hậu quả lâu dài của chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục…
Tất cả các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã được báo cáo, công bố trong các hội nghị khoa học quốc gia - quốc tế từ năm 1980 đến nay (2021) đều kết luận, khẳng định ảnh hưởng của chất độc hóa học đến môi trường và hệ sinh thái, đa dạng sinh học và sự tồn lưu dioxin trong môi trường đất, bùn, trầm tích đã xâm nhập vào cơ thể các nhóm sinh vật thông qua các chuỗi dinh dưỡng tự nhiên và có tác động đến sức khỏe con người trực tiếp và gián tiếp.
II- Đề xuất các giải pháp tiếp tục khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
1. Về chính sách: Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm với các quyết định và chỉ thị của Ban Bí thư, của Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam; cần rà soát để 100% NNCĐDC được tiếp cận, được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước, không một ai bị bỏ sót, bị thiệt thòi.
2. Tăng cường các trang thiết bị và năng lực cho văn phòng Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và các tỉnh thành có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số để xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, khoa học, tin cậy về số lượng, các đặc điểm về tình hình diễn biến bệnh tật của NNCĐDC Việt Nam nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu chính đáng của nạn nhân trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch Covid-19 ngày càng trầm trọng.
3. Đề nghị các bộ, ngành (Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TBXH, Bộ KH&CN, Bộ Ngoại giao...) cùng với các sở, ban ngành địa phương xem xét việc đầu tư giúp đỡ Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam là hội mang tính đặc thù được Chính phủ quy định để tạo điều kiện cho mọi hoạt động đối nội, đối ngoại có liên quan đến vấn đề khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam; tạo mọi cơ chế, điều kiện thuận lợi để Hội làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC, thể hiện sự tri ân đối với những người có công với cách mạng.
4. Về khoa học và công nghệ: Phát huy lợi thế cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ giải trình bộ gen, kích hoạt, chỉnh sửa gen, nghiên cứu cách thức mà các biến dị gen gây ra các bệnh lý đặc thù ở NNCĐDC.
- Nghiên cứu công nghệ nano có khả năng kiểm soát, loại bỏ thành phần các chất độc, hoặc có thể tẩy rửa làm giảm các chất độc trong cơ thể nạn nhân.
- Cần có một chương trình nghiên cứu chắt lọc, trải nghiệm sử dụng các nguồn dược liệu trong tự nhiên, trong việc chữa và hồi phục sức khỏe cho NNCĐDC thông qua đội ngũ các lương y ở các vùng miền của đất nước.
- Xây dựng một chương trình thông tin tuyên truyền bài bản với các cơ quan thông tin đại chúng cả trong nước và nước ngoài, nhằm tạo sự kết nối, lan tỏa sự cảm thông đối với NNCĐDC Việt Nam, để động viên nguồn lực giúp đỡ các nạn nhân.
- Điều không kém phần quan trọng là tiếp tục hoàn thiện bộ hồ sơ đầy đủ, khoa học, đảm bảo tính pháp lý để tiếp tục kiên trì đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam nhằm đáp lại lòng mong đợi của toàn thể xã hội cũng như hàng triệu NNCĐDC Việt Nam…
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh
Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam