TTTĐT - ​Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam (10/01/2004 - 10/01/2024), Trang Thông tin điện tử Hội NNCĐDC/DIOXIN tỉnh Cà Mau có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Mỹ – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Cà Mau về công tác chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.​

Trang TTĐT: Thưa ông, bối cảnh nào dẫn đến việc thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam và tỉnh nhà? Từ khi ra đời đến nay, Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Cà Mau đã phát huy truyền thống "Đoàn kết – Nghĩa tình – Trách nhiệm – Vì nạn nhân chất độc da cam" ra sao?

Ông Đặng Văn Mỹ: Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ nhưng di chứng chất độc hóa học do quân đội Mỹ phun rải xuống chiến trường miền Nam nước ta trong 10 năm (1961-1971) với khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kilogam Dioxin) đã gây ra hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Đó là những nỗi đau dai dẳng, những bất hạnh, thương đau cả về thể xác lẫn tinh thần đối với nhiều nạn nhân và nhiều gia đình. Tác hại của chất độc da cam/Dioxin kéo dài qua nhiều thế hệ, đến nay đã truyền sang thế hệ thứ tư. Để đáp ứng yêu cầu giải quyết hậu quả chất độc hóa học, hàn gắn vết thương chiến tranh và đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam đòi hỏi phải có một tổ chức đóng vai trò đảm đương nhiệm vụ.

Ảnh: Ông Đặng Văn Mỹ  – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Cà Mau

      Trước bối cảnh đó, ngày 10/01/2004, Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam chính thức ra mắt, hoạt động theo Quyết định số 84/2003/QĐ-BNV ngày 17/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Theo đó, tại Cà Mau một năm sau khi Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam ra đời, Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh được UBND tỉnh cho phép thành lập tại Quyết định số 78/QĐ-UBND ngày 07/06/2005.

 

Ảnh: Ông Nguyễn Văn Khanh – Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trao Kỷ niệm chương và Bằng khen cho cá nhân

     Từ khi thành lập đến nay, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền, địa phương và nhân dân trong tỉnh, Tỉnh Hội luôn phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị - xã hội được giao; tập hợp, đoàn kết hội viên, chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin; giáo dục, động viên và giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam cùng gia đình vượt khó vươn lên, hòa nhập cộng đồng; đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, đồng thời, cùng với Trung ương Hội đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân. Việc đảm bảo quyền lợi, chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân da cam ngày càng được nâng cao gắn với thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam" đã thiết thực góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Qua đó, các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh vui mừng, tin tưởng vào tổ chức đại diện pháp lý bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Trang TTĐT: Xin ông cho biết kết quả nổi bật của Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Cà Mau trong thời gian qua?

Ông Đặng Văn Mỹ: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền cùng với sự nỗ lực tích cực của đội ngũ cán bộ và hội viên, Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Cà Mau đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Hệ thống tổ chức Hội không ngừng được xây dựng, củng cố và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có thành viên ở 9/9 huyện, thành phố; 101/101 xã, phường thị trấn có tổ chức Hội. Hội các cấp đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khắc phục hậu quả chất độc da cam/Dioxin để toàn xã hội thấu hiểu, đồng cảm và chung tay xoa dịu nỗi đau da cam; thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu đề xuất hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nạn nhân. Tỉnh Hội đã ký kết chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, qua đó giúp tổ chức Hội hoạt động chất lượng, hiệu quả, đồng thời vận động phát triển hội viên tình nguyện ở các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân vươn lên hòa nhập cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 8.817 hội viên, trên 17 ngàn nạn nhân chất độc da cam.

Ảnh: Hội trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam tặng nhà cho nạn nhân​ chất độc da cam/dioxin

    Công tác tuyên truyền luôn được Tỉnh Hội chú trọng với nhiều hình thức, biện pháp ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo sự lan tỏa xã hội rộng rãi, động viên các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam; thảm họa da cam và công cuộc khắc phục thảm họa da cam ở Việt Nam; đặc biệt là việc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam được chuyển tải sâu đậm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tỉnh Hội đã tuyên truyền để lấy trên 8 ngàn chữ ký ủng hộ bà Trần Tố Nga – Việt Kiếu Pháp kiện các công ty hóa chất của Mỹ đã sản xuất ra thuốc diệt cỏ trong đó có chất độc da cam/Dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

    Các hoạt động và công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam được tăng cường, đặc biệt là trong các dịp kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10/8); nhắn tin từ thiện Vì nạn nhân chất độc da cam… với cách thức tổ chức và phương pháp phù hợp, hiệu quả, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ mới đã khơi dậy và phát huy tình cảm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam ngày càng hiệu quả và mang tính bền vững hơn như: Thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp thường xuyên và đột xuất; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng xe lăn, xe lắc, cho vay vốn sản xuất và hỗ trợ học bổng, giúp xây dựng nhà, sửa nhà... Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch so với cùng kỳ. Những năm gần đây, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8), 100% nạn nhân chất độc da cam/Dioxin trong tỉnh đều được hỗ trợ tiền và quà. Tỉnh Hội thường xuyên cùng với các nhà hảo tâm đi thăm và tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, Ban Chấp hành Tỉnh Hội đã vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, dạy nghề cho nạn nhân da cam. Tỉnh Hội đã tổ chức 3 đợt đưa 50 lượt nạn nhân chất độc da cam đi xông hơi giải độc tại bệnh viện y học cổ truyền tỉnh

Trang TTĐT: Phát huy những kết quả đã đạt được, Hội sẽ đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu nào ở nhiệm kỳ 2023-2028, thưa ông?

Ông Đặng Văn Mỹ: Nhiệm kỳ 2023-2028, Tỉnh Hội tiếp tục chú trọng công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam", đảm bảo kiện toàn nhân sự đủ 100 % các huyện, thành phố trong tỉnh có Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Tăng cường công tác phát triển hội viên, đặc biệt là hội viên tình nguyện. Phối hợp chặt chẽ với Tạp chí Da cam, Báo Cà Mau, Đài Phát thanh và Truyền hình Cà Mau, Cổng Thông tin điện tử Cà Mau, Trang thông tin điệnt ử tỉnh Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của chất độc da cam/Dioxin, phản ánh hoạt động của Hội, nêu gương điển hình người tốt, việc tốt đến các tầng lớp nhân dân. Qua đó, mỗi người có sự đồng cảm, sẻ chia, hỗ trợ và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Thăm hỏi, động viên kịp thời các nạn nhân chất độc da cam đang bị bệnh nặng, những gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ảnh: Ban chấp hành Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Cà Mau, nhiệm kỳ V (2023-2028)

Trang TTĐT: Thưa ông, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam, với vai trò là Chủ tịch Hội, ông có thông điệp gì muốn gửi đến cộng đồng xã hội?

    Xoa dịu "nỗi đau da cam" là việc làm nhân đạo, thiện nguyện và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng xã hội. Để Tỉnh Hội thực hiện tốt chức năng là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước đến với các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, mong rằng trong thời gian tới, nạn nhân chất độc da cam/Dioxin toàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng nhằm góp phần bù đắp những mất mát, thiệt thòi về thể chất lẫn tinh thần, đem lại cho nạn nhân niềm vui, niềm hy vọng để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn ông!

                                                                                                Văn phòng tỉnh Hội