Trong số hàng trăm nạn nhân khuyết tật do di chứng của chất độc hóa học da cam để lại ở Cà Mau, rất nhiều nạn nhân đã vượt lên trên số phận, chiến thằng bệnh tật, và vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Trong số đó phải kể đến cháu Trần Kim Oanh, nạn nhân chất độc da cam ở Khóm 2, phường 1, thành phố Cà Mau một nạn nhân tiêu biểu vượt khó vươn lên được tỉnh chọn đi dự Đại hội điển hình tiên tiến giai đoạn 2016 – 2021 của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam. Gặp mặt và tiếp chuyện với cháu Oanh tại Đại hội tôi đã hiểu được phần nào về nỗi khổ tâm và quá trình vươn lên hòa nhập cộng đồng của cháu.

   Ngay từ khi mới cất tiếng khóc chào đời, cháu Oanh đã phải mang trong mình dị tật, bị liệt 2 chân. Là sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam, ông Trần Nguyễn Biển và vợ là bà Nguyễn Thị Quýt không kìm nổi xúc động đau buồn khi sinh ra đứa con bị dị tật. Ban đầu chẳng ai nghĩ rằng đó là ảnh hưởng của CĐHH nhưng sau đó khoa học đã chứng minh đây là di chứng của chất độc hóa học da cam do người cha hoặc mẹ bị nhiễm CĐHH để lại.  

                      

         Cháu Trần Kim Oanh tại Đại hội điển hình tiên tiến của Trung ương Hội

   Lúc còn nhỏ, tuy bị dị tật nhưng cháu Oanh luôn được nâng niu, chiều chuộng của cha mẹ và người thân trong gia đình. Khi cảm nhận được tình thương của cha mẹ cùng gia đình cũng là lúc cháu Oanh nhận ra sự tàn phế của đôi chân. Càng lớn lên nỗi buồn không thể nào kể xiết của cháu Oanh cứ đeo đẳng, dày vò cháu suốt mấy chục năm qua. Tuy nhiên nỗi buồn mỗi ngày một vơi đi khi đón nhận được tình thương yêu đùm bọc của gia đình, của Hội Nạn nhân và sự động viên an ủi của của cộng đồng xã hội.

   Do Bị liệt 2 chân nên khi di chuyển phải ngồi xe lăn và đến năm 14 tuổi cháu Oanh mới được cắp sách đến trường. Trước cảnh khó khăn thiếu thốn về kinh tế và hình ảnh cha mẹ tuy đã nghỉ hưu nhưng phải về quê thuê mướn đất nuôi tôm lấy tiền chăm lo cuộc sống gia đình, cháu Oanh luôn tự nhủ phải học tập tốt để không thua sút bạn bè, không phụ lòng dạy dỗ của các thầy cô, không phụ lòng quan tâm chăm lo của Hội Nạn nhân và cộng đồng xã hội đặc biệt là không phụ lòng chăm lo của cha mẹ và các anh chị hàng ngày phải đưa em đến trường. Ngoài việc học, cháu còn nhận đồ cắt sẵn về nhà may gia công kiếm thêm thu nhập cho gia đình, có đêm do hàng nhiều cháu phải thức đến 3 giờ sáng.

   Với năng khiếu, phát biểu lưu loát và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, năm 24 tuổi (khi còn học lớp 10) chi hội phụ nữ khóm đã mời tham gia các hoạt động của hội, dự thi phụ nữ cơ sở giỏi đạt loại giỏi. Trước điều kiện kinh tế gia đình không cho phép nên khi học song lớp 12 cháu đã bước vào đời tự thân lập nghiệp bằng việc làm công nhân ở Công ty Mỹ phẩm ở tỉnh nhà. Càng lớn lên cháu Oanh càng ý thức được sức khỏe của cha, mẹ ngày càng sa sút, gánh nặng của gia đình và cộng đồng xã hội đối với cháu ngày càng nhiều vì thế cháu Oanh quyết định lên thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm trong trường dạy nghề cho trẻ khuyết tật để học nghề Nail, nghề đan giỏ và làm hoa bằng phale. Không chỉ thế cháu còn sang Singapore để dạy nghề Nail nhờ sự bảo lãnh của đứa cháu.

  Sau những năm làm việc ở Singapore nhờ có được một số vốn vả lại vì nhớ cha mẹ, gia đình và quê hương, cháu về lại Thành phố Hồ Chí Minh thuê điểm làm nghề Nail dưới sự trợ giúp vốn vay với lãi xuất bằng không của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Cà Mau. Hiện nay thu nhập bằng việc làm của cháu đủ trang trải trong cuộc sống.

                          

                       Bằng khen của Trung ương Hội tặng cháu Oanh

   Với sức mạnh của niềm tin, nghị lực vươn lên của Cháu Oanh và được sự hỗ trợ của Hội Nạn nhân Phường 1, Hội Nạn nhân TP Cà Mau và Hội Nạn nhân tỉnh, cháu Oanh đã vượt hai nghìn cây số bằng các phương tiện xe hơi và máy bay để cùng với người bạn thân yêu là chiếc xe lăn đến dự Đại hội điển hình tiên tiến của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vừa qua. Tại Đại hội cháu Oanh đã được Phó chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ tặng quà, Trung ương Hội tặng bằng khen. Tâm sự với tôi cháu nói tới đây cháu sẽ trở lại Cà Mau quê hương thân yêu và cũng là nơi chôn nhau cắt rốn để vừa lao động kết hợp truyền nghề cho những ai yêu nghề hiện cháu đang làm./.

                                                                                                                                                                  

                                                                                                              Lê Xuân Thái

                                                                                                     Chủ tịch Hội huyện Năm Căn