Dioxin từ môi trường vào cơ thể con người qua nhiều đường khác như hít thở, ngấm qua da thường và qua thực phẩm. Vì vậy, trong máu người thường có một hàm lượng nhỏ dioxin. Trong đó, dioxin từ môi trường vào trong cơ thể con người do ăn uống thực phẩm nhiễm bẩn dioxin là chủ yếu (khoảng 90%). Đặc biệt, tại các điểm nóng ô nhiễm dioxin như xung quanh sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát… thì người dân có nguy cơ cao bị nhiễm dioxin qua thực phẩm nếu tiêu thụ cá, tôm, cua, ốc nước ngọt đánh bắt tại các hồ ô nhiễm dioxin; gia súc, gia cầm và trứng gia cầm chăn thả kiểu truyền thống.

   Để xác định một người bị nhiễm dioxin hay không rất khó, cần làm xét nghiệm nồng độ dioxin trong máu. Với phụ nữ đang cho con bú thì có thể làm xét nghiệm nồng độ dioxin trong mẫu sữa (xét nghiệm mẫu máu hay sữa mẹ thường rất đắt vì phải gửi mẫu ra nước ngoài, tốn hơn 20 triệu đồng/mẫu).

    Phần lớn các bệnh tật có liên quan đến phơi nhiễm dioxin thường xuất hiện nhiều năm, thậm chí hàng chục năm nên khi nồng độ dioxin trong máu ở mức trên 10 pg/g (mức có nguy cơ bị ảnh hưởng sức khỏe) thường không có biểu hiện bên ngoài. Còn các ảnh hưởng sức khỏe (như ung thư) có thể do nhiều nguyên nhân khác, không phải chỉ do phơi nhiễm dioxin (có thể bị ung thư do hút thuốc, uống rượu, ăn thực phẩm nhiễm bẩn, thuốc bảo vệ thực vật, uống nước bị nhiễm asen…).

    Cùng một liều phơi nhiễm thì những người béo thường tích tụ nhiều dioxin trong cơ thể và đào thải chậm hơn những người gầy. Phụ nữ sau khi sinh thường đào thải một lượng lớn dioxin trong cơ thể qua tiết sữa. Do đó người mẹ xét nghiệm biết mình có nồng độ dioxin trong cơ thể cao thì không nên cho con bú.

   Trên thế giới chưa có phương pháp hiệu quả để giúp giảm nhanh nồng độ dioxin trong cơ thể người, đặc biệt là chất gây ung thư ở người. Cơ thể đào thải dioxin nhờ quá trình chuyển hóa dioxin ở trong gan thành các chất dễ tan trong nước và ít độc hại hơn. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất chậm (trung bình khoảng 7,5 năm mới giảm được một nửa hàm lượng dioxin trong cơ thể, hay còn gọi là thời gian bán hủy) và do đó dioxin thường tích tụ lại trong cơ thể một thời gian rất dài.

    Phòng tránh phơi nhiễm dioxin

    Người dân sống ở các điểm nóng dioxin có nguy cơ bị phơi nhiễm với dioxin cao hơn ở các vùng khác vì các điểm nóng dioxin là những nơi có nồng độ dioxin trong môi trường (đất, nước, không khí, thực phẩm) hiện vẫn còn cao. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chủ động dự phòng phơi nhiễm với dioxin cho bản thân và gia đình bằng các biện pháp dự phòng quan trọng sau:

– Không nên đánh bắt hay chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá, tôm, cua, ốc hay trồng bí ngô, ngó sen ở khu vực ô nhiễm dioxin.
– Không nên tiếp xúc trực tiếp với bùn đất ở khu vực ô nhiễm dioxin khi da bị trầy xước.
– Không nên để trẻ em nghịch đất, bùn ở khu vực ô nhiễm dioxin do trẻ em có thể vô tình nuốt phải đất ô nhiễm dioxin khi cho tay bẩn vào miệng.
– Sử dụng nước máy hoặc nước giếng đã lọc sạch trong ăn uống, sinh hoạt.
– Lọc bỏ bớt mỡ động vật nếu nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng.
– Sử dụng đồ bảo hộ lao động (ủng, găng tay, khẩu trang, kính mắt) khi tiếp xúc với bùn, đất ô nhiễm dioxin.
– Đeo khẩu trang trong những ngày có gió to nếu đang sống tại các khu vực điểm nóng ô nhiễm dioxin để hạn chế hít phải bụi đất ô nhiễm.
– Thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng để tránh nuốt phải đất bẩn khi vô tình cho tay vào miệng hay cầm nắm thức ăn.

Ths. Trần Thị Tuyết Hạnh
(Tư vấn chuyên môn, Hội Y tế công cộng Việt Nam)

    Bộ Y tế đã ban hành danh mục 17 bệnh tật được cho là có liên quan với phơi nhiễm dioxin (năm 2008), tuy vậy bị ung thư hay các bệnh khác phụ thuộc nhiều yếu tố. Phơi nhiễm dioxin ở mức cao là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư, không phải yếu tố quyết định 100% sẽ bị ung thư.