Các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà quản lý tham dự Hội thảo đã thuyết trình và cùng nhau phân tích, thảo luận, đề xuất giải pháp về các vấn đề sức khỏe liên quan đến chất độc da cam/dioxin; thực trạng một số khuyết tật bẩm sinh phổ biến ở người Việt Nam; đặc điểm dị tật bẩm sinh, bất thường thai sản ở gia đình các cựu chiến binh có tiền sử phơi nhiễm dioxin-thực trạng và một số giải pháp kỹ thuật chẩn đoán trước sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ sinh con bị dị tật; nghiên cứu tần suất và tính chất di truyền của một số dị tật bẩm sinh ở vùng có nguy cơ phơi nhiễm với chất độc hóa học trong chiến tranh; nghiên cứu, đánh giá thay đổi/đột biến gen ở các gia đình nạn nhân dioxin có con bị dị tật bẩm sinh; tình hình sàng lọc, chẩn đoán sớm và thực trạng quản lý dị tật bẩm sinh ở Việt Nam… 

Hàng năm ở Việt Nam có khoảng 22.000-30.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, chiếm 1,5-2% trong tổng số trẻ sơ sinh; số trẻ bị dị tật bẩm sinh tử vong rất cao. Còn dị tật bẩm sinh trong nhóm bị phơi nhiễm với dioxin cao hơn 63% so với nhóm không bị phơi nhiễm. 

Để giảm thiểu tỷ lệ dị tật bẩm sinh nên áp dụng giải pháp sàng lọc trước khi sinh, như xét nghiệm thai phụ xác định các dị tật bẩm sinh, điều trị sớm hoặc chấm dứt thai kỳ. 

Giải pháp thứ hai là sàng lọc sơ sinh phát hiện sớm những rối loạn nội tiết, chuyển hóa, di truyền cần điều trị ngay, giúp trẻ phát triển bình thường cả về thể chất và tinh thần. 

Qua nghiên cứu về đặc điểm dị tật bẩm sinh, bất thường thai sản ở gia đình các cựu chiến binh có tiền sử phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin của nhóm các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y, tỷ lệ dị tật bẩm sinh của con cháu họ cao hơn nhiều so với tỷ lệ này trong cộng đồng (từ 39,8-42,6%). 

Trong 17 chứng bệnh liên quan đến chất độc dioxin của con cháu các cựu chiến binh bị phơi nhiễm, tỷ lệ dị tật cơ xương cao nhất với 44,2%, tiếp đó là hội chứng Down chiếm 16%. 

Tần suất dị dạng bẩm sinh ở con thứ nhất và thứ 2 cao hơn các con tiếp theo, ở F1 cao hơn F2; tỷ lệ bất thường thai sản trên tổng số lần mang thai ở vợ cựu chiến binh có tiền sử phơi nhiễm với chất độc da cam/dioxin là 15,6%, cao hơn tầng suất chung của cộng đồng. 

Từ những kết quả nghiên cứu nêu trên, các nhà khoa học tham dự Hội thảo đề xuất các giải pháp giảm thiểu nguy cơ sinh con bị dị tật. 

Trước hết cần phải phát triển các kỹ thuật mới và có chiến lược sàng lọc, chẩn đoán trước sinh; đồng thời tăng cường sự đầu tư của Nhà nước và phối hợp giữa các trung tâm chẩn đoán trước sinh, gắn kết bệnh viện với các phân tích labo di truyền. 

Tại các “vùng nóng” ô nhiễm dioxin nên ưu tiên cho những dự án giải quyết dị tật bẩm sinh và các bất thường sinh sản; chữa trị cho người khuyết tật; người phơi nhiễm và một số loại bệnh khác liên quan tới dioxin. Nhất là xây dựng Trung tâm chẩn đoán trước sinh tại Đà Nẵng, Biên Hòa. 

Mặt khác triển khai Chương trình truyền thông và giáo dục sức khỏe dự phòng phơi nhiễm dioxin tại các điểm nóng, trong đó thực hiện quản lý sức khỏe cho người dân sống tại các phường lân cận sân bay Biên Hòa và sân bay Đà Nẵng…/. 

theo http://www.vava-kiengiang.com