Yếu tố địa thế rậm rạp, hiểm trở đã tạo được thuận tiện cho đối phương tăng cường mãi những hành động khủng bố dã man đối với dân lành và tấn công phục kích quân ta. Địa thế rậm rạp cũng đã gây cho chúng thành những đoàn quân ma, có đấy rồi lại mất đấy khiến lực lượng võ trang của chúng ta luôn luôn bị đặt trong tình thế bị động, khó mà biết được vị trí căn cứ của chúng để mở các cuộc tấn công vào tận sào huyệt. Trong cuộc chiến tranh du kích, nếu không phá vỡ được các cơ sở của đối phương, không biết được đường rút lui của địch khi chúng đánh ta thì phần thắng lợi rất lỏng lẻo nếu không nói là thất bại.

Kinh nghiệm chiến trường và binh pháp cũng dạy cho ta thấy địa thế là một yếu tố cơ bản để chiến thắng. Bên nào biết lợi dụng địa thế thì bên đó thắng. Chiến thuật của Cộng sản là thứ chiến thuật du kích cơ hữu. Muốn chiến thắng đội quân ma đó cần phải phơi chúng ra ánh sáng, không cho chúng có những sào huyệt bất khả xâm phạm, chặn hết mọi đường vận chuyển của chúng, làm sao nhất cử nhất động của chúng đều được ghi nhận và phản ứng mau lẹ. Cần phải có một biện pháp cấp bách đối đầu và chặn đứng những hành động phá hoại của đối phương trong giai đoạn hiện tại. Tương lai hứa hẹn nhiều triển vọng nếu ta lập dược những hành lang trống địa để chia cắt những vùng rừng rậm vẫn được coi là bất khả xâm phạm mà VC thường dùng làm chiến khu, mật khu, thành những tuyến quân sự hoặc xạ trường tự do; lực lượng của đối phương sẽ bị giảm xuống và bị tiêu diệt dần một khi ta kiểm soát được hữu hiệu biên giới và giới tuyến. Các cuộc tấn công hay phục kích của địch sẽ giảm dần đến mức tối thiểu hay ít hiệu quả khi các giao thông lộ đã được khai quang cũng như khi nền kinh tế địch hoàn toàn bị triệt phá.

Thiếu yếu tố bất ngờ, mất những cơ sở dinh dưỡng địch sẽ chỉ còn là những con yêu tinh đã hiện nguyên hình mất hết các phép thần thông, không còn đáng sợ nữa và sẽ dần dần bị tiêu diệt đến tên cuối cùng.

Kế hoạch 202 nhằm mục tiêu:

Khai quang các trục quốc lộ;

Khai quang các chiến khu, mật khu của Việt cộng;

Khai quang vùng rừng núi rậm rạp mà VC thường ẩn nấp, qua lại;

Mở các hành lang trống địa dọc theo biên giới và giới tuyến;

Khai quang quanh các yếu khu, yếu điểm quân sự;

Phá hủy các ruộng rẫy hoa màu, các cơ sở kinh tế của VC.

1. Khai quang các quốc lộ nhằm mục đích triệt hạ những khu vực rừng hoang cây cối rậm rạp sát dọc theo các quốc lộ thuận tiện cho VC ẩn nấp để phục kích quân ta di chuyển trên các quốc lộ này.

- Quốc lộ 15: Biên Hòa – Vũng Tàu

- Quốc lộ 1: Biên Hòa – Phan Thiết

- Quốc lộ 20: Biên Hòa – Đà Lạt

- Quốc lộ 14: Biên Hòa – Ban Mê Thuật

Các trục lộ khác sẽ lần lượt thực hiện sau.

2. Khai quang các chiến khu, mật khu VC. Để bảo toàn lực lượng, VC thường chọn những vùng rừng núi rậm rạp, đường giao thông yếu kém, dân cư thưa thớt để làm chiến khu. Cây cối rậm rạp đã giúp cho chúng tránh được sự quan sát và oanh kích của không quân, một trong những khả năng chiến thuật của ta mà chúng rất sợ.

Để làm giảm hẳn yếu tố che chở này, cây rừng chiến khu VC cần được cắt xẻ bằng các hành lang trống địa chạy ngang các trục giao liên của chúng. Các hành lang này sữ giúp cho phi cơ quan sát và khu trục của ta dễ dàng tìm kiếm và tiêu diệt chúng. Ngoài ra, các hành lang này cũng giúp cho các cuộc hành quân tảo thanh của ta được dễ dàng và an ninh hơn.

Các chiến khu quan trọng của Việt cộng: Chiến khu D, Dương Minh Châu, Mật khu Đỗ Xá, Mật khu 22, Mật khu Chư Dleya, Mật khu Tô Hạp, Mật khu Đồng Tháp và Mật khu U Minh.

Tổng số có tới trên 50 Mật khu VC đã được xác nhận. Ngoài ra còn có những vùng không hẳn là mật khu trú đóng của VC, nhưng là những vùng bản lề mà chúng thường đặt các trạm giao liên để tiện sự thông thương trong xứ; hoặc là các vùng bàn đạp để tập trung lực lượng trước khi xuất phát tấn công ta. Đó là: Rừng An Sơn, Rừng Rau Răm.

3. Hành lang trống địa dọc biên giới và giới tuyến VNCH phân chia với Hạ Bắc Việt bằng một vùng giới tuyến dài hơn 70 km.

Vì phần lớn đường biên giới Việt – Miên – Lào chạy qua các vùng rừng núi rậm rạp, núi non hiểm trở thêm vào tình hình quân sự gần đây của Hạ Lào cùng với chính sách trung lập của Cao Miên, tất cả đã gây cho VC có nhiều điều kiện thuận lợi để xâm nhập vào lãnh thổ VNCH

Để ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập đồng thời cắt đứt liên lạc của các lực lượng đã nhập nội và nhất là để đề phòng các cuộc công khai xâm lăng của Khối Cộng vào VNCH, cần thực hiện một hành lang trống địa dọc biên giới Việt – Miên – Lào và vùng giới tuyến.

Hành lang này gồm có những bãi mìn liên tiếp thiết lập trong vùng quang đãng (dùng hóa chất để tiêu diệt cây cỏ) và được bảo vệ hữu hiệu bằng một số đồn biên giới có trang bị đầy đủ vũ khí và trang cụ tối tân thích nghi với nhiệm vụ này.

Giai đoạn đầu trong việc thiết lập hành lang trống địa này là công tác sử dụng hóa chất để tiêu diệt cây cỏ rồi đốt để khai hoang sau khi cây cối đã chết khô.

Hiện nay, TTTN&PTKNTC đang nghiên cứu thực hiện với tính cách trắc nghiệm một hành lang bảo vệ biên giới Việt Nam thuộc tiểu khu Tây Ninh hướng sang Cao Miên.

4. Khai quang các yếu khu, yếu điểm.

Hiện nay, một số lớn các yếu khu, yếu điểm quân sự được thiết lập tại các vùng cây cối rậm rạp, núi rừng hiểm trở. Ngoài ra các bãi đất trống dành cho xạ trường bao quanh các vị trí cần phải được thường xuyên được dọn cỏ, ủi quang và là một công tác nặng nề cho đơn vị trú đóng, nhất là trường hợp các bãi mìn cũ xưa (do người Pháp thiết lập vì không còn tài liệu gì để lại) bị cỏ mọc lấp đầy, khiến cho tầm quan sát của vị trí bị án ngữ.

Sử dụng hóa chất để khai quang các vùng này là một giải pháp mau chóng và hữu hiệu nhất giúp cho các yếu khu, yếu điểm này dễ dàng trong sự tuần tiễu phòng thủ vị trí.

Các yếu khu, yếu điểm này bao gồm có các đồn bốt, sở chỉ huy, doanh trại đơn vị, kho tàng, đài truyền tin, căn cứ không quân,... Các vị trí cần được khai quang: Căn cứ 2 Không quân Biên Hòa, Kho đạn Thành Tuy Hạ, các đồn dọc biên giới, phi trường Nhân cơ (Quảng Đức, nay là Đắc Nông).

5. Tiêu diệt ruộng rẫy Việt cộng

Để bớt gánh nặng tiếp tế từ Bắc vào, các đơn vị Việt cộng lén lút hoạt động tại Nam phần đều cố gắng phát triển các cơ sở kinh tế ngay tại các địa phương chúng ẩn náu nhất là vấn đề khai phá trồng trọt ngũ cốc để tự cung tự cấp thực phẩm. Công tác dùng hóa chất để tiêu diệt ruộng rẫy đi kèm với công tác bao vây kinh tế địch là một đòn rất mãnh liệt để tiêu diệt khả năng bành trướng của VC.

Hiện nay, đa số ruộng rẫy của Việt cộng đã được xác nhận đều ở tại vùng cao nguyên Trung phần. Điều thiết yếu là cần phun rải hóa chất vào đúng thời gian sắp gặt hái của chúng. / Nguồn: Hồ sơ Bộ TTM/QLVNCH/.

Ngày 12/3/1962

Đánh giá bi quan về hoạt động khai quang.

Chuẩn tướng Lục quân F.J. Delmore phụ trách Nhóm đánh giá Chương trình khai quang của BQP Hoa Kỳ đã trả lời các câu hỏi của Bộ Tham mưu liên quân (JGS) với những đánh giá bi quan về khả năng sử dụng các chất khai quang tại Nam Việt Nam. Ông ta đã báo cáo rằng chỉ có 20-25% lá cây xung quanh Biên Hòa bị lìa cành và rằng những nỗ lực đốt cháy lá đã thất bại. Ông kết luận “lợi ích về mặt tác chiến của hoạt động khai hoang là rất nhỏ nhoi”. Do vậy, cũng như căn cứ vào các báo cáo đánh giá bi quan khác, chương trình khai quang đã bị xem là “không có hiệu quả đáng kể”. Mặc dù các thành viên MAAGV không đồng tình với những báo cáo này và còn muốn có một chương trình được tăng cường mạnh mẽ hơn, song họ đã nhận được lệnh phải cắt giảm biên chế của Ranch Hand xuống còn 2 máy bay C-123 với số nhân viên hỗ trợ tối thiểu. /Eldon Downs, Project Corona Harvest/.

Ngày 7/4/1962

Hội Luật gia Dân chủ thế giới lên tiếng phản đối.

Ban Thư ký Hội Luật gia Dân chủ thế giới nhóm họp tại Praha, Tiệp Khắc ra tuyên bố vạch rõ: Việc sử dụng các chất hóa học để tiêu diệt cây cỏ và mùa màng ở Việt Nam là “trái với tất cả các quy tắc sơ đẳng của nhân đạo và nguyên tắc luật pháp quốc tế”. Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Tiến bộ (La Revue Progressiste), nhà ngoại giao Mỹ Edmun Tchabb xác nhận rằng, các LLVT Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã sử dụng các chất độc hóa học diệt cỏ và phá hoại mùa màng làm cho du kích vừa không có nơi ẩn trú vừa thiếu nguồn thức ăn.

Tháng 4/1962

Một nhóm đánh giá của quân đội Hoa Kỳ về tác động của các chất khai quang kết luận rằng các hoạt động khai quang có hiệu quả trong việc cải thiện khả năng hiển thị như là một trợ giúp trong việc quan sát từ trên không và dưới mặt đất các tuyến đường di chuyển của đối phương và làm giảm cơ hội phục kích của VC. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu khuyến cáo cần tăng liều lượng chất khai quang lên gấp đôi, từ 1,5 gall. lên 3,5 gall/acre.

Sau khi hoàn thành đánh giá này, Đại sứ Hoa Kỳ và Tư lệnh BTL Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV) được trao quyền phê duyệt các hoạt động khai quang rụng lá (20T) dọc theo các con đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường tải điện, các khu vực lân cận các kho, cảng hàng không, sân bay dã chiến .../Operation Trail Dust 1961-1963/.

Ngày 1/5/1962

Huấn luyện Hóa học.

Bắt đầu từ ngày 1/5, các cố vấn hóa học sư đoàn và Toán huấn luyện lưu động về ngành Hóa học của Quân đội Hoa Ký tới Việt Nam để huấn luyện cho ban Tham mưu hóa học/TTM/QLVNCH và các Toán hóa học mới thành lập tại trường Quân cụ trong thời gian 60 ngày, Việc huấn luyện sẽ hoàn tất vào ngày 11/7/1962.

Ban tham mưu hóa học và 9 Toán hóa học thành lập để trắc nghiệm từ 1/4/1962 do Nha Quân cụ cung cấp nhân viên. Riêng sĩ quan và hạ sĩ quan do SĐBB cung cấp. Mỗi toán có 1 cố vấn Hoa Kỳ hướng dẫn và tập trung tất cả tại trường Quân cụ để chờ thụ huấn.

Tháng 8/1962

Vào tháng 8 năm 1962, sau khi hoàn chỉnh hệ thống phun MC-1 để có thể phun với liều lượng 1,5 ga-lông trên một mẫu Anh, yêu cầu khai quang đã được phê duyệt cho các kênh rạch ở 6 khu vực của bán đảo Cà Mau. Các khu vực này đã được phun rải và cung cấp các dữ liệu thử nghiệm bổ sung cho giai đoạn 3 từ 3/9/1962 đến 11/10/1962.

Ngày 10/7/1962

Máy bay Mỹ liên tiếp phun rải chất độc hóa học xuống các xã Tân An, Tân Hòa, Phước Tân, dọc quốc lộ 15 thuộc huyện Long Thành làm cho hoa màu bị khô héo, 51 con trâu bị chết.

Ngày 25/7/1962

Nha Quân cụ Bộ TTM/QLVNCH cử 02 quân nhân đi Mỹ theo học lớp đào tạo sĩ quan Hóa học, Sinh học và Phóng xạ (Allied Chemical Officer Orientation and Chemical, Biological and Radiological officer), thời gian 18 tháng.

Ngày 27/7/1962

Bộ TTM/QLVNCH ban hành Bảng cấp số Toán Hóa học.

a/ Toán Hóa học sư đoàn bộ binh:

Nhiệm vụ Toán Hóa học: Yểm trợ các đơn vị chiến đấu sư đoàn về vấn đề liên quan tới phương tiện hóa học và vi trùng học (sinh học). Toán hóa học trực thuộc BTL sư đoàn BB về chỉ huy và sử dụng, trực thuộc Bộ TTM/P3 (Ban tham mưu hóa học) về kỹ thuật.

Mỗi Toán hóa học có thể yểm trợ huấn luyện về cách:

sử dụng dụng cụ: hộp khói và các loại đạn hóa học, súng phun lửa

chuẩn bị thực hiện các chướng ngại lửa bằng các phương tiện thích nghi ngoài chiến trường và bãi mìn;

sử dụng mặt nạ phòng hơi độc và các dụng cụ phòng vệ cá nhân khác; tẩy uế dụng cụ ....

Biên chế: Mỗi toán hóa học có toán trưởng, sĩ quan điều hành kiêm phụ tá, 1 hạ sĩ quan hóa học và 8 chuyên viên sử dụng dụng cụ hóa học (hạ sĩ quan kiêm hiệu thính viên, 2 binh sĩ kiêm lái xe)

Mỗi toán hóa học sư đoàn bộ binh được trang bị:

08 súng phun lửa M2A1 và một lô phụ tùng dự trữ;

01 máy nén khí còn gọi là máy ép hơi CFM-M1A1 dùng để nạp chất cháy;

04 máy Mity Mite, dùng để phun chất diệt cỏ thể lỏng hoặc chất độc kích thích CS dạng bột mịn vào hầm trú ẩn, địa đạo VC;

04 chiếc mặt nạ phòng độc-M9A1;

15 bao tiêu độc cá nhân-M5A1;

01 máy dò độc-M18;

Một bộ dụng cụ tiêu tẩy (tiêu độc và tẩy xạ)-M2;

01 máy vô tuyến điện AN/VQR.2;

01 máy vụ tuyến điện AN/PRC-10

b/ Toán hóa học tiểu khu

Nhiệm vụ tương tự như toán hóa học sư đoàn

Tổ chức: 01 sĩ quan – Trưởng toán; 04 hạ sĩ quan – Chuyên viên hóa học; 06 binh sĩ – Chuyên viên hóa học.

Ngày 28/7/1962

Đánh giá hiệu quả công tác 2R-phá hoại mùa màng

Giác thư của Giám đốc của Cục Tình báo và Nghiên cứu Hilsman gửi Trợ lý Ngoại trưởng Viễn Đông Harriman. Kèm theo là một nghiên cứu các đề xuất của sứ quán Sài Gòn và MACV cho phá hủy cây trồng (phá hủy mùa màng, công tác 2R) tại Việt Nam, mà chúng tôi đã chuẩn bị theo thỉnh cầu của ông Rice mô tả ngắn gọn về lý luận và kết luận có trong nghiên cứu cơ bản sau: Phá hủy cây trồng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng chính trị. Tình báo được kiểm soát hoàn toàn bởi Việt Cộng. Một số người vô tội, nhất là nông dân sẽ bị tổn thương và Việt cộng sẽ vận dụng tối đa điều này trong công tác tuyên truyền và tuyển dụng của họ. Dư luận thế giới chắc chắn sẽ phản ứng lớn hơn đối với các chương trình phá hủy cây trồng hơn là làm rụng lá. Thực phẩm ở miền Nam Việt Nam là phong phú, và chương trình phá hủy cây trồng sẽ không có khả năng đủ hiệu quả để gây ra nạn đói cho Việt cộng, nhưng hai mục tiêu chiến lược dường như có thể. Thứ nhất, một chương trình có hiệu quả có thể cắt giảm nguồn cung cấp thực phẩm đủ để Việt cộng dự trữ, do đó làm cho VC khó khăn trong việc tập trung lực lượng và duy trì chúng trong chiến đấu. Thứ hai một chương trình hiệu quả sẽ buộc VC để dành một tỷ lệ thời gian ngày càng tăng của họ vào việc mua và vận chuyển thực phẩm, hơn là chiến đấu. Có vẻ như rõ ràng, tuy nhiên, kết quả như vậy có thể đạt được chỉ ở giai đoạn sau trong chiến dịch chống du kích, sau khi VC đã được phân lập từ những người nông dân và hướng vào khu vực được xác định tập trung (ấp chiến lược). Để có hiệu quả, chương trình sẽ phải được mở rộng, nhưng liệu chính phủ có thể thực hiện một chương trình rộng lớn trong khi VC được phát tán rộng rãi như họ hiện nay. Một chương trình không hiệu quả sẽ chỉ buộc VC tăng cường nỗ lực của họ để xâm nhập phá ấp chiến lược và các chương trình ấp chiến lược ở trạng thái non trẻ hiện nay rất dễ bị tổn thương.

(còn nữa

Trích Da Cam Việt Nam