Một nguyên lý cơ bản của độc học là “Chất gì cũng độc và cũng không độc, vấn đề là liều lượng”. Điều đó có nghĩa là bất cứ chất gì, nếu dùng quá liều cho phép chất không độc sẽ trở thành chất độc.

  Chất diệt cỏ thông thường dùng quá liều cho phép, chắc chắn trở thành chất độc đối với môi trường và con người. Trong chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã sử dụng chất diệt cỏ nhiều lần với nồng độ gấp hàng chục lần so với nồng độ cho phép, và vì vậy, chỉ riêng chất diệt cỏ thôi cũng đã đủ gây tồn hại môi trường và sức khỏe con người ở những vùng bị rải.

  Chất diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh phần nhiều là loại có chứa 2,4,5 T- một hợp chất hữu cơ chứa Clo. Chất da cam là một hỗn hợp chứa 2,4,5 T và 2,4 D. Ngoài chất da cam, các chất trắng, chất xanh, ... cũng chứa 2,4,5 T. Ở đâu có 2,4,5T thì ở đó có dioxin - một sản phẩm phụ sinh ra trong quá trình sản xuất 2,4,5 T. Công nghệ sản xuất 2,4,5 T càng lạc hậu, dioxin càng nhiều. Để tăng sản lượng 2,4,5 T theo yêu cầu của quân đội Mỹ, các công ty nâng nhiệt độ công nghệ sản xuất 2,4,5 T, vì thế dioxin càng nhiều hơn.

  Dioxin là chất độc nhất trong các chất độc. Điều đó không ai có thể chối cãi. Chỉ với nồng độ vài phần tỷ gam, dioxin đã gây tai biến sinh sản và dị tật ở động vật thực nghiệm. Có đến hàng nghìn nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu về dioxin. Đã có 26 hội nghị Quốc tế bàn về dioxin. Dioxin là mối quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu độc học, sinh thái, môi trường. Công nghiệp càng phát triển, đời sống càng cao, người ta càng quan tâm phòng và chống nhiễm độc dioxin. Loại trừ dioxin ra khỏi môi trường là điều cực kỳ khó vì dioxin là “sản phẩm của lửa và các chất hữu cơ”.

  Trong hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, có bao nhiêu dioxin? Các nhà khoa học ước tính rất khác nhau. Các nhà khoa học ở Đại học tổng hợp Columbia (Mỹ) ước tính khoảng 366 kg. Các nhà khoa học Nga và Việt Nam ước tính cao gấp 2 đến 3 lần số đó. Cứ cho rằng ở mức 366kg, thì con số này cũng đã quá lớn và gây hại nặng nề đến môi trường và con người Việt Nam.

  Dioxin gây nên nhiều bệnh tật. Danh mục bệnh tật do dioxin ngày càng dài và nặng nề. Điều đó có từ kết quảnghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, trong đó có Mỹ và Việt Nam. Rất tiếc cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra dấu hiệu lâm sàng hay xét nghiệm sinh học đặc hiệu để chẩn đoán nhiễm độc dioxin. Định lượng dioxin chỉ để tham khảo, xác định có phơi nhiễm dioxin hay không. Nồng độ dioxin thấp hoặc không còn tìm thấy ở những người trước đây tiếp xúc với chất diệt cỏ/dioxin không loại trừ nguyên nhân dioxin gây bệnh tật cho họ vì dioxin đã thải trừ dần từ hàng chục năm qua. Vì vậy, chúng ta buộc phải dựa vào những thăm khám dịch tễ học, nghĩa là phải tiến hành nghiên cứu với qui mô lớn, so sánh bệnh tật giữa nhóm có tiếp xúc với chất diệt cỏ/dioxin với nhóm không tiếp xúc để tìm ra sự khác nhau cơ bản về bệnh tật giữa hai nhóm. Đây là phương pháp kinh điển, nghĩa là luôn luôn đúng, được các nhà khoa học trên thế giới thừa nhận, không chỉ đối với dioxin mà còn đối với các chất độc nghề nghiệp khác khi chưa tìm ra các dấu hiệu có tính đặc hiệu cho chẩn đoán.

  Các nhà khoa học Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu dịch tễ học về lĩnh vực này, đặc biệt có công trình với qui mô rất lớn, nghiên cứu ở hơn 47.000 cựu chiến binh và con cháu của họ. Sự khác biệt về bệnh tật đã được xác định. Đáng chú ý là dị tật bẩm sinh ở con và cháu của các cựu chiến binh có tiếp xúc với chất diệt cỏ/dioxin cao hơn hẳn so với nhóm không tiếp xúc.

  Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân cụ thể, việc chấn đoán bệnh tật do dioxin không đơn giản. Những thăm khám lâm sàng, xét nghiệm phải đủ để chẩn đoán bệnh tật. Tiền sử tiếp xúc với chất diệt cỏ/dioxin được coi là tiêu chuẩn không thể thiếu. Hỏi kỹ để loại trừ các nguyên nhân khác là việc làm cần thiết, với các thức đó, không có lạm dụng chẩn đoán bệnh tật do dioxin, không thể coi hầu hết người khuyết tật, dị tật bẩm sinh là do chất diệt cỏ/dioxin.

  Trong nghiên cứu về dioxin “không có câu hỏi đơn giản và cũng không có câu trả lời đơn giản” (trích lời phát biểu của Đại sứ Mỹ Buckhardt tại lễ khai mạc hội nghị khoa học Việt - Mỹ năm 2002 tại Hà Nội). Chẩn đoán một cách đơn giản nhiễm độc dioxin là không khoa học. Nhưng sẽ không khoa học hơn nếu nói rằng không có sự liên quan giữa chất diệt cỏ/dioxin với những người khuyết tật, những trẻ em bị di tật bẩm sinh ở Việt Nam bởi vì những lý lẽ trên đã đủ xác định hậu quả nặng nề của dioxin đối với con người Việt Nam./.

                                                                                    (Theo Tạp chí Độc học - Bộ Tài nguyên & Môi trường)